Sau khi Công tử Bạc Liêu (tên thật Trần Trinh Huy) qua đời, những người con của ông tứ tán mỗi người một phương và phần lớn đều rơi vào hoàn cảnh sống khó khăn. Mới đây, ông Trần Trinh Đức, người con thứ của Công tử Bạc Liêu sau nhiều năm trong vòng bĩ cực, đã trở về quê hương trong vòng tay nhân ái, nghĩa tình của người quê. Một ngôi nhà để gia đình ông sinh sống và làm nơi thờ cúng tiên tổ được Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu và các mạnh thường quân giúp đỡ, sắp được khởi công...

Từ trong bĩ cực...

Độ này hai năm trước, tôi gặp ông Trần Trinh Đức trong một hoàn cảnh tình cờ. Hôm ấy, sau khi cùng mấy anh bạn đồng nghiệp lai rai ở góc đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh), tôi xuống đường đón  tắc-xi thì bỗng nghe tiếng gọi từ phía bên kia đường đối diện: “Xe ôm không?”. Người đàn ông chạy xe ôm đang đứng đợi khách nói giọng miền Tây, vừa gọi vừa đưa tay vẫy vẫy. Tôi lên xe ông. Rất thận trọng và lịch sự, người chạy xe ôm đưa mũ bảo hiểm cho tôi, giúp tôi cài quai mũ, dắt xe xuống lòng đường và chờ tôi ngồi ngay ngắn rồi mới nổ máy.

 - Cháu nhìn chú quen quen. Hình như đã gặp chú ở đâu đó? - Tôi bắt chuyện.

- Chắc là cậu đã từng đi xe ôm của tui, hoặc là cậu thấy tui trên truyền hình.

 - Chú được lên truyền hình? - Tôi ngạc nhiên hỏi ông.

- Đúng vậy đó cậu. Tui là Trần Trinh Đức, con trai của Công tử Bạc Liêu đây. Chẳng biết thông tin từ đâu mà có lần hai nhà báo bên đài truyền hình biết tui sống khổ cực bằng nghề chạy xe ôm, đã đến quay phim, phỏng vấn.

Từ trái qua phải: Ông Đức, nhà văn Phan Trung Nghĩa và bà Võ Kim Cương, Giám đốc Nhà hàng khách sạn Công tử Bạc Liêu trong lễ giỗ Công tử Bạc Liêu năm 2010. Ảnh: NHẬT HỒ

Chuyện về những người con của Công tử Bạc Liêu sống tha phương cầu thực tôi đã được nghe nhà báo, nhà văn Phan Trung Nghĩa, người được coi như một “nhà Công tử Bạc Liêu học” kể, nhưng không ngờ lại gặp một trong những người con của nhân vật đã trở thành giai thoại “đốt tiền nấu trứng” trong hoàn cảnh này. Câu chuyện giữa ông Đức và tôi liên tục bị ngắt quãng bởi trời mưa, đường trơn, ngập nước và kẹt xe. Chắp nối thêm lần gặp gỡ sau đó, tôi có được câu chuyện về những quãng đời vinh nhục của ông già chạy xe ôm là con trai Công tử Bạc Liêu.

“Tui đã có một tuổi thơ đầy ắp sự sung túc, sống trong nhung lụa, kẻ hầu người hạ. Mọi sự bắt đầu thay đổi khi ba tui qua đời, nhất là khi đứa con gái của vợ chồng tui lâm vào cùng quẫn.” - Ông Đức kể về cuộc đời mình bằng giọng trầm buồn.

Sinh thời, ông Trần Trinh Huy (Công tử Bạc Liêu) nức tiếng giàu có và nổi tiếng ăn chơi nên có khá nhiều người phụ nữ có con với ông, cả ở Việt Nam và ở Pháp. Ở Việt Nam, ông có 8 người con. Ông Đức sinh năm 1947, là con của bà vợ thứ hai, tên Nguyễn Thị Hai. Vào tuổi đến trường, Trần Trinh Đức cùng các anh chị em được gia đình gửi vào học trường Tây ở Sóc Trăng, sau đó đưa lên Sài Gòn, sống ở những ngôi biệt thự sang trọng. Giống như cha, những người con của Công tử Bạc Liêu cũng mang dòng máu công tử, ăn chơi nổi tiếng trong giới thanh niên, học sinh Sài Gòn lúc bấy giờ. Họ đi nhảy đầm nhiều hơn đi học. Không một tụ điểm ăn chơi nổi tiếng nào ở Sài Gòn vắng mặt họ. Năm 1973, Công tử Bạc Liêu lâm trọng bệnh qua đời, để lại một gia tài kếch xù. Sau khi đưa thi hài cha về quê mai táng, các con ông lần lượt bán các căn biệt thự ở Sài Gòn, phân chia tài sản rồi tứ tán mỗi người một phương. Người ở lại Sài Gòn sinh sống, người thì tìm về vùng sông nước Cửu Long. Do đã quen với lối sống xa hoa, nhung lụa nên tài sản thừa kế lần lượt “đội nón” ra đi theo năm tháng. Theo ông Đức kể thì anh chị em của ông hiện nay đều phải chật vật kiếm sống. - “Sau khi được thừa kế một phần tài sản, tui về sống ở nhà vợ ở quận Gò Vấp, làm nghề buôn bán, sau đó hai vợ chồng mua được căn nhà gần chợ An Đông, quận 5. Tui an phận với cuộc sống bình lặng như vậy. Chẳng ngờ tai họa lại ập xuống gia đình khi đứa con gái của vợ chồng tui sa vào cờ bạc, bị kẻ xấu lừa mất cả tình lẫn tiền. Vợ chồng phải bán nhà nhưng cũng không đủ trả nợ cho con...”. - Ông Đức nghẹn giọng kể.

Cô con gái của vợ chồng ông Đức là người có nhan sắc, nhưng không được học hành, dạy dỗ đến nơi đến chốn nên thường theo bè bạn lui tới những cuộc đỏ đen. Cô phải lòng một gã điển trai và dành hết tình yêu cho hắn. Chẳng ngờ đó lại là tên “Sở Khanh”. Sau khi chiếm đoạt cả tình lẫn tiền, hắn “quất ngựa truy phong”, để lại cho cô một đống nợ nần. Ông bà Trần Trinh Đức phải bán nhà để cứu con gái nhưng vẫn không đủ, nên thường xuyên bị đám côn đồ đòi nợ thuê hăm dọa. Cực chẳng đã, năm 1988, vợ chồng con cái dắt díu nhau lên biên giới Tây Nam, rồi sang Cam-pu-chia tìm kế sinh nhai. Ông bà Đức mua hàng quần áo, giày dép cũ từ Cam-pu-chia về tân trang lại rồi bán cho dân lao động kiếm lời. Con gái của ông bà sau cú sốc quá lớn trong đời, đã hoàn toàn suy sụp, bị ốm liệt giường và sau đó rơi vào chứng tâm thần phân liệt, nằm một chỗ, cười nói ngô nghê. Cuộc sống đầu tắt mặt tối suốt ngày, nhưng cũng chỉ ăn bữa mai, lo bữa hôm, tiết kiệm được đồng nào lại dành để chữa bệnh cho con. Năm 2000, ông Đức  đưa vợ con quay lại Thành phố Hồ Chí Minh với ước muốn tìm kiếm cơ hội chữa bệnh cho con gái ở các bệnh viện lớn. Vợ chồng ông chắt chiu mua được chiếc xe máy cũ để chạy xe ôm kiếm sống. “Thời kỳ đầu cũng kiếm ăn được cậu ạ, nhưng rồi càng ngày càng khó khăn. Có khi ngồi từ sáng đến tận đêm khuya chỉ đón được vài khách, kiếm dăm ba chục ngàn đồng mua gạo. Thương con gái bệnh tật mà hổng kiếm đâu ra tiền đưa nó vào bệnh viện.” - Ông Đức thở dài.

Đợi ngày thái lai

Ngôi biệt thự cổ như một “tòa lâu đài” của gia tộc Trần Trinh ở thị xã Bạc Liêu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng được địa phương tiếp quản và hiện nay là khách sạn Công tử Bạc Liêu, do ngành du lịch địa phương quản lý. Trong khách sạn Công tử Bạc Liêu hiện vẫn có một căn phòng ở vị trí trang trọng, sử dụng làm phòng thờ gia tộc Trần Trinh. Lễ giỗ Công tử Bạc Liêu hằng năm được Ban giám đốc Nhà hàng khách sạn Công tử Bạc Liêu tổ chức. Đầu năm 2009, khi về quê làm giỗ cha, ông Đức trình bày nguyện vọng với chính quyền địa phương, muốn được trở về quê sinh sống, được cấp một mảnh đất để xây căn nhà, dựng phủ thờ làm nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nguyện vọng của ông Đức được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ. Ông Phạm Vũ Luận, một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc ở thị xã Bạc Liêu đã tình nguyện xin đứng ra đỡ đầu, hỗ trợ cho ông Đức về đất xây nhà. Ông Luận để cho ông Đức một mảnh đất ở địa thế khá đẹp ở thị xã Bạc Liêu, rộng gần 300m2, nằm trong khu dự án phát triển du lịch của doanh nghiệp do ông Luận làm giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị. Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu là cơ quan đứng ra tổ chức vận động các mạnh thường quân quyên góp, ủng hộ kinh phí để xây nhà. Cuối năm 2009, ông Đức đưa vợ con về Bạc Liêu.

Mới đây, chúng tôi liên hệ với nhà báo, nhà văn Phan Trung Nghĩa, hiện công tác tại Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu. Anh là người trực tiếp đại diện cho Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu vận động quyên góp hỗ trợ xây nhà, phủ thờ giúp ông Đức. Anh cho biết:

- Chúng tôi đã tổ chức động thổ để “lấy ngày” từ năm ngoái, nhưng chưa thi công được vì kinh phí chưa đủ. Để xây dựng một căn nhà kèm phủ thờ, dự kiến kinh phí hết khoảng 250 triệu đồng. Thời điểm động thổ, số tiền quyên góp mới được hơn 70 triệu đồng. Từ ngày ông Đức đưa gia đình về quê, Ban quản lý khách sạn Công tử Bạc Liêu và chính quyền địa phương hằng tháng có hỗ trợ, giúp gia đình ông bảo đảm cuộc sống. 

Được biết lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã gặp gỡ, động viên ông Đức và gia đình. Trước sự quan tâm của chính quyền, Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Vũ Luận, các nhà hảo tâm và tình cảm của người dân quê, ông Đức vô cùng cảm động.

- Vậy đến lúc nào thì gia đình ông Đức có nhà mới? - Chúng tôi hỏi nhà báo, nhà văn Phan Trung Nghĩa.

- Đến nay, về cơ bản số tiền quyên góp của các nhà hảo tâm cũng đã gần đủ. Trong quý 4 năm nay sẽ khởi công. Anh Phạm Vũ Luận đã bàn với ông Đức, sau khi ổn định nhà cửa, sẽ bố trí việc làm phù hợp cho ông Đức trong công ty và sẽ trả lương cho ông. Chuỗi ngày bĩ cực của ông Đức và gia đình sắp qua rồi.

Theo nhà báo, nhà văn Phan Trung Nghĩa, những giai thoại về Công tử Bạc Liêu lưu truyền trong dân gian hầu hết đều là những chuyện phóng đại. Sự thật cuộc đời Công tử Bạc Liêu, bên cạnh thói quen ăn chơi xa hoa, khuếch trương sự giàu có thiên hạ ít ai bằng, ông là người sống rộng lượng, hay giúp đỡ người nghèo, nhất là những năm cuối đời sống ở Sài Gòn. Công tử Bạc Liêu đã để lại cho ngành văn hóa - du lịch một số công trình biệt thự cổ, có giá trị về kiến trúc, lịch sử. Đáng kể nhất là ngôi biệt thự ở thị xã Bạc Liêu, được xây dựng gần 100 năm trước với lối kiến trúc của Pháp. Công trình đã được công nhận là di tích lịch sử. Cuốn sách “Công tử Bạc Liêu giai thoại và sự thật” của nhà văn Phan Trung Nghĩa với nguồn tư liệu được tìm hiểu, thu thập công phu, kỹ lưỡng, đã khắc họa chân thực cuộc đời của nhân vật lắm tai tiếng này.

Ngạn ngữ có câu “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Công tử Bạc Liêu giàu có, sống xa hoa bao nhiêu thì hậu duệ lại nghèo khó bấy nhiêu. Sự giúp đỡ dành cho con trai của nhân vật giai thoại này là biểu hiện của lòng nhân ái của chính quyền, cơ quan đoàn thể và người dân Bạc Liêu.

Thanh Kim Tùng