QĐND - “Ai hiến dâng cuộc đời cho việc tốt là sống lâu hơn tuổi của mình, nếu sự sống và cái chết của mỗi người cần cho cuộc đời tức là sống đúng”. Đấy là lời tâm sự của cô Nguyễn Thị Nhân, người hơn 23 năm nay gắn bó với làng trẻ SOS Vinh. 22 đứa con đều gọi cô là mẹ hiền yêu quý.
Đồng cảm
 |
Cô Nhân với triết lý: "Ai hiến dâng cuộc đời cho việc tốt là sống lâu hơn tuổi của mình"
|
Mái tóc lấm tấm điểm bạc, khuôn mặt phúc hậu, làn da nhăn nheo, thân hình gầy còm là hình ảnh khi chúng tôi gặp cô Nhân tại làng trẻ SOS Vinh (Nghệ An). Quê cô Nhân ở huyện Nghi Lộc. Tuổi 20, Nguyễn Thị Nhân đã là nữ thanh niên xung phong nơi Trường Sơn, Bình-Trị-Thiên máu lửa. Ngày lên đường, cô thôn nữ mang theo tâm niệm bao giờ đất nước thống nhất mới trở về kết tóc xe duyên. Ngày đó Nhân gia nhập tiểu đội 206, đơn vị P31; tiểu đội gồm 12 người làm nhiệm vụ mở đường, thồ lương thực và đạn dược ra chiến trường. Những năm tháng sống giữa núi rừng, đạn bom giặc bắn phá ráo riết, cô cùng những đồng đội của mình băng rừng lội suối trong mưa bom bão đạn để kịp vận chuyển những chuyến hàng ra chiến trường. Rời quân ngũ năm 1972, cô Nhân trở về quê nhưng không xây dựng tổ ấm gia đình mà xung phong vào đội quân đi xây dựng các kho lương thực tại Vinh-Cửa Lò. Tại đây, công việc của cô Nhân chủ yếu là quét vôi, thồ gạch… Đến năm 1977, cô được chuyển công tác vào Bệnh viện hữu nghị Đa khoa Nghệ An với công việc chủ yếu là trồng cây dược liệu và giặt là áo quần cho bệnh nhân. Cũng chính từ đây, hằng ngày, cô đã phải chứng kiến bao cảnh đời bất hạnh, thương cảm đã khiến cô không khỏi chạnh lòng. Những thời gian rảnh rỗi, cô thường đến bên người bệnh trò chuyện, động viên chia sẻ và giúp đỡ cho những bệnh nhân không có người nhà chăm sóc. Lâu dần, hình ảnh “cô Nhân” đã không còn xa lạ với bệnh nhân. Năm 1989, làng trẻ em SOS Vinh được thành lập. Với ý nghĩ thật giản đơn: “Làm nhiều việc nghĩa thấy đời thật vui”, lòng khát khao được làm “mẹ” lại trỗi dậy, Nguyễn Thị Nhân đã tình nguyện viết đơn vào làm việc tại đây. Cô Nhân tâm sự: “Những đứa bé cất tiếng gọi “mẹ ơi” mà nước mắt tui trào ra, cổ như có vật gì chẹn lại. Chính các con đã “hút” tui và chúng xem tui như là mẹ”.
Có các con bớt sầu riêng tư
5 giờ sáng, khi tiếng gà cất tiếng gáy chào một ngày mới thì cũng là lúc mẹ Nhân thức dậy để chuẩn bị bữa sáng cho con đến trường đi học, 22 năm qua đã trở thành một thói quen đối với cô. Mỗi khi các con tới trường, cô lại tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo cho mấy đứa nhỏ, rảnh rỗi lại chăm cắt tỉa cây cảnh trong khu vườn. Cô Nhân đến với làng SOS bằng cả nhiệt huyết của con tim, bằng tình yêu của một người mẹ. Làng SOS Vinh có 15 ngôi nhà nhỏ xinh xắn, mỗi ngôi nhà mang tên các loài hoa thật đẹp: Mẫu Đơn, Phong Lan, Bạch Huệ, Anh Đào... Mỗi mẹ nuôi từ 7 đến 10 con. Những ngôi nhà thật giản dị nhưng lúc nào cũng rộn tiếng cười đùa của lũ trẻ. Cô Nhân kể: “Các con có những hoàn cảnh đầy thương tâm, mỗi đứa một tính nết nhưng chúng hết mực yêu thương, đùm bọc nhau, coi nhau như anh em một nhà”.
 |
Mẹ Nhân bên đàn con của mình.
|
Hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất, cô nghẹn ngào: “Có tất cả 22 đứa con nhưng tội nghiệp nhất là thằng Hùng được một ngày tuổi thì mẹ bỏ rơi trong bệnh viện, Hùng sinh ra chỉ nặng 1,9kg, lớn lên lại bị bệnh viêm tai”. Thương con bị bệnh, với tình yêu con của một người mẹ nên hễ ai mách các bài thuốc chữa bệnh cho con là cô lại lặn lội tìm mua. Nhiều đêm cô thức trắng để chăm cho những đứa con mình bị đau ốm, tóc cô cũng bạc theo thời gian. Cô tâm sự: “Có lần buồn nhưng cố lén và gạt nước mắt vì các con cãi mẹ. Nỗi buồn thoáng qua, cô lại ôm con vào lòng âu yếm, giải thích cho con những điều hay lẽ phải. Đối với cô, đòn roi chỉ làm các con sợ chứ không làm con mình hiểu biết tốt hơn nên cô luôn dùng lời nói để dạy dỗ con cái của mình”. Mỗi khi nhìn nụ cười rạng rỡ trên môi của từng con trẻ là người mẹ ấy cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ. Cuộc sống có ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn khi cô Nhân có cả đàn con ngoan.
Những đứa con yêu quý dưới bàn tay chăm sóc chu đáo của cô giờ đây đều lớn khôn và trưởng thành. Có đứa đậu tới hai trường đại học, giờ đã có công ăn việc làm ổn định, thu nhập cao. Nhiều đứa lập gia đình, thỉnh thoảng đưa cả gia đình về làng thăm mẹ. Những đứa con của cô như em Mai quê ở Thanh Chương, Nghệ An hiện đang là giáo viên dạy múa tại Hà Nội, anh em Thành-Thực quê ở Thạch Hà-Hà Tĩnh nay cũng đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định.
Tuổi đã xế chiều, mái tóc của cô ngày càng bạc đi nhưng cô chỉ có một tâm nguyện là khi qua đời được hiến thi thể cho y học nước nhà. Khi biết được mẹ viết đơn tự nguyện hiến thi thể những đứa con đã ôm mẹ khóc nức nở và không đồng ý cho mẹ làm việc đó. Mẹ ôm các con vào lòng và nói: “Ai hiến dâng cuộc đời cho việc tốt là sống lâu hơn tuổi của mình, nếu sự sống và cái chết cần cho cuộc đời tức là sống đúng và chết có ích đấy các con ạ”.
Bài và ảnh: Hà Long