Nhà sàn của người Thái ở Mường La (Sơn La). Ảnh: VŨ QUANG THÁI

Đức tính chân thật, giản dị, vô tư và thuần phác đã giúp những người dân từ thân phận “cuông nhuốc” (nô lệ) khi gặp ánh sáng cách mạng của Đảng, Bác Hồ thì hết mình kiên trung cùng “đất nước đứng lên”. Nhưng đức tính ấy lại đang bị xâm hại, xói mòn khi cơn lốc mặt trái cơ chế thị trường đi qua miền sơn cước. Gặp ông, tôi mới hiểu, không đơn giản chút nào khi nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa Thái, một trong vài người có khả năng đọc được sách Thái cổ đưa ra đúc kết ấy...

Lên Sơn La, hỏi nhà nghiên cứu Hoàng Trần Nghịch thì hầu như ai cũng biết. Bởi ông nổi tiếng với hàng loạt công trình nghiên cứu sách Thái và cũng là người có công rất lớn biên soạn từ điển Thái – Việt. Thế nhưng, khi tôi vượt qua những ngõ phố vắng ngoằn ngoèo của thị xã miền sơn cước đến tìm ông thì lại thấy nhà nghiên cứu đang miệt mài viết… nghị quyết chi bộ! Ông chia sẻ:

- Bây giờ về hưu, mình được tin tưởng bầu làm Bí thư chi bộ của khu phố. Các bạn lên Sơn La bây giờ thấy có nhiều đổi thay, phát triển. Nhưng cũng nhiều công việc đau đầu lắm. Như chuyện nghiện ma túy làm nóng dư luận cả nước…

Khi “hương rừng gió núi bay đi ít nhiều”

PV: Luận giải nguyên nhân của sự “bùng phát” tệ ma túy ở Sơn La, dưới góc độ văn hóa, ông thấy có gì đặc biệt?

Ông Hoàng Trần Nghịch: Nó có cái gốc rễ là sự mất đi và bị xói mòn của văn hóa, mà mất văn hóa như người ta nói là mất tất cả. Người Thái ở Sơn La ngày xưa sống chân thật, mộc mạc lắm, có nhiều nét văn hóa đẹp lắm. Nhìn từ chuyện “chọc sàn” là một ví dụ. Nhiều người cứ nghĩ “chọc sàn” là yêu đương kiểu “thoáng mỏ”, dung tục. Nhưng thật ra nó vẫn rất văn hóa. Anh con trai đến chọc sàn, cô con gái ngủ ở trên, trao đổi, trò chuyện đủ nghe với nhau, nó thích thì nó dậy, nó mới xuống. Anh con trai cũng thế, yêu thì chọc, thì chờ, không yêu thì thôi chứ đâu phải chọc… tùm lum! Mà ngày trước, nghèo đói thế, trứng gà ở dưới sàn chẳng bao giờ mất quả nào. Thành thật, trong sáng đến hồn nhiên vốn là một nét tính cách đặc sắc của người Thái. Ngày trước, có chủ trương xây dựng những “quán tự giác” theo mô hình chủ nghĩa xã hội. Khoan không bàn đến sự chủ quan, duy ý chí, nóng vội của chủ trương này nhưng qua đó lại biểu hiện rất rõ văn hóa Thái. Nhiều nơi bày ra những quán như thế, hàng hóa bị ăn quỵt rất nhiều nhưng ở Sơn La thì người dân mua hàng, trả tiền tự giác, dù không có người bán, không ai giám sát. Lúc đó tôi còn ở Hà Nội, đã cùng cán bộ các Viện Đông Nam Á, Viện Dân tộc học, Viện Ngôn ngữ học… về nghiên cứu và ghi nhận điều đó. Song bây giờ, cuộc sống no ấm hơn nhưng nhiều chỗ người ta không còn giữ được cái “chất” ngày xưa. Cờ bạc, rượu chè, đĩ điếm, nghiện hút… đều do cái “hồn nhiên”, thuần phác kia đã mai một! Đúng như một câu tục ngữ mà tôi rất tâm đắc từ sách Thái cổ đã đúc kết: Tiền chất ngang ngựa – lòng tham thức dậy/ Tiền chất ngang mắt – mắt mờ tai ngãng/ Tiền chất ngang trán – quên cả mọi điều! “Ngang trán” ở đây là cấp độ nguy hiểm nhất, nó ảnh hưởng đến cách nhìn, cách nghĩ, đến cái tâm. Tiền nhiều mà tâm không sáng thì không bao giờ có được hạnh phúc!

- Ông vừa nói đến hạnh phúc, tôi nghe người ta nói, trong kho tàng sách Thái cổ Sơn La, có cả những cuốn sách có thể tiên đoán được hạnh phúc, số phận của con người. Thực chất vấn đề này như thế nào?

- Đúng là có những sách đó! Trong các sách cổ để lại, người Thái không có sách toán và các môn khoa học tự nhiên khác, chỉ có sách xã hội, sách nói về con người, súc vật, rừng núi… Trong đó, có những cuốn khá cụ thể về việc coi ngày, xem giờ, thậm chí xem cả các… giấc mơ. Mơ thấy toàn máu là ngày ấy không tốt. Mơ thấy người yêu thì sẽ… được của (cười). Còn xem tuổi thì người Thái cổ có những cách từ tuổi, từ ngày, giờ sinh tính ra tiền vận, hậu vận cũng khá độc đáo, thậm chí tính cả ra… cân nặng, xu hướng nghề nghiệp, năm chết của từng người luôn. Có một bà bác sĩ cứ nài nỉ tôi xem, theo sách thì đúng là bà ấy rất giàu, có học vấn nhưng không có hạnh phúc cũng lại vì chồng… nghiện ma túy. Tất nhiên, phải nói ngay rằng những cuốn sách cổ đó thực chất mang tính chất bói toán, thiếu cơ sở khoa học chắc chắn. Ở đây, tôi muốn nói thêm rằng, sách Thái cổ cũng như văn hóa Thái cổ là vốn quý, những cách khai thác, sử dụng văn hoá ấy cũng cần phải trên một cơ sở văn hóa. Người Thái có những bài thơ, bài hát mời cưới, mời khách ở lại chơi, thậm chí cả bài mời… uống rượu. Nhưng là cái mời chân thành, đủ “độ” cần thiết. Chứ không phải như mấy ông “đệ tử Lưu Linh” ở quán nhậu, cũng hát bài “mời rượu” để sát phạt nhau vô văn hóa!

Sách Thái cổ - tiếng thở buồn thời gian

PV: Thưa ông, người ta nói rằng, cả nước hiện chỉ còn 5 người là có thể đọc được sách Thái cổ, trong đó có ông, thông tin này có chính xác không?

Ông Hoàng Trần Nghịch: Chữ Thái hiện đã được đưa vào trường học phổ thông ở Sơn La, số người biết nói, biết viết tiếng Thái ngày càng nhiều hơn. Nhưng với chữ Thái cổ có từ khoảng thế kỷ thứ XIII, quả là người hiểu và đọc được còn rất ít. 5 người đọc được là trước kia, còn hôm nay anh lên Sơn La thì có người đã “quy tiên” rồi, chỉ còn tôi và ông Lò Văn Lại nhưng ông ấy cũng đã yếu lắm. Sở dĩ sách Thái cổ ít người đọc được vì nhiều ký tự có “niêm luật” riêng, càng về sau càng ít dùng, càng trở nên bí ẩn. Sở dĩ tôi biết được cũng chẳng phải do tài giỏi gì, mà cũng như bao người dân Thái mất nước khác ngày xưa có được học hành gì đâu, nhất là vùng Sốp Cộp quê tôi xa xôi thì càng khổ, càng thất học. Mẹ tôi là lính nghĩa quân của cụ Hoàng Công Chất, còn bố tôi vốn là một thầy mo rất giỏi. Thế là cụ dày tâm sức dạy tôi tiếng Thái cổ. Mới 8 tuổi tôi đã “đọc thông viết thạo” cái chữ như giun như dế này. Cách mạng thành công, tôi tham gia bình dân học vụ dạy chữ Thái cho bà con. Đến năm 1952 được cử đi Quế Lâm (Trung Quốc) học nhưng vì một mình đi bộ, đường rừng tới nơi thì khóa học đã hết hạn. Mãi sau này được đi học tiếng phổ thông rồi làm cán bộ Sở Giáo dục Tây Bắc, rồi về Viện nghiên cứu giáo dục, Viện ngôn ngữ học… tôi vẫn chuyên sâu nghiên cứu cái vốn cổ từ thuở khai tâm này…

- Trong số 2.000 cuốn sách Thái cổ đã tìm thấy được trưng bày ở bảo tàng Sơn La hiện nay, phần lớn đã “qua tay” ông đọc sơ bộ. Xin ông một đánh giá khách quan về giá trị của kho sách này?

- Trong kho địa chí tỉnh Sơn La, sách chép tay bằng chữ Thái có hơn 2.000 cuốn. Sách được chế tác bìa bằng da thú, vải hoặc giấy bồi, ruột sách bằng giấy dó, giấy bổi, đóng bằng dây rừng hoặc ruột mèo, viết chữ Thái cổ, với nội dung rất phong phú từ lịch pháp thiên văn, bói toán, cúng tế, phong tục, dân ca... Bảo tàng đã sưu tầm sách Thái cổ với nhiều kích thước khác nhau được viết bằng bút lông với mực tàu đen trên nền giấy bản, giấy dó, vỏ cây, vải và đóng bìa bằng vỏ cây, da bò... Toàn bộ số sách được sưu tầm chia thành 3 thể loại chính: Sách văn học nghệ thuật có gần 80 tên sách gồm chuyện kể, trường ca, ca dao, tục ngữ... các cuốn sách phản ánh tình yêu lứa đôi, khuyên làm điều lành, tránh điều ác và những câu thơ, lời hát giao duyên, hát mừng hạnh phúc, hát đối... Sách lịch sử với 23 tên sách ghi lại quá trình lịch sử thiên di của người Thái, lịch sử của các bản mường qua từng giai đoạn, các chiến công và đóng góp của người Thái trong lịch sử chống ngoại xâm bảo vệ dân tộc, gia phả các dòng họ lớn... 182 cuốn sách có nội dung là các bài cúng giỗ tổ tiên, cúng hồn, cúng thổ thần, cúng bến nước, cúng cầu mưa... Nhiều cuốn sách còn hướng dẫn xem ngày, giờ, tháng, năm để biết điềm lành, điềm dữ, ngày tốt để dựng nhà, hỏi vợ, gả chồng, kinh nghiệm bùa chài, luật mường, lệ bản, kinh nghiệm sản xuất, những bài thuốc dân gian, hướng dẫn cách làm thuốc súng, làm chông lao, hào trượt để săn bắt thú rừng... “Nó” hay, đặc sắc là thế nhưng hiện nay, ngoài hơn 10 cuốn tôi dịch ra tiếng phổ thông như: "Phương ngôn tục ngữ Thái", "Tiếng hát giao duyên", "Phương thức giáo dục cổ truyền Thái", "Sổ coi ngày, xem giờ"; "Bộ sách tang lễ dân tộc Thái", "Quan niệm về trời đất, sinh vật và sự sống của người Thái", "Truyện kể dân gian Thái”... còn lại vẫn “đắp chiếu” đợi chờ người khai phá.

- Hình như số phận của các cuốn sách cổ dịch ra tiếng phổ thông khá “long đong”?

- Đúng vậy! Ban đầu khi tôi dịch xong 14 cuốn, mang trình các cơ quan chức năng xin in thì họ chối từ, bảo nội dung những cuốn sách ấy là “mê tín”. Nhưng thật ra không thể “nghe tên sách mà đoán nội dung” như thế được. Thật ra, trong những cuốn sách ấy là nội dung sâu sắc, đầy triết lý nhân sinh và cả những giá trị mang tầm triết học, khoa học… Có những cuốn sách về xã hội, rừng núi, súc vật... với nhiều quan niệm rất "biện chứng" gần với quan điểm triết học Mác – Lênin ngày nay... Cũng có người đọc sách tôi dịch bảo là "mê tín". Nhưng rồi chính những cuốn sách này khi tham dự một cuộc thi cấp Trung ương về đề tài "văn hóa dân gian" thì lại... được giải và được Chính phủ tài trợ 60 triệu đồng để in. Theo tôi nghĩ thì để giải mã sách Thái cổ nói riêng, bảo tồn văn hóa cổ nói chung, cần phải có chính sách đầu tư hơn nữa. Nếu nguồn lực Nhà nước hạn hẹp thì huy động từ các nguồn khác. Chứ như cuốn Từ điển Thái – Việt tôi dày công biên soạn hàng chục năm, mãi mới in được mà nhuận bút cũng chỉ được 600.000 đồng, đủ mua một cái nồi cơm điện!

Sơn La – một thế kỷ, một ước mơ

PV: Là một trong những người nghiên cứu và am hiểu về tỉnh Sơn La nhiều nhất, ông có nhận xét gì về sự đổi thay trên quê hương mình sau 100 năm thành lập và phát triển?

Ông Hoàng Trần Nghịch: Chiết tự hai từ Sơn La thì “sơn” là núi, còn “la” tôi cũng chưa rõ nghĩa là gì, là một vùng hoang sơ “thiên la địa võng” chăng? Trước kia, khi người Pháp vào, Sơn La mới chỉ là các bộ tộc sống nghèo khó, cơ cực. Lúc người Pháp thành lập tỉnh thì dân Sơn La chỉ có 7 vạn, nay đã gần 95 vạn. Cuộc sống cũng đổi thay nhiều lắm rồi. Cũng theo sách của người Thái ghi thì dân Sơn La lúc giặc Pháp vào đô hộ cực kỳ cực khổ. Sách ghi rằng, để mở quốc lộ 6, họ không dùng mìn mà bắt dân phu dùng củi đốt cho đá tan thành vôi rồi đổ nước cho tan ra. Thuế khóa nặng nề đến mức cưới vợ gả chồng phải nộp thuế mà ai đến tuổi không lấy vợ cũng phải nộp thuế. Dân phải đi làm việc cho nhà quan còn nhiều hơn cả việc nhà mình. Anh biết không, trước kia người Thái ở Sơn La khổ đến mức không biết ăn Tết, chưa có Tết như bây giờ. Chỉ đến khi Đảng, Bác Hồ về thì người Thái ở đây mới ra khỏi hố sâu đường hẻm và được đổi đời. Nếu đem cuộc sống bây giờ so với cuộc sống trong sách Thái cổ thì đúng là đã cách nhau một trời một vực.

- Ông nghĩ sao khi dù là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của khu vực Tây Bắc, Sơn La vẫn “nhỏ bé” khi mức thu nộp ngân sách chỉ vài ba trăm tỷ đồng, còn thấp hơn nhiều so số tiền đầu tư của Trung ương?

- Sơn La vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của nó. Có nhiều tiềm năng mà thiên nhiên ưu đãi ta vẫn bỏ phí. Như vấn đề thủy điện, hiện nay đang thiếu điện là thế, Sơn La có tới gần 100 chỗ có thể làm được thủy điện nhưng ta cũng mới chỉ làm được thủy điện Sơn La, cần phát triển thêm các thủy điện nhỏ. Hay như về đất, Sơn La còn tới 80 vạn héc-ta đất chưa khai phá, trong đó có 13 vạn héc-ta có thể trồng trọt tốt. 66 vạn héc-ta đang dùng nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Có nhiều quả đồi người ta phá cây to trồng ngô, sắn. Lợi tức chẳng đáng là bao nếu không nghĩ đến cái lớn hơn, xa hơn là trồng cây to, cây lớn để bảo vệ rừng đầu nguồn. Tỉnh còn nghèo, nhưng quy hoạch cũng chưa ổn, còn tới mấy công trình lớn bị quy hoạch “treo”, bị “đắp chiếu”; còn biết bao người dân lao đao vì dự án bò sữa! Sơn La nói riêng, cũng như các tỉnh miền núi nói chung còn rất nhiều việc phải làm để thực hiện kỳ vọng của Đảng, của Bác Hồ, đưa núi rừng tiến kịp miền xuôi. Song cũng phải thẳng thắn và nghiêm túc mà nói rằng, chỉ có sự đầu tư về kinh phí của trung ương chưa đủ. Điều quan trọng nhất để tạo nên sự thay đổi đột phá chính là con người, là đội ngũ cán bộ giỏi, có tâm, có đức. Sơn La chưa phát triển cao cũng một phần thiếu cán bộ. Thời tôi còn công tác, có những người chỉ học hết lớp 3, lớp 4 vẫn phải đôn lên làm giám đốc thì làm sao mà tốt được. Có lúc công việc lại được triển khai theo kiểu máy móc quá, cái gì cũng phải đủ thành phần, cơ cấu đến nỗi cử Giám đốc Sở Y tế đi dự giáo viên dạy giỏi thì quả là… Mặt khác, cũng cần phải làm sao để cán bộ gần dân hơn, để nghe dân nói, hiểu dân nói gì, và nói được cho dân hiểu. Ở Sơn La vừa qua đã có một cách làm thiết thực là mở các lớp học chữ và tiếng dân tộc Thái đầu tiên cho cán bộ, chiến sĩ công an theo chương trình giảng dạy thử nghiệm của một đề tài khoa học. Qua đó, giúp xây dựng phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, chống lại những âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch ở các xã, bản vùng cao biên giới.

- Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN VĂN MINH