QĐND - Mặc dù các sòng bạc hoạt động công khai ngay tại trung tâm thành phố Plei-cu trong và sau Tết Nguyên đán, nhưng không thấy bóng dáng của các cơ quan chức năng. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao tình trạng đánh bạc công khai diễn ra nhưng không bị dẹp bỏ? Ai đã bao che cho hoạt động cờ bạc trá hình này?
Trên địa bàn thành phố Plei-cu những ngày Tết Giáp Ngọ 2014 cờ hoa rực rỡ, có nhiều hoạt động vui tươi, lành mạnh mang đậm nét văn hóa dân tộc được tổ chức. Đáng tiếc, một bộ phận thanh thiếu niên tụ tập chơi bài bạc. Tại nhà Văn hóa Thanh thiếu niên ở đường Hai Bà Trưng, lợi dụng các trò chơi dành cho học sinh, các “đầu nậu” đã tổ chức các sòng bạc “tôm, cua, rùa, cá” một cách công khai, nhưng không biết vì lý do gì mà các cơ quan chức năng vẫn để hoạt động, tạo dư luận không tốt cho người dân trên địa bàn.
 |
Trò chơi bắn súng ăn tiền. |
Với vỏ bọc là tổ chức các hoạt động vui chơi trong dịp Tết, các “đầu nậu” bài bạc đến từ địa phương khác đã mặc nhiên biến các hoạt động vui chơi lành mạnh vốn có ở đây như đu quay, tàu lửa, thú nhún, câu cá… thành các trò “vui chơi có thưởng ngày xuân” như ném tiêu trúng thưởng, bỏ bóng vào chậu nhựa, bắn súng ăn tiền… Trò chơi quay nhanh “tôm, cua, gà, cá, nai” là một kiểu đánh bạc công khai. Khi kim quay dừng lại ở con vật nào, thì người chơi trúng con vật đó, các ô còn lại thì người chơi bị thua. Những cánh tay cầm các xấp tiền mệnh giá từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng liên hồi đặt lên bàn có dán tấm ảnh của những con cua, con cá, con gà... Một lần quay chủ cái thắng đến 4 ô, còn người chơi chỉ được một. Người thua thì nhiều, người thắng chẳng bao nhiêu.
Việc tổ chức các hoạt động vui chơi Xuân ở đây thực chất là một chiếu bạc trá hình, nhiều người đến chủ yếu là chọn các gian hàng “cờ bạc” để ăn thua. Chỉ trong một khuôn viên nhỏ của sân nhà Văn hóa Thiếu nhi nhưng có 10 gian chơi cờ bạc. Hàng trăm người vây quanh sát phạt không khác gì một casino giữa lòng phố núi. Trong vai một người đi chơi Xuân, tôi móc túi lấy ra tờ một trăm ngàn đồng bỏ xuống ô “con cua” màu xanh. Xong việc, tôi đưa máy lên chụp kiểu ảnh để phục vụ cho bài viết này, nhưng đã bị một tay anh chị lấy tờ giấy chặn lại với lý do “tôi đã đăng ký và trả tiền mua gian hàng này rồi” anh thông cảm cho chúng tôi làm ăn.
Ở đây mỗi ngày đêm các sòng bài trá hình này thu hút từ 300 đến 500 lượt người, đa số là học sinh, sinh viên, người lao động đến từ các huyện, thị. Họ cùng bạn bè đi chơi Xuân, đưa con dạo phố, muốn xem và chơi các trò chơi giải trí trong những ngày Xuân. Nhưng ai ngờ khi vào đây với lời mời gọi hấp dẫn “một ăn mười”, “đánh ba trúng 30”… cùng với những con mồi giả đứng hai bên vứt tiền vào rồi ăn liên tục đã đánh vào lòng tham của nhiều người. Một thanh niên khoảng 29 tuổi đứng cạnh tôi đặt vào “ô nai” màu vàng hai trăm, “ô gà” màu đỏ một trăm nghìn đồng. Sau ba vòng quay đều trúng liên tiếp. Chưa đầy 15 phút, số tiền thắng lên cả trên triệu đồng. Thấy vậy, không ít người đánh theo anh ta (mà thực chất là một gã cò mồi) với số tiền cao hơn để rồi khi ra về trắng tay, không còn một đồng dính túi để trả tiền gửi xe. Một cặp vợ chồng dắt tay một cháu gái khoảng 3 tuổi ra về, trên khuôn mặt người vợ trẻ nước mắt lăn dài vì người chồng lần đầu tiên lên thành phố đã nướng sạch gần 5 triệu đồng.
 |
Một quầy tôm, cua, rùa, cá đánh bạc trá hình ở Nhà Văn hóa Thanh thiếu niên Gia Lai. |
Theo ước tính của chúng tôi, một sòng bạc tối thiểu cũng thu về từ 30 đến 50 triệu đồng. Điều xót xa là trong các "con bạc" đang thi nhau sát phạt ấy, có cả những người trên đầu có hai thứ tóc hay những đứa trẻ vẫn đang mặc trên mình chiếc áo đồng phục của trường phổ thông. Đồng tiền họ đang "nướng" vào canh bạc được lấy ra từ mồ hôi, công sức của những ngày lao động vất vả và từ phong bao mừng tuổi ý nghĩa.
Không giấu được bức xúc, anh Trần Văn Bếch ở phường Diên Hồng cho biết, hiện tượng cờ bạc, sát phạt nhau xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt trong các ngày lễ, Tết của dân tộc gây ra hậu quả xấu về nhiều mặt. Không ít gia đình tan nát vì có người ham mê bài bạc; nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên sa ngã vào các trò chơi đỏ đen, dẫn đến xao nhãng lao động xản xuất, học hành, rèn luyện phẩm chất. Nhiều em lừa dối cha mẹ hoặc rủ nhau đi trộm, cướp tài sản để có tiền tham gia đánh bạc.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tất cả các hình thức như trò bầu cua tôm cá, tiến lên, phỏm... mang tính ăn thua bằng tiền hoặc hiện vật đều được coi là đánh bạc. Hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về "Tội đánh bạc" nếu có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Người tổ chức đánh bạc thì sẽ bị khởi tố theo Điều 249 của Bộ luật Hình sự. Đây là những hành vi không những vi phạm luật pháp mà còn có ảnh hưởng xấu về mặt xã hội. Trách nhiệm để xảy ra các tệ nạn cờ bạc trước hết thuộc về chính quyền địa phương.
Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI