QĐND - Nhắc đến Lai Châu, tỉnh vẫn được biết đến là nghèo và khó khăn nhất của cả nước, một đồng nghiệp tôi thốt lên: “Lai Châu cái gì cũng thiếu, chỉ có núi là thừa!”.
 |
Buổi trưa các em ngủ trên nền đất giữa lớp học.
|
 |
Dù thiếu thốn trăm bề nhưng nụ cười và sự hồn nhiên của các em luôn tràn ngập lớp học.
|
 |
Sắp đến Trường Mầm non Lả Nhì Thàng rồi!
|
 |
Hành trang đến trường của các em là cặp lồng cơm.
|
 |
Tập thể dục giữa giờ
|
 |
Đôi khi có cháu quên mang cặp lồng, được cô giáo chia cơm từ gia đình giúp đỡ.
|
Thượng tá Vũ Cao Hãn, Chính trị viên Đồn Biên phòng 239 Sì Lờ Lầu, huyện Phong Thổ, kể với chúng tôi về điểm trường bản Lả Nhì Thàng, xã Tung Qua Lìn, hiện là điểm khó khăn nhất của xã. Điểm trường nằm trên núi cao, không đường, không điện, không trạm y tế… Lớp học tuềnh toàng, mưa thì ướt, nắng thì gió lùa… Từ trung tâm xã vào đến trường khoảng 15km nhưng chỉ đi được xe máy một mình, trời nắng phải mất khoảng 2 giờ đồng hồ, trời mưa thì chỉ có... đi bộ.
Chúng tôi được Đại úy Nguyễn Văn Khiêm, Đội phó Đội vận động quần chúng phụ trách bản Lả Nhì Thàng, dẫn vào bản. Gọi là đường cho dễ hiểu, bởi lối mòn vào bản toàn đá hộc và đất sét, men theo triền núi chi chít vết chân trâu, chỉ vừa 1 xe máy hoặc 1 con trâu. Chiếc xe máy gầm gừ bò từng đoạn, nhiều khúc cua gấp phải lao lên rồi lùi lại, mới lên tiếp được. Chỉ bất cẩn một giây là có thể cả người và xe lao xuống vực.
Đại úy Khiêm lắp thêm xích vào lốp xe cho đỡ trơn. Đây là bài “tủ” chinh phục đường khó của cán bộ cắm bản vùng biên này. Bản thân tôi cũng đã tác nghiệp ở nhiều ở vùng núi Tây Bắc nhưng quả thực chưa đi cung đường nào gian nan như vào Lả Nhì Thàng. Khó nhất là đoạn vào gần bản 3km, dốc đứng, mặt đường toàn đá được dân xếp làm bờ kè. Leo đến nửa đường, phải dừng nghỉ vì xe nóng máy, tôi mới ngoái cổ nhìn lại chợt thấy đường vào Lả Nhì Thàng giống như cung đường leo đỉnh Phan Xi Păng vậy!
Vừa đi, Đại úy Khiêm vừa đốc thúc chúng tôi, nhanh nhanh vào đó không mưa ập xuống là chịu chết giữa đường. Sau 2 tiếng rưỡi đồng hồ, chúng tôi vào đến trung tâm bản Lả Nhì Thàng, đúng lúc các em học sinh mầm non dùng bữa trưa. Cô giáo Đèo Thị Hương Giang đang cho các cháu ăn. Lớp học tạm lợp phi-brô xi măng, tường đất, rộng chừng 25m2 là nơi ăn học của các em học sinh mầm non. Tất cả các em đi học đều được bố mẹ chuẩn bị 1 cặp lồng cơm mang theo. Cô giáo kiêm cả chân đầu bếp nấu thức ăn cho các em. Mỗi ngày, tiền ăn của mỗi em là 5000 đồng-khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 49/CP của Chính phủ.
Chợt nhói lòng nghĩ về quãng đường đến trường và khoảng tiền 5000 đồng! Tôi càng khâm phục những người thầy, người cô lên và gắn bó với miền ngược vì sự nghiệp giáo dục như cô Giang. Trước mắt, chỉ mong sao bản sớm có con đường để cuộc sống đồng bào nơi đây được cải thiện!
Bài và ảnh: TRỌNG HẢI