 |
Sự hy sinh của đồng đội nhắc nhở Nhà giáo ưu tú Hoàng Trung Kiên phải làm tốt “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”.
|
Hội nghị về đổi mới đào tạo ở trường năm ấy có nhiều ý kiến tranh luận nảy lửa. Người bảo phải tăng phần lý thuyết để “đại học hóa sĩ quan”. Người bảo chương trình quá kinh viện, phải cắt bớt. “Đổi mới hay đổi... máu?” - anh đứng phắt dậy, hai hàng lông mày lưỡi mác giằng vào nhau. Anh chỉ vào ngực, vào tay, vào trán, vào gáy, vào yết hầu: “Trong người tôi còn 83 mảnh đạn đây! Tôi không muốn người lính phải đổ máu vô lý! Nếu cấp ủy thông qua, tôi sẽ tự tay “cầm kéo” cắt xén chương trình!”.
Anh là đại tá, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú Hoàng Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường sĩ quan Tăng - Thiết giáp...
Máu lệ nhòa đường về đích
Giờ đây, đổi mới đào tạo sĩ quan đã thành câu chuyện toàn quân và Trường sĩ quan Tăng - Thiết giáp là một trong những nơi đi đầu, được thủ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Nhưng ít ai biết, hành động tiên phong ấy bắt nguồn từ buổi sáng 30-4-1975 ở ngã tư Bảy Hiền, những bánh xích xe tăng rớm máu…
Tháng 5-1972, tạm biệt vùng quê nghèo Thanh Hà, Thanh Ba, Phú Thọ, gác ước mơ dưới tán phượng đợi chờ, chàng trai vừa đoạt giải nhất học sinh giỏi toán toàn miền Bắc Hoàng Trung Kiên lên đường nhập ngũ. Nhà Kiên nghèo lắm, cả họ chưa ai học hết cấp 3. Mọi người đều kỳ vọng Kiên sẽ vào đại học, thành kỹ sư, bác sĩ. Nhưng, “trai thời loạn nhìn thanh gươm mà thẹn!”...
Vào đơn vị xe tăng H01, Kiên nổi tiếng “trẻ mà lái giỏi”. Chưa đầy nửa năm sau, anh đã vinh dự nhận lệnh: “vào Nam chiến đấu!”. Từ bãi tập núi Đinh (Vĩnh Phúc), Kiên được biên chế về đại đội 9, đoàn H73. Theo thông lệ, lính mới đi lấy xe phải có trợ giáo đi cùng. Nhưng Kiên được tin tưởng giao một mình một “thiết mã”. Anh vòng qua Yên Thế, lấy xe tăng rồi lái một mạch về Xuân Mai, thẳng hướng quốc lộ 1, “những chiếc xe tăng đè đỉnh Trường Sơn đi tới/ Mắt xích quay vương dải mây mù”… Khỏe, thông minh, dũng cảm, lại là đảng viên, Kiên liên tục được cấp trên tin tưởng lái xe trong những trận đánh lớn: Đắc Pét, Buôn Ma Thuột, Cheo Reo, Tuy Hòa, Sông Cầu…
Trưa 30-4-1975, Kiên cùng đại đội ào ào tiến vào giải phóng Sài Gòn. Anh vinh dự được giao lái chiếc xe đi đầu. Đến gần ngã tư Bảy Hiền, đạn địch xối xả. Chúng đốt một chiếc cháy ngùn ngụt cản đường. Tắc! Cả đại đội sôi sục. Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa! Kiên quan sát nhanh. Kia rồi, hai bức tường ven đường. Anh quả cảm cho xe tăng lao tới. Tường đổ. Đoàn tăng lại vun vút lao đi...
Ầm! Xe trúng đạn. Kiên ngất đi. Phải đến sáng hôm sau, anh mới tỉnh lại. Bệnh xá rộn ràng. Những gương mặt rạng ngời. Trời ơi! Sài Gòn đã giải phóng! Niềm vui vừa vỡ òa thì nỗi đau thế chỗ, bàng hoàng. Thì ra, chỉ ít phút sau khi Kiên bị thương, đồng đội đưa khỏi xe đi cấp cứu, chiếc xe của anh lại trúng đạn lần nữa và bốc cháy, cả xe hi sinh. Đau hơn thế, chỉ trong buổi sáng đẫm máu ở cửa ngõ Sài Gòn, trước sự chống trả quyết liệt của kẻ thù, cả đại đội có tới 5 xe bị cháy, gần một nửa đơn vị hi sinh… Kiên ra viện với 83 mảnh đạn nằm rải rác trong người. Những ngày đầu trở về, không sao ngủ được, anh miên man vừa đi, vừa sờ nắn những chiếc xe tăng còn “sống”. Sương đêm đọng trên nòng pháo lã chã rơi xuống gương mặt đen sạm của người chiến binh lạnh buốt…
Lời hứa ở ngã tư Bảy Hiền
Đất nước giải phóng, Kiên được về Trường sĩ quan Tăng - Thiết giáp học tập. Tốt nghiệp xuất sắc, anh được giữ ở lại trường làm giảng viên. Vào thời điểm con đường binh nghiệp đang thênh thang, một cú sốc cuộc đời ập đến. Năm 1984, Kiên được về Học viện Lục quân học nâng cao. Gần kề tốt nghiệp, anh chẳng may làm rơi một tài liệu thuộc loại bảo mật. Ngay lập tức, Kiên bị hạ cấp quân hàm từ đại úy xuống trung uý, bị buộc thôi học về đơn vị cũ. Là người lính đã qua chiến đấu, anh hiểu đây là khuyết điểm không thể tha thứ. Một đời trận mạc, mà nay… Muốn khóc mà không sao khóc được. Nỗi đau cứ nhói lên…
Đúng lúc Kiên đang xếp ba lô chuẩn bị ra về thì Thiếu tướng Vũ Lăng, Giám đốc Học viện xuống thăm đơn vị. Ông hỏi chỉ huy: Cái cậu bị kỉ luật đã về chưa, rồi đề nghị xem hồ sơ của Kiên. Ông sững sờ thấy học bạ ghi toàn điểm 9, điểm 10. Ngay cả môn thi cuối cùng, thời điểm đã có quyết định kỷ luật, cậu ta vẫn đạt 9 điểm. “Người lính bị kỷ luật mà vẫn ham học, vẫn đạt điểm giỏi là một người lính tốt! Phải giữ nó lại học tiếp!”.
Thế là Kiên được ở lại học và tốt nghiệp. Chuyện tưởng đã xong… Nhưng sự kiện một giảng viên về trường với ve áo bị “bóc” tới hai sao đã gây “xôn xao” dư luận. Mới hôm nào ra trường, tốt nghiệp xuất sắc, được phong hàm trung úy. Nay hơn 10 năm, lại trở về xuất phát điểm cũ. Ai nhìn Kiên cũng ngao ngán lắc đầu. Còn Kiên, chính anh cũng thấy xấu hổ. Ý tưởng ra quân đã bắt đầu le lói...
Lại những đêm không ngủ. Các mảnh đạn trong người đau nhói gợi nhắc một thời hùng tráng. Chợt nhớ năm nào trước khi ra Bắc, anh tới ngã tư Bảy Hiền, thầm hứa với đồng đội: mình sẽ trọn đời theo vết xích xe tăng…
Một giảng viên già trong khoa tới vỗ vai anh: Vấp ngã không phải là điều đáng sợ. Đáng sợ là không biết đứng dậy. Cánh lính già chúng tớ rồi “về vườn” cả. Ai sẽ truyền kinh nghiệm “đánh nhau” cho bọn trẻ, nếu các cậu bỏ đi. Đêm ấy, Kiên đốt tờ đơn xin phục viên và ngồi vào bàn soạn một bài giáo án mới…
Tiếng gọi phía sau trang giáo án
Đứng dậy. Kiên lao vào những bài giảng. Năm tháng dần trôi càng khẳng định tài năng, tâm huyết của người thương binh. Anh lần lượt được giao nhiều cương vị quan trọng: Phó chủ nhiệm khoa Chiến thuật, Phó trưởng phòng đào tạo, Trưởng phòng đào tạo, Phó hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng. Càng gắn bó với công tác đào tạo sĩ quan, anh càng trăn trở khi nhìn ra “khoảng trống” phía sau những bài giảng.
Những năm đầu, các trường sĩ quan quân đội hội nhập vào hệ thống giáo dục quốc dân, còn nhiều tìm tòi, thử nghiệm. Là người lính đã qua chiến đấu, anh sớm nhận ra, có lúc, có nơi, số lượng học phần lí thuyết tăng, nhưng phần rèn luyện kỹ năng thực hành lại giảm. Mà với sĩ quan xe tăng, học những gì “chiến trường cần” là rất quan trọng. Không thể “làm ngơ” khi một học viên có thể vanh vách tính năng, cấu tạo của xe tăng nhưng lại không lái được xe, như gà mắc tóc trước những tình huống trận mạc… Được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, anh đã đề xuất ngay với trên hướng đổi mới đào tạo sĩ quan xe tăng. Trên “gật đầu”. Tuy nhiên, đổi mới giống như những cơn đau đẻ kéo dài, các cơ quan chức năng còn “nghe ngóng” cấp trên. Để tạo “cú hích”, Hoàng Trung Kiên quả quyết: cơ chế, chính sách cũng bắt nguồn từ cơ sở. Mình làm đúng thì trên sẽ ủng hộ. Anh “lợi dụng” quyền hiệu trưởng được điều chỉnh khung chương trình đào tạo không quá 20%, tiến hành “tổng rà soát”, tìm ra những lỗ hổng. Nhiều đêm trắng, anh miệt mài ngồi đọc từng giáo trình, từng trang giáo án. Gạch, bỏ, bổ sung… Hàng nghìn trang sách còn lưu bút dấu mực đỏ. Có môn học từng bị bỏ ra “bên lề” như điều lệnh, học không cần phải thi, nay anh kiên quyết: thi và lấy điểm. Vì theo anh, điều lệnh là nền tảng của kỷ luật, nhiều trường hợp đổ máu, hy sinh vì kỷ luật kém!
35 năm “theo vết xích xe tăng”, ở Trường sĩ quan Tăng - Thiết giáp, anh không chỉ nổi tiếng 6 năm liền là chiến sĩ thi đua mà còn nổi tiếng với nhiều cuộc “cách mạng”. Anh tự tay thiết kế bể bơi cho học viên tập bơi. Tự tay thiết kế mô hình giảng đường, bãi tập, căng-tin. Hệ thống đường bê-tông, ao hồ, vườn tăng gia khang trang bê-tông hóa 100% cũng tự tay anh thiết kế và chỉ đạo thực hiện. Sân tennis, bể bơi ở trường, anh cấm cho thuê, cho người ngoài vào chơi, chỉ dành cho bộ đội. Xăng, xe tiêu chuẩn của Ban giám hiệu, anh trích một phần hỗ trợ cho bộ đội đi công tác, giải quyết việc hiếu hỉ. Anh bảo: Chăm lo cho người lính, để họ yên tâm dạy và học cũng là cách giúp tạo ra nhiều sĩ quan giỏi.
Đại tá Hoàng Trung Kiên bảo: Bộ phim truyện “Ba lẻ một” không hiểu sao rất giống câu chuyện cuộc đời anh. Trong phim, 301 là tên chiếc xe tăng trên đường đánh Buôn Ma Thuột đồng thời còn hàm ý, xe có ba người thì hy sinh hai, chỉ còn một. Hàng chục năm sau, người lính ấy trở thành giám đốc một doanh nghiệp đã vượt qua cuộc chiến đầy nghiệt ngã của cơ chế thị trường để xứng đáng với đồng đội. Ngoài đời, năm anh em trên chiếc xe tăng của Kiên hy sinh bốn, chỉ “lẻ một” mình anh.
Quá khứ không chỉ ở sau lưng, nó còn ở trước mặt nên suốt quãng đời binh nghiệp anh chỉ đi trả lời cho một câu hỏi. Câu hỏi ấy thôi thúc anh, dù làm lãnh đạo bận rộn là thế vẫn dồn tâm sức trực tiếp soạn nhiều tài liệu truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu cho học viên trẻ. Hồi làm luận án tiến sĩ ở Học viện Quốc phòng, anh cũng chọn đề tài giảm bớt thương vong cho người lính xe tăng trong chiến dịch tiến công. Nhiều thế hệ học viên còn ám ảnh bởi những bài giảng của thầy Kiên. Những tình huống cực “căng”. Những yêu cầu cực nghiêm khắc. Những “cú” rèn cánh lính trẻ “toát mồ hôi hột”. Ấy vậy mà ra trường rồi, họ lại thầm cảm ơn thầy.
Phía sau mỗi trang sách, trang giáo án của anh là tiếng gọi của đồng đội, là hình ảnh những chiếc xe tăng thân yêu phải nằm lại ở cửa ngõ Sài Gòn với ngôi sao trên tháp pháo sáng ngời, đau đáu. Tất cả vẫn như vừa mới hôm qua…
Bài và ảnh: Trần Danh-Nguyễn Minh