QĐND - Ở thời điểm hiện tại, nếu sử dụng công cụ tìm kiếm google về đề tài cuộc tổng tuyển cử theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, với cụm từ khóa: “80% will vote for Ho Chi Minh" (tạm dịch: 80% bầu cho Hồ Chí Minh), sẽ có tổng cộng 221.000 kết quả từ nguồn sách báo tiếng Anh. Đó chính là lời giải thích xác đáng nhất cho nguyên nhân cuộc tổng tuyển cử năm 1956 đã không diễn ra…

Quang cảnh một phiên họp trong khuôn khổ Hiệp định Giơ-ne-vơ năm1954. Ảnh tư liệu

Hiệp định lịch sử

Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 là hiệp định được ký kết để khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Các bên tham gia hiệp định bao gồm: Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Việt Nam dân chủ cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.

Phía Việt Nam dân chủ cộng hòa đề ra lập trường 8 điểm: Pháp công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia; Ký một hiệp định về việc rút quân đội nước ngoài ra khỏi 3 nước trong thời hạn do các bên tham chiến ấn định; Tổ chức tổng tuyển cử tự do trong 3 nước nhằm thành lập chính phủ duy nhất cho mỗi nước; Việt Nam dân chủ cộng hòa tuyên bố ý định xem xét việc tự nguyện gia nhập Liên hiệp Pháp và những điều kiện của việc gia nhập đó; 3 nước thừa nhận các quyền lợi kinh tế, văn hóa của Pháp tại mỗi nước; Hai bên cam kết không truy tố những người hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh; Trao đổi tù binh và dân thường bị bắt trong chiến tranh; Các biện pháp nói trên sẽ được thực hiện sau khi đình chỉ chiến sự.

Ban đầu, phái đoàn Pháp tham dự Hội nghị giữ lập trường khá cứng rắn. Do đó, nội các của Thủ tướng La-ni-en bị nhân dân Pháp lên án, buộc phải từ chức ngày 12-6-1954. Phe chủ chiến ở Pháp bị đánh đổ, Men-đê Phrăng-xe thuộc phái chủ hòa lập chính phủ mới. Ngày 18-6-1954, khi nhậm chức, ông Men-đê Phrăng-xe tuyên bố sẽ từ chức, nếu trong vòng một tháng không đạt được ngừng bắn ở Đông Dương. Vào thời điểm ấy, tại Sài Gòn, Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm về làm thủ tướng thay Bửu Lộc dưới quyền Bảo Đại.

Ông Trần Văn Đỗ, Trưởng đoàn đại diện của Quốc gia Việt Nam tuyên bố sẽ không ký vào Hiệp định Giơ-ne-vơ với lý do hiệp định gây chia cắt Việt Nam. Lời phản kháng và đề nghị của đại diện Quốc gia Việt Nam đã không được hội nghị bàn tới. Ông Trần Văn Đỗ đã tuyên bố với báo chí: "Từ khi đến Giơ-ne-vơ, phái đoàn không bao giờ được Pháp hỏi về ý kiến về điều kiện đình chiến, đường phân ranh và thời hạn tổng tuyển cử. Tất cả những vấn đề đó đều được thảo luận ngoài hội nghị, thành ra phái đoàn Quốc gia Việt Nam không làm thế nào bày tỏ được quan niệm của mình".

Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia mong muốn hoàn toàn độc lập đồng thời chấm dứt chiến tranh trên lãnh thổ Cam-pu-chia. Lực lượng Khơ-me Ít-xa-ra phải giải giáp. Đổi lại, Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử tự do bầu ra chính phủ mới, trong đó những thành viên Khơ-me Ít-xa-ra có thể tham gia với tư cách là ứng cử viên hoặc cử tri.

Lập trường của Chính phủ Hoàng gia Lào tương tự Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia. Lào mong muốn hoàn toàn độc lập và chấm dứt chiến tranh trên lãnh thổ Lào.

Nước Anh không muốn dính líu vào chiến tranh Đông Dương cùng với Mỹ nhưng cũng không muốn gây tổn hại đến quan hệ đồng minh với Mỹ. Anh kiên trì khuyên Mỹ trì hoãn những hành động quân sự tại Đông Dương bao gồm việc thành lập khối SEATO cho đến khi "lực lượng cộng sản đưa ra giải pháp hòa bình" được Mỹ chấp thuận do đó không phải lựa chọn ủng hộ hay không ủng hộ Mỹ. Ngoài ra, Anh chủ trương ủng hộ Pháp thương lượng trên thế mạnh.

Phái đoàn Hoa Kỳ đã từ chối ký và không công nhận Hiệp định Giơ-ne-vơ nhưng ra tuyên bố, nước này "sẽ coi mọi sự tái diễn của các hành động bạo lực vi phạm Hiệp định là điều đáng lo ngại và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế".

Mục tiêu của Liên Xô là ngăn chặn nguy cơ chiến tranh vượt ra khỏi phạm vi Đông Dương khiến phương Tây đoàn kết lại ủng hộ Mỹ và buộc Liên Xô phải cam kết bảo vệ Trung Quốc. Liên Xô cũng muốn ngăn ngừa việc Quốc hội Pháp thông qua kế hoạch thành lập Cộng đồng Phòng thủ châu Âu.

Hội nghị Giơ-ne-vơ là cơ hội quan trọng để đưa Trung Quốc thành một thế lực chính tại châu Á. Mục tiêu cao nhất của Trung Quốc là mong muốn các bên ký kết một hiệp định về Đông Dương để tránh mọi sự can thiệp của Mỹ. Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc Chu Ân Lai ra tuyên bố: "Ba nước Đông Dương sẽ không tham gia vào bất cứ khối liên minh quân sự nào và không một nước ngoài nào được phép thành lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ".

Do lập trường giữa các đoàn có một khoảng cách khá lớn nên các cuộc đàm phán tiến triển rất chậm chạp. Một mặt, Đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa kiên quyết đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương trên cơ sở các bên phải tham gia công nhận độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Trong khi đó, lập trường của các đoàn đại biểu các nước phương Tây là hiếu chiến. Đoàn đại biểu Mỹ âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh ở Đông Dương, thay chân Pháp xâm lược Đông Dương.

Kết quả, ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã ra Tuyên bố chung, trong đó chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập cho Việt Nam; tuyên bố giải pháp cho những vấn đề chính trị ở Việt Nam dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẽ cho phép người dân Việt Nam được hưởng nền tự do cơ bản thông qua kết quả tổng tuyển cử tự do được tổ chức tháng 7-1956. Tuy nhiên, cuộc tổng tuyển cử đó đã không bao giờ diễn ra.

Ai được lợi khi tổng tuyển cử không diễn ra?

Từ năm 1950, trong chiến tranh Việt - Pháp đã có binh lính và các sĩ quan chỉ huy người Mỹ ở Việt Nam. Sau khi Ngô Đình Diệm được Mỹ đưa lên thì tướng Giôn Ô Đa-ni-en đã toàn quyền huấn luyện ngụy quân ngay từ đầu. Người Mỹ, Ngô Đình Diệm và gia đình họ Ngô chưa bao giờ muốn có một tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Ngày 13-1-1955, Ngô Đình Diệm công bố chính thức trên truyền thông rằng, Hoa Kỳ từ nay có toàn quyền về vấn đề tổ chức và huấn luyện quân đội Sài Gòn. Ngày 12-2-1955, trong một cuộc họp báo, Ngô Đình Diệm công bố từ nay trở đi, tướng Giôn Ô Đa-ni-en sẽ huấn luyện cho các lực lượng quân đội. Thậm chí, trước mặt đại diện Hoa Kỳ, các sĩ quan người Việt tổ chức đốt tượng trưng quân hàm, quân hiệu của quân đội Pháp mà họ vẫn đeo tại sân Bộ Tổng tham mưu. Thay vào đó là những phù hiệu kiểu mới của quân đội Mỹ.

Tiếp theo, ngày 6-10-1955, Ngô Đình Diệm tuyên bố quyết định mở cuộc "trưng cầu dân ý". Các cơ quan truyền thông do Mỹ cấp chi phí và điều khiển cũng bắt đầu những chiến dịch tuyên truyền bôi bác Bảo Đại và ca ngợi "Thủ tướng" Ngô Đình Diệm. Ngày 23-10-1955, Mỹ-Diệm dàn dựng cuộc "trưng cầu dân ý" gian lận. Cảnh sát gõ cửa từng nhà đe dọa và ép người dân đi bầu, bắt giam những người chống lại, cho dân Công giáo di cư 1954 (vốn nhiều người chống Cộng và ủng hộ gia đình Diệm) đi đầu "bỏ phiếu" rồi quay phim chụp hình để quảng cáo hình ảnh Ngô Đình Diệm với quốc tế. Việc bỏ phiếu được diễn ra và trở thành trò hề vì Ban tổ chức đã sắp xếp để Ngô Đình Diệm tuyệt đối thắng. Ngô Đình Diệm "đắc cử" với "98,2%" số phiếu. Đại tá CIA Ét-uốt Lan-đên trước đó đã bảo Diệm rằng: "Trong lúc tôi đi vắng, tôi không muốn bỗng nhiên nhận được tin rằng ông thắng 99,99%. Vì nếu như thế thì biết đó là kế hoạch sắp đặt trước". Đại tá lục quân Mỹ, Tiến sĩ Xpen-xơ C.Túc-cơ trong sách Encyclopedia of the Vietnam War (tạm dịch: Bách khoa thư Chiến tranh Việt Nam) do ABC-CLIO xuất bản năm 2000 và sử gia Xtan-li A.Ca-nâu trong sách Vietnam: A history (tạm dịch: Việt Nam: 1 lịch sử) do Penguin Books xuất bản năm 1997, đã ghi nhận cái gọi là "trưng cầu dân ý" này còn có những gian lận vụng về lộ liễu khác. Đơn cử như ở Sài Gòn, Ngô Đình Diệm công bố được "605.025" phiếu trong khi khu vực này có chưa tới 450.000 cử tri ghi tên.

Cuộc “bầu cử” đã hoàn thành đúng theo ý định của Mỹ và chính phủ của Ngô Đình Diệm. Kết cục, Bảo Đại - tay sai trung thành của Pháp bị phế truất. Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ lên đứng đầu và tự xưng là "Tổng thống". "Quốc gia Việt Nam" đổi tên thành "Việt Nam cộng hòa". Tiếp tục lộ trình hất cẳng Pháp ra khỏi miền Nam Việt Nam, Mỹ bắt đầu từng bước gạt bỏ các lực lượng vũ trang thân Pháp, dùng "Quân lực Việt Nam cộng hòa" diệt các lực lượng vũ trang giáo phái được Pháp mua chuộc, trả lương. Đồng thời, cũng để làm sạch đi phần nào những vết nhơ, tai tiếng về quá khứ làm quan, làm "thủ tướng" cho thực dân Pháp của Ngô Đình Diệm và gia đình. Cuối tháng 4-1956, người lính Pháp cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam. Mỹ gây sức ép bắt Pháp bàn giao lại máy bay, tàu thủy, xe cơ giới, dụng cụ chiến tranh cho quân đội ngụy đang được Mỹ tổ chức và huấn luyện. Phái bộ huấn luyện quân sự hỗn hợp của Pháp - Mỹ (TRIM) trước đây đã chuyển thành "Phái bộ huấn luyện tác chiến lục quân" (CATO) gồm toàn người Mỹ.

Tại thời điểm tháng 9-1955, Mỹ chỉ có 351 sĩ quan chỉ huy ở miền Nam. Đến tháng 3-1956 con số này đã lên 1.550 người. Cơ quan trung ương của CATO do tướng Xa-mu-en Uy-li-am quản lý, gồm 170 người: 3 cấp tướng, 49 đại tá, 68 trung tá, 50 thiếu tá phân ra nắm mọi ngành. Bên cạnh mỗi bộ tư lệnh quân khu có một đại tá và một số sĩ quan. Mỗi sư đoàn nặng có từ 6 đến 8 đại tá Mỹ, mỗi sư đoàn nhẹ có từ 3 đến 5 trung tá. "Cố vấn" Mỹ lúc này chỉ nắm cấp trung đoàn, chưa nắm cấp tiểu đoàn.

Trong cuốn The Vietnam war and American culture (tạm dịch: Chiến tranh Việt Nam và văn hóa Mỹ), Đại học Cô-lum-bi-a xuất bản năm 1991, hai đồng tác giả Giôn Ca-lốt Râu-ê và Rích Bớc đã ghi lại nguyên văn trả lời phỏng vấn của Tiến sĩ Nô-am Xôm-xky: “Tưởng cũng nên nhớ lại vài sự kiện. Mỹ đã dính sâu vào nỗ lực của Pháp để tái chiếm thuộc địa cũ của họ, biết rằng kẻ thù là phong trào quốc gia của Việt Nam. Số tử vong vào khoảng nửa triệu. Khi Pháp rút lui, Mỹ lập tức bắt tay vào việc phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương năm 1954, dựng lên ở miền Nam một chế độ khủng bố, cho đến năm 1961, chúng đã giết khoảng 70.000 nạn nhân được cho là “Việt cộng”, gây nên phong trào kháng chiến mà từ 1959 được sự ủng hộ của nửa miền Bắc tạm thời chia cắt bởi Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương mà Mỹ phá ngầm”.

Câu hỏi đặt ra là ai đã phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ? Theo lẽ tư duy lô-gíc thông thường thì không khó trả lời câu hỏi này. Bên nào có lợi khi cuộc tổng tuyển cử không diễn ra thì bên đó chính là kẻ phá hoại. Ngay từ đầu, Mỹ đã không tham gia ký kết Hiệp định này, điều này trái với những tuyên bố duy trì hòa bình trên thế giới của họ. Sau khi Hiệp định được ký kết, chính phủ Ngô Đình Diệm và Mỹ tin chắc rằng, nếu tổng tuyển cử diễn ra thì chiến thắng sẽ về tay chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi lúc đó uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa rất lớn, phù hợp lòng dân, đã lãnh đạo nhân dân đánh thắng giặc Pháp xâm lược với chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu. Thậm chí, tình báo Mỹ đã kết luận nếu có bầu cử thì kết quả tốt nhất (cho Mỹ-Diệm) là... ít nhất khoảng 80% dân số sẽ bầu cho Hồ Chí Minh. Mà cũng không cần CIA và tổng thống Mỹ nói, lúc đó dư luận thế giới và cả nước ai cũng biết trước nếu bầu cử thì Hồ Chí Minh sẽ thắng. Kết quả bầu cử mọi người đã biết trước ngay từ đầu. Chính phủ Mỹ rất lo lắng. Nếu Việt Nam dân chủ cộng hòa thống nhất đất nước sẽ là một liều thuốc tinh thần kích thích phong trào Cộng sản và phong trào Giải phóng dân tộc trên toàn thế giới đang mạnh mẽ tại thời điểm đó. Hoa Kỳ cần một con đê chắn làn sóng Cộng sản phát triển xuống phía Nam. Như vậy, họ chủ trương phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ và thành lập chính phủ bù nhìn tại miền Nam Việt Nam.

NGUYỄN HOÀI NAM (tổng hợp)