 |
Ông Viện cùng chiếc bi đông kỷ vật chiến trường những năm đánh Mỹ |
Mới đây, Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Chính ủy Sư đoàn 7 có kể lại câu chuyện về một tổ đốt lửa làm điểm chuẩn cho pháo binh và không quân ta đánh sân bay Tà Cơn vào mùa khô 1968. Câu chuyện đã đi vào lời bài hát “
Tiếng đàn Ta Lư” của nhạc sĩ Huy Thục … Con chim chrao xinh hót trên cành vui mừng công anh/Bộ đội giải phóng quân ơi, anh thắng trận miền Tây Khe Sanh/ Đồn Tà Cơn hôm nào bốc cháy, đồi Động Tri xác Mỹ chất đầy… Lời bài hát thôi thúc tôi đi tìm người tổ trưởng đốt lửa năm xưa...
Đó là ông là Bùi Khắc Viện, hiện ngụ tại đường Lê Duy Nhuận, phường 12, quận Tân Bình. Nhìn dáng người nhỏ bé, gầy guộc của ông, không ai nghĩ ông đã từng trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Quê ông ở Nghi Lộc. Nghệ An, vào bộ đội từ năm 1953, khi đó ông mới tròn 16 tuổi. Bước vào đời quân ngũ là ông đã được thử sức chiến dịch Điện Biên Phủ trong đội hình Đại đoàn 312. Năm 1957, do điều kiện sức khỏe, ông phục viên về quê. Nhưng tháng 4-1965, theo tiếng gọi của đất nước, ông tái ngũ và vào miền Nam chiến đấu. Đầu năm 1968, ông là chính trị viên đại đội 2, đại đội chủ công thuộc tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95C, Sư đoàn 325C và là đảng ủy viên tiểu đoàn 4. Trung đoàn lúc này đang làm nhiệm vụ chiến đấu ở phía Tây căn cứ Khe Sanh thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Một buổi sáng, ông nhận lệnh về Trung đoàn. Trung đoàn trưởng Hồ Ngọc Trai cùng Chính ủy và Phó chính ủy có mặt trong buổi giao nhiệm vụ. Trải tấm bản đồ quân sự trên bàn, Trung đoàn trưởng nói:
- Trung đoàn giao cho 3 đồng chí hành quân lên thượng nguồn sông Rào Quán gom củi khô đốt lửa nghi binh vào giờ G, để làm điểm chuẩn cho pháo binh và không quân ta đánh sân bay Tà Cơn. Đây là nhiệm vụ đặc biệt, Trung đoàn giao đồng chí Bùi Khắc Viện làm tổ trưởng.
Tổ 3 người ngày ấy là Bùi Khắc Viện, Hoàng Minh Đạo và một đồng chí tên là Hải. Nhận nhiệm vụ, tổ lên đường, bám theo sông Rào Quán để lên thượng nguồn. Mùa này, nước dưới sông cạn khô, chỉ còn những viên đá xếp giữa lòng sông. Họ tìm đúng tọa độ mà Trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ, tranh thủ gom cây khô chất hàng chục đống lớn trên thượng nguồn sông Rào Quán. Còn thời gian, họ làm hầm chữ A cách đống lửa 200m, để trú ẩn tránh pháo. Từ trên thượng nguồn, các ông nhìn rõ máy bay địch lên xuống sân bay Tà Cơn. Đúng giờ G, tháng 3 năm 1968, tổ trưởng Bùi Khắc Viện họp tổ 3 người quán triệt.
- Đây là nhiệm vụ quan trọng mà chúng ta quyết tâm hoàn thành, dù có phải hy sinh. Sau khi đốt lửa xong, các đồng chí nhanh chóng về hầm trú ẩn.
Họ tản ra, đi châm lửa, làm sao lửa càng cháy to thì pháo binh ta càng căn chuẩn sân bay địch. Khi ngọn lửa vừa rực cháy lúc chiều chập choạng, địch từ căn cứ Tà Cơn đồng loạt bắn pháo lên khu vực thượng nguồn sông Rào Quán. Chỉ độ hơn một giờ sau, pháo của ta bắt đầu gầm lên bắn vào sân bay Tà Cơn. Pháo ta cấp tập giội lửa vào các cao điểm đồn bốt địch, máy bay, sân bay Tà Cơn bốc cháy. Tổ ba người trú trong hầm chữ A, chịu cơn bão đạn của địch mà lòng vui sướng vô cùng, chỉ có ba người mà thu hút được hỏa lực cả khu vực của địch. Ngớt một đợt địch bắn phá, anh Hải chui ra khỏi hầm, quan sát tình hình. Thật không may, một đợt pháo địch khác đã giội xuống, anh hy sinh khi tuổi đời mới đôi mươi. Mãi đến nửa đêm, khi pháo địch không còn bắn lên nữa, Bùi Khắc Viện và Hoàng Minh Đạo mới chui ra, đem thi hài đồng đội đi chôn cất.
Hai anh trở về đơn vị trong niềm mừng vui của đồng đội, họ tưởng cả tổ đã hy sinh trong bom đạn của địch. Tổ được Bộ Chỉ huy tặng huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba. Bùi Khắc Viện cũng được tặng huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba.
Bài và ảnh: ĐOÀN HOÀI TRUNG