Năm 1997, lần đầu tôi qua dòng Hậu Giang để đến Cần Thơ trên một chiếc phà. Mặc dù bến kẹt, phải đợi gần 50 phút chiếc xe mới lên được phà, nhưng tôi vẫn thấy nao nao, chờ đợi. Con phà quay mũi, rồ máy. Chỉ ít phút sau, chúng tôi đã rời bến phía Vĩnh Long và lênh đênh giữa dòng nước trong xanh. Nhìn về phía Nam, Cần Thơ duyên dáng như nàng tiên đang múa trong màu hoàng hôn tím đỏ. Một bà má miệt vườn Vĩnh Long nói bâng quơ:
- Ước gì có ông tiên nào giúp người dân miền Tây làm một cây cầu qua sông Hậu thì vui biết mấy.
- Vâng. Có cây cầu con sẽ qua Cần Thơ mở một vựa bán trái cây cho mà coi – Một giọng thiếu nữ Bến Tre trong vắt cất lên.
Chẳng hiểu sao, nghe những câu nói ấy mà tôi lại muốn hòa vào ước mơ, khát khao cùng với người dân vùng sông nước. Vâng. Ước gì có một cây cầu bắc qua dòng Hậu Giang.
Hôm sau, anh bạn thân ở sân bay Cần Thơ đưa tôi đi thăm Cồn Ấu nằm ở giữa sông Hậu. Chúng tôi thuê một chiếc thuyền ba lá ở bến Ninh Kiều. Cô gái có cái tên rất miệt vườn: Út Lài chèo lái đưa mọi người qua cồn. Từ phía cuối thuyền, tôi như dán mắt vào tấm thân chắc lẳn, thon thả trong chiếc áo bà ba, đẹp như một vũ nữ đang múa trên dòng sông của Út Lài. Mồ hôi lấm tấm trên gương mặt nhưng Lài vẫn nở nụ cười thật tươi để nói chuyện với khách: “Các anh à. Em chèo thế này phải mất 20 phút mới tới được Cồn Ấu. Từ Cồn Ấu qua bờ Vĩnh Long phải mất thêm 20 phút nữa. Cực quá. Nhưng chưa cực bằng ngày xưa ba em cùng mấy chú vượt sông qua Cần Thơ đánh giặc đâu. Ba em đã hy sinh trên dòng sông này khi em mới tròn 4 tháng tuổi. Nếu bây giờ có một cây cầu bắc qua sông Hậu, chắc các anh không muốn đi phà hay đò ngang nữa ha?”. Tôi nói với Lài: “Nếu có cây cầu, anh vẫn muốn em chèo thuyền chở đi ngắm cảnh sông nước. Em đồng ý không?”. “Có chứ. Khi có cây cầu, lại về Cần Thơ nghe anh. Em sẽ chèo thuyền đưa anh qua Cồn Ấu và ngắm cầu từ dưới sông lên”.
 |
Cầu Cần Thơ nhìn từ máy bay trực thăng. Ảnh: Phi Lê
|
*
* *
Năm 2002, tôi về nhận công tác ở cơ quan Thường trú Báo Quân đội nhân dân tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong lần đi dự Lễ khởi công xây dựng cảng Cái Cui với Đại tá Nguyễn Việt Quân – Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Cần Thơ (nay là Trung tướng, Chính ủy Quân khu 9), tôi mới thấy khát khao của người miền Tây về một cây cầu bắc qua sông Hậu Giang cháy bỏng đến mức nào. Trên chiếc bo bo (ca nô) chạy từ bến Ninh Kiều xuống cảng Cái Cui, anh Việt Quân nói: “Từ bao đời nay, không chỉ người Vĩnh Long, người Cần Thơ mới mong ước có được cây cầu đi qua sông Hậu, mà bà con Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… ai cũng mong mỏi điều đó. Nếu xây dựng được cầu, không chỉ giúp người dân đi lại dễ dàng, nhanh chóng, mà còn mở ra sự phát triển lớn về kinh tế-xã hội cho toàn vùng Tây Nam bộ”. Đúng là như vậy. Chỉ với việc xây dựng cảng Cái Cui có số vốn đầu tư hơn 500 tỉ đồng để cho tàu hàng cập bến mà người Cần Thơ đã rất vui. Huống chi một cây cầu dài theo nỗi khắc khoải của người dân từ thời mở đất cho đến bây giờ.
*
* *
Tháng 3-2010, tôi lại có dịp trở về Cần Thơ làm việc mấy tháng. Mấy ngày đầu, anh Trình Tự Kha – Tổng giám đốc các khách sạn Golf mời tôi về khách sạn Golf ở bến Ninh Kiều nghỉ. Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ đó là một chuyện bình thường. Nhưng vào một buổi sớm bình minh, anh Kha gọi tôi dậy sớm để ngắm sông Hậu Giang. Nhìn về phía Đông, tôi sững người thầm cám ơn anh Kha khi được chiêm ngưỡng một cảnh quan vô cùng kỳ thú. Đỏ lừ như một cục than cháy khổng lồ từ phía vườn cây trái của phía Vĩnh Long đi lên, mặt trời đang dát vàng, dát bạc xuống dòng Hậu Giang. Những đoàn tàu, ghe, vỏ lãi cũng đồng loạt thức dậy với đất trời. Tất cả cảnh vật ngất ngây, sóng sánh, ùa vào ánh mắt. Tôi như bị thôi miên khi nhìn thấy một “dải lụa” mềm mại vắt từ phía Nam Vĩnh Long, gác chân xuống Cồn Ấu và ngả đầu vào quận Cái Răng của thành phố Cần Thơ. “Cầu Cần Thơ đấy” – Tiếng anh Kha trầm ấm bên tai. Trời đất. Trong cái nắng tơ tằm của bình minh, cầu Cần Thơ sừng sững, lung linh như một khuông nhạc dài vô tận. Các sợi dây văng được đan theo hình chóp nón, chẳng khác nào những sợi dây đàn đang ngân vang tiếng nhạc. Cây cầu bừng lên sức sống, như mạch máu chủ nối niềm vui, sức mạnh từ Bắc vô Nam. Chao ơi, nó như vẽ vào không gian, vọng với dòng chảy của thời gian, niềm hạnh phúc lớn lao và những khát vọng cháy bỏng của con người.
Mấy hôm sau về bay huấn luyện với anh em đơn vị C17 (thuộc Đoàn Không quân B70), tôi lại nghe mọi người kể chuyện ngắm cầu Cần Thơ từ trên độ cao vài trăm mét. Thượng tá Trần Văn Quang – Chỉ huy trưởng đơn vị C17 nói chậm chãi: “Từ trên cao, cây cầu cùng dòng sông, cây trái, xóm làng tạo ra một bức tranh tuyệt mỹ về sức sáng tạo và nghị lực to lớn của con người”. Một câu nói mở ra sự háo hức, khát khao mới trong lòng tôi. Hôm sau tôi xin các anh C17 được bay, để ngắm cầu Cần Thơ từ trên cao.
Ban bay huấn luyện của chúng tôi bắt đầu khi những tia nắng đầu tiên hôn lên thành phố trẻ. Chiếc máy bay Mi – 172 thực hiện chuyến bay huấn luyện đường dài từ Cần Thơ về Tân Sơn Nhất trong nền trời trong xanh. Vừa mới bay qua cảng Cần Thơ, tôi cứ đau đáu nhìn về phía Đông. Bay thêm hai phút nữa, “dải lụa” óng ả nằm ngửa mình trên một tấm gương sáng loáng là dòng sông Hậu tràn vào ánh mắt. Càng bay đến gần, cảm xúc lâng lâng, dào dạt khiến tôi cứ dán chặt lấy cửa sổ máy bay và giơ máy ảnh lên bấm lia lịa. Kia Vĩnh Long, đây Cồn Ấu, phía sau là Nam Cần Thơ, tất cả đều xích lại, gần gũi nhau như chưa bao giờ cách bến, xa bờ. Bay trên độ cao 300m nhìn xuống, thấy thành phố Cần Thơ ưỡn ngực hứng nắng vàng, thấy dòng Hậu Giang ôm chặt lấy mảnh đất “Chín rồng” và thấy cầu Cần Thơ nối liền hai bờ Bắc - Nam mà cảm thấy xốn xang, tự hào khôn tả. Trước đây đi qua cầu Mỹ Thuận, ngắm cây cầu này từ trên máy bay trực thăng, tôi đã thấy nó vĩ đại và hoành tráng vô cùng. Nay nhìn cầu Cần Thơ, tôi thấy nó còn vĩ đại, hoành tráng hơn cầu Mỹ Thuận gấp nhiều lần. Theo thiết kế, cầu Cần Thơ qui mô gấp 3 lần cầu Mỹ Thuận. Nếu ai đã từng được đi dọc đất nước trên Quốc lộ 1A, hẳn sẽ thấy cây cầu cuối cùng và hiện đại nhất trên Quốc lộ này đẹp và quyến rũ đến mức nào. Từ nay, đi từ ải Nam Quan (tỉnh Lạng Sơn) đến thị trấn Năm Căn (tỉnh Cà Mau), không chỗ nào còn cách trở núi sông nữa.
Những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, vùng Cần Thơ, bán đảo Cà Mau và Tứ giác Long Xuyên, ai ai cũng mong đến ngày sạch bóng quân thù, đất nước được thống nhất để dựng xây quê hương giàu đẹp. Bao máu xương của các anh hùng liệt sĩ, của đồng bào ta đã đổ xuống, cho đồng bằng sông Cửu Long ta có được những ngày tươi đẹp như hôm nay. Bao giờ cũng vậy, miền đất “Nam sông Hậu” cũng là nơi cùng miền Nam “Đi trước, về sau”. Trưa 30-4-1975, khi Sài Gòn hân hoan đón chào giải phóng, thì miền Tây Nam bộ vẫn còn âm vang tiếng súng thêm một, hai ngày nữa. Trong công cuộc phát triển đất nước, do địa hình phức tạp, xa các trung tâm kinh tế-xã hội, nên đồng bằng sông Cửu Long cũng đi chậm hơn các nơi khác, nhất là việc xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển dân trí và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Từ ngày thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đến nay, Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của khu vực miền Tây Nam bộ, mong muốn mảnh đất đầy đau thương nhưng oai hùng này trở thành một vùng kinh tế lớn của cả nước. Trước sự quan tâm ấy, những con đường, cây cầu mới, trường học, bệnh viện mới đã mọc lên ngày càng nhiều, càng hiện đại hơn, trong đó có hai cây cầu: Mỹ Thuận và Cần Thơ. Để có cầu Cần Thơ, chúng ta không chỉ đổi bằng xương máu của chiến sĩ, đồng bào trong kháng chiến, mà còn phải đổi rất nhiều mồ hôi, trí tuệ, công sức cùng xương máu của hơn 100 công nhân đã tử nạn và bị thương trong vụ sập cầu tháng 9 năm 2007.
Bay qua huyện Bình Minh của tỉnh Vĩnh Long, tôi càng thấy cây cầu rộng, dài và vĩ đại biết nhường nào. Những dòng sông, bến nước, vùng cây trái nơi cây cầu đi qua, giờ sao hiền hòa và đáng yêu vô cùng. Có cây cầu, mọi cách trở, nhớ nhung như bị xóa nhòa. Tất cả cứ như thể nối lại, xích lại thật gần thành một vòng tay lớn. Đúng như câu hát trong bản nhạc của Trịnh Công Sơn “Từ Bắc vô Nam nối liền núi sông” vậy.
*
* *
Chỉ còn vài ngày nữa cầu Cần Thơ sẽ được cắt băng khánh thành, tôi lang thang về bến Ninh Kiều tìm Út Lài – người con gái đã chèo thuyền chở tôi sang Cồn Ấu năm xưa. Bến sông tấp nập du khách, tàu ghe về đây chung vui với miền Tây trong ngày hội lớn, nhưng tìm mãi chẳng thấy Út Lài đâu. Chẳng lẽ em đã quên lời mời chúng tôi năm nào. Tôi quyết định thuê một chiếc thuyền nhỏ đi qua Cồn Ấu hỏi thăm. Một cô gái tuổi trăng tròn, gương mặt như bông bưởi đang nở, có giọng nói ngọt như nước dừa xiêm: “Bộ chú muốn kiếm cô Út Lài thiệt ha?”. “Thiệt chứ. Chú đã hẹn cô khi nào có cầu Cần Thơ lại về thăm Cồn Ấu mà”. Tiếng cười khúc khích của cô bé lan rộng trên dòng sông. “Vậy để con giúp chú nhen?”.
Tới Cồn Ấu, Hương Thu – tên cô bé chèo thuyền dẫn tôi đi tới nhiều gia đình làm nghề chở khách du lịch trên sông Hậu để hỏi thăm. Gặp đến người thứ 6, tôi mới biết Út Lài đã lấy chồng bên huyện Chợ Lách của tỉnh Bến Tre từ năm 1998. Hằng tuần, cô vẫn cùng mẹ chồng chở trái cây qua Cần Thơ bán. Một má ở Cồn Ấu kể: “Từ khi khởi công xây cầu Cần Thơ đến nay, không ít lần Út Lài về phụ giúp mẹ chở khách du lịch trên sông Hậu. Hình như nó đang đợi một ai thì phải”. Tôi ngẩn ngơ đi trong cái nắng và mùi hương hoa trái của Cồn Ấu như một gã mộng du. Tôi thầm gọi: “Út Lài ơi! Anh đã về Cần Thơ, về với dòng Hậu Giang đây. Em ở đâu?”.
Tôi đang nghe được lời nói của dòng Hậu Giang, đọc được niềm hạnh phúc bất tận của người dân đồng bằng sông Cửu Long khi cầu Cần Thơ chuẩn bị được khánh thành. Với cây cầu có chiều dài toàn tuyến là 15,85km, mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe ô tô, hai làn xe máy với tốc độ thiết kế 80km/giờ, cảnh ùn tắc ở hai bờ sông Hậu sẽ không còn nữa. Ngồi trên xe ô tô, chỉ hơn hai phút là có thể đi từ Vĩnh Long sang Cần Thơ và ngược lại. Từ đây, ước mơ bao đời của người dân vùng sông nước đã trở thành hiện thực. Nó mở ra cho đồng bằng sông Cửu Long những cơ hội phát triển tuyệt vời. Cùng với sân bay Cần Thơ, cầu Cần Thơ sẽ mời gọi các nhà đầu tư, mời du khách về với mảnh đất “Chín rồng”. Hôm nay, ngày mai và mãi mãi về sau, Cần Thơ – Tây Đô và cả miền Tây Nam bộ sẽ chuyển mình, cất cánh.
Bút ký của Lê Phi Hùng