 |
Sản phẩm lông mi trước khi hoàn chỉnh
|
Học làm lông mi giả, mới nghe qua ai cũng bật cười. Nghề ngỗng gì... kỳ khôi, học xong rồi về nhà làm ra, biết bán cho ai? Vậy mà giờ đây ở một vùng quê tỉnh Sóc Trăng, nghề làm lông mi giả đã âm thầm xuất hiện và phát triển gần ba năm nay. Nghề này đã tạo được việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người dân nông thôn...
Bắt đầu từ hai cô gái…
Về xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), hỏi thăm nghề làm lông mi giả, ai cũng có thể nói vanh vách và chỉ dẫn cặn kẽ nơi sản xuất, dạy nghề miễn phí của hai cô gái Lâm Kim Ngoan và Phan Mộng Thùy, đặt tại nhà riêng ở ấp Mỹ Tân. Chỉ tay ra con đường láng nhựa phía trước nhà, Mộng Thùy nói với tôi: “Ở đây ngoài đường sông chỉ mỗi đường này tới được huyện, hồi trước gặp mùa mưa thì chịu. Đến năm 2006, Nhà nước cho thi công, làm đường ngon lành như bây giờ. Từ chuyện làm đường sá mà chị em mới biết được cái nghề này, chắc cũng do… duyên nghiệp chi đó!?”.
Thấy tôi không hiểu, Kim Ngoan tiếp: “Trong số công nhân về đây làm đường, có một chú người Vĩnh Long. Chú ấy giới thiệu thanh niên trong xóm đến cơ sở sản xuất lông mi giả của đứa cháu ở tỉnh Vĩnh Long để học nghề. Cơ sở này do người Đài Loan trực tiếp đầu tư trang thiết bị và hướng dẫn học viên, sản phẩm được họ đứng ra bao tiêu hết!”.
Học làm lông mi giả, mới nghe qua ai cũng bật cười. Nghề ngỗng gì… kỳ khôi, học xong rồi về nhà làm ra biết bán cho ai? Thuỳ và Ngoan nói với tôi, mặc dù chưa biết chắc tương lai nghề này sẽ ra sao, nhưng hai chị em đều cùng ý nghĩ là học cho bản thân biết thêm một nghề, có còn hơn không. Thùy bảo từ nhỏ em chỉ mơ học nghề uốn tóc, trang điểm cô dâu nhưng kinh tế gia đình khó khăn nên chùng chình mãi. Huống chi học nghề này không phải đóng học phí mà lại được ăn lương sản phẩm. Vậy là đầu năm 2007, hai chị em gom góp tiền bạc, quyết chí… lên đường.
Theo hai cô gái, nói “học nghề” có vẻ to tát, nhưng đối với việc làm lông mi giả thì đơn giản thôi, chỉ cần một chút kiên trì, một chút khéo tay là đủ. Học và làm chưa quá nửa năm, hai chị em đã tự tin trở về quê mở cơ sở sản xuất độc lập, mạnh dạn nhận hợp đồng cung ứng sản phẩm cho đơn vị đầu mối.
“Phủ sóng”
Đưa tôi đi tìm hiểu nghề làm lông mi giả, chị Nguyễn Thị Yến Phương - Quyền Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nhơn Mỹ - cứ tấm tắc nhắc đi nhắc lại: “Hay lắm, mô hình sản xuất này hay lắm. Nó dễ học, dễ làm, ai cũng có thể tranh thủ thời gian ngồi tại nhà mà làm ra sản phẩm…”.
 |
Học viên mới đang học nghề làm lông mi giả
|
Không như tôi hình dung, hóa ra nghề làm lông mi giả ở đây chẳng có “dây chuyền, thiết bị công nghệ” gì, mọi thứ gần như được làm thủ công. Đáng kể nhất là chiếc máy xén tóc chuyên dụng nhỏ như cái cân bàn loại 10kg, điều khiển bằng tay. Ngoan đưa lọn tóc vào, căn chỉnh độ dài, cắt xong và giới thiệu ngắn gọn: “Chiếc máy này xuất xứ từ Đài Loan, tụi em đặt mua bốn triệu đồng. Tóc thì mua ở… nước mình, giá dao động 350 đến 400 nghìn đồng/kg. Thắt lông mi, sợi tóc chỉ cần dài độ 16cm. 1kg tóc thắt được khoảng 3.000 cặp lông mi”.
Khi thắt lông mi, từng sợi hoặc từng đôi tóc được xếp lại và buộc rút vào một sợi chỉ, sau đó quét qua lớp keo mỏng, giữ chắc mối thắt. Lông mi có loại thưa, ngắn hoặc dày, dài. Mỗi chiếc dài 3,4 đến 3,5cm tùy theo yêu cầu của khách hàng. Thắt mới là công đoạn đầu tiên, để được chiếc lông mi hoàn chỉnh, phải thực hiện tiếp các công đoạn cần thiết như: Ủi, hấp, tỉa và uốn cong.
Tại cơ sở sản xuất, mọi người vừa làm vừa nói cười rôm rả, cảm giác giống như chị em trong xóm xúm xít tiếp một gia đình nào đó làm bánh mứt khi nhà có đám tiệc. Những người làm việc này đã quen nghề, họ thực hiện những công đoạn cuối để cho ra đời sản phẩm hoàn chỉnh. Và hầu hết họ là người trong xóm, trong ấp, tiền công mỗi người được nhận từ 600.000 đến 800.000 đồng/tháng. Còn “sản phẩm thô”, tức lông mi thắt ở giai đoạn đầu, Thùy và Ngoan thu mua từ các… “cơ sở vệ tinh” - những người làm việc tại nhà riêng trong xã.
Ngoan kể, ban đầu hai chị em phải chia nhau đến từng nhà thuyết phục mọi người học nghề, người ta rất ngại khi thấy cái cách tỉ mẩn nhón từng sợi, từng đôi tóc vào thắt… Bây giờ riêng xóm này ai cũng biết làm, nhà nào cũng có người làm lông mi.
Hiện tại, mỗi tháng cơ sở của hai cô gái nhận hợp đồng cung ứng 40.000 cặp lông mi giả, do vậy họ cũng cần thêm người làm vệ tinh. Thùy cho biết, hơn 100 người ở xã Nhơn Mỹ đã được cô và Ngoan trực tiếp hướng dẫn nghề, nguyên liệu tóc do các cô cung cấp miễn phí. Lông mi thắt xong, cô mua lại giá 1.000 đồng/cặp. Thùy nói: “Quanh xã này và những nơi lân cận, ai cần học nghề, tụi em sắp xếp tới liền. Nhiều khi đi dạy, một địa điểm chỉ có… hai người!”.
Chị Yến Phương, với danh nghĩa hội phụ nữ, đã tổ chức hai lớp dạy nghề cho 30 người tham dự, Thùy và Ngoan tự nguyện… đứng lớp. Theo chị Phương, lực lượng “nông nhàn” người địa phương rất đông, sắp tới chắc phải vận động mở thêm.
 |
Ai cũng có thể ngồi tại nhà mà làm ra sản phẩm
|
Tôi hỏi Thùy: Một người làm giỏi, mỗi ngày có thể thắt được bao nhiêu cặp lông mi?
- Khoảng bốn chục!”.
- Còn trung bình? “Chừng hai mươi đến ba mươi cặp thôi ạ, vì người ta còn làm công việc gia đình nữa mà!” - Thùy đáp.
Chị Sáu Ân (ngụ ấp Mỹ Thạnh, Nhơn Mỹ) - một trong những người thắt lông mi giỏi vừa than vãn, nhưng mắt thì rất vui: “Tui đau ốm liên miên chú ơi, nhà được bao nhiêu vườn ruộng đâu, hai vợ chồng làm xong là quay ra… ở không. Từ hồi đứa con gái lên Cần Thơ học đại học, “ổng” đi phụ hồ, tui ở nhà ngồi thắt lông mi. Nhờ cái nghề này mà vững bụng nghe chú, đỡ chạy vạy chu cấp cho con ăn học, chưa nợ nần ai là mừng lắm rồi!”.
Thùy “bật mí” với tôi, thật ra mỗi cặp lông mi hoàn chỉnh cô bán cho đơn vị đầu mối chỉ được 2.300 đồng, sau đó họ đưa ra nước ngoài (giá bao nhiêu thì cô không rõ). Các trung tâm thương mại lớn khu vực miền Tây mua vào còn thấp hơn, khoảng 1.700 đồng/cặp. Để tăng thêm lợi nhuận cho mình, chỉ có cách duy nhất là hạ giá lông mi từ những người làm vệ tinh, nhưng cô không muốn vậy. Thùy nói: “Nhận làm nghề này, em biết ai cũng nhiều khó khăn, kiếm được đồng tiền chật vật lắm…”.
Ngồi viết bài này, tôi gọi điện hỏi Thùy: “Cơ sở của em đã làm thủ tục đăng ký sản xuất, kinh doanh hộ cá thể chưa?”. Thùy ngớ người: “Ủa, phải vậy nữa hả anh? Tụi em có biết chi đâu. Rồi thủ tục có rườm rà, có phải… chạy chọt gì không anh?”.
Phóng sự của HỒNG BỈNH HIẾU