Cao Thắng (1864-1893), quê ở xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Khi mới 10 tuổi, Cao Thắng làm liên lạc cho nghĩa quân Cờ Vàng, sau được Phan Đình Thuật (anh ruột Phan Đình Phùng) đưa về nuôi. Lớn lên, ông chiêu tập dân đinh khởi nghĩa rồi gia nhập nghĩa quân Phan Đình Phùng, được cụ Phan hết sức tin cẩn giao cho chức Quản Cơ khi mới 21 tuổi.
 |
Súng trường do Cao Thắng chế tạo trang bị cho nghĩa quân Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh (ảnh chụp tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) |
Cao Thắng không những là một nhà chỉ huy quân sự đầy mưu lược mà còn là một "kỹ sư quân giới chân đất". Lúc đầu, nghĩa quân cụ Phan rất thiếu súng đạn, chỉ có súng kíp. Cao Thắng tìm mọi cách để chế tạo được súng như của Tây. Trong một trận mai phục, ông và quân lính đã thu được 17 khẩu súng trường, hơn 600 viên đạn và mấy ngàn đồng bạc. Từ đó, ông cho tập trung thợ rèn Trung Lương, Vân Chàng, thợ mộc Xa Lang về Trường Sim mở lò rèn đúc súng. Ông tự tay tháo một khẩu súng trường kiểu 1874 ra thành từng mảnh, xem xét kích thước, công dụng của từng bộ phận, rồi đốc thúc thợ rèn cứ theo đúng kích thước mà làm, nếu hỏng lại rèn... cho đến kỳ được mới thôi.
Theo PGS Ngô Văn Hòa (Viện Sử học), Cao Thắng tổ chức sản xuất theo lối dây chuyền và chuyên môn hóa. Về nguyên liệu, ông cho người đi khắp các làng quê tìm mua tất cả những thứ như nồi đồng, mâm đồng, sắt cũ, sắt vụn, cầy cuốc hư hỏng của nhân dân đem về căn cứ đúc súng. Đồng bào lương giáo đã nhiệt liệt hưởng ứng, có người bớt cả đồ đồng đang dùng. Ngoài việc sản xuất súng, ông còn nghĩ cách chế thuốc súng theo kiểu thủ công, gồm than xoan tán nhỏ và diêm tiêu để nhồi vào đạn hoặc vượt rừng núi qua đường Lào sang tận Xiêm La (tức Thái Lan ngày nay) mua thuốc súng.
Chẳng bao lâu, những kho vũ khí lớn như Khe Rèn, đồn Cây Khế ở Đại Hàm đã chứa hàng trăm khẩu súng kiểu 1874 cùng rất nhiều đạn dược, súng bắn rất hiệu nghiệm và chỉ có nhược điểm là bắn không xa bằng súng Pháp do ruột gà ngắn và không có rãnh bên trong. Đại úy Ch.Gosselin trong quyển sách L'Empire d'Annam (Đế quốc An Nam) đã viết về thành tựu này như sau: "Các khẩu súng kiểu 1874 này được sản xuất bí mật tại những địa điểm mà chúng ta không phát hiện ra được và với một khối lượng rất nhiều. Tôi đã mang về Pháp vài khẩu súng này, chúng giống về tất cả mọi phương diện so với những khẩu súng do các công binh xưởng của chúng ta sản xuất và đã làm cho các sĩ quan pháo binh mà tôi đưa cho họ xem phải hết sức ngạc nhiên. Chúng chỉ khác với những khẩu súng của chúng ta về hai điểm mà thôi: Lò xo xoáy ốc tôi chưa đủ và lòng súng không có xẻ rãnh; hậu quả của điều này là đạn đi không xa. Tuy nhiên, những khẩu súng này đã bắn chết rất nhiều binh lính và sĩ quan người Âu và binh lính người bản xứ" (Nxb. Perrin et Cie, Paris, 1904, tr.313).
Thực dân Pháp ước lượng tổng số vũ khí do nghĩa quân sản xuất từ 1.200 đến 1.300 khẩu. Nếu tính cả số bị phá hủy chưa sử dụng được thì tổng số vũ khí do nghĩa quân chế tạo được lên đến vài ngàn khẩu. Sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa, tháng 1-1897, thực dân Pháp đã mang ra bán sắt vụn số súng thu được, trọng lượng lên đến hơn hai tấn rưỡi sắt.
Nhờ có súng và sự chỉ huy tài tình, nghĩa quân căn bản giữ vững và phát triển được lực lượng, liên tục tấn công địch ở Thanh Chương, Anh Sơn (Nghệ An), phát triển sang Hà Tĩnh, bẻ gẫy mọi cuộc càn quét của địch. Tuy nhiên, trong một trận đánh ở Thanh Chương, Cao Thắng đã hy sinh lúc mới 29 tuổi. Trong bài văn tế, cụ Phan Đình Phùng đã nhắc đến tài năng sáng tạo của con người anh hùng trẻ tuổi đối với nghĩa quân: "Thiên tài toán học chước Võ Hầu, chế súng đạn biết bao chừng cơ trí".
Súng trường do Cao Thắng chế tạo trang bị cho nghĩa quân Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh. (ảnh chụp tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)
Ngọc Hoàng