QĐND - Là một chiến sĩ hoạt động sâu trong lòng chế độ Việt Nam cộng hòa, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Ba Thắng, Chính ủy quân khu Sài Gòn-Gia Định 1968-1972, tôi đã được sống thực với những mất mát đau thương của chiến tranh, được chứng kiến biết bao gương anh hùng liệt sĩ, những hy sinh cao cả để dân tộc mãi được trường tồn.
Nhớ về mùa xuân Đại thắng năm 1975, tôi xin được đóng góp một cái nhìn xác thực từ bên kia chiến tuyến về Quảng Trị những ngày sau chiến dịch 1972. Thời gian đã lùi xa 39 năm sau cuộc chiến nhưng những gì còn lại đều là những sự kiện trung thực trong ký ức một chiến binh thầm lặng trên một mặt trận không bom rơi, không tiếng súng nhưng cũng không kém phần ác liệt.
Thạch Hãn - dòng sông máu lệ
Sông Thạch Hãn (hay còn gọi là sông Quảng Trị) là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Sông có chiều dài 155km, bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở phía Tây tỉnh Quảng Trị và đổ ra biển Đông qua Cửa Việt. Dòng sông Thạch Hãn mùa hè cạn trơ đáy, có thể lội bộ qua sông đoạn thị xã Quảng Trị và nhiều đoạn khác, do ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông, nên mới có tên là Thạch Hãn.
 |
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đang kể chuyện chiến đấu ở nghĩa trang đường 9, Quảng Trị. |
Gần bờ nam sông Thạch Hãn là Thành cổ Quảng Trị, là bến vượt đẫm máu của những đơn vị quân giải phóng vào giữ Thành Cổ Quảng Trị. 81 ngày đêm, mỗi đêm một đại đội hơn trăm chiến sĩ, hầu hết là sinh viên đã sang sông mà ngày hôm sau chỉ khoảng 10 người trở về. Hơn 14 nghìn chiến sĩ của chúng ta đã nằm lại nơi ấy, mảnh đất chưa đầy 3 cây số vuông. Thành Cổ Quảng Trị đã từng được gọi là “cối xay thịt”, còn dòng sông Thạch Hãn và sông Bến Hải… thì đã từng được gọi là dòng sông máu. Từ nhiều năm trước, có những cựu chiến binh, cứ đến ngày 27-7 lại về đây thả hoa trên sông tưởng nhớ đồng đội.
Và mấy năm gần đây, việc thả các bè hoa và nến trên sông đã trở thành một tục lệ của vùng này.
Những ai đã về thăm Quảng Trị, đã đến Thành cổ, đã viếng dòng sông Thạch hãn đều không cầm được nước mắt khi đọc lá thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, người chiến sĩ của những ngày hè đỏ lửa 1972, người sinh viên xuất sắc của Đại học Bách khoa Hà Nội. Máu anh đã nhuộm thêm đỏ dòng sông lịch sử. Trước khi anh dũng hy sinh vào ngày thứ 77 của trận chiến 81 ngày đêm khốc liệt nhất trong chiến dịch, anh đã bình thản viết thư cho người vợ trẻ để ân cần dặn dò bổn phận làm dâu, chăm sóc mẹ già và chỉ vẽ lại vị trí nơi anh sẽ nằm xuống để vợ anh tìm được hài cốt một mai khi hòa bình. Hơn 30 năm sau, anh đã được đưa về quê hương Thái Bình, nằm yên nghỉ giữa cánh đồng bao la, bên tiếng ru dạt dào ngàn đời của biển khơi.
1973... Dòng sông Thạch hãn đã vào thu nhưng lượng nước sông vẫn quá ít, chỉ đủ thấm ướt đôi bờ mênh mông đầy bùn đỏ. Lòng sông rộng hơn 100m nên không cần kính viễn vọng, chúng tôi cũng thấy bên kia bờ chiến tuyến (bờ bắc), bạt ngàn doanh trại, một màu xanh rêu trùng điệp đến ngút tầm mắt. Tiếng kèn đồng vọng trong không gian còn đục sương mai, lá cờ đỏ thắm sao vàng tung bay trong nắng và gió sớm, cho tôi cảm giác gai gai bi hùng.
Bên này bờ miền Nam tự do thì mỉa mai thay, chỉ toàn lô cốt bê tông, pháo tháp nham nhở gạch vôi và sắt thép, chằng chịt vòng rào kẽm gai quây ngang dọc, cũng mút mắt, cũng dằng dặc nhưng ngược lại, tạo cho người dân lành cảm giác bị giam hãm, tù đày. Tôi đứng dưới pháo đài chỉ huy bên dòng sông đỏ lặng lờ đã vắt cạn bao nước mắt các mẹ già, góa phụ hai miền, bên tai phần phật tiếng lá cờ to màu vàng ba sọc trong gió mà cảm khái trào dâng ướt mi, bổn phận làm trai thời loạn, là chứng nhân lịch sử một thời binh lửa của đất nước.
Chuẩn tướng Bùi Thế Lân, tân tư lệnh thủy quân lục chiến sửa lại gọng kính râm che gần hết khuôn mặt dưới vành mũ lưỡi trai rằn ri, luôn tay chỉ trỏ về phía bên kia sông và thuyết trình tình hình quân sự cho phái đoàn sinh viên Việt Nam cộng hòa từ hải ngoại về tham quan tình hình chiến sự. Viên tướng này có công đầu trong việc tái chiếm Thành cổ Quảng Trị, người chỉ huy binh chủng hùng mạnh và dữ dằn bậc nhất của quân đội ngụy làm tôi thất vọng nhiều. Dáng cao gầy, mặt thon, hai gò má nhô xương, giọng nói khản đặc không một chút hùng khí, ông luôn sụt sịt sau chiếc khăn tay trắng, cố gắng đối phó với cơn cảm nặng.
 |
Bến vượt đôi bờ sông Thạch Hãn năm 1972 của bộ đội ta từ Nhan Biều (bờ Bắc) sang Thành cổ (bờ Nam).Ảnh: Thanh Liêm |
Hôm ấy là ngày trao trả tù binh theo Hiệp định Pa-ri 1973 tại bờ Nam sông Thạch Hãn, có sự chứng kiến của đại diện Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát ngừng bắn. Từ sáng sớm, chính quyền miền Bắc, thân nhân, gia đình các tù binh đã tụ tập bên kia bờ sông, lo lắng chờ đợi. Từng đợt, từng toán khoảng 20-30 người được đưa lên ghe nhỏ chạy qua sông. Khi đến giữa dòng, tất cả đều lội xuống nước để leo lên thuyền bên kia đón. Sự việc diễn tiến êm ả, khác với lần trao đổi tù binh trước đó, vào ngày 17-3-1973, ồn ào đầy kịch tính!
… Tất cả tù binh đều cởi bỏ áo quần, giày dép, túi xách ném lại trên bờ như chối từ những ân huệ, mua chuộc của chính quyền Sài Gòn. Họ cởi trần, chạy ào xuống thuyền; có tiếng khóc, có tiếng reo hò phấn khích; có người còn rút từ trong người ra, giơ cao tấm băng rôn nhỏ bé với hàng chữ “Đả đảo đế quốc Mỹ”…
Nhưng cuộc trao trả lần này diễn tiến trong vòng trật tự và đơn giản ngay trên dòng sông gần cạn nước. Đến trưa, Chuẩn tướng Bùi Thế Lân họp báo và chiêu đãi phái đoàn sinh viên hải ngoại tại Bộ tư lệnh thủy quân lục chiến đóng bản doanh tại quận lỵ Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên, phía Nam Quảng Trị.
Hương Điền - Bộ tư lệnh Thủy quân lục chiến
Chiếc cầu phao dài hơn 200m đưa đến Bộ tư lệnh sư đoàn thủy quân lục chiến tại Hương Điền chòng chành theo nhịp bước của mọi người. Nhóm chúng tôi đến muộn vì còn vui chân dạo quanh phiên chợ, thăm hỏi dân tình và trò chuyện cùng mấy cô hàng bán nước bên đường.
Là người chủ trì bữa tiệc lính rằn ri bặm trợn đầy chiến tướng các tiểu đoàn Trâu Điên, Quái Điển, Kình Ngư, Ó Biển v.v.. tướng Lân tươi tỉnh hơn buổi sáng. Dù khuôn mặt vẫn che lấp bởi đôi mắt kính râm to đen, nhưng ông ta nhanh nhẹn hơn khi trả lời các phóng viên báo chí, cười nói hoạt bát dí dỏm cùng đám nữ sinh bao quanh. Liếc nhanh, chúng tôi thấy đủ mặt các đại tá lữ đoàn trưởng lì lợm Lữ 147 Nguyễn Năng Bảo, Lữ 258 Ngô Văn Định, Lữ 369 Phạm Văn Chung; ai nấy đều bận rộn, lúng túng với đám sinh viên hải ngoại, nhất là với đám nữ sinh luôn tíu tít bông đùa không mấy phù hợp với hoàn cảnh chiến trường còn mùi thuốc súng. Cuộc tiếp xúc giữa 2 thành phần xã hội quá cách biệt nhau về lối sống, về suy nghĩ và trình độ văn hóa, làm hỏng hoàn toàn mục đích úy lạo và nối vòng tay lớn của Nha chiến tranh tâm lý ngụy quyền.
Trung tá Đỗ Hữu Tùng, chỉ huy tiểu đoàn 6 Thần Ưng, đơn vị đã cắm lá cờ vàng trên Cổ thành, trong lúc quá chén, anh ta đã nói phóng đại chiến tích tiêu diệt toàn bộ 1.500 lính của Trung đoàn 27 QĐND Việt Nam và đoàn Triệu Hải chỉ còn sống sót hơn tiểu đội khi đào thoát qua sông.
Về chuyện này, gần đây có dịp trò chuyện với Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Trung đoàn trưởng trung đoàn 27/B5, tức trung đoàn Triệu Hải thời ấy, tôi mới vỡ ra sự thật về những huyền thoại. Đồng chí Nguyễn Huy Hiệu là một danh tướng của QĐND Việt Nam, là một dũng tướng đối với quân thù nhưng lại là một người hiền lành, mộc mạc, rất chân tình với bạn bè. Trong câu chuyện, thượng tướng tiết lộ: “Trung đoàn 27/B5 vượt sông Bến Hải vào Quảng Trị từ ngày 26 tháng 2 năm 1968, là lực lượng nổ súng vào cao điểm 31 Phúc Xa-Cửa Việt, đánh thiệt hại 2 tiểu đoàn địch; sau đó vây ép cứ điểm Cồn Tiên, địch gọi là “mắt thần hàng rào điện tử Mác-na-ma-ra”. Năm 1970, trung đoàn đánh bại “chiến thuật trâu rừng” của tướng A-bra-ham ở Sáp đá mài-Cam Lộ-Quảng Trị; chiến dịch đường 9-Nam Lào, tiêu diệt 28 xe quân sự trên đường 9 ở gần căn cứ Sa Mưu, cắt đứt đường tiếp tế của Mỹ-ngụy lên Khe Sanh-Bản Đông và là đơn vị đầu tiên mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị ngày 30 tháng 3 năm 1972. Trung đoàn cũng là đơn vị đã chặn đứng các đợt phản kích của địch, bảo vệ phía đông Thành cổ Quảng Trị trong thời gian gần 3 tháng. Dù thiệt hại nặng hơn 1/3 quân số vì mưa bom của B52 và pháo bầy Hạm đội 7, trải qua 5 năm chiến đấu kiên cường trên khắp các mặt trận, trung đoàn 27 đã được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và trung đoàn 27/B5 được mang tên Trung đoàn Triệu Hải anh hùng”.
... Riêng một góc trời, Trung tá Nguyễn Xuân Phúc tức Robert Lửa, Lữ đoàn phó 147 ngồi suy tư một mình dưới một gốc cây đổ nghiêng, đôi mắt đỏ lừ đầy gân máu ẩn sâu trong hố mắt diều hâu điên dại. Tôi bước lại gợi chuyện. Là một chiến binh hung hãn, liều lĩnh và khát máu nổi tiếng của đơn vị, một đặc tính chung của các binh chủng bán mạng như Nhảy dù, Biệt kích, Thám báo v.v.. nhưng khi trò chuyện có chút hơi men, hắn banh gan xẻ ruột, nói lên những bức xúc chôn tận đáy lòng.
Qua Robert Lửa, tôi chợt hiểu tình hình quân sự, chính trị và tương lai của chế độ Việt Nam Cộng hòa không còn tồn tại bao xa. Miền Nam không thể và không còn khả năng cầm cự trước đợt tấn công sắp tới chứ không như lời ông Chuẩn tướng đang thao thao nói ngoài kia, trước đám nữ sinh mắt tròn mắt dẹt. Quân trang, quân dụng, máy bay, chiến xa không được thay thế; đạn dược, xăng nhớt cạn kiệt dần. Thậm chí, những khẩu đội pháo tự hành 175 ly chỉ được phép bắn vài viên thị uy khi cần. Xe tăng M-48 không còn đủ xăng hành quân, không quân cũng lâm vào tình trạng bi thảm tương tự, không thể cất cánh tùy nghi như trước. Ngược lại, theo lời hắn thì mỗi đêm, trên đường mòn Hồ Chí Minh đang được sửa sang, mở rộng, đoàn xe quân đội Bắc Việt chi viện cho miền Nam rồng rắn nối đuôi nhau hàng trăm chiếc, đèn pha rọi sáng cả vùng.
Và thực tâm, Nguyễn Xuân Phúc đã thấm mệt, hắn cũng hiểu ngày tàn của chế độ mà hắn đang cố gắng chống đỡ và hy sinh xương máu sắp cáo chung rồi!
Trần Vịnh N.A