QĐND - 1. Những ngày này, nhiều gia đình đang mừng vì sắp đến lúc con mình nhận được giấy báo trúng tuyển cao đẳng, đại học. Mừng rồi có khi lại lo ngay. Chỉ nói riêng chuyện chỗ ở, số gia đình bình tĩnh đợi đến ngày nhập học không nhiều. Các gia đình thuộc diện ưu tiên hay con đỗ vào trường của quân đội, công an-có đủ chỗ ở cho sinh viên và quản lý khá chặt chẽ mới đỡ lo. Còn lại, các gia đình ở xa trường, xa thành phố thường phải đến thành phố sớm, đi khắp các khu dân cư để tìm thuê nhà. Anh Nguyễn Huy Dũng, đang tạm trú tại K3, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, có con thi vào Trường Đại học Xây dựng được 23,5 điểm chia sẻ: Thành phố chật chội, mấy ai có dư chỗ để xin ở nhờ. Tôi vừa phải phát huy các mối quan hệ, vừa trực tiếp đi tìm nhà, hay tìm trên báo, trên mạng… Cũng muốn cho con vào ký túc xá nhưng số chỗ ở không đủ, muốn vào được phải đáp ứng các tiêu chí xét duyệt, mà số chỗ cho sinh viên năm thứ nhất ít lắm.

Việc học tập của sinh viên bị ảnh hưởng không nhỏ vì phải thay đổi chỗ trọ nhiều lần. (Trong ảnh: Chuyển đồ sang chỗ trọ mới). Ảnh: Thanh Quý

Có bố mẹ quan tâm thì làm hợp đồng thuê nhà, đi mua sắm cho con từng cái giẻ lau bát, tuýp thuốc đánh răng... Ông Nguyễn Văn Lý ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, là cựu chiến binh, tính rất cẩn thận, lại có nhiều thời gian nên quyết định dành trọn một tháng để ở cùng cậu con trai út đỗ vào Trường Đại học Thương mại. Ông dọn dẹp, bố trí góc học tập, lo cơm nước cho con và bạn con-cậu sinh viên cùng quê mà ông cũng đã tìm hiểu và chọn cho ở cùng. Thời gian rỗi ông đi loanh quanh trong khu tập thể, xem tình hình an ninh, văn hóa địa bàn ra sao. Rồi còn tính chuyện mua xe gắn máy, mua máy tính xách tay cho con chứ không chỉ cái điện thoại iPhone mới thưởng hôm biết tin đạt điểm cao. Thấy nhà vừa thuê có sóng điện thoại yếu hoặc mạnh quá, ông xin hủy hợp đồng, tìm chỗ mới để bảo đảm sức khỏe và điều kiện liên lạc mỗi ngày với con sau này.

2. Cẩn thận, chu đáo và được lo đầy đủ, nhưng hết mấy tháng đầu năm học, nếu gia đình thiếu sự quan tâm, sinh viên không tự giữ mình, mọi sự lạc lối vẫn có thể xảy ra. Nguyễn Hồng Nhung, sinh viên K47, Trường Đại học Thương mại, sau khi học hỏi kinh nghiệm các anh chị khóa trước và bản thân, đã nhắc bố mẹ chuẩn bị tinh thần: Đồ tân sinh viên được trang bị có thể “hết hạn sử dụng” rất chóng vánh và cần bổ sung gấp với nhiều lý do như “chưa quen đường”, “đi vào lối ngược chiều”, “bị tai nạn”, “bị rơi vỡ”, “bị mất”, “bị hỏng”, “bị bạn mượn không trả”... Hợp đồng thuê nhà tự các em sinh viên vẫn có thể hủy, bán, hoặc đổi cho các bạn khác với giá thấp hơn. Nơi ở mới, nếu bố mẹ không có sự trao đổi thông tin với chủ nhà trọ thì không thể biết đó có thể là một khu náo nhiệt, phức tạp, chật chội, xa trường nhưng giá thuê rẻ hơn để sinh viên dư nguồn tiền đầu tư cho việc khác.

Bạn trọ có thể chuyển đến ở ghép, cùng chia tiền thuê nhà cho chi phí thấp nữa chỉ sau vài cuộc trao đổi qua điện thoại. Chưa khi nào phong trào tìm người ở ghép, tìm người cùng chia tiền phòng rầm rộ như những năm gần đây. Nguyễn Văn Bằng, sinh viên năm thứ hai, Đại học Quốc gia, quê ở Lào Cai tâm sự, Bằng phải cố gắng chuyển nhà trọ, thắt chặt chi tiêu ở mức tối thiểu, để làm sao có thể trụ lại ở Hà Nội với hơn một triệu đồng bố mẹ cho. Nếu có ở ghép bốn người một phòng nhỏ, chấp nhận khu nhà cấp 4, lụp xụp, kém vệ sinh, nước giếng khoan chứ không được nước máy, một tháng cũng mất khoảng bảy trăm nghìn đồng. Đã vậy, nếu không tìm hiểu kỹ, các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất sẽ dễ gặp bạn cùng phòng đồng tính, biến thái, hay lười học, ham chơi, có khi nghiện, dễ bị ảnh hưởng tâm lý hoặc lây hư, chệch hướng.

Để có được một góc học tập tốt là niềm mơ ước lớn với sinh viên xa nhà. Ảnh: Thanh Quý

3. Chuyện sinh viên lạc lối không còn quá hiếm. Nhiều khi, người chứng kiến phải giật mình, đó là chuyện mà bà Nguyễn Thị Sự ở tổ 16, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội đã từng mắc phải. Dù nhà chật chội nhưng thương cảnh xa nhà lại có chút quan hệ họ hàng, mấy năm trước bà đã cho cậu cháu cùng quê ở nhờ để tiện việc học tập tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Sáng sáng, cậu ta cắp cặp sách đi, tối đến là có mặt ở nhà. Bà nghĩ cậu ta chỉn chu, lo cho như cháu ruột. Đôi khi bà cũng ngại không nhắc chuyện đưa tiền ăn, dù lúc đầu có nói: “Cháu sẽ đưa bà khi cha mẹ gửi ra hằng tháng theo xe khách”. Hết bốn năm, không thấy cậu ta có ý định về quê bà mới hỏi kỹ việc học hành, cùng gia đình truy đến bằng cấp thì vỡ lở rằng: Ngay cuối năm thứ nhất, cậu ta đã tự dừng việc học khi gặp khó khăn với một số môn. Đã ba năm rồi, cậu ta bỏ học dù vẫn đều đặn nhận tiền học phí và tiêu vặt của cha mẹ gửi cho. Cha mẹ cậu ta ở quê và chính bà cũng không hề biết gì.

Khi câu chuyện lan ra, mọi người quá ngỡ ngàng, ngay cả các gia đình sát vách cũng thắc mắc: Trông nó ngoan ngoãn cơ mà? Rồi mọi người nghĩ tới chuyện mấy năm vừa rồi, riêng nhà bà Sự và khách đến chơi mất 4 chiếc xe máy, xe đạp. Hàng xóm mất thêm 3 chiếc nữa. Cũng đã báo công an nhưng chưa tìm ra thủ phạm. Bạn cùng hội người cao tuổi với bà thường lắc đầu, gạt đi khi có ai đó liên tưởng. Cả xóm tiếc cho cậu sinh viên đã được dành phòng, bỏ công, sẻ cơm mà chưa được nửa đường đã đứt gánh. Bà Sự cũng cầu mong, với quyết định đưa con vào Thành phố Hồ Chí Minh của gia đình sẽ tạo điều kiện cho cậu ta tìm lại được con đường của mình.

4. Những ngày nhập học sắp đến, các gia đình đã bắt đầu tìm chỗ cho con. Mong là các gia đình có con em bước vào giảng đường đại học, cao đẳng xa nhà sẽ không chỉ quan tâm, ráo riết nhất thời mà từ khi các bạn trẻ, đã tìm được nơi ở mới, tiếp tục sự nghiệp học hành thì cần phải quan tâm sát sao hơn nữa. Các gia đình có thể xem xét việc con mình có thuộc diện được ở ký túc xá của trường: Con liệt sĩ, con thương binh, gia đình có công với cách mạng; dân tộc ít người, từng đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, thi đỗ vào đại học đạt điểm cao hoặc có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn… Nếu phải thuê trọ thì ngoài việc liên lạc với nhà trường, bạn bè của con, phụ huynh nên có sự trao đổi, đề nghị gia đình cho ở nhờ hay chủ nhà trọ phối hợp, quan tâm, để ý hộ. Nếu con có di chuyển chỗ ở, bố mẹ cũng biết được để giám sát, nhắc nhở, làm sao con an toàn khi đi lại và yên tâm học tập. Nói như bà Nguyễn Thị Láng, từng cho sinh viên thuê nhà nhiều năm ở phố Trần Bình, Hà Nội: Không phải tự nhiên, nhiều gia đình ở các khu nhà có dân trí cao, an ninh tốt đã cho thuê nhà với giá cao hơn các khu khác. Bởi khi đó, chính họ đã có ý khẳng định và nhận thấy trách nhiệm “nhìn ngó” giùm các gia đình có con thuê nhà. Ốm đau, nhức đầu, sổ mũi không lo đã đành, chủ yếu là "cố gắng không để cháu nó hư".

PHẠM LÂM HOÀNG