QĐND - Một ngày cuối tháng 9-2013, đoàn đại biểu Nhà hát Chèo Quân đội ngược lên Việt Bắc, thực hiện chuyến hành hương “Tìm về nơi nguồn cội”.

Các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Quân đội luôn luôn tự hào được đứng trong một đơn vị nghệ thuật có bề dày truyền thống và uy tín nghề nghiệp mà tiền thân là Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần, được thành lập ngày 1-10-1954 tại xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ-Thái Nguyên, với tên gọi ban đầu là “Đội vận động công tác văn nghệ”. Ai cũng ao ước có dịp được trở về nơi “chôn nhau cắt rốn”, tri ân đồng bào, đồng chí và tìm hiểu thêm những tư liệu lịch sử của đơn vị. Nhưng do điều kiện khách quan và chủ quan-nhất là do đặc điểm nhiều lần tách, nhập, thay đổi tổ chức, biên chế… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ qua các thời kỳ-nên ước nguyện ấy đến nay mới thực hiện được. Đây là một nội dung trong chương trình hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Nhà hát Chèo Quân đội (1954-2014).

Các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn phục vụ bà con.

 

Chuyến “Tìm về nơi nguồn cội” lần này, ngoài các cán bộ, nghệ sĩ của nhà hát, còn có đại diện các thế hệ lãnh đạo và chỉ huy đơn vị trước đây, trong đó có bác Nghệ sĩ ưu tú-Đại tá Lê Đình Lâm, nguyên là Chính trị viên đầu tiên của Đội vận động công tác văn nghệ. Năm nay bác Lâm đã 84 tuổi, gần một năm nay bác đã phải chống gậy đi lại sau một trận ốm nặng, tuy vậy trông bác vẫn hồng hào khỏe mạnh và đặc biệt trò chuyện vẫn hết sức minh mẫn, rành rọt. Chính bác là người đã cất giữ được những tài liệu văn bản và những bức ảnh quý giá về các hoạt động của đơn vị từ những ngày đầu thành lập. Nhờ đó, thế hệ hôm nay mới biết được chính xác Quyết định số 97/QĐCC của Tổng cục Cung cấp-tiền thân của Tổng cục Hậu cần-do Phó chủ nhiệm Trần Hữu Dực ký, về việc thành lập Đội vận động công tác văn nghệ và bổ nhiệm đồng chí Bùi Công Kỳ làm Đội trưởng, đồng chí Lê Đình Lâm làm Chính trị viên. Bùi Công Kỳ là nhạc sĩ nổi tiếng từ trước Cách mạng Tháng Tám, tác giả của nhiều ca khúc cách mạng “đi cùng năm tháng”, như: Hồn Việt Nam; Ba Đình nắng; Tây Bắc mừng chiến thắng v.v..

Cảm động và vui mừng ngày hội ngộ.

 

Đón đoàn tại trung tâm văn hóa xã gần như có mặt đầy đủ các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy và Thường trực UBND xã Phú Thịnh cùng đông đảo bà con các dân tộc của xã nhà. Đặc biệt, có rất nhiều lão cựu chiến binh, cựu dân quân-du kích và cán bộ địa phương thời Phú Thịnh là ATK kháng chiến. Trong đó có cụ Nông Văn Sang, 89 tuổi, từng là đội viên Cứu quốc quân, sau này là cán bộ Trung đoàn Phòng không 263 trước khi nghỉ hưu năm 1974. Ý kiến của cụ Sang “ta tranh thủ đi thực địa trước rồi về giao lưu sau” được cả khách lẫn chủ hào hứng hưởng ứng. Đường từ trụ sở xã đến “đồi văn công” chừng hơn một cây số, phải lội bộ theo bờ mương qua một khu ruộng bậc thang. Trời mưa tầm tã, đường trơn lầy lội… nhưng ai nấy vẫn hăng hái vạch cây cối xuyên từ khu vườn này sang khu vườn khác để xác định vị trí của ngôi nhà thành lập đội văn công ngày xưa. Gần 60 năm đã trôi qua, mưa nắng và thời gian đã xóa bỏ nhiều dấu tích, địa hình, mốc giới… Sau rất nhiều câu hỏi, bàn luận, so sánh, đối chiếu… cuối cùng cả khách và chủ đều xác định địa điểm ngôi nhà gỗ của Đội vận động công tác văn nghệ nằm trên một gò đất ở thôn Phú Thịnh 2. Ai nấy đều hài lòng với nhận định trên đây.

Đoàn “khảo sát” trở về trụ sở xã khi bà con từ các thôn xóm đã kéo đến đông nghịt bởi lời ca, tiếng hát rộn ràng của các nghệ sĩ chèo phát trực tiếp qua hệ thống âm thanh “xịn” mang theo từ Hà Nội. Mở đầu chương trình giao lưu, NSƯT, Đại tá Đào Lê-Giám đốc Nhà hát thay mặt lãnh đạo và chỉ huy đơn vị báo cáo quá trình hoạt động và trưởng thành của đơn vị từ ngày tạm biệt mảnh đất Phú Thịnh đến nay. Từng tràng pháo tay nổi lên chúc mừng những thành tích vẻ vang mà đơn vị đã đạt được, đặc biệt danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và quân đội trao tặng tập thể và các cá nhân của đơn vị.

Danh hài Tự Long giao lưu với thanh niên địa phương. Ảnh: Đào Thế

 

Thay mặt lãnh đạo địa phương, đồng chí Lôi Quốc Hưng-Bí thư Đảng ủy xã phát biểu bày tỏ niềm vui của cán bộ và nhân dân Phú Thịnh khi được đón “những người con đi xa nay trở về”. Phú Thịnh tự hào là 1 trong 19 xã ATK của tỉnh Thái Nguyên, là cửa ngõ phía tây bắc của “Thủ đô kháng chiến” Định Hóa. Ngày nay, Phú Thịnh vẫn còn khó khăn về kinh tế, nhưng là địa bàn vững mạnh về trật tự-an ninh; nhiều năm nay không có khiếu kiện, tệ nạn xã hội và án hình sự. Đặc biệt, hệ thống 1 trường THPT, 1 trường THCS và 2 trường tiểu học của xã đều đạt chuẩn quốc gia…

Trong âm thanh rộn ràng của những lời ca, tiếng hát giao lưu giữa các nghệ sĩ của nhà hát và các hạt nhân văn nghệ địa phương, nhiều cụ ông, cụ bà vẫn “tranh thủ” kể về những kỷ niệm xem văn công bộ đội biểu diễn tại các thôn xóm ngày nào. Ai cũng mong nhà hát sẽ có nhiều chuyến trở về biểu diễn ở Phú Thịnh như hôm nay. Riêng cán bộ, nghệ sĩ của nhà hát thì thầm mong ước không chỉ trở về biểu diễn mà còn có được những việc làm thiết thực tri ân đồng chí, đồng bào Phú Thịnh nhiều hơn nữa…

HOÀI THƯƠNG