QĐND - Đại tá Nguyễn Xuân Mai  - nguyên Tổng biên tập của Báo Phòng không -Không quân giờ đã chạm tuổi 80, là người lưu giữ nhiều kỷ niệm về chuyện tác nghiệp của các phóng viên trên các trận địa đầy khói lửa trong chiến dịch 12 ngày đêm năm ấy…

“Ngựa sắt” săn “pháo đài bay”

Đúng cái đêm đầu tiên Mỹ cho máy bay B-52 ném bom Hà Nội, đang có một hội diễn văn nghệ quần chúng của bộ đội Không quân tại sân bay Gia Lâm. ông Mai cùng phóng viên Xuân át đến dự. Sân khấu vừa mở màn, ông Trịnh Tấn  - Trưởng Ban Tuyên huấn vừa dứt lời khai mạc, Hà Nội bỗng nổi còi báo động. Mọi cán bộ, diễn viên nhanh chóng ra hầm trú ẩn. Khi những chiếc F111 sà xuống thấp, phóng tên lửa sơ -rai, ông nghe tiếng động cơ máy bay rú chói tai, tiếng mảnh đạn va vào thành hầm chan chát.

Có lệnh ng

Nhà báo Xuân Mai - nguyên Tổng biên tập Báo Phòng không - Không quân.

ừng hội diễn. Chiếc xe com -măng-ca của Phòng Tuyên huấn khẩn trương vượt cầu phao Chương Dương bắc qua sông Hồng, trở về nơi sơ tán của Cục Chính trị Quân chủng. Từ sân bay qua phố Gia Lâm, người và xe chật như nêm. Đạn tên lửa, đạn pháo cao xạ của ta từ các trận địa bắn lên sáng rực cả bầu trời. Nhờ có thẻ phóng viên, chiếc xe của Phòng Tuyên huấn được ưu tiên qua cầu phao trước.

Về đến nơi tòa soạn báo sơ tán ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ (tỉnh Hà Tây cũ) đã gần nửa đêm. Bỗng tiếng chuông điện thoại reo vang. Từ đầu dây bên kia, Phó chính ủy Quân chủng Nguyễn Xuân Mậu trực tiếp thông báo ta đã bắn rơi tại chỗ máy bay B -52 ở Phù Lỗ, yêu cầu Tổng biên tập cử ngay phóng viên đi chụp ảnh, đưa tin. Nghe tin, ông như hết mệt. Trong ông rộn lên niềm vui, tự hào và thật bất ngờ. Trước đó, dù đã có phương án đánh B -52 nhưng có bắn rơi tại chỗ được “pháo đài bay” Mỹ, chưa ai dám chắc. ông cử ngay phóng viên ảnh Nghiêm Thủy Nông dùng xe mô tô 2 bánh đi trước. Sau đó lại cử Xuân át và Phùng Đắc Tư đi tiếp, theo hai hướng, phòng khi một trong hai mũi bị tắc đường mà hỏng việc. 

Đúng như dự đoán. Thủy Nông bị tắc đường khi vượt bãi bom B -52 ở Đông Anh.  Xe máy không đi được, phải gửi xe vào nhà dân. Anh tiếp tục chạy bộ lên Phù Lỗ. Xuân át và Đắc Tư đi theo đường khác, có mặt sớm hơn, chụp được ảnh xác máy bay B -52, đem về tòa soạn. Phùng Đắc Tư còn kịp đứng bên xác chiếc B -52 đầu tiên bị bắn rơi, chụp một kiểu ảnh, lấy rõ cả phù hiệu bàn tay sắt và tia chớp, nay vẫn giữ làm kỷ niệm.

Ngày đầu tiên của chiến dịch, hai “cánh quân” của Báo Phòng không -Không quân đi tác nghiệp đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hôm sau, một người nữa phải đèo Thủy Nông sang Đông Anh lấy chiếc mô tô đã gửi. Khu vực này cũng bị bom Mỹ cày xới, chiếc xe đêm đó bị vùi lấp trong đống gạch. May nhờ Thủy Nông là người am hiểu kỹ thuật xe máy, nên đã nhanh chóng khôi phục được con “ngựa sắt”, chạy về tòa soạn.

Thời đó, có lúc lực lượng của Báo Phòng không -Không quân được chia đôi: Một nửa ở Hà Nội theo dõi tình hình phía Bắc, tiếp nhận bài vở, in ấn và phát hành; một nửa thường trú ở Sở chỉ huy tiền phương, lăn lộn cùng chiến trường. Đã từng tác nghiệp khắp các chiến trường nên việc “đón” Mỹ ở Hà Nội, mỗi phóng viên đều đã chuẩn bị sẵn tinh thần…

Trắng đêm cùng sự kiện

Ngày 22-12 năm ấy, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Tiểu đoàn 77. Sau khi thu âm xong toàn bộ những cuộc nói chuyện của Thủ tướng, ông Mai được cử đem cuốn băng lên Cục Tuyên huấn để phục vụ công tác tuyên truyền. Chiếc U -oát ra đến ngã ba Ba La thì đường tắc vì dòng người đi sơ tán. Trước biển người chen chúc, chiếc xe không sao nhích lên được. Xuân Mai vội xuống xe gặp đồng chí công an, mở máy ghi âm cho nghe tiếng nói của Thủ tướng và trình bày nhiệm vụ khẩn cấp của mình, đề nghị dẹp cho một lối đi. Anh công an rất hiểu nỗi lòng nhà báo, song vẫn đành bó tay vì đường đông quá.

Cho xe quay ngược lại con đường đất đê Mai Lĩnh, qua Đại Mỗ, qua thị xã Hà Đông, về đến khu vực Cao -Xà-Lá, giữa lúc bom Mỹ giội xuống. Xe của ông phải tạm dừng, hết bom lại tiếp tục đi. Đến được Phòng Phát thanh Quân đội, đã quá nửa đêm. ông Hồng Lân  - Trưởng Phòng kiểm tra cuốn băng, ghi nhận những cố gắng của phóng viên Báo Phòng không -Không quân và yêu cầu Xuân Mai viết ngay bài tường thuật về sự có mặt của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trên trận địa giữa những ngày đánh B -52.  ông ngồi viết ngay tại trụ sở của đài, trong lúc Hà Nội liên tiếp vang rền tiếng còi báo động xen giữa tiếng bom đạn. 4 giờ sáng, bài viết được  hoàn thành, vừa kịp phát vào chương trình thời sự lúc 6 giờ sáng 23-12-1972.

Bài và ảnh: HỒNG LINH