QĐND - Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp bà Trương Thị Hội Tố là đôi mắt sáng, khuôn mặt phúc hậu, giọng nói nhỏ nhẹ rất cuốn hút người nghe. Nhiều năm qua, hình ảnh và việc làm của bà - người vợ của hai liệt sĩ đã để lại dấu ấn đặc biệt đối với không ít người.

Người vợ của hai liệt sĩ

Bà Trương Thị Hội Tố năm nay đã 80 tuổi. Năm 1951, sau khi tốt nghiệp trường nữ hộ sinh Liên khu 3, bà kết duyên với anh Nguyễn Xuân. Sau đêm tân hôn mấy ngày, anh Xuân phải lên đường nhập ngũ. Trong chiến dịch Tây - Nam Ninh Bình năm 1953, anh Nguyễn Xuân, khi đó thuộc Trung đoàn 64, Đại đoàn Đồng Bằng, đã anh dũng hy sinh trước sự càn quét ác liệt của giặc Pháp.

Để quên đi nỗi đau xé lòng, sau ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1954, bà đã xung phong

Bà Trương Thị Hội Tố và cháu gái trong hội cắm hoa ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh tư liệu gia đình.

lên miền núi Yên Bái làm việc. Tại đây, bà bén duyên với bạn thân của chồng trong Đại đoàn Đồng Bằng, tên là Vũ Quang Bình. Người chồng mới của bà cũng lại đi chiến đấu biền biệt tháng ngày. Một mình tảo tần nuôi 3 con nhỏ tưởng đã quá sức nhưng bà đã cố gắng học lên bậc đại học và đã tốt nghiệp. Ai ngờ, lại một sự đau thương nữa ập đến: Vào tháng 4-1973, chồng bà - Thượng tá Vũ Quang Bình, Phó chính ủy Trung đoàn 968, đã hy sinh cùng Đại tá Đặng Tính, Chính ủy Binh đoàn Trường Sơn khi cả hai người đang trên đường đi công tác ở Trường Sơn Tây. Lúc này, đứa con đầu của bà mới 13 tuổi, đứa út 6 tuổi.

Làm sao nói hết nỗi đau của người phụ nữ "hai lần đò mà không đến bến". Hai người lính - hai người chồng đã hy sinh chỉ còn di ảnh trên bàn thờ, những tưởng sẽ làm cho người phụ nữ ấy khó có thể gượng dậy được. Thế nhưng, một mình bà đã nuôi dạy 3 người con ăn học thành đạt. Con trai đầu đã nối nghiệp của bố, hiện công tác tại Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không-Không quân. Bản thân bà, cũng rất cố gắng phấn đấu, từng làm Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Nam Định rồi làm chuyên gia y tế nhiều năm ở Cộng hòa Ăng-gô-la.

Nhân nghĩa từ thiện nguyện

Sau thời gian công tác ở Cộng hòa Ăng-gô-la, bà Tố nghỉ hưu. Giữa năm 1992, khi quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) thành lập một đội khám, chữa bệnh lưu động cho người nghèo, cựu chiến binh, gia đình chính sách trên địa bàn, bà Tố là người đầu tiên đăng ký tham gia. Trên chiếc xe đạp cũ kỹ, trong 5 năm liền, bất kể trời nắng hay trời mưa, bà sẵn sàng đi khắp 25 phường của quận Hai Bà Trưng để khám bệnh cho người dân nơi đây. Mỗi buổi sáng, bà ra khỏi nhà và bắt đầu một hành trình đầy nghĩa tình: Thầy thuốc đi tìm bệnh nhân. Bất cứ ai cần khám, bà đều sẵn lòng. Dần dần, hình ảnh một người phụ nữ “vác tù và hàng tổng” ấy đã trở nên thân quen đối với nhiều người dân quận Hai Bà Trưng cho dù nhà bà ở quận Thanh Xuân.

Bà Trương Thị Hội Tố phát biểu trong hội nghị Chữ thập đỏ ở quận Thanh Xuân Hà Nội.

Cuối năm 1997, Hội chữ Thập đỏ phường Giáp Bát (lúc đó vẫn đang thuộc quận Hai Bà Trưng) cho mượn một căn phòng tại địa chỉ số nhà 18, ngõ 4, phố Kim Đồng, phường Giáp Bát (nay thuộc quận Hoàng Mai) làm địa điểm khám bệnh miễn phí. Bà Tố làm trưởng phòng khám, cùng với ông Nguyễn Văn Thước, 82 tuổi (là bác sĩ Bệnh viện K đã nghỉ hưu) và bà Nguyễn Thị Sóc, 83 tuổi (là y tá của Bệnh viện Xanh Pôn cũng đã nghỉ hưu) tiến hành khám bệnh miễn phí cho người dân vào thứ hai và thứ năm hằng tuần. Phòng khám không có những thiết bị y tế hiện đại như máy chụp X-quang, máy siêu âm, cũng không có xét nghiệm, nhưng đã thu hút khá đông bệnh nhân đến khám, bởi họ đến đây được đón tiếp niềm nở, chu đáo và được giải thích cặn kẽ. Trung bình 20-25 lượt bệnh nhân đến khám mỗi ngày và được lưu vào hồ sơ. Trong 16 năm qua, đã có hơn 15 nghìn người khám bệnh miễn phí tại đây. Không chỉ khám bệnh, nơi đây còn cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân. Những ngày không đến phòng khám, bà Tố ở nhà tự nghiên cứu, cập nhật những kiến thức y học mới, tra từ điển tiếng Anh để biết chính xác tên từng loại thuốc để tư vấn cho người bệnh.

Bà Tố bộc bạch: “Ở bệnh viện, nhất là bệnh viện lớn tuyến trung ương có nhiều thuốc men, nhiều dụng cụ y tế hiện đại và có thầy thuốc chuyên khoa giỏi. Nhưng bệnh nhân quá nhiều dẫn đến quá tải, bác sĩ không còn thời gian chuyện trò, trao đổi với người bệnh. Ở phòng khám của chúng tôi, không thể nói chữa được các bệnh, vì phương tiện không đủ, thuốc men thì bình dân thôi. Nhưng họ đến phòng khám nhỏ bé này để được tận tình tư vấn, hướng dẫn phòng tránh, cách dùng thuốc hợp lý, không nhiều tiền mà lại hiệu quả. Đặc biệt, người cao tuổi cần nhất là sự ân cần, hòa nhã”.

Một tai nạn xảy đến với bà vào năm 1999, bà Tố không đi được xe đạp nữa. Vì vậy, hơn chục năm qua, khi đến phòng khám hay đi công tác xã hội bà đều phải thuê xe ôm. Ông Nguyễn Như Hòa, người dân ở phường Khương Mai, quận Thanh Xuân cho biết: “15 năm nay, trên chiếc xe gắn máy, không biết tôi đã chở bà Tố đi đến bao nhiêu cung đường, bao nhiêu cây số để bà làm việc thiện. Có lẽ tôi là người chở xe ôm cho một người lâu nhất”. Để duy trì hoạt động của phòng khám, cũng như để trợ cấp những hoàn cảnh khó khăn, 20 năm ròng, số tiền trợ cấp hằng tháng cho gia đình liệt sĩ, bà Tố đều dành để phục vụ cho việc khám, chữa bệnh. Bà còn về vận động con cháu trong gia đình cùng làm từ thiện. Noi gương bà, người con gái út Vũ Thị Hội Trường đã nhận đỡ đầu một em nhỏ từ khi em còn học lớp 2, đến nay em đã học tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ý nghĩa hơn, khi những việc làm từ thiện của bà đều được con cháu trong gia đình ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình. Hiện nay, bà là Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ phường Khương Mai. Năm 2010, bà Tố vinh dự là đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc tại Hà Nội.

Thay cho lời kết, tôi xin trích một đoạn viết trong bức thư của học trò cũ Thạch Ngọc Đức, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long gửi cô Trương Thị Hội Tố: "Hơn 30 năm qua, từ khi ra trường năm 1976, em đã công tác ở Hà Tây, Cần Thơ, Vĩnh Long. Em vẫn đã, đang và mãi mãi giữ được hình ảnh của cô Tố năm nào, tấm gương ấy đã đưa em vững vàng vào đời. Cô chủ nhiệm của chúng em đã vượt qua mọi nỗi đau riêng để trau dồi nghị lực cho các em…".

NGUYỄN CHÍ HÒA