QĐND - Tôi “vào đề” với Đại tá Mai Hồng Đại, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân đoàn 2: Chuyện huấn luyện và chiến đấu của Binh đoàn Hương Giang tôi đã được nghe nhiều rồi. Được biết, một trong những hoạt động “mới” của quân đoàn trong tháng qua là phát động hưởng ứng và thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Lần này tôi muốn tìm hiểu phong trào này của quân đoàn ta?

Đại tá Mai Hồng Đại nói: Đây đúng là một phong trào mới nhưng cũng không phải là mới, bởi lâu nay thực hiện chức năng “Đội quân công tác”, các đơn vị trong toàn quân vẫn làm. Tuy nhiên, lần này “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” là một phong trào lớn của Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phát động và đề ra những tiêu chí cụ thể. Theo đó, Bộ Quốc phòng đã có Chỉ thị và Tổng cục Chính trị đã ra Hướng dẫn toàn quân phát động phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Như vậy, phong trào này là một trong những nội dung nhiệm vụ quan trọng trong Phong trào Thi đua Quyết thắng hằng năm của toàn quân. Vừa qua, Cục Chính trị Quân đoàn 2 đã quán triệt cho lãnh đạo và chỉ huy các đơn vị nắm được những “nét mới” này, nhằm tiếp tục khẳng định vai trò của quân đội trong sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội của đất nước; góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất -tinh thần của nhân dân trên từng địa bàn, đặc biệt là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Việc “chung sức” phải theo phương châm “phát huy nội lực là chính”, phù hợp với khả năng của cơ quan -đơn vị và thực tiễn của địa phương; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương hình thức... Sư đoàn 325 là một trong ba đầu mối trực thuộc được Bộ tư lệnh Quân đoàn đã chọn “làm điểm” phát động phong trào này.

Đoàn đại biểu thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch -Quảng Bình) thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ Trung đoàn 18, nhân kỷ niệm 60 năm giải phóng Ba Đồn (1952-2012). Ảnh: Đình Hùng

Vậy là tôi xin phép xuống ngay Sư đoàn 325 - Đoàn Bình Trị Thiên anh hùng. Sau đây là ý kiến của một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đơn vị và cơ quan, trao đổi xung quanh mục đích, yêu cầu, nội dung, chỉ tiêu, biện pháp... thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” ở Sư đoàn 325.

Đại tá Nguyễn Ngọc Triển, Phó chính ủy Sư đoàn: Từ những ngày đầu ra đời trên mảnh đất Bình Trị Thiên ác liệt, gian khổ, thiếu thốn mọi bề... sư đoàn đã có truyền thống về công tác dân vận; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy và chính quyền địa phương, dựa vào dân và gắn bó máu thịt với nhân dân để xây dựng địa bàn an toàn và đơn vị vững mạnh toàn diện. Từ ngày chuyển ra phía Bắc, đơn vị tiếp tục có nhiều hoạt động thiết thực xây dựng mối đoàn kết quân -dân, tham gia phát triển kinh tế -xã hội địa phương, xây dựng cơ sở vững mạnh. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 8B của Trung ương khóa VIII và Nghị quyết 152 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về công tác dân vận trong tình hình mới, chất lượng công tác vận động quần chúng của sư đoàn có bước chuyển biến và về lượng và chất. Trong 5 năm (2005-2010) Sư đoàn 4 lần được TCCT và UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen, 41 tập thể và cá nhân được khen thưởng vì thành tích dân vận, giúp dân sản xuất và khắc phục hậu quả thiên tai... Những kết quả và kinh nghiệm trên đây là tiền đề quan trọng để sư đoàn hưởng ứng và thực hiện tốt phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, một hình thức cao hơn của công tác dân vận trong thời kỳ mới!

Trung tá Vũ Ngọc Tam, Trưởng ban Tuyên huấn sư đoàn: Cuộc vận động “Chung sức” lần này rõ ràng là một hình thức và nội dung mới của công tác dân vận ở tầm cao hơn. Chẳng hạn, trước đây hoạt động “giúp dân” của đơn vị chủ yếu là tham gia thực hiện các chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai v.v.. Nhưng hiện nay, đây là một phong trào lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, có tiêu chí và “lộ trình” cụ thể. Theo đó, phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” phải bám sát các tiêu chí của Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, căn cứ vào điều kiện đơn vị và đặc điểm địa bàn để xác định từng giai đoạn, từng tiêu chí và đối tượng cụ thể. Vừa qua, căn cứ vào hướng dẫn của cấp trên, sư đoàn đã lựa chọn tập trung vào 5 nhóm nội dung chính để triển khai thực hiện phong trào này trong thời gian trước mắt, đó là: Tham gia xây dựng một số hạng mục điện -đường-trường-trạm; Tham gia phát triển một số ngành nghề truyền thống của địa phương; Tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục và đẩy mạnh chương trình quân -dân y kết hợp; Tham gia củng cố cơ sở chính trị và nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể; Tham gia bài trừ tệ nạn xã hội và xây dựng địa bàn an toàn...

Thiếu tá Tạ Văn Thiện, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 18: Còn nhớ năm 1993, thực hiện cuộc vận động “Đẹp người, đẹp doanh trại, đẹp tình quân dân”, Trung đoàn 18 đã được sư đoàn chọn rút kinh nghiệm mô hình xây dựng “thôn - xã điểm” trong công tác dân vận. Đặc biệt, nhiều hoạt động kết nghĩa của tuổi trẻ đơn vị và địa phương đã có “hiệu quả kép”, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cả trong và ngoài doanh trại, được hội nghị cán bộ Đoàn toàn quân đến tham quan và đánh giá cao.

Ngày 12-3-2012, toàn trung đoàn đã tổ chức phát động hưởng ứng và triển khai thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Từ kết quả và kinh nghiệm của các mô hình kết nghĩa quân -dân trên đây và căn cứ vào nội dung phong trào “chung sức...” hiện nay, trung đoàn đã chọn xã Đồng Cốc của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) để triển khai làm “điểm”, với một số “hạng mục” cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, đối tượng giúp đỡ... cụ thể. Theo đó, các đại đội đăng ký triển khai thực hiện từ 1-2 nội dung; các tiểu đoàn là đầu mối chỉ đạo, theo dõi, kết nối nội dung của các đại đội để phát huy kết quả chung. Các cơ quan căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình để tham mưu cho chỉ huy trung đoàn phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình thực hiện các nội dung “chung sức”...

Đại tá  Nguyễn Văn Nghĩa, Sư đoàn trưởng: Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” vừa được Bộ Quốc phòng chính thức phát động từ đầu năm 2012, có nhiều nội dung cần quán triệt rõ để thực hiện đúng và trúng. Đây là phong trào “quân đội chung sức” cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân để tham gia xây dựng nông thôn mới, chứ không phải phong trào tự quân đội phát động và tự làm. Vì vậy, trước khi xây dựng kế hoạch, nội dung và các chỉ tiêu thi đua, sư đoàn đã trao đổi thống nhất với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của địa phương về những nội dung công việc, công trình và sản phẩm cụ thể, theo 5 nhóm nội dung cần “chung sức” mà sư đoàn đã xác định. Địa bàn đóng quân của sư đoàn là vùng trung du và miền núi với 11 dân tộc sinh sống trên nhiều địa hình phức tạp, điều kiện kinh tế -xã hội nhiều vùng còn khó khăn. Vì vậy, một trong những biện pháp nhằm thực hiện tốt các mục tiêu và nội dung phong trào mà đơn vị đã đề ra, là phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn hiểu rõ và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; không nghe theo những luận điệu sai trái, không tham gia các tệ nạn và hủ tục; phấn đấu ngày càng có nhiều làng, xã kết nghĩa quân dân đạt tiêu chuẩn văn hóa. Đồng thời, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải là những tấm gương về nếp sống văn hóa, mỗi đơn vị là một điểm sáng văn hóa trên địa bàn.

Đồng Lê