QĐND - Nằm trong quần thể Di sản thiên nhiên thế giới vườn Phong Nha-Kẻ Bàng, động Thiên Đường hiện là động khô dài nhất châu Á. Với chiều dài 31,4km, chiều cao dao động tùy từng đoạn, từ 30 đến 100m và một hệ thống thạch nhũ đồ sộ, sống động với những tạo hình độc đáo, lạ mắt. Tạo hóa đã ban cho động Thiên Đường những vẻ đẹp mà trí tưởng tượng của con người cũng khó chạm đến được, như tên gọi của nó.

Nhưng lòng động như một cung điện khổng lồ nguy nga.

Được một người địa phương tên là Hồ Khanh phát hiện ra và sau đó là sự vào cuộc khám phá của đội thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh từ năm 2005, đến năm 2010 thì động Thiên Đường chính thức mở cửa đón khách tham quan. Động Thiên Đường lại là một sự ưu ái nữa mà tạo hóa dành tặng cho eo đất miền Trung đầy nắng gió Quảng Bình, sau động Phong Nha được phát hiện từ nhiều năm trước và đã thu hút hàng chục triệu lượt du khách trong nước và quốc tế.

Đi qua hơn 500 bậc đá, dưới những tán cây xum xuê của rừng nguyên sinh, du khách bất ngờ bắt gặp một cửa động rất hẹp. Đó là kết quả của hai mảnh ghép từ thân cây hóa thạch tạo thành. Thoạt nhìn, không thể tưởng tượng được ở dưới cánh cửa bé nhỏ và đơn sơ đó, lại mở ra một hang động khổng lồ về diện tích và đặc biệt kỳ diệu về cấu tạo đến thế. Bước theo lối cầu thang gỗ chừng 15m mới được xây dựng gần đây, du khách dần đi sâu xuống lòng động và thấy như có một bầu trời khác được mở ra. Đầu tiên là hơi lạnh đột ngột bao trùm lấy bầu không khí, sau đó là sự ngỡ ngàng, choáng ngợp trước một hệ thống trần động được tạo hóa đúc nặn giống như mái vòm của một cung điện theo lối kiến trúc gothic. Muôn vàn ngọn thạch nhũ rũ xuống như những ngọn đèn chùm đủ màu sắc. Du khách sẽ có cảm giác như lạc vào một nền văn minh khác. Và từ đây bất ngờ tiếp nối bất ngờ trước những khối kiến trúc phong phú của động...

Một cột thạch nhũ tượng hình mái nhà Rông Tây Nguyên.

Ẩn mình trong lòng núi đá và chìm sâu trong lòng đất, công trình triệu năm của tạo hóa như một sự hội tụ, điểm gặp nhau, nơi giao thoa của các nền văn hóa lớn trên thế giới. Nếu ở trên là mái vòm gothic-niềm tự hào của nền văn hóa phương Tây-thì ở ngay dưới đó là những hình tượng sống động của nền văn hóa phương Đông rất đậm nét, từ hệ thống cung điện mái thấp đến những kết cấu thành quách như làm sống lại những giai đoạn lịch sử. Có những không gian-hình khối khiến ta liên tưởng đến vạn Lý trường thành của Trung Hoa, có những cột thạch nhũ tượng hình mái nhà Rông của đồng bào Tây Nguyên... lại có cả Cung Giao Trì-nơi ngọc hoàng đại đế như đang thiết triều, từ trên chín bậc rồng nhìn xuống quản việc trần thế...

Vào sâu trong lòng động, du khách sẽ bắt gặp một bên là biểu tượng của Phật bà Quán thế âm đang đứng từ trên cao lắng nghe âm thanh từ hạ giới, bên kia là hình ảnh Đức mẹ Ma-ri-a đồng trinh đang bế Chúa hài đồng. Hay nơi này là hình ảnh của ba vị thần Phúc - Lộc - Thọ, nơi khác lại có khối đá giống như đức Phật thích ca đang an nhiên tĩnh tại giữa cõi đời. Lịch sử ngàn năm của Việt Nam cho chúng ta chứng kiến nhiều biểu hiện của triết lý dung thông tôn giáo, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên trong một khuôn viên kiến trúc tự nhiên, lại có nhiều biểu tượng tôn giáo khác nhau được đặt ở gần nhau đến thế. Có lẽ những đúc nặn từ hàng triệu năm lịch sử đó, như muốn nói với chúng ta rằng, dù là bất cứ tôn giáo, tín ngưỡng nào, nhưng đều có thể ở gần nhau, khi có những điểm chung về tính hướng thiện, về tình yêu thương bác ái của con người...

Cửa động rất hẹp và hiểm trở. Ảnh: Hải Hà.

Đi trên hơn một cây số cầu thang bằng gỗ táu, chúng ta được đến với những biến tấu sinh động mang đến từ đá và thời gian, được phản chiếu bởi hệ thống ánh sáng lung linh huyền ảo trong lòng động. Trong quần thể kiến trúc động Thiên Đường, từ những hình ảnh tổng quan đến những chi tiết nhỏ nhất, đều cho cảm giác chúng là những sáng tạo đạt đến sự tinh xảo tuyệt đối. Từ trần động, đến hệ thống thạch nhũ xung quanh, những hang nhỏ nằm trong lòng động và những tạo hình đá ở đó đều cho phép chúng ta thoải mái thả hồn vào trong đó và mặc sức cho trí tưởng tượng theo thế giới quan của mỗi người. Có lẽ ngoài cảm giác rợn ngợp đến ngỡ ngàng là phản ứng chung khi mỗi chúng ta đặt chân đến đây, thì ở mỗi cá nhân sẽ còn là những trải nghiệm riêng, những phát kiến riêng trong hệ thống đá, thạch nhũ đẹp lạ lùng này.

Được khám phá từ năm 2005, nhưng hiện nay động Thiên Đường chỉ mới được khai thác du lịch phổ biến ở đoạn đầu tiên chừng 1km và 6km tiếp theo để cho những ai muốn thử cảm giác phiêu lưu, khám phá ở một tua đặc biệt hơn. Điều đó cho thấy những gì chúng ta vừa được chứng kiến chỉ là một góc nhỏ trong suốt chiều dài 31,4km của hang động này. Và sẽ còn cần nhiều lần quay trở lại để tiếp tục khám phá những cảnh quan “thiên đường” ở nơi đây.

LA GIANG