Tăng Bạt Hổ tên thật là Tăng Doãn Văn, tự Sư Triệu, hiệu là Điền Bát, sinh năm Mậu Ngọ (1858) tại làng An Thường, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn (nay là huyện Hoài Ân), tỉnh Bình Định.

Tính tình ông cương trực, khí khái, văn võ song toàn. Năm 18 tuổi (1876), ông đầu quân làm đến xếp đội, sau được làm đến Cai Cơ chỉ huy một đội quân đóng ở cửa An Giũ (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) để đề phòng giặc Pháp đổ bộ.

Khi nghe Kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn ra Quảng Trị ban chiếu Cần Vương, ông cùng một số người bỏ đồn An Giũ, rút lên nguồn Kim Sơn (Hoài Ân) chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp. Ông được mọi người tôn làm Đề dốc để chỉ huy quân kháng chiến. Ông đặt bản doanh ở hòn Tổng Dinh trong dãy núi Kim Sơn. Liền đó, ông liên lạc được với nguyên soái Mai Xuân Thưởng ở Hương Sơn (huyện Bình Khê) và Thống trấn Bùi Điền ở núi Chóp Chài (huyện Phù Mỹ) để cùng chung sức hoạt động chống Pháp. Trong trận đánh nhau với đội quân bán nước Nguyễn Thân tại Lại Giang và Lộc Giang (Hoài Ân), ông bị trọng thương. Mấy hôm sau thì mật khu Tổng Dinh cũng bị thất thủ, ông phải lẩn tránh từ làng này sang làng khác. Từ đó, lực lượng nghĩa quân tan rã dần và thấy khó gây dựng lại như cũ, nên ông nghĩ cách “cầu viện” nước ngoài. Tháng Giêng năm Đinh Hợi (1887) ông xuống thuyền ngược dòng Kim Sơn để lên Tây Nguyên tìm đường sang Xiêm. Tuy nhiên, ông nhận thấy Xiêm La lúc bấy giờ không phải là nơi nhờ cậy được nên ông rời Xiêm để sang Trung Quốc. Ông đi khắp hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây để tìm đồng chí. Khi nghe tin Lưu Vĩnh Phúc (chủ tướng Cờ Đen) đã thắng Pháp ở ô Cầu Giấy và giết được viên đại tá Pháp, nay đã sang Đài Loan. Ông liền sang bên đó để tìm gặp họ Lưu. Rủi thay, Đài Loan vừa bị Nhật chiếm đóng nên đảng viên Cờ Đen tứ tán hết cả. Ông liền nghĩ ngay đến nước Nhật, một đất nước cường thịnh, cũng dân châu Á da vàng. Ông xin làm thủy thủ một tàu buôn để sang Nhật và cũng nhờ làm nghề này mà ông thường qua lại giữa Yo-ko-ha-ma (Hoành Tân) và Na-ga-sa-ki (Trường Kỳ) được ít năm thì thông thạo tiếng Nhật. Ông được sung vào hải quân Hoàng gia Nhật. Tại binh chủng này, ông học được cách sử dụng vũ khí và tìm hiểu chiến lược, chiến thuật tác chiến của phương Tây.

Sau khi thôi phục vụ trong hải quân Nhật, ông đã trở thành chính khách và quen thân với các nghị sĩ như Khuyển Dưỡng Nghị, Đại Ôi, Trọng Tín... và tỏ ý muốn cầu viện Nhật để đánh đuổi Pháp ở Việt Nam. Họ khuyên ông: “Trước hết phải lo phát triển phong trào Duy Tân trong nước để nâng cao dân trí, dân khí cho đại sự. Muốn thế thì phải chọn lựa thanh niên ưu tú gửi sang đất nước chúng tôi và chúng tôi sẽ đào tạo họ”.

Tăng Bạt Hổ trở về nước, đến Hải Phòng vào cuối năm 1904, sau đó vào Quảng Nam gặp cụ Phan Bội Châu. Đầu năm sau (1905) ông đưa cụ Phan sang Nhật gặp Khuyển Dưỡng Nghị rồi trở về nước hoạt động, có mang theo “Khuyến thanh niên du học” do cụ Phan soạn. Ông tìm gặp cụ Nguyễn Quyền ở Lạng Sơn, cụ Nguyễn Thượng Hiền ở Nam Định và cụ Lương Văn Can ở Hà Nội để luận bàn tình hình trong nước và thế giới. Do cuộc gặp gỡ trên mà hai người con của cụ Lương Văn Can là Lương Ngọc Quyến và Lương Nghị Khanh cùng hai sinh viên khác là Nguyễn Điển và Nguyễn Thức Canh là những sinh viên đầu tiên của nước ta sang du học tại Nhật. Từ đó phong trào Đông Du ngày càng phát triển và hai năm sau, số du học sinh tại Nhật lên trăm người, đủ cả ba miền Nam, Trung, Bắc. Phong trào Đông Du làm cho Pháp hết sức lo ngại.

Vào mùa đông năm Đinh Dậu (1908), ông từ Bắc vào Nam để vận động Đông Du, khi ghé lại Huế thì mắc phải bệnh kiết lỵ và từ trần tại đây. Ông được mai táng tại làng Đốc Sơ thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Ngày nay, tỉnh Bình Định đã lấy tên Tăng Bạt Hổ để đặt cho một đường phố chính ở trung tâm thành phố Quy Nhơn và tên một thị trấn huyện lỵ huyện Hoài Ân là quê nhà của cụ.

NGUYỄN NHÂN THỐNG