QĐND - Đã qua 46 năm, nhưng kỷ niệm về đồng đội, về một thời là chiến sĩ hải quân với những chiến công và những trận đòn tra tấn dã man tại các nhà tù, đặc biệt là ở Nhà tù Côn Đảo-“địa ngục trần gian” của đế quốc Mỹ và bọn ngụy quyền tay sai bán nước-vẫn còn sâu đậm trong tâm khảm của ông Nguyễn Văn Tiến, Anh hùng LLVT nhân dân ở thôn Tông Phố, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương…

Tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Tiến vào một ngày trời se lạnh đầu thu vừa qua. Câu chuyện của ông như một cuốn băng quay chậm:

Thương binh, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Tiến.

Tôi sinh tháng 3-1948, là con trưởng trong một gia đình có bốn anh em. Năm 18 tuổi, đang học dở lớp 10, nghe tin có đơn vị bộ đội về xã tuyển quân, tôi trốn bố mẹ đi khám sức khỏe, sau đó trúng tuyển và được vào Lữ đoàn Đặc công 126 Hải quân. Sau thời gian huấn luyện tân binh, tôi được đi B, tham gia chiến đấu tại Mặt trận Cửa Việt ở Quảng Trị. Trước khi tham gia chiến đấu ở Cửa Việt, đơn vị đã tổ chức làm lễ truy điệu cho tôi và các đồng chí tham gia trận đánh. Đó là lần “báo tử” thứ nhất. Trận chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, tôi bị địch bắn vào đầu nhưng vẫn may là chưa chết. Đồng đội chưa kịp mang ra khỏi trận địa thì địch tràn lên kéo tôi đi. Đầu năm 1971, chúng đày tôi ra đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang…

Ra nhà tù đảo Phú Quốc, bọn địch biết tôi là bộ đội hải quân miền Bắc, liền cho “nếm” mọi đòn tra tấn cực kỳ dã man. Nhiều đồng chí tù ở đảo không biết chữ. Một buổi, tôi đang dạy cho ba đồng chí, một người bảo tôi “anh diết (viết) trước cho tụi tôi làm theo”. Tên lính gác nghe vậy thì báo cáo là tôi chủ mưu bàn tính giết quân cảnh để trốn. Tên giám thị trợn mắt: Dậy hả, được lắm, tao cho mày hết bàn bạc luôn! Hắn lấy cái thước lim vuông rồi cho vào mồm tôi, tay phải dùng búa nện mạnh vào má bên phải, rồi bên trái, ngay tức khắc 6 răng hàm hai bên của tôi văng ra đất, máu phọt mạnh đầy mồm tuôn xuống cổ, ngực. Tôi vơ vội được ba cái răng nuốt vào bụng. Hiện nay, ba chiếc răng hàm này đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Lúc đó tôi quát chửi, tên thượng sĩ cười gằn: Thằng này nó còn nói được, phải đục nốt mấy cái răng cửa! Bọn chúng banh mồm tôi ra rồi lấy kìm nhổ nốt mấy răng cửa còn lại. Tôi ngã vật ra đất ngất xỉu…

Anh em tù thay nhau săn sóc tôi trong 9 ngày đêm, dùng nước tiểu của mọi người sát trùng rửa miệng cho tôi, vết thương khô dần không còn chảy máu, tôi đỡ sốt. Thấy tôi tỉnh lại, chúng lại lôi ra tra tấn tiếp rồi giam vào “chuồng cọp” làm bằng kẽm gai rộng chừng 80cm, dài 1m, cao 75cm, ai bị nhốt vào thì không đứng, không ngồi bệt xuống được, chỉ có tư thế cúi khom người xuống, tay bị trói quặt ra sau lưng, người cởi trần chỉ được mặc một cái quần đùi, để ngoài trời trên bãi cát suốt mấy ngày đêm. Bọn quân cảnh gác tù tiêu khiển bằng cách dùng túi ni-lông đốt cháy, giơ lên cũi người tù, những giọt nhựa ni-lông cháy nhỏ xuống dính vào đâu là chỗ đó bị bỏng phồng rộp lên rồi thối thịt. Có khi chúng bắt tù há mồm múc nước sôi có xà phòng đổ vào miệng; bắt ăn cơm trộn với cát và nước tiểu, không ăn liền bị chúng lấy báng súng phang túi bụi, nếu ăn bị nôn ra chúng bắt bốc lên ăn tiếp. Hình thức tra tấn nặng hơn là chúng trói tay tù ra sau lưng, dùng điện kẹp vào tai; rút móng tay, móng chân hoặc dùng gậy đập nát các ngón tay, ngón chân… Mỗi lần chúng chơi trò tiêu khiển ác quỷ đó là tiếng la hét, tiếng rú đau đớn của anh em tù, chúng lại cười sằng sặc.

Tôi bị nhốt vào "chuồng cọp" ba ngày đêm thì ngất lịm. Lần này, cả anh em tù và bọn cai ngục đều đinh ninh tôi bị chết thật! Bọn cai ngục vứt xác tôi ra ngoài bãi cát, có nhiều xác anh em tù chết chưa chôn. Có lẽ hồi đó tuổi thanh niên vẫn tràn đầy trong tôi, vì thế mà tôi sống lại. Đến khoảng nửa đêm, tôi bò lết ra bãi biển, hy vọng trườn được xuống dưới nước tôi sẽ sống. Lúc đó, trời đã rạng sáng, mấy tên gác tù phát hiện được liền quăng vó như kéo cá lôi tôi vào bờ.

Tin tôi đã “chết” vì đòn tra tấn cực kỳ dã man của kẻ thù được truyền ra ngoài… Đơn vị hải quân làm giấy báo tử kèm theo cả tấm Bằng Tổ quốc ghi công gửi về địa phương vào tháng 3-1971. Nhận được giấy báo tử, gia đình tôi vô cùng đau đớn. Mỗi lần nhìn lên ban thờ có tấm Bằng “Tổ quốc ghi công Liệt sĩ Nguyễn Văn Tiến”, thấy hình tôi trong bộ quân phục hải quân tươi vui, trẻ trung, nước mắt mẹ tôi lại tuôn rơi. Bố tôi hằng ngày lặng lẽ đến đứng bên ban thờ nói thì thầm với đứa con trong ảnh. Các em tôi sợ nếu cứ triền miên như thế có khi bố tôi bị tâm thần… Cảnh tượng đó diễn ra hơn năm trời.

Ông Nguyễn Văn Tiến và đồng đội thăm Di tích bến K15 Hải Phòng, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Đoàn tàu không số (1960-2010). Ảnh do nhân vật cung cấp

Năm 1973, sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, tôi được trao trả tù binh bên sông Thạch Hãn-Quảng Trị. Sau đó được đưa về Đoàn 8 an dưỡng Quân khu 3 đóng ở huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, sau lại chuyển về Đoàn 255 thương binh nặng ở huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc cũ. Tháng 6-1975, tôi được chuyển về Khu điều dưỡng Thương binh 2 (thương binh nặng) ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng. Năm 1974, Khu điều dưỡng cưới vợ cho tôi, một cán bộ phụ nữ xã tình nguyện “bốc thăm” lấy thương binh nặng làm chồng. Năm 1979, tôi được về điều dưỡng tại gia đình… Mấy năm sau, chúng tôi sinh hạ được hai người con, một trai, một gái. Đến nay, đại gia đình chúng tôi đã có thêm 5 cháu nội, ngoại…

Cho đến bây giờ tôi mới thật sự cảm thấy mình là người hạnh phúc. Chuyện tôi có vợ rồi có các con, các cháu là ngoài sự mong ước, vì tôi biết mình đã tàn phế nên không bao giờ dám nghĩ đến điều có một mái ấm và cũng không muốn để cho ai đó phải vất vả vì mình. Tôi được hạnh phúc như ngày nay là nhờ Khu điều dưỡng thương binh, tổ chức đã trao cho tôi một người phụ nữ hoàn hảo, đó là người vợ của tôi-Đặng Thị Thiện, sinh năm 1950. Ngày đó Thiện hoạt động công tác phụ nữ, hằng ngày vào Khu điều dưỡng chăm sóc thương binh, bệnh binh cùng nhiều chị em khác đều chưa có gia đình. Chị em hoàn toàn tự nguyện lấy thương binh nặng để chăm sóc và sống trọn đời với họ. Có lẽ trên thế giới không có người phụ nữ nào dám làm điều phi thường như những người phụ nữ Việt Nam. Sau này có con với nhau, vợ tôi mới nói: Ngày ấy, quả thực em cũng hơi run không biết mình “bốc thăm” được ông nào và điều kỳ diệu lại trúng anh, mặc dù không ở cùng xã, nhưng cùng huyện, em biết anh từ ngày chưa đi bộ đội kia, anh đẹp trai nhất thôn, bơi lội lại giỏi, trong lứa bọn em nhiều đứa thầm mong nhớ anh, nhưng anh lại chẳng biết gì, cuối cùng “số” em may thế lại “vớ” được!

Cả hai con tôi đều học hành thành đạt, nay có cuộc sống gia đình riêng, kinh tế khá ổn định. Còn bà xã của tôi vẫn chăm chỉ chịu khó, thương chồng, chăm cháu, tần tảo lo toan việc nhà và tham gia công tác xã hội.

PHAN THANH HƯƠNG