QĐND -   Đến nay, gần 200 hộ dân thuộc khu vực Tân Phước 1 (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) vẫn phải sử dụng nước từ các con kênh, rạch cho sinh hoạt hằng ngày, mặc dù ai cũng ý thức được rằng, nguồn nước này không còn sạch nữa…

Trong nhờ, đục chịu…

Vào những tháng đầu mùa khô, dòng kênh (chiều rộng khoảng 30m) chạy dọc theo Quốc lộ 91 qua địa bàn quận Thốt Nốt thường cạn sát đáy. Do bị bồi lắng, mặt kênh ít khi đầy nước. Tận mắt chứng kiến cảnh người dân khu vực Tân Phước 1 khỏa nước vo gạo nấu cơm, rửa rau, rửa chén đũa ngay trên dòng kênh, tôi mới tin rằng, đây là “nguồn” cung cấp nước sinh hoạt hằng ngày của họ.

Tôi đã đi lại rất nhiều lần trên tuyến Quốc lộ 91 và cũng quá quen thuộc với dòng kênh chạy song song. Rác rưởi, nước thải sinh hoạt người ta đều tuồn xuống kênh. Đoạn kênh tại khu vực Tân Phước 1 còn hứng thêm nước thải từ các ao nuôi cá tra, các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đó là chưa kể nước trên những cánh đồng chảy xuống, mang theo chất độc tồn dư của các loại phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Mặt kênh cỏ dại mọc tràn, xa xa, đàn vịt hàng trăm con bơi lội kiếm mồi.

Người dân khu vực Tân Phước 1 vẫn phải sử dụng nước từ các con kênh, rạch cho sinh hoạt hằng ngày.

Ông Võ Công Minh (khu vực Tân Phước 1) nói: “Trong khu vực, nhiều hộ nghèo không đủ tiền xây bồn chứa hoặc đóng cây nước (giếng bơm) phải chịu khó canh chừng nước lên, có hôm chờ đến tận khuya mới lấy được nước. Ở đây mùa mưa chúng tôi rất mừng, vì được hứng nước… trên trời, an tâm sử dụng. Mùa khô thì khổ lắm, trong nhờ, đục chịu, cứ xách nước kênh lên, đánh phèn, bấm bụng mà xài”.

Chỉ tay xuống mé kênh lềnh bềnh rác rưởi, ông Minh lắc đầu ngán ngẩm: “Trừ nước uống ra, mọi sinh hoạt khác của người dân đều nhờ đến dòng nước này”.

Ngồi bên dòng kênh nhặt rau, rửa cá, chuẩn bị cho bữa cơm trưa, thấy chúng tôi đến, ông Nguyễn Văn Thun (khu vực Tân Phước 1) than phiền: “Dòng nước ngày càng bị ô nhiễm nặng, hôm nào những ao nuôi cá xả thải, nước kênh tanh hôi không chịu nổi”. “Sao bà con không làm giếng bơm để sử dụng cho an toàn?”, chúng tôi hỏi. Ông Thun lắc đầu: “Không phải nhà nào cũng có sẵn tiền, chi phí làm một cái giếng bơm mất hơn 6 triệu đồng nhưng chưa chắc sử dụng được vì độ nhiễm phèn vùng này quá nặng”.

Ông Thun cho biết, gia đình ông cũng có làm giếng bơm, nhưng đành “đắp chiếu” bỏ đó bởi nước nhiễm phèn. “Tôi xây bồn chứa, khi nào thấy nước kênh có màu đẹp thì bơm lên để dùng dần. Mỗi tháng được vài lần nước lên, màu nước kênh trông đẹp thì đẹp thật nhưng người lạ nhảy xuống tắm lập tức sẽ bị dị ứng ngoài da ngay”, ông Thun nói.

Bao giờ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh?

Ông Nguyễn Thanh Xoàn, Bí thư chi bộ Khu vực Tân Phước 1, phường Thuận Hưng cho biết: “Toàn khu vực hiện có gần 1.320 hộ dân, trong đó có khoảng 200 hộ, phần lớn là hộ nghèo, cận nghèo chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh. Bà con kiến nghị nhiều lần lắm rồi, chúng tôi chỉ được biết do Khu vực Tân Phước 1 nằm cách xa trung tâm quận, Quốc lộ 91 đang có kế hoạch mở rộng nên công tác triển khai đường ống cấp nước bị chậm trễ”.

Đoạn kênh chạy dọc theo Quốc lộ 91, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 200 hộ dân khu vực Tân Phước 1, phường Thuận Hưng.

Bà Nguyễn Thị Xưa (khu vực Tân Phước 1) tâm sự: “Mấy chục năm về trước chúng tôi đã sử dụng nước kênh, rạch nhưng bây giờ kênh rạch ô nhiễm nặng. Tôi chỉ mong Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, giúp người dân được sử dụng nước sạch”.

Đồng tình với kiến nghị của bà Xưa, ông Dương Thành Công cho biết thêm: “Biết nước bị ô nhiễm nên không ai dám uống, cả khi được đun sôi. Cho nên dù nghèo khó, nhiều gia đình cũng buộc phải chi hàng trăm nghìn đồng mỗi tháng để mua nước uống”.

Ông Phạm Thái Sơn (khu vực Tân Phước 1), có nhà ở cặp Quốc lộ 91 bức xúc: “Tôi chấp nhận chi trả mọi chi phí để được sử dụng nước máy, nhưng đề nghị đã 3 năm rồi mà không ai giải quyết. Hiện gia đình tôi vẫn phải dùng nước sông, vô cùng bất tiện”.

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, tính đến cuối năm 2013, số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn quận là 35.609/37.951 hộ, đạt 93,83%. Qua khảo sát, còn hơn 1.360 hộ dân có nhu cầu được lắp đặt đường ống dẫn nước sinh hoạt với tổng chiều dài khoảng 18.400m. Các đơn vị chịu trách nhiệm cấp nước trên địa bàn là Công ty cổ phần cấp thoát nước quận Thốt Nốt và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường TP Cần Thơ.

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng người dân chưa được sử dụng nước sạch trên địa bàn, lãnh đạo phường Thuận Hưng và Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt đều xác nhận: Việc 200 hộ dân khu vực Tân Phước 1, phường Thuận Hưng không có nước sạch để dùng là có thật. Mọi kiến nghị của người dân cũng đã được ghi nhận và phản ánh lên trên theo phân cấp. Thế nhưng bao giờ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh vẫn là câu hỏi còn để ngỏ…

Bài và ảnh: HỒNG BỈNH HIẾU