Nghệ thuật diễn tả nội tâm chỉ có trong tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ trữ tình, truyện thơ, trường ca... Bình Ngô đại cáo là một bài văn chính luận sao lại bàn đến nghệ thuật diễn tả nội tâm, tức là sự hóa thân-nhập thân trong sáng tạo văn học? Lại nữa, diễn tả nội tâm chỉ phát triển mạnh trong giai đoạn văn học Việt Nam từ thế kỷ XVI cho đến nay. Những tác phẩm diễn tả nội tâm đặc sắc chỉ có thể kể đến: Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Truyện Kiều v.v..
Theo tôi, các tác giả của những tác phẩm trên đây chỉ dừng lại ở việc diễn tả tâm trạng của chính bản thân mình. Chưa có ai trong số họ hóa thân, nhập thân để diễn tả tâm trạng của người khác như trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Ông đã nhập thân, hóa thân vào Lê Lợi để diễn tả một cách cụ thể, sinh động tâm trạng của Lê Lợi trong những ngày đầu dấy nghĩa:
Ta đây:
Núi Lam Sơn dấy nghĩa,
Chốn hoang dã nương mình
Ngẫm thù lớn há đội trời chung,
Căm giặc nước thề không
cùng sống.
Đau lòng, nhức óc, chốc đã
mười mấy năm trời
Nếm mật, nằm gai há phải
một hai sớm tối…
Như chúng ta từng biết: Khi Lê Lợi dấy nghĩa ở Lam Sơn thì Nguyễn Trãi đang bị kẹt ở thành Đông Quan (Thăng Long) mãi mấy năm sau mới vào được Lam Sơn để giúp Lê Lợi. Như vậy là Nguyễn Trãi không được tận mắt chứng kiến thời kỳ khó khăn ban đầu của cuộc khởi nghĩa. Viết về thời kì này chủ yếu Nguyễn Trãi chỉ nghe kể lại mà thôi. Ghi lại những điều nghe kể không khó. Cái khó là làm sao nhập vai vào Lê Lợi để diễn tả được nội tâm của vị anh hùng dân tộc trong buổi đầu dấy nghĩa. Không hóa thân, không nhập vai làm sao Nguyễn Trãi có thể diễn tả một cách cụ thể, sinh động, sâu sắc nội tâm của Lê Lợi đến như vậy? Bao nhiêu giằng xé, bao nhiêu day dứt, bao nhiêu lo lắng, bao nhiêu phẫn uất, căm giận... chất chồng. Nào là “ngẫm thù lớn”, nào là “căm giặc nước”, nào là “đau lòng, nhức óc”... Bản dịch của Bùi Văn Nguyên đã phần nào lột tả được tâm trạng Lê Lợi mà Nguyễn Trãi thể hiện trong nguyên tác. Có thể nói Nguyễn Trãi diễn tả tâm trạng Lê Lợi như đang diễn tả tâm trạng của chính mình. Ở đây, có sự đồng điệu của hai nhân cách lớn. Bởi vì tấm lòng yêu nước, thương dân của Nguyễn Trãi có khác gì Lê Lợi. Nếu không từng lo lắng, băn khoăn, trăn trở; nếu không từng “ngẫm thù lớn” như Lê Lợi làm sao Nguyễn Trãi có thể diễn tả một cách thành công như vậy! Phân tích Bình Ngô đại cáo mà bỏ qua nghệ thuật diễn tả nội tâm ở đoạn văn này theo tôi là một thiếu sót hết sức đáng tiếc.
Sự nhập thân, hóa thân để diễn tả nội tâm là đóng góp xuất sắc của Nguyễn Trãi trong tiến trình phát triển của lịch sử văn học dân tộc. Phải chăng Nguyễn Trãi là người mở đường, là người đặt nền móng cho nghệ thuật diễn tả nội tâm thông qua sự nhập thân, hóa thân để văn học ta có được những thành tựu rực rỡ sau này qua các tác phẩm của Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du...? Như vậy, ngay cả ở lĩnh vực văn chương, Nguyễn Trãi cũng là người đi trước thời đại. Và chúng ta có thêm một bằng chứng sinh động để khẳng định thiên tài của danh nhân Nguyễn Trãi.
MAI VĂN HOAN (Trường Quốc học Huế)