QĐND - Đối với người dân nghèo đầu nguồn lũ An Giang, Đồng Tháp, mùa lũ là mùa quan trọng để kiếm kế sinh nhai. Chuẩn bị cả năm, khấp khởi đợi chờ… Thế nhưng năm nay, mực nước thấp và yếu hơn so với năm ngoái, tôm cá ít đi nhiều làm cho không ít người hụt hẫng, “khóc mòn con ngươi”...
“Năm Thìn em khóc”
Trong lịch sử, vùng đất Tây Nam Bộ từng xảy ra những trận bão lụt kinh hoàng, rơi đúng vào những năm Thìn. Dữ dội nhất là năm Giáp Thìn 1904 và Nhâm Thìn 1952, đến nay thơ ca dân gian còn truyền miệng: Gặp anh đây mới biết anh còn. Hồi năm Thìn bão lụt em khóc mòn con ngươi …
 |
Từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, nước lũ dâng ngập các cánh đồng ở vùng Đồng Tháp Mười. |
Bây giờ, trong “ký ức tập thể” của người miền Tây Nam Bộ, những trận bão lụt kinh thiên ngày xưa đã bị xóa nhòa. Nhưng phần lớn bà con nông dân vẫn quan niệm rằng, năm Thìn không bão lớn thì cũng lũ, lụt to. Bão, lụt ít khi xuất hiện, lũ thì chẳng ai ngán. Bao đời nay bà con vẫn “sống chung với lũ” đấy thôi.
Vậy nên mới có tâm lý chuẩn bị… đón lũ. Lũ về, nguồn lợi thủy sản dồi dào cũng theo về.
Là con trai đầu trong gia đình có hai thế hệ chuyên sống bằng nghề bắt rắn mùa nước lũ, không đất sản xuất, lại mới lập gia đình riêng nên anh Lê Văn Thắng, ngụ xã ô Long Vĩ (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) quyết định vay mượn người thân đầu tư cho mình một bộ “đồ nghề”. “Xuồng, máy với các thứ lặt vặt, khoảng gần 6 triệu đồng. Tui tính toán rồi, năm nay chắc chắn lũ sẽ lớn, mỗi đêm tui lụm (lượm) chừng 5kg rắn, đến giữa mùa lũ sẽ trả hết nợ!”, anh Thắng bảo.
ông Phan Văn Tài ở xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cũng háo hức: “Tui với bả giao lại nhà cửa cho con cái, ra ven đồng cất cái chòi sống tạm. Mới mua hai tay lưới dài 400m, hơn một triệu đồng, mùa lũ này coi như kiếm thêm tiền chuẩn bị quà cho sắp nhỏ đón Tết!”.
Mùa lũ Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu từ tháng 7 kéo dài đến hết tháng 10 âm lịch. Đó là khi nước từ thượng nguồn sông Mê Công tràn về, gió chướng đẩy nước biển dâng lên kết hợp với mưa tại chỗ, vùng Đồng Tháp Mười trở thành cái “rốn” lũ.
Khi nào mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu -cửa ngõ của dòng Mê Công vào Đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 4, 5m mới gọi là lũ lớn. Năm nay mực nước tại đây cao nhất chỉ khoảng 3, 15m. Vậy là quan niệm về “năm Thìn bão lụt” có nguy cơ trở thành “một thời đã xa” …
Chật vật mưu sinh
Tôi có nhiều chuyến lang thang qua các tỉnh An Giang, Đồng Tháp; nhiều bận dừng chân “tào lao” với người dân dọc đường, hay nghe mọi người kêu cá năm nay về ít, phương tiện đánh bắt nào cũng chịu thua, chật vật lắm mới đủ cá bán kiếm tiền sống qua ngày.
Ngồi trước mũi ghe, châm điếu thuốc đầu lọc, anh Nguyễn Văn Chung ở xã Phú Hội, huyện Châu Phú, thở dài: “Tụi tui chuyên nghề đóng đáy bắt cá linh, đầu mùa nước mới chảy còn kiếm được chút đỉnh cá linh non. Cá linh nó theo dòng chảy, năm nay lũ yếu, nước chảy cũng yếu nên cá vào đáy không bằng một nửa so với năm rồi”. Hỏi về thu nhập, anh Chung lắc đầu: “ít lắm, nhà có 4 khẩu, chia ra mỗi người không tới bốn chục ngàn đồng cho một ngày!”.
 |
Lũ thấp nên nguồn lợi thủy sản cũng giảm, nhất là các loại cá. |
Tại xã An Long, huyện Tam Nông (Đồng Tháp), chúng tôi đứng đợi anh Tám Liêm bơi xuồng đi thăm mấy dàn dớn từ ngoài đồng về. Vừa cặp xuồng vào chái nhà sau, anh Tám nhấc thau đựng cá ra khoe với khách. Nhìn mấy cái máy ảnh đua nhau bấm lạch tạch, anh Tám bĩu môi: “ăn thua gì mà chụp hình, cá he lí nhí như vầy trước đây không ai thèm bắt, nhưng giờ cũng bán được 20.000 đồng /kg vì hết cá rồi!”. “Mỗi ngày kiếm được chục ký không anh?”. Lại bĩu môi, đưa 3 ngón tay ra làm dấu: “3 ký chứ không phải ba chục đâu nghe!”.
Vợ anh Thắng bên xã ô Long Vĩ, kể “tội” chồng: “ảnh chống xuồng qua hàng xóm nhậu sáng tới giờ, chán săn bắt rồi. Thức khuya, đi xa, dầm sương đến trắng dờ cả mắt mà có được bao nhiêu rắn với rùa đâu. Tụi em lâm nợ là cái chắc!”.
Nghe anh Tám mách bảo, chuyến về chúng tôi tạt vào chợ thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông) tìm hiểu. ở vùng nước nổi, cứ ghé vào chợ sẽ biết ngay sản vật có phong phú hay không. Những hình ảnh quen thuộc như bông súng, điên điển, hẹ nước chẳng thấy đâu. Cá khô rất nhiều nhưng một “thổ địa” cho biết được làm toàn bằng cá nuôi. Thử hỏi giá, rắn 100.000 đến 120.000 đồng /kg; rùa 180.000 đến 200.000 đồng /kg, ai cũng bảo quá thấp (so với thành phố). Người bán vốn là chỗ quen biết, bật mí: “Giá như thế đã là cao, năm nay… mất mùa nên mới đẩy giá lên như vậy chứ!”.
Mùa lũ rồi cũng sắp qua, phù sa sẽ tiếp tục bồi lắng cho cánh đồng thêm màu mỡ. Nhưng mùa lũ năm nay như để lại chút gì đó như bâng khuâng, hụt hẫng. Nhìn mặt nước lăn tăn thấp dần trên đồng nước, ông Phan Văn Tài nói: “Tui sẽ gấp lưới lại để dành chờ mùa lũ tới, thiên nhiên thật khó đoán, chẳng biết năm tới lũ sẽ ra sao…”.
Bài và ảnh: HỒNG BỈNH HIẾU