Nỗi lo từ bến đò nhiều “không”
Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có hơn 200 bến đò ngang đang hoạt động (gần 30 bến chưa được cấp phép), trong đó nhiều nhất là ở các huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy và Long Mỹ… Tại huyện Phụng Hiệp, do địa bàn rộng, kênh rạch chằng chịt nên phát sinh nhiều bến đò để giải quyết nhu cầu đi lại. Thậm chí một khúc kênh ngắn có đến 2-3 bến hoạt động. Như tuyến kênh Lái Hiếu, đoạn qua địa bàn xã Phương Bình dài chưa đầy 3km nhưng có đến gần chục bến đò ngang. Một điểm dễ nhận thấy ở nhiều bến đò là không có thiết bị an toàn, không kẻ vạch dấu máng nước, không phương tiện chữa cháy hoặc nếu có cũng chỉ để đối phó và luôn trong tình trạng chở dư số người quy định. Điển hình như bến đò gần Trường THCS Tây Đô, chủ đò chỉ trang bị sơ sài vài chiếc áo phao cũ trong khi lượng khách-chủ yếu là học sinh-lúc nào cũng đầy ắp. Anh Mai Thanh Ân (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp) cho biết: “Nhiều khi qua lại bằng đò, nhất là vào mùa lũ cũng thấy sợ nhưng phải đi thôi chứ biết sao bây giờ?”.
Còn tại huyện Long Mỹ, tìm hiểu tại một số bến đò, chúng tôi được biết, ngoài việc không trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ, cứu nạn, nhiều chủ đò còn sử dụng ghe, xuồng làm phương tiện đưa khách qua sông, ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Một trong số đó là điểm đưa đò tại ấp 4, xã Thuận Hưng. Chị Y. là một trong số ít người đưa đò ban đêm bằng ghe và chèo bằng tay ở điểm này. Chị Y. cho biết: "Mỗi đêm, vào lúc các bến ngừng phục vụ (22 giờ) thì tôi điều khiển chiếc ghe đưa rước khách cho đến sáng hôm sau. Có những đêm ngoài chở người đi bộ, tôi còn chở thêm xe gắn máy...". Đoạn sông này rất rộng và tàu tải trọng lớn thường chạy qua, nếu đêm tối không quan sát kỹ hoặc chỉ một chút lơ là sẽ rất dễ xảy ra tai nạn. Ý thức được điều này, chị Y. trăn trở: “Biết là nguy hiểm nhưng vì nhà nghèo, có mỗi chiếc đò làm phương tiện mưu sinh nên tôi tranh thủ đưa khách ban đêm để có thêm thu nhập”.
Tình trạng chở quá tải cũng là vấn đề gây bức xúc dư luận xã hội thời gian qua. Tại nhiều bến đò ngang vào các giờ bình thường trong ngày, lượng người qua lại khá thưa thớt, phí thu từ khách không đủ bù chi phí dẫn đến tình trạng các chủ đò chờ cho khách tập trung đông tại bến rồi mới hoạt động. Do đông khách, nhiều người và xe phải chen ra ngoài vỉ đò, trong khi không có bất cứ thiết bị che chắn nào. Giữa chòng chành sông nước, việc này vô cùng nguy hiểm. Thượng tá Đinh Văn Dệ, Phó trưởng Công an huyện Phụng Hiệp cho biết: “Do huyện Phụng Hiệp có địa bàn rộng, bến đò ngang nằm rải rác, lực lượng liên ngành có hạn, vì thế khi tiến hành kiểm tra thì các chủ phương tiện tìm cách đối phó, khi đoàn kiểm tra đi thì đâu lại vào đó...”.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Tình trạng phương tiện quá hạn sử dụng, phương tiện hoán cải không đúng quy định, phương tiện cũ nát hoặc chưa đăng ký lén lút chở người, hàng hóa trên các tuyến đường thủy, nhất là trên các tuyến sông nhỏ còn xảy ra khá nhiều trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh, Hậu Giang hiện có 67 bến đò ngang do Trung ương quản lý, 109 bến do tỉnh quản lý, ngoài ra còn một số lượng lớn bến đò chèo tự phát. Thời gian qua, dù công tác thanh, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, tuy nhiên quy định xử phạt còn chưa đủ sức răn đe và chủ yếu là nhắc nhở nên không lâu thì "đâu lại vào đấy".
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Lê, Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang cho biết, theo quy định, hành khách qua các bến đò ngang phải được trang bị áo phao. Tuy nhiên, thực tế hiện nay phần lớn hành khách và các chủ phương tiện vì nhiều lý do thường vi phạm quy định này. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thủy tại các bến đò ngang. Đối với những trường hợp không đủ điều kiện thành lập bến, chúng tôi sẽ vận động sáp nhập hoặc chuyển đổi ngành nghề; với các trường hợp cố tình vi phạm, lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý, có thể đình chỉ hoạt động và bàn giao cho chính quyền địa phương giám sát nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối về tính mạng, tài sản của người dân khi lưu thông tại các bến đò”-ông Trần Văn Lê nhấn mạnh.
Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn đường thủy, đặc biệt là hiểm họa từ các bến đò ngang, sự kiểm tra, nhắc nhở từ ngành chức năng là rất quan trọng, tuy nhiên hơn hết vẫn là ý thức chấp hành các quy định an toàn của chủ phương tiện và bản thân mỗi hành khách.
THÚY AN