LTS: Có lần tôi mở Youtube cho một người lính già đầu bạc xem các cuộc nổi dậy của phong trào phản chiến phương Tây sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968. Ông xem, ứa nước mắt, rồi chia sẻ: “Lãng mạn cách mạng”.

QĐND - Còn nhớ cuốn “Phỏng vấn lịch sử” (Interview with History) của Ô-ri-a-na Pha-la-xi. Sách gộp các cuộc phỏng vấn của bà với nhiều nhân vật lịch sử ở thời kỳ bước ngoặt sau Tết Mậu Thân 1968 ở Việt Nam như: Võ Nguyên Giáp, Kít-xinh-giơ, Nguyễn Văn Thiệu…

Trang 124, Pha-la-xi kể chuyện các thanh niên phản chiến Mỹ tặng lãnh tụ A-ra-phát huy hiệu chống “chủ nghĩa phát xít của Mỹ”. Rồi sự xuất hiện của các giáo sư Pháp ở Hà Nội, chẳng hạn, đến từ Đại học Pa-ri 7, tự xưng mình là thuộc “thế hệ 1968”. Huấn luyện viên bóng đá Ca-li-xtô cũng tiết lộ từng lăn lộn trong các cuộc mít tinh chống chiến tranh Việt Nam lúc đầu còn xanh…

“Tủ sách” về trào lưu phản chiến ở phương Tây cũng in bóng lên một “Thư viện” đồ sộ các sách về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, từng được xuất bản ở phương Tây. Điểm khác biệt nổi bật trong “dòng văn học phản chiến” là tính “trẻ” và cả “nữ tính”, là những “bi kịch lạc quan”, là tính giáo dục bất diệt của nó chống lại kẻ thù truyền kiếp của nhân loại - bạo lực và chiến tranh.

Tính lãng mạn của văn nghệ phản chiến hẳn do những con chim đầu đàn của phong trào phản chiến gồm cả các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của thập kỷ 60, như A-len Gin-xbéc, Đê-nít Lê-vơ-tốp, Rô-bớt Dun-can, Rô-bớt Blai… lẫn các họa sĩ Rô-nan Ha-bơ-le, Nan-xi Xpê-rô, Pi-tơ Xơn… các nhà làm phim Len-ny Lip-tơn, Pi-tơ Gét-nơ, Giê-ri A-bram, Đa-vít Rin-gô…

Một nữ chiến sĩ hòa bình tặng bông hồng cho cảnh sát chiến đấu trước Lầu Năm Góc. Ảnh: wiki

“Một tia lửa đốt cháy toàn thế giới”

Cách mô tả dây chuyền sự kiện, sau khi dung nham của ngọn núi lửa “Tết” (1968) tuôn trào như thế, là của Ta-ríp A-li, một ký giả và nhà hoạt động chính trị người Anh gốc Á nổi tiếng đương đại. Với nhan đề “Nổi dậy chống trời: Nhớ lại 1968” (Storming Heaven 1968 Revisited), trích trong cuốn “Thời đại chiến đấu trên đường phố: Một tự truyện về những năm 60” (Street-Fighting Years: An Autobiography of the Sixties), Ta-ríp cung cấp một liên tưởng phong phú hơn về “cây súng” và “hoa hồng” của kỷ nguyên “Tết”.

Ta-ríp A-li nghĩ rằng, hiệu ứng nghe nhìn của thời đại TV hóa giữa những năm 1960 (kiểu như internet hôm nay) đã phổ biến và dồn nén các cảm xúc về cuộc chiến tranh thú tính của một siêu cường chống một nước nghèo châu Á, qua các buổi phát hình hàng đêm. Khói napan và chất độc da cam giội lên làng quê hiền hòa đã làm bùng lên một tình đoàn kết với cuộc kháng chiến do cộng sản lãnh đạo ở Việt Nam, hòa quyện với trào lưu phản kháng tại chỗ, trong các giai điệu “ma ám” của Bốp Đai-lân và nhóm Bít-tơn…

Những khu phố “Việt Nam anh hùng”

Nhiều tác giả khác đều khẳng định, triều cường chống chiến tranh ở phương Tây chính là dòng thác tiến công Tết 1968 của “Việt cộng”, nhằm vào các căn cứ ở các thành phố lớn ở miền Nam. Nhưng màn chót của “dàn hợp xướng” này là cảnh những biệt động chiếm Đại sứ quán Mỹ và treo cờ Mặt trận. “Đây quả là một sứ mạng kết thúc bằng hy sinh, nhưng dũng cảm vô song. Nó tác động tức thì”, vẫn Ta-ríp A-li chiêm nghiệm.

Trong “Nhớ lại tháng 5-1968”, nhớ về “cuộc chiến đường phố” của phong trào phản kháng của thanh niên Pháp năm 1968 vào 20 năm sau, năm 1988, Đi-a-na Giôn-xtôn cũng xác nhận, “cuộc tiến công Tết (Mậu Thân)… đã nổ tung thành vô số cuộc nổi dậy khắp nơi trên thế giới”.

Tháng 3-1968, sinh viên Pháp ở Năng-tơ xuống đường, thách thức gay gắt “đế chế” Đờ Gôn. Cùng tháng, sinh viên Anh nhanh chóng nhập vào Chiến dịch đoàn kết với Việt Nam. Những người biểu tình bao vây Sứ quán Mỹ ở quảng trường Grô-ven-no, Luân Đôn, bạo lực bùng phát. “Như người Việt, chúng tôi muốn chiếm Sứ quán Mỹ”, Ta-ríp A-li nhớ lại, nhưng cảnh sát cưỡi ngựa đã triển khai thành bức tường bao quanh lâu đài này. Cuộc chiến trên đường phố ở phương Tây cũng có 3 đợt, như trong tổng tiến công của “Việt Cộng”. Trước hết “chiếm” nước Pháp, rồi lan sang Nhật, ở Anh một giai đoạn ngắn, rồi lại sang Pháp. “Tinh thần của người Việt đã mài giũa nên một kỹ năng phản kháng bình dân thành một loại hình nghệ thuật, nhưng không hề mang tính trang trí…”,   Ta-ríp A-li tìm cách mô tả tính trữ tình, tinh thần, văn hoá… là những gì mà thời đại 1968 khác với những cuộc “nổi dậy” trên đường phố phương Tây, về sau này.

Tháng 5 - tháng 6-1968, theo Giăng Giắc Lê-ben, phóng viên Pháp nổi tiếng, từng bị ném lựu đạn cay trong giai đoạn này, là lúc “những người nổi loạn” chiếm khu La-tin ở Pa-ri. Nơi này còn bảng lảng linh hồn của những Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc… được đổi tên thành Khu phố Việt Nam anh hùng.

1968 là năm nước Mỹ chìm ngập dưới những ngọn triều cường của trào lưu tư tưởng phản chiến, sục sôi các cuộc hội thảo về đề tài chiến tranh Việt Nam trong giới sinh viên, các cuộc biểu tình của các chiến sĩ hòa bình. Đỉnh cao là cuộc tuần hành của hàng ngàn người ở Chi-ca-gô cuối tháng 8-1968. Nhiều thanh niên sinh viên phất cờ của “đối phương”, chiếm công viên Lớn, khởi động một trào lưu vác quốc kỳ của “Bắc Việt” (cờ đỏ sao vàng) và cờ Mặt trận trong các cuộc tuần hành phản chiến ở Mỹ đầu thập niên 70.

“Những dòng nham thạch của năm 68 đã thử thách các cấu trúc quyền lực ở mọi nơi, Nam và Bắc, Tây và Đông. Cả năm châu đều ngập trong ý tưởng về sự thay đổi”, Ta-ríp A-li kể tiếp…

Cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968, theo giới học giả, đã làm dấy lên làn sóng “nổi loạn” trong dân chúng, nhất là sinh viên. Nhưng chúng mang đặc tính yêu hòa bình, phi bạo lực là chủ yếu, dù có lúc có nơi có biểu hiện dùng vũ lực của các phần tử cấp tiến. Chúng không có cơ sở để chuyển thành bạo lực vũ trang, theo những ước đoán khuynh tả, cực đoan, duy ý chí, cũng không biến thành “quỷ đỏ”, dưới ngọn bút ‘vẽ ma” của tác gia lý thuyết “chống nổi dậy” của phe diều hâu. Chỉ thấy hơi thở lãng mạn, sức sống diệu kỳ, sự đa dạng, và triển vọng tiềm tàng của phong trào hòa bình như biểu hiện của chủ nghĩa quốc tế, vẫn lồng lộng từ kỷ nguyên Tết Mậu Thân. Khi ấy, màn ảnh truyền hình từng là chất xúc tác cho tư tưởng phản chiến thăng hoa. Một hiệu ứng giống như phim về những người anh hùng chiếu cho thanh niên miền Bắc…

Lê Đỗ Huy (tổng hợp)