QĐND - “Xiều”- tiếng Lào có nghĩa là người bạn rất thân thiết. Còn buộc chỉ cổ tay là hành động thể hiện tình cảm yêu mến dành cho khách quý. Có lọ, hình ảnh ngòi bút "xiều" buộc chỉ phần nào nói lên được câu chuyện của những chiến sĩ cầm bút của hai nước Việt Nam -Lào sau cuộc tọa đàm “Báo chí QĐND Việt Nam -QĐND Lào: Đấu tranh chống thông tin xuyên tạc, quan điểm sai trái” tổ chức tại thành phố Vinh (Nghệ An) mới đây…
Một thời “buộc chỉ” trong gian khó
Sáu rưỡi sáng, chiếc xe Mai Linh màu xanh lá mạ đã chờ sẵn ở cổng số 7 Phan Đình Phùng. Trong số đại biểu lên đường, nhóm phóng viên Phòng biên tập Báo Quân đội nhân dân Điện tử có lẽ là lỉnh kỉnh nhất. Ngoài máy ảnh, máy quay phim, Phó trưởng phòng Ngô Anh Thu và phóng viên Ngô Duy Đông còn khệ nệ vác theo một chiếc máy chiếu chân dài. Thấy mọi người ngạc nhiên về điều này, anh Thu, người cũng vừa tham gia chuyến công tác của đoàn báo chí quân đội nước ta sang thăm Lào giải thích: Trong chuyến thăm hồi tháng 7, thấy tòa soạn báo bạn còn nhiều thiếu thốn và chưa có máy trình chiếu những clip phục vụ hội nghị, Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên -Tổng biên tập Báo QĐND đã quyết định tặng bạn món quà mà bạn đang rất cần này.
 |
Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên trao tặng món quà của Báo QĐND Việt Nam cho Báo QĐND Lào. Ảnh: Quang Thái
|
Lúc Đông vác chân máy qua đường Lý Nam Đế, tôi gặp nhà báo Văn Hướng -nguyên phóng viên Báo QĐND, anh nói vui:
- Các cậu còn nhàn chán. Tớ từng nhận lệnh Tổng biên tập Trần Công Mân cõng cả chiếc xe đạp Thống Nhất sang tặng Báo QĐND Lào.
Văn Hướng là một trong số rất nhiều thế hệ phóng viên báo QĐND đã từng sang làm chuyên gia giúp bạn Lào. Vào năm 1983, kinh tế của cả Việt Nam và Lào đều rơi vào cảnh khó khăn gần giống hiện nay, giữa thời bao cấp bộn bề thiếu thốn ấy thì chiếc xe đạp quả là món quà quý tặng báo bạn.
Xe bon bon xuôi đường Hồ Chí Minh vào Vinh như gợi nhắc một thời các thế hệ cầm bút áo lính phải nhọc nhằn xuyên Trường Sơn. Các nhà báo Huy Thiêm, Tô Thành Tuyên “bật mí”: Từ năm 1979, Báo QĐND từng được trên giao cử nhiều cán bộ sang giúp quân đội bạn đào tạo phóng viên, với 3 lớp đào tạo được hơn 100 người làm báo. Sau đó, còn nhiều đợt phóng viên biệt phái làm chuyên gia giúp bạn Lào như: Hồ Sĩ Bằng, Ngô Chí Hoạt, Thiều Quang Biên, Vũ Hồ, Khắc Tiếp, Đức Toại, Bá Thước, Trần Nhung, Phúc ấm, Hoàng Huân, Hải Đức, Viết Sơn… Có người từng ở Lào tới 3-4 năm giúp bạn.
Xa hơn, một thời “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” những năm chống Mỹ, các nhà báo của Báo QĐND cùng nhiều cơ quan báo chí quân đội đã xông pha giữa bom đạn làm “Bản tin Chiến thắng” ngay trên chiến trường Cánh Đồng Chum.
Nhà báo Công Bằng từng kể về một thời làm chuyên gia giúp Báo QĐND Lào từ năm 1979 thật cảm động. Ngày ấy, chuyên gia các ngành khác đã đến giúp bạn từ lâu nhưng chuyên gia báo chí quân đội thì mới có lần đầu. Học viên nhiều người chưa bao giờ làm báo chứ chưa nói đến năng khiếu. Nhưng chính sự cần mẫn, nỗ lực của cả “thầy” và “trò” mà rất nhanh chóng, QĐND Lào đã dần có được một đội ngũ nhà báo vững vàng. Để rồi hàng chục năm sau các chuyên gia trở lại, nhiều học viên dẫu không còn làm báo vẫn tìm đến gọi các anh là “thầy”, là “xiều”, vẫn buộc chỉ cổ tay và bao tình cảm thủy chung, son sắt…
Những câu chuyện, những hồi ức đan xen càng khiến chúng tôi hiểu được ý nghĩa sâu sắc của cuộc tọa đàm. Có lẽ, sau cái kỷ lục “đoàn chuyên gia báo chí quân đội đầu tiên giúp bạn Lào” thì hôm nay, Báo QĐND lại có thêm một kỷ lục -tổ chức cuộc tọa đàm có tính chất quốc tế đầu tiên giữa các cơ quan báo chí quân đội hai nước.
Giữa tiền sảnh Nhà khách Quân khu 4, Trung tá Sông -đệt Vông -phu-thon, Tổng biên tập Báo QĐND Lào ôm lấy Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên xúc động. Hồi tháng 7, khi đoàn đại biểu báo chí QĐND Việt Nam sang thăm, Trung tá Sông -đệt đã bày tỏ mong muốn được báo chí QĐND Việt Nam giúp đỡ nhiều mặt, nhất là kinh nghiệm viết các thể loại chuyên luận, bình luận đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Đây cũng là vấn đề được lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào rất quan tâm. Anh cũng không ngờ cuộc tọa đàm đã được lãnh đạo Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam ủng hộ, có thể tổ chức sớm như vậy.
Ngòi bút đấu tranh của dân tộc “bồ câu”
Trong bữa cơm buổi tối hôm diễn ra cuộc tọa đàm, tôi ngồi cùng bàn với 3 phóng viên trẻ Souliyo, Daovone, Souks Sakhone của Báo Pa-xa-xôn, cơ quan của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (một tờ báo giống như Báo Nhân Dân ở Việt Nam) và Báo Viêng Chăn Mới (giống như Báo Hà Nội Mới ở Việt Nam). Các bạn trẻ này tuy không biết tiếng Việt, không thể trò chuyện trực tiếp được với chúng tôi như các anh chị khác nhưng lại giỏi tiếng Anh và công nghệ thông tin. Qua lời dịch của phóng viên Vũ Hùng ở Phòng biên tập Thời sự Quốc tế, Souks Sakhone cho tôi biết ở Lào cũng có khá nhiều trang web, blog xuyên tạc, nói xấu các lãnh đạo và tình hình đất nước Lào, hầu hết các trang này đều có nguồn gốc từ nước ngoài. Mượn một chiếc điện thoại i -phone có sóng 3G, Sakhone nhanh chóng chỉ cho chúng tôi xem vài trang. Nhìn những dòng chữ Lào “uốn lượn”, dĩ nhiên tôi chẳng hiểu mấy trang này nói gì nhưng thấy nét mặt biểu lộ sự “tẩy chay” của các đồng nghiệp nước bạn, tôi biết họ rất muốn đấu tranh với thứ “rác độc” này. Tuy nhiên, theo các bạn trẻ thì nước bạn cũng chọn lọc từng trang và nội dung để đấu tranh, không phải cái gì cũng “đáp trả”.
Nhiều nhà báo đàn anh từng công tác ở Lào đã kể rằng, trên thế giới, nhiều người gọi dân tộc Lào bằng một cái tên thật dễ thương: “Dân tộc bồ câu”. Một sự ví von thật đẹp vì bồ câu là loài chim của hòa bình, xinh đẹp và hiền hậu, có lẽ rất giống với cách hành xử của các bạn Lào. Nhưng không phải vì thế mà các bạn Lào chủ quan trước các thế lực thù địch, những luận điệu sai trái. Sáng hôm sau, Trung tá Sông -đệt Vông -phu-thon trong lời phát biểu đề dẫn đã nhắc đến cụm từ “diễn biến hòa bình", khẳng định đó là một trong những âm mưu thâm độc chống phá Đảng và Nhà nước Lào. Anh cũng kể ra khá nhiều thủ đoạn chống phá như dùng website, blog đưa tin sai lệch, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; thông tin xuyên tạc về chính sách kinh tế, ngân hàng, tài chính và những hiện tượng tiêu cực trong xã hội; chia rẽ nội bộ, tiến tới thúc đẩy quá trình tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Anh nói: “Vũ khí của chúng ta là ngòi bút, rất cần đấu tranh và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực hết sức phức tạp này”.
Tổng biên tập Báo Viêng Chăn Mới Thong Lườn Phi -ma-sòn có tác phong như một chiến sĩ. Bài tham luận của anh nghe tiêu đề đã mạnh mẽ sức chiến đấu: “Đáp trả thông tin bóp méo sự thật!”. Theo anh, “đáp trả” không chỉ bằng những bài phê phán mà còn bằng cả những bài báo khẳng định thành công của mô hình làng bản phát triển kinh tế, làng bản văn hóa. Một bài ca ngợi mô hình tốt có thể đập tan hàng vạn lời xuyên tạc, kích động rằng Đảng, Nhà nước chúng tôi bỏ rơi các đồng bào Mông nơi biên giới.
Giờ giải lao của cuộc tọa đàm, chúng tôi chứng kiến cuộc hội ngộ xúc động của một cặp thầy trò sau mấy chục năm: Anh Bun-say Sả -la-phăn, Trưởng ban biên tập Thời sự -Chính trị -Kinh tế Báo Pa-xa-xôn và Đại tá, PGS, TS Nguyễn Xuân Tú, Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục Lý luận chính trị quân sự. Vào khoảng những năm 1985-1988, Bun-say là học viên Trường Sĩ quan Chính trị ở Bắc Ninh, còn anh Tú là giảng viên môn Lịch sử Đảng. Sau này, Bun-say trở thành phóng viên Thông tấn xã Lào rồi chuyển sang Báo Pa-xa-xôn. Hôm nay, nghe bài tham luận của “thầy Tú”, Bun-say biết thêm một điều thú vị: Tình đoàn kết đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt -Lào không chỉ gắn bó từ mấy chục năm liên minh chiến đấu mà còn bắt nguồn từ rất xa, từ năm 1928, Bác Hồ đã trực tiếp bí mật khảo sát thực địa tại Lào để xây dựng cơ sở, thành lập tổ chức cách mạng và đường dây liên lạc giữa nhiều thị trấn ở Lào.
Một buổi chiều sau cuộc tọa đàm, Bun-say và đoàn báo chí quân đội bạn tới thăm Làng Sen quê hương Bác Hồ. Tôi được các đồng nghiệp kể lại rằng, Bun-say ghi vào sổ tay của mình câu nói bất hủ của Bác Hồ: “Giúp bạn là tự giúp mình”. Anh nói: “Đến thăm quê hương Bác Hồ, tôi mới hiểu chỉ những người đi lên từ gian khó mới biết quý trọng tình bạn như vậy”.
Ghi chép của Nguyên Minh