QĐND - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang thực hiện Dự án nạo vét, cải tạo lòng sông Đáy, nhằm phục vụ mục đích cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và tái tạo môi trường sinh thái cho toàn bộ lưu vực sông Đáy thuộc địa phận Hà Nội. Thế nhưng, theo phản ánh của người dân, nhà thầu đã lợi dụng việc làm này để hút cát mang bán cho tư thương. Hành vi trên đã bị các cơ quan chức năng "tuýt còi", nhưng vẫn tiếp tục diễn ra...
Ngày 27-11-2008, Bộ NN&PTNT có Quyết định số 3740/QĐ-BNN-NL về việc phê duyệt Dự án đầu tư nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy. Dự án được giao cho Ban quản lý các dự án nông nghiệp - thủy lợi Hà Nội làm chủ đầu tư. Theo đó, sẽ tổ chức nạo vét đoạn từ hạ lưu đập Đáy đến Mai Lĩnh trải qua các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ…
Nơi xảy ra hiện tượng hút cát trái phép là khu vực sông Đáy đi qua huyện Quốc Oai thuộc gói thầu số 5 do Công ty Cổ phần cơ khí Tầu cuốc và thương mại Hưng Thịnh là chủ thầu thi công. Ngày 17-12-2013, Sở NN & PTNT Hà Nội ra Quyết định số 3047/QĐ-SNN về việc điều chỉnh giải pháp thi công, trong đó ghi rõ thi công bằng máy đào dung tích gầu nhỏ hơn hoặc bằng 1,6m³, tàu hút bùn mini, mái hai bên bờ thi công bằng máy xúc. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, nhà thầu thi công đã dùng máy hút cát thay vì máy hút bùn, hút số lượng lớn cát sạch mang đi bán. Người dân địa phương cho biết, máy hút cát từng tiếp cận lòng sông cách khu dân cư 20m trong tháng 3-2014 để hút cát. Sau khi người dân phản đối, máy chuyển vị trí cách nhà dân khoảng 200m. Khi người dân tiếp tục phản đối, nhà thầu tạm dừng nhưng cách vài hôm lại cho máy hút hoạt động.
 |
Việc múc, hút cát vẫn tiếp tục xảy ra.
|
Ông Nguyễn Văn Tuấn, người dân thôn Năm Trại, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai cho biết: "Khi biết Nhà nước có chủ trương nạo vét, cải tạo lòng sông Đáy, chúng tôi rất phấn khởi. Nhưng khi nhà thầu thi công lại hút cát đem đi chứ không tập trung nạo vét, hút bùn khiến người dân thất vọng. Việc hút cát này đã gây ra tình trạng lún, nứt tại một số nhà dân ven sông".
Trao đổi với phóng viên, ông Đào Tiến Tuyến, Phó chủ tịch UBND xã Sài Sơn cho biết: “UBND xã đã tiến hành xác minh sự việc, đồng thời đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu và các phòng ban chức năng của huyện tổ chức đối thoại với người dân. Ngày 28-2-2014, các bên có cuộc đối thoại, song không đạt được thỏa thuận thống nhất. UBND xã đã tạm đình chỉ thi công hai lần, tuy nhiên, nhà thầu vẫn tiếp tục hút cát. Việc hút cát đã gây lún, nứt một số nhà dân ven sông. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra thì tình trạng sụt lún, sạt lở đất sẽ nghiêm trọng hơn”.
 |
Công nông chở cát khai thác dưới lòng sông Đáy khu vực xã Sài Sơn vẫn tiếp tục xảy ra.
|
Còn theo ông Phùng Văn Tài, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Quốc Oai: “UBND huyện đã gửi công văn đến Sở NN&PTNT và Sở TN&MT TP Hà Nội đề nghị chủ đầu tư kiểm tra đơn vị thi công gói thầu số 5 trong việc nạo vét, cải tạo lòng sông Đáy để tránh gây ảnh hưởng đến khu vực dân cư. Ngày 7-7-2014, UBND xã Sài Sơn cùng đại diện Ban quản lý các dự án nông nghiệp-thủy lợi, trưởng xóm Bồ Đề, trưởng thôn Năm Trại đã làm việc với nhà thầu thi công. Các cơ quan chức năng đã yêu cầu nhà thầu thi công không sử dụng máy hút mà sử dụng máy múc để thực hiện nạo vét; tạm dừng thi công tạo mái ven bờ sông, không được nắn dòng chảy của dòng sông”.
Thống nhất là vậy nhưng hiện nay, tại khu vực dọc hai bờ sông Đáy đoạn chảy qua địa phận thôn Năm Trại vẫn có nhiều "núi" cát nằm rải rác, dưới sông vẫn còn những máy múc đang múc bùn và cát. Bùn được để một bên, cát một bên. Sau đó, hệ thống xe công nông tiến hành chở cát và bùn đi theo hai hướng khác nhau. Có thể thấy, việc hút cát và vận chuyển cát đã được thực hiện dưới hình thức tinh vi hơn.
Dư luận cho rằng, việc vào cuộc chậm trễ của cơ quan chức năng đã và đang tạo nên lỗ hổng để nhà thầu tiếp tục thực hiện hành vi khai thác cát trái phép đem đi bán kiếm lời. Rất mong chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, xử lý dứt điểm những hành vi vi phạm.
Bài và ảnh: HUYỀN TRANG – NGUYỄN HIỆP