Buổi sáng sớm, Ngọc Hoàng bắt đầu ngày làm việc ở thiên đình. Nam Tào, Bắc Đẩu có mặt hai bên sẵn sàng đợi “chỉ thị”. Bữa nay, Ngọc Hoàng yêu cầu kết nối vệ tinh để tìm hiểu tình hình hoạt động quân sự dưới hạ giới. Đang say sưa theo dõi tình hình tin tức, bỗng màn hình loằng ngoằng toàn… muỗi. Ngọc Hoàng nổi giận: “Tại sao?”.

Sau một hồi chạy đi kiểm tra, Nam Tào chạy về bẩm báo: “Do đứt dây tín hiệu”. Bắc Đẩu ở bên đỡ lời: “Thần xin giới thiệu một địa chỉ “khắc phục sự cố” rất “ngon”! Địa chỉ được giới thiệu là Cục Kỹ thuật, Tổng cục 2, một đơn vị thật sự là “binh chủng kỹ thuật” thầm lặng với nhiều đóng góp xuất sắc trong một cuộc chiến bí mật từng được Bác Hồ gọi là “não chiến”.

Trên đây là một trong những cách dùng văn học dân gian để kể chuyện nghề tình báo mà bộ đội ở các đơn vị thuộc Tổng cục 2 đã sử dụng trong Hội thi “Thanh niên, phụ nữ Tổng cục 2 làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vừa được tổ chức.

Nam Tào, Bắc Đẩu phục vụ Ngọc Hoàng theo dõi tình hình quân sự qua… vệ tinh. Ảnh: Ngọc Thăng

Ngày xuân, mọi người nô nức đi trẩy hội. Công tử Cà Lắp con quan cậy quyền thế, luôn tìm ghẹo các cô gái đẹp. Trông thấy một ông già cõng cô vợ trẻ trên lưng, hắn sinh lòng ham muốn chiếm đoạt vợ người. Song bằng tình yêu chính đáng, ông già  đã dạy cho tên công tử một bài học nhớ đời và  giữ được vợ trẻ.

 Đó là tích tuồng cổ năm xưa. Còn ở hội thi này, ông già lụ khụ còng lưng cõng cô vợ trẻ đi chơi, thấy một đám đông, bèn dừng lại ghé xem và bị người khác... thuyết phục. Hóa ra đám đông toàn bộ đội đang quyên góp sách báo cũ, quần áo cũ tặng đồng bào nghèo nơi biên giới. Cô vợ ngồi trên lưng ông già càng bị hút hồn hơn khi nghe họ nói, họ chính là bộ đội tình báo. Tình báo mà cũng gặt lúa, chống giặc lửa, chống lụt giúp dân sao? Dĩ nhiên là có chứ, muốn có tin tức cũng phải dựa vào dân mà muốn “bí mật”, che mắt địch lại càng phải dựa vào dân. Một sĩ quan trẻ dẫn bức thư Bác Hồ gửi bộ đội tình báo, có đoạn: “Tai mắt của người tình báo có hạn. Nhân dân có hàng chục triệu tai mắt. Việc gì họ cũng có thể nghe, có thể thấy, có thể biết. Vì vậy, tình báo phải cố gắng làm thế nào cho nhân dân giúp sức thì sẽ thành công to”.

Phải đến khi ông già đứng thẳng lưng lên vẫy chào khán giả, mọi người mới biết “đôi vợ chồng” này chỉ là một phụ nữ ở văn phòng Tổng cục 2 hóa trang rất khéo. Dựa theo màn tuồng cổ “ông già cõng vợ đi chơi”, chị đã kể chuyện bộ đội tình báo học tập và làm theo 3 bức thư của Bác Hồ gửi ngành tình báo quốc phòng rất sinh động, hấp dẫn.

Ông già cõng vợ đi xem hội” nghe lính tình báo kể chuyện. Ảnh: Hải Lý

Những người lính “mình đồng da sắt” băng mình qua làn lửa rừng rực cháy hay thoăn thoắt leo nhà cao tầng giải cứu con tin. Những pha đối đầu với kẻ địch rất “gấu” được xử lý bằng vài động tác võ thuật mau lẹ. Những cuộc hành quân trong đêm biên giới giá buốt, đánh bắt lực lượng phản động từ nước ngoài xâm nhập nội địa… Thiếu tá Phạm Văn Vũ, Phó chính ủy Đoàn 3 (Tổng cục 2) cùng đội thi của đơn vị đã kể chuyện “làm theo” bằng 10 sáng kiến, 15 phần việc thanh niên, 3 mô hình huấn luyện giỏi bằng tiểu phẩm đan xen cả dân ca đồng bằng Bắc Bộ và đôi chỗ nhịp “hip-hop” sôi nổi.

Theo Đại tá Lê Hoàng Đang, Phó chủ nhiệm Chính trị-Tổng cục 2: Qua cuộc thi mới thấy rằng, nghề tình báo tưởng như khô khan, bí ẩn và nhiều điều “khó nói”, song bộ đội tình báo luôn là những người hóa thân vào mọi lĩnh vực đời sống và có tâm hồn thật phong phú. Nhờ văn học dân gian, họ vẫn có dịp bộc lộ tâm tình, nhiệt huyết một cách không hề… “lộ”!

MINH LÝ