Từ lâu, tôi đã nghe tiếng chùa Hồ Thiên ở xã Phù Ninh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh là ngôi chùa cổ 700 năm tuổi. Chúng tôi quyết định tìm đường lên chùa để được tận mắt chứng kiến những điều truyền tụng trong dân gian…
 |
Gian nhà thờ nằm dưới tán cây rừng. |
Từ chân núi Phật, chúng tôi lần tìm đường lên chùa Hồ Thiên. Băng rừng, cắt núi, lội suối, đi gần ba tiếng đồng hồ vẫn chưa tới nơi. Có người mệt lử, cất tiếng hỏi: “Chẳng biết đi bao lâu nữa mới tới nơi? Không khéo lạc đường thì khổ”. Tiếng lão tiên sinh trong đoàn cất lên: “Khắc đi khắc đến. Người trước người sau rồi cũng đến”. Ai đó trong đoàn lên tiếng động viên: “Đúng rồi, khắc đi khắc đến. Anh em cố lên. Hình như nghe thấy tiếng chuông chùa rồi thì phải”. Tiếp tục phạt cây mở đường, người trẻ dìu cụ già, đi thêm gần hai tiếng đồng hồ nữa, đoàn chúng tôi cũng tìm được đến chùa Hồ Thiên. Đập vào mắt mọi người là ngôi chùa quá nhỏ so với sự tưởng tượng. Được cái, cảnh vật quanh chùa thì đẹp như chốn bồng lai. Hoa đào, hoa mai, hoa trà đỏ, trà vàng… khoe sắc rực rỡ. Những gốc vải thiều, quýt, thông già, đại trắng dễ có đến vài trăm năm tuổi. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, chùa Hồ Thiên nằm ở sườn phía nam núi Phật có độ cao chừng 800m, thuộc dãy núi Yên Tử. Theo Đại Nam nhất thống chí, thì: Chùa Hồ Thiên ở xã Phù Ninh, huyện Đông Triều, dựng từ triều Trần, lâu ngày đổ nát nhưng vẫn còn dấu vết cũ.
Dấu ấn hoành tráng
Sư thầy Chí Thông trụ trì ở chùa cho chúng tôi hay: “Chùa được xây dựng từ đời Trần, có tài liệu ghi là giảng đường của Trần Nhân Tông. Đến thời kỳ ngài Pháp Loa, là đệ tử-tổ thứ 2 của hệ phái Trúc Lâm, Yên Tử thì trở thành thiền viện”.
Nằm trên khuôn viên rộng chừng 2,5ha, chùa Hồ Thiên có khoảng hai chục công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau. Hiện vật ở chùa còn nhiều loại chủ yếu bằng chất liệu đá xanh như tượng đá, thống đá... Tiêu biểu nhất vẫn là hệ thống bia đá khắc chữ Hán. Bia trùng tu năm 1736, mặt tiền khắc bài văn bia trùng tu, mặt sau không khắc chữ, hai bên cạnh có đôi câu đối khắc nổi theo kiểu chữ Đại Triện. Đế bia cao 0,4m, rộng 1,35m, chạm khắc tinh xảo. Toàn bộ tấm bia này là một công trình, một tác phẩm nghệ thuật chạm khắc tuyệt mỹ với nội dung ca ngợi cảnh đẹp chùa Hồ Thiên và công đức của chúa Trịnh khi trùng tu ngôi chùa. Cuối bài văn bia có khắc bài thơ Ngự chế Hồ Thiên tự thi của chúa Trịnh Cương. Tạm dịch:
Miền đông đều xinh đẹp/Riêng một cảnh Hồ Thiên/La liệt ngàn núi thẳm/Vời vợi muôn vẻ huyền/Thượng thừa khai cảnh phật/Đại giác diễn chân thuyên/Lầu gác thường truyền giới/Đầm vực nối đất liền/Châu báu xây cổ tháp/Ngọc vàng rạng mọi miền/Đạo lớn thâm hưng chấn/Công quả được mãn viên/Cuộc chơi vừa kết thúc/Bút thánh đề non tiên.
 |
Quả chuông mới được phật tử Hà Nội cung tiến đầu năm 2009. |
Bia dựng ngày tốt tháng 3 niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736). Công bộ Thượng thư Cao Huy Trạc, tước Lâm quận công và Nguyễn Trác Luân đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Tân Sửu niên hiệu Bảo Thái 2 (1721) soạn văn. Phạm Khiêm Mích, đỗ Thám hoa, làm quan chức Tham tòng Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ, tước Thuật quận công và Nguyễn Huy Nhuận làm quan chức Tham tòng Hộ bộ Thượng thư, kiêm Binh bộ Thượng thư thiếu truyền tước Triệu quận công, cùng nhuận sắc.
Đó là chưa kể tới nền móng của toà tiền đường mới thực sự gây ấn tượng mạnh. Tòa tiền đường có chiều dài 26m, rộng 11m, có 19 tảng đá kê chân cột (chân táng cột chùa) có hoa văn trang trí hình cánh sen tuyệt đẹp (24 cánh). Chân táng cột chùa cổ nhất tạo thành hai lớp. Lớp dưới vuông (tượng trưng cho đất) có đường kính 1m. Lớp trên tròn, thu vào và dật cấp, hơi vát hướng lên trên (tượng trưng cho trời) có đường kính 0,6m. Cùng chung đề tài trang trí như nhau nhưng hình thức và kích thước của một số tảng đá kê chân cột khác nhau, chứng tỏ di tích luôn được các triều đại phong kiến nối tiếp nhau trùng tu.
Chuyện chỉ có ở đất Phật
Là ngôi chùa cổ có nhiều giá trị văn hóa, khảo cổ nhưng đến ngày 29-5-2006, chùa Hồ Thiên mới được xếp hạng Di tích quốc gia theo Quyết định số 56/2006/QĐ-BVHTT. Việc này cũng có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do chùa Hồ Thiên nằm ở địa thế khá hiểm trở, lại ở khu vực ít dân. Trước đây cũng có một số nhà sư lên tu ở chùa nhưng được một thời gian lại bỏ đi. Hiện trụ trì chùa là Hòa thượng Chí Thông. Năm 2001, Hòa thượng Chí Thông cùng phật tử lên thăm chùa Hồ Thiên, lão cư sĩ ở chùa mời thầy Chí Thông ở lại. Sang đến năm 2002, thầy Chí Thông quyết định lên chùa Hồ Thiên tu, khi đó chùa vẫn là phế tích. Thầy Chí Thông ngủ trên nền đất, ăn cơm với muối, rau rừng qua ngày. Gần như quanh năm suốt tháng không có phật tử lên thăm chùa. Thi thoảng có người đi rừng tìm phong lan để lại cho thầy nắm muối, lon gạo.
Phải đến năm 2006, một số người có tâm ở Hà Nội biết chuyện, mới lên chùa dâng tiền công đức 100 triệu đồng để thầy Chí Thông xây mấy gian nhà nhỏ thờ cúng, làm chỗ sinh hoạt và tiếp đón khách phương xa. “Nói vậy thôi chứ giờ mỗi tháng cũng chỉ có một, hai đoàn ở các địa phương lên chùa”, sư thầy Chí Thông cho hay.
Do ít dấu chân người trên núi Phật nên cảnh vật quanh chùa mang vẻ nguyên sơ với rừng thông, rặng tre, trúc xanh ngút mắt, đẹp như trong phim cổ trang Trung Quốc. Phong lan rừng và địa lan nở hoa quanh năm. Có lần đệ tử của thầy Chí Thông đi hái quả rừng, bị khỉ tát vì “tội xâm phạm lãnh địa riêng”.
Bài và ảnh: Đình Hùng