 |
Ông chủ quán cà phê đặc biệt “Cổ Lũy - Cô thôn”. |
QĐND - Ở thành phố Đà Nẵng có một quán cà phê rất đẹp mang tên: “Cổ Lũy - Cô thôn”. Khách đến quán đủ các tầng lớp: Trung niên, thanh thiếu niên và nhiều nhất là cựu chiến binh. Họ đến với quán không những vì hương vị cà phê đậm đà, mà còn vì chủ quán là cựu chiến binh, Đại tá Võ Cao Lợi - một nhân vật khá “đặc biệt”.
Điều đặc biệt thứ nhất ít người biết đến, ông chính là liên lạc cho du kích xã Tịnh Khê. Hồi đó, ông và đồng đội được giao nhiệm vụ đón con tàu không số do ông Vũ Tấn Ích làm thuyền trưởng tại bến Ba Làng An, cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi). Con tàu mà quân đội Mỹ gọi là “Chồn Alpha”.
Đêm 14-7-1967, ông Võ Cao Lợi được giao nhiệm vụ cùng đồng đội đón và dẫn đường cho tàu vào cửa Sa Kỳ, sau đó theo dòng sông Kinh qua vùng giải phóng. Sự thực chuyến đi đó đầy cam go, ác liệt. Con tàu bị địch theo dõi, vây ép, nhưng anh em thủy thủ đều bình tĩnh, mưu trí vượt qua cho tới lúc bị mắc cạn. Dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Vũ Tấn Ích, cán bộ thủy thủ kiên cường chiến đấu với địch hàng giờ liền rồi mới rút khỏi tàu. Chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch và Phó thuyền trưởng Phạm Chuyên Nghiệp ở lại hủy tàu. Phó thuyền trưởng Nghiệp sau khi rời tàu, bơi được vào bờ, song bị thương nặng đến hôm sau thì hy sinh. Còn chính trị viên Trạch thì trúng đạn, hy sinh ngay trên tàu.
Nói về “sự kiện” số vũ khí địch thu giữ trên tàu địch đem triển lãm tại sân vận động Diên Hồng (thị xã Quảng Ngãi cũ), ông Võ Cao Lợi khẳng định: “Thực ra cuộc triển lãm năm ấy của địch phản tác dụng đối với chúng. Mục đích chúng triển lãm, bắt nhân dân xem là nhằm phô trương thắng lợi. Nhưng chúng không ngờ xem xong, nhiều người dân đã lên tiếng: “Cộng sản có vũ khí như thế này thì nhất định các ông sẽ thua!”.
Sở dĩ nhân dân nói như vậy, vì trước đây Mỹ - Ngụy thường tuyên truyền, 3 ông cộng sản leo cành đu đủ không gãy. Nay thấy lượng đạn dược, vũ khí hiện đại như vậy nên bà con nhận rõ sự lừa bịp của địch và tinh thần tăng lên rất cao. Nhân dân càng thêm tin tưởng vào miền Bắc XHCN, tin tưởng vào khí thế cách mạng. Họ nghĩ, ngày xưa ông cha dùng gậy, tầm vông, giáo, mác mà vẫn thắng Pháp, thì bây giờ có đầy đủ súng ống, đạn dược, nhất định sẽ thắng Mỹ…
Điều đặc biệt thứ hai thì nhiều người biết, vì ông là một trong những người sống sót tại vụ thảm sát Sơn Mỹ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) là nơi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai chọn làm thí điểm thực hiện các thủ đoạn chiến tranh xâm lược hết sức tàn bạo, dã man, mà điển hình là vụ thảm sát Sơn Mỹ. Vào ngày 16-3-1968, quân đội Mỹ đã giết hại một lúc 504 đồng bào thân yêu của chúng ta, trong đó có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già. 247 ngôi nhà bị thiêu hủy và hàng nghìn gia súc bị cướp bóc. Tội ác man rợ ấy của quân đội Mỹ khiến cả loài người tiến bộ, phẫn nộ, lên án…
Theo lời kể của ông Võ Cao Lợi, ngày hôm đó, ở thôn Cổ Lũy, xóm Khê Hội, lính Mỹ dàn hàng ngang hung hãn đốt nhà, giết người. Nhiều chị em phụ nữ đang mang thai, hoặc mới sinh cũng bị lính Mỹ làm nhục trước khi giết chết. Người già, trẻ con thì bị chúng xả súng, quẳng lựu đạn, mìn sát hại… Trong chốc lát lính Mỹ đã giết chết 97 người dân ở xóm Khê Hội. Tại xóm Khê Thuận, chúng giết hại 407 đồng bào ta. Hồi đó, Võ Cao Lợi còn làm liên lạc cho du kích, nên khi địch bắn giết dân lành, ông thoát chết nhờ nấp dưới đám dừa nước bên bờ sông Kinh. Các ông Võ Nữa và các em Võ Thị Liên, Võ Cao Đức, Nguyễn Hạnh, Lương Thị Thanh… nấp dưới hầm bí mật nên sống sót…
Việc ông trở thành chủ quán cà phê “Cổ Lũy - Cô thôn” cũng khá đặc biệt. Trưởng thành từ du kích, gia nhập quân giải phóng, rồi nghỉ hưu với quân hàm đại tá, nhưng cựu chiến binh Võ Cao Lợi luôn mẫu mực, giàu lòng nhân ái và tình thương đồng đội. Việc ông trở thành chủ quán cà phê bắt nguồn từ nguyện vọng muốn nhà mình trở thành nơi gặp mặt của anh em, đồng đội. Về hưu được mấy năm, ông bàn với vợ dồn hết tiền lương tích cóp, vay mượn thêm anh em, bạn bè xây dựng quán cà phê. Vì địa danh “Cổ Lũy - Cô thôn” là một cảnh đẹp nổi tiếng ở Quảng Ngãi nên ông lấy tên đó đặt tên cho quán cà phê của mình.
 |
Ông Võ Cao Lợi và đồng đội tại buổi gặp mặt kỷ niệm ngày truyền thống mở đường “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. |
Bằng đôi bàn tay tài hoa, cựu chiến binh Võ Cao Lợi cùng các cộng sự tái tạo nên không gian gần gũi với quê hương “núi Ấn, sông Trà” như: Thành cổ Châu Sa, tháp chăm Cổ Lũy, hình ảnh làng quê thanh bình…
Điều đặc biệt khiến khách hàng thường xuyên lui tới quán là giá thành rẻ, cà phê có hương vị đặc trưng riêng. Nếu là đồng đội, các cháu học sinh thì được miễn phí. Cựu chiến binh đến quán ông chủ yếu bàn chuyện cùng nhau giúp đỡ đồng đội, tìm hài cốt liệt sĩ. Học sinh, sinh viên đến quán ông cốt là để nghe ông kể chuyện một thời đánh giặc…
Ông Võ Cao Lợi còn có một điều đặc biệt nữa. Ông là cộng tác viên xuất sắc của nhiều tờ báo, tạp chí bởi lối viết chân thực, sắc sảo và nhiều trải nghiệm. Mùa xuân này, tạp chí Lịch sử Quân sự đã “đặt hàng” nhờ ông viết về sự kiện vụ thảm sát Sơn Mỹ năm xưa. Với ông, đây là dịp để ông tố cáo tội ác quân giặc, đồng thời đây cũng là nén hương lòng tưởng nhớ những người dân vô tội đã chết vì tội ác tày trời của quân đội Mỹ…
Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG