QĐND - Hơn 30 năm sống lặng lẽ bên nghĩa trang liệt sĩ, công việc chính của ông là hương khói và bảo vệ, giữ gìn vệ sinh ở nghĩa trang. Không một đồng phụ cấp, ông cụ tuổi đã bát tuần vẫn luôn âm thầm làm tốt việc chăm sóc nơi các liệt sĩ yên giấc ngàn thu.

Ông Trần Đức Tuấn sinh năm 1931 tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. “Sống trên cát, chết vùi trong cát”, đó là đặc trưng bao đời của miền quê này. Những năm chiến tranh ác liệt, Quảng Thọ nằm giữa các vị trí quan trọng: Phía nam là phà Gianh, phía đông giáp biển, Quốc lộ 1A chạy  qua địa bàn xã. Hiển nhiên, đây là "túi bom" của không lực Hoa Kỳ, không ngày đêm nào ngớt tiếng bom rơi, dân thường chết nhiều, bộ đội hy sinh cũng không ít. Những chiến sĩ pháo cao xạ bảo vệ phà Gianh, những anh bộ đội hải quân, pháo mặt đất, rồi cả những đơn vị hành quân qua… Họ đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ trên tuyến lửa.

Ông Tuấn cùng các cháu tham gia quét dọn nghĩa trang hằng ngày.

Vốn là một nhân viên phát hành sách của Ty Văn hóa Quảng Bình, ông Tuấn công tác từ năm 1955 đến 1965 thì về mất sức. Làng quê nghèo toàn cát trắng và cây xương rồng, kiếm kế sinh nhai rất khó khăn. Hai vợ chồng làm một mảnh ruộng nhỏ trồng lúa, nhưng gần Quốc lộ 1A, bom rơi đạn nổ thường xuyên, nên lại phải di dời vào chân động cát. Gần 10 năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và cả sau hòa bình, gia đình ông vẫn bám trụ ven nghĩa địa hoang. Chính trong những ngày bươn chải "bắt cát đẻ ra sắn khoai" và những bữa đi tìm cỏ chăn bò, ông Tuấn đã phát hiện ra nhiều ngôi mộ liệt sĩ nằm rải rác trên đồi cát, trong bụi dứa dại. Có một số mộ từ hồi chống Pháp, nhưng nhiều nhất là thời chống Mỹ. Nhiều mộ có tên tuổi người hy sinh, nhưng một số thì không. Nhiều ngôi mộ chôn đã lâu, do chiến tranh tàn phá hoặc cát chảy nên gần như bị san bằng, chỉ còn tấm bia khắc vội. Thương các liệt sĩ, ông Tuấn lại hì hục một mình vun cát, sửa sang mộ chí.

Sau năm 1975, xã có chủ trương tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ nằm rải rác khu vực nghĩa địa về tập trung ở nghĩa trang. Thời gian và gió cát đã bào mòn những nấm mồ nhỏ nhoi, ít người nhớ vị trí chính xác. Đâu là mộ dân thường, đâu là mộ liệt sĩ, khó phân biệt. Nghiễm nhiên, ông Tuấn trở thành “thổ công”, biết chính xác nhất và cũng tâm huyết nhất trong quá trình tìm kiếm và cất bốc hài cốt. Cùng cán bộ xã, ông đi suốt ngày trên cồn cát nắng chang chang. Đôi khi cả ngày chỉ ăn mấy củ khoai, ông vẫn dẻo dai, chu đáo cất bốc nhiều ngôi mộ. Những người làm công tác chính sách của xã rất ngạc nhiên khi ông thuộc vanh vách: “Chú này là bộ đội pháo, quê ở Nam Hà, hy sinh năm 1967. Chú này là hải quân, bị thương nặng, hy sinh năm 1968…”. Không nhớ sao được, khi hầu như tuần nào ông cũng qua lại thăm, tháng nào ông cũng thắp hương cho các anh.

Có một ngôi mộ tập thể, nơi mà ông Tuấn nhớ nhất trong hàng chục ngôi ông đã tham gia cất bốc. Thời kỳ giặc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, trận địa pháo cao xạ đóng ngay bìa rừng phi lao. Các pháo thủ còn trẻ nhưng đã tham gia nhiều trận đánh, trong đó có trận hợp đồng làm nên chiến thắng sông Gianh. Nhưng rồi một hôm, nhiều tốp máy bay Mỹ oanh kích gần trọn ngày, các pháo thủ đã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh tới người cuối cùng. Khi dân quân đến cấp cứu, họ không còn nhận ra chiến sĩ nào, tất cả tan hoang bởi ba loạt rốc-két. Ngôi mộ chung của khẩu đội pháo, ông Tuấn luôn kính cẩn, làm cỏ sạch sẽ và không bao giờ quên thắp hương vào các ngày rằm.

Xã Quảng Thọ hoàn thành công tác quy tập hài cốt liệt sĩ, có công đóng góp của ông Trần Đức Tuấn. Nghĩa trang liệt sĩ của xã có 118 ngôi mộ thì một phần ba số đó là liệt sĩ người ngoại tỉnh, đã yên nghỉ trên mảnh đất Quảng Bình. Tuy đã rời động cát, chuyển về gần Quốc lộ 1A nhưng nhiều năm trước, nghĩa trang này còn khiêm nhường lắm. Hoàn cảnh địa phương khó khăn, công trình chỉ là tường bao và tượng đài thấp lè tè, những phần mộ xây sơ sài, lại thiếu người quản lý nên trâu bò và trẻ vào nghịch làm mất vệ sinh nghĩa trang. 

Được xã ngỏ ý nhờ trông coi, ông Tuấn thấy đúng ý nguyện của mình, liền dời hẳn nhà ở xóm Cát về ở kề ngay nghĩa trang để tiện bề chăm sóc. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Phương ban đầu không nhất trí lắm với “kế hoạch khùng” của ông, bởi đàn con 7 đứa đang tuổi ăn tuổi lớn, mà việc ông làm sẽ không có  một đồng phụ cấp. Qua nhiều lần thuyết phục, ông phân tích ý nghĩa cao cả việc mình làm, bà Phương đã thuận chiều. Hằng ngày, ông Tuấn chăm chỉ nhổ cỏ, quét lá rụng, giữ gìn nghĩa trang lúc nào cũng sạch sẽ. Buổi sáng nào ông cũng thắp hương dưới tượng đài, ngày lễ thì thắp hương toàn bộ phần mộ. Khi ông trái gió trở trời thì vợ con ông duy trì công việc chăm sóc nghĩa trang.

Do công trình làm đã nhiều năm, khí hậu lại khắc nghiệt nên nơi yên nghỉ của các liệt sĩ ngày càng xuống cấp. Xã chưa có kinh phí, ông Tuấn rất băn khoăn nhưng chưa nghĩ ra cách nào để sửa sang. Năm 2009, khi các con đã trưởng thành, ông vận động con cháu và dùng tiền tiết kiệm từ hạt lúa củ khoai để tu bổ nghĩa trang. Tiền ít thì làm dần dần, ban đầu là tường rào, đường vào ra và hệ thống cống thoát nước. Ông mua vật tư, thuê thợ làm cả ba hạng mục trên hết 12 triệu đồng. Hai bên đường vào nghĩa trang, ông mua chục cây dừa về trồng, mới vài năm đã xanh tốt. Trong khuôn viên, ông trồng thêm nhãn, xoài, vải, làm bóng mát và đẹp cảnh quan. Hai cánh cửa cổng trước đây không có, ai tùy tiện vào ra cũng được. Ông Tuấn lại băn khoăn, bèn nghĩ cách động viên anh con trai thứ là Trần Đức Hợp, thợ sửa chữa xe máy, làm tặng. Anh Hợp mới lập nghiệp, tuy không khá giả gì nhưng nghe lời bố, đã thuê gia công hai cánh cửa sắt gần 6 triệu đồng, lắp vào vừa đẹp vừa chắc, ai cũng khen.

Trong gia đình, công việc đầy sự nhiệt tình và thành tâm với nghề quản trang không phải chỉ mình ông Tuấn thực hiện. Ông đã khéo léo vận động mọi thành viên trong nhà tham gia. Khó tính như bà Phương vợ ông, mà vẫn tự lấy thóc trong bồ đem bán để ông làm việc nghĩa. Bà Phương tuổi cũng đã ngấp nghé bát tuần, móm mém nói vui: “Ông nhà tui đã hơn 30 năm làm nghề quản trang, nay sức khỏe đã yếu, chuẩn bị “giao nghề” lại cho con cháu mà chưa biết chọn đứa nào. Bốn đứa con trai của tui, đứa nào cũng nhiệt tình giúp bố làm việc thiện”.

Có lẽ đó chỉ là dự định, chứ bây giờ tuy tuổi đã 80 nhưng ông Tuấn vẫn còn hoạt bát lắm. Mấy đứa cháu nội ngày nào cũng lẽo đẽo cầm chổi theo ông vào nghĩa trang. Ông quét chổi to, cháu quét chổi nhỏ, gần hết buổi sáng mới xong toàn bộ khuôn viên. Xong việc, ba ông cháu áo thấm mồ hôi, ngồi hóng mát dưới mái nhà tưởng niệm, trò chuyện vui vẻ. Âu đó cũng là một cách ông giáo dục trực quan tốt nhất về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho lớp trẻ.

Những thân nhân liệt sĩ quê ở các tỉnh xa đến để dâng hương hoặc xin cất bốc hài cốt người thân về quê, rất khâm phục sự nhiệt tình phục vụ chu đáo của gia đình ông Tuấn. Nhà ông không rộng lắm nhưng thường đón họ về, thiếu thì bố trí ở nhà anh con trai bên cạnh. Cơm nước cho khách, ông bảo con dâu lo giúp không tính toán. Khi cất bốc, ông xắn tay làm, kiêm cả mọi thủ tục, trọn tình trọn nghĩa với người sắp “chia tay” ông về với quê nhà. Tám ngôi mộ được cất bốc về quê là 8 lần ông rơi nước mắt, trằn trọc không ngủ. Các gia đình liệt sĩ ở ngoài Bắc quý ông, mời ông ra chơi thăm. Ông cũng muốn lắm, vui vẻ nhận lời nhưng chưa ra được lần nào, bởi ông đã già và suốt ngày chỉ quanh quẩn bên nghĩa trang, khó lòng đi đâu được.

Tôi đến lần nào cũng gặp ông Tuấn và hai đứa cháu nhỏ dâng hương ở đền tưởng niệm. Chờ ông làm xong mọi việc để hỏi chuyện phải mất hàng giờ đồng hồ. Nói về phụ cấp bồi dưỡng quản trang, ông bộc bạch:

- Không riêng chú mà một số người đã hỏi về chuyện này, tôi nói thật là chẳng có phụ cấp nào cả. Việc này do tôi tự nguyện, làm việc nhân đức chứ chẳng ai thuê. Tôi nghĩ rằng việc mình làm mặc dù quanh năm không quản nắng mưa, nhưng chẳng thấm tháp gì so với sự hy sinh xương máu của các anh đã ngã xuống nơi này. Tôi làm việc thiện thì con cháu sẽ gặt hái được điều lành thôi.

Đầu năm 2011, ông Tuấn gọi điện khoe với tôi rằng, năm nay ông có hai niềm vui lớn: Một là, ông được xã mừng thọ chu đáo, được tặng tấm lụa đỏ rất đẹp để may áo. Hai là, nghĩa trang được đầu tư nâng cấp tôn tạo, trị giá gần 1,2 tỷ đồng.

Niềm vui của ông giản dị vậy, nghĩa trang là của chung mà ông lấy đó làm niềm vui riêng…

Bài và ảnh: Xuân Vui