Mục tiêu dự án khác xa thực tế
Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt tại tiểu khu 163, xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) do Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh làm chủ đầu tư với tổng số vốn 381 tỷ đồng, bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 6-2015. Việc xây dựng nhà máy được xem là giải pháp cấp bách và có ý nghĩa quan trọng nhằm giải quyết tình trạng quá tải rác thải cho TP Đà Lạt bởi trước khi có nhà máy, toàn bộ rác thải của thành phố đều phải chôn lấp thủ công tại bãi rác Cam Ly và đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề.
Khi triển khai thực hiện dự án, chủ đầu tư cam kết nhà máy sẽ sử dụng công nghệ khép kín, hiện đại, thân thiện với môi trường. Rác thải sau khi tập kết sẽ được xử lý bằng hóa chất, sau đó đưa lên hệ thống băng chuyền tự động để phân tách thành nhiều loại khác nhau. Những loại có thể tái chế sẽ được thu gom, xử lý riêng, phần không thể tái chế sẽ được nghiền để sản xuất thành phân bón hoặc chôn lấp. Toàn bộ nước rỉ từ rác thải được thu gom, xử lý bằng hóa chất và tách lọc trước khi xả ra môi trường. Riêng rác thải y tế sẽ được xử lý bằng lò đốt sử dụng công nghệ nhập khẩu từ Thái Lan. Chủ đầu tư cũng cam kết nhà máy đủ công suất để xử lý toàn bộ lượng rác thải của TP Đà Lạt, đồng thời có phương án mở rộng quy mô, nâng cao công suất đáp ứng nhu cầu xử lý rác ngày càng tăng của thành phố trong tương lai.
Rác tồn đọng với số lượng lớn tại Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt.
Cam kết là vậy nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược, bởi đã hơn 1 năm đi vào hoạt động mà nhà máy hiện vẫn là công trường bề bộn, ngổn ngang. Hàng nghìn tấn rác tồn đọng, chưa kịp xử lý chất cao như núi, không được che chắn, ruồi nhặng bay vù vù, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Xung quanh bãi rác, những dòng nước đen đặc đang rỉ ra, đầy ứ và chỉ được ngăn không cho thoát ra môi trường xung quanh bằng những bờ đất tạm bợ. Cạnh đó, xưởng chế biến phân bón và 1 lò đốt rác thải đang trong tình trạng “đắp chiếu”. Nhà máy không có hệ thống tường bao, hệ thống xử lý nước thải cũng không có.
Ông Trần Uyên Diễn, Phó giám đốc Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh cho biết, hiện toàn bộ rác thải thông thường của TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương đều được thu gom mang về đây để xử lý. Tổng khối lượng trung bình khoảng 180-200 tấn/ngày. Tuy nhiên nhà máy hiện chỉ có 1 dây chuyền với công suất xử lý khoảng 100 tấn/ngày. Từ tháng 4 đến nay, tuần nào nhà máy cũng bị mất điện vào thứ ba, thứ năm, thứ bảy nên hoạt động thường xuyên bị gián đoạn, đó là chưa kể có lúc máy móc bị hư hỏng khiến cho quá trình xử lý rác gặp nhiều khó khăn.
Theo thiết kế, dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 bao gồm 2 dây chuyền xử lý rác với tổng công suất khoảng 200 tấn/ngày đêm, cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay. Tuy nhiên do khó khăn về vốn nên đến nay hệ thống dây chuyền xử lý thứ hai vẫn chưa thể triển khai. Trong khi đó, việc sản xuất phân bón từ nguồn rác thải sau khi tách lọc cũng không thể thực hiện được do thiếu đầu ra. Rác thải đưa về không xử lý hết, rác sau khi tách lọc cũng không biết đưa đi đâu, mặt bằng trữ rác tồn đọng phù hợp với quy chuẩn chưa có. Thực tế này đang đặt nhà máy trước nguy cơ “vỡ trận” và ô nhiễm nặng nề.
Thời gian qua, người dân sống gần nhà máy liên tục phản ánh lên chính quyền địa phương và lãnh đạo công ty về tình trạng ô nhiễm do nhà máy gây ra. Ông Phạm Ngọc Đức, Trưởng thôn Đất Làng, xã Xuân Trường, cho biết: "Kể từ khi nhà máy hoạt động, người dân trong thôn quanh năm phải ngửi mùi hôi thối từ bãi rác, ruồi nhặng bay về khu dân cư rất nhiều. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh tới đơn vị chủ quản và chính quyền địa phương nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp khắc phục".
Dẫn chúng tôi xuống vườn hoa đã bị nấm bệnh và chết khô tại khu vực dốc Đu, ông Nguyễn Văn Sinh là chủ khu vườn cho biết, nước từ rác thải của nhà máy ngấm và chảy tràn xuống suối, khi bơm nước từ suối tưới cho vườn thì hơn 5 sào ớt ngọt, dâu tây và các loại hoa của gia đình đều bị nấm bệnh và chết, gia đình phải chịu thiệt hại rất lớn.
Trong lá đơn được 40 hộ dân tại xã Xuân Trường ký tên gửi đến UBND tỉnh Lâm Đồng cũng ghi rõ: “Từ ngày công ty hoạt động đến nay đã 1 năm nhưng tất cả rác thải thu gom về và kể cả sau khi đã phân loại đều không xử lý mà chỉ chất thành núi xung quanh nhà máy, không có bạt đậy, từ đó gây mùi hôi thối, ruồi nhặng sinh sôi quá nhiều... Nghiêm trọng nhất là nhà máy không có hệ thống lọc nước thải mà trực tiếp xả ra 2 dòng suối gần công ty khiến các dòng suối bị ô nhiễm nặng nề…”.
Địa phương thiếu quan tâm
Đại diện Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh cho biết, hiện mức hỗ trợ xử lý rác của UBND tỉnh Lâm Đồng cho nhà máy là 129.500 đồng/tấn. Đây là mức được UBND tỉnh phê duyệt tại Văn bản số 2086/UBND ngày 27/4/2011. Tuy nhiên, qua gần 5 năm thực hiện, mức giá này không còn phù hợp do giá cả vật tư, nhiên liệu đầu vào cao; đơn giá, tiền lương và tiền công tăng; các chỉ số trượt giá quá lớn nên thu không đủ bù chi. Trong khi đó, chi phí thực tế hiện nay theo tính toán của công ty là 418.000 đồng/tấn. Mức giá hỗ trợ của UBND tỉnh Lâm Đồng cũng quá thấp nếu so sánh với mức hỗ trợ của một số địa phương trong khu vực, ví dụ giá hỗ trợ của tỉnh Đồng Nai hiện là 538.500 đồng/tấn. Theo ông Trần Uyên Diễn, Phó giám đốc Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh, với mức giá như hiện nay, mỗi tháng công ty thua lỗ khoảng 1,3 tỷ đồng. “Mặc dù giá hỗ trợ thấp nhưng đến nay công ty mới chỉ nhận được 50% tiền hỗ trợ từ địa phương”-ông Trần Uyên Diễn cho biết.
Ngày 21-9-2015, Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh có Tờ trình số 30/TTr-NLX/2015 về việc hỗ trợ tăng giá xử lý rác lên UBND tỉnh, theo đó công ty đề nghị UBND tỉnh chấp thuận tăng giá hỗ trợ ít nhất bằng mức quy định của Bộ Xây dựng. Tại kết luận giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII ngày 29-10-2015 cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho công ty. Tuy nhiên, đề nghị trên đến nay vẫn chưa được UBND tỉnh thông qua.
Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực môi trường, lĩnh vực được ưu tiên theo quy định của Chính phủ, nhưng quá trình triển khai thực hiện dự án công ty phải tự đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng như làm đường từ Quốc lộ 20 vào nhà máy, tự kéo điện lưới. Trong khi đó, nhà máy chưa được cung cấp nguồn nước sạch của thành phố, từ tháng 4-2016 đến nay nguồn điện cung cấp cho nhà máy thường xuyên bị gián đoạn.
Trong chiến lược từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tỉnh Lâm Đồng xác định xây dựng TP Đà Lạt trở thành đô thị xanh, trong đó vấn đề rác thải là một trong những ưu tiên cần phải giải quyết. Tuy nhiên, nếu những khó khăn, bất cập tại Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt không sớm được quan tâm tháo gỡ, e rằng mục tiêu về một đô thị sinh thái sẽ khó thành hiện thực.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG