Tạm biệt những cánh đồng xanh quê lúa, anh tới miền cao nguyên đỏ từ thời trai trẻ, miệt mài tìm đất, mở làng, xây bản, gieo hạt, dựng trường. Cuộc đời như tên gọi, anh là Đại tá Vũ Văn Mài, Chỉ huy trưởng Đơn vị 720 thuộc Binh đoàn 16.
Mùa hè năm 1999, ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông, cái nắng gay gắt của thời tiết cộng với cái “nóng” của cái đói, cái nghèo như bủa vây một vùng biên giới hoang sơ. Chiếc xe u-oát như con ngựa già khắc khổ nhảy chồm chồm qua những con đường lâu ngày không dấu chân người, rồi dừng lại. Anh Mài nhảy xuống, xốc ba lô thông báo:
- Đây là nơi đơn vị sẽ “cắm dùi” xây dựng cơ ngơi! Ta xuống lội bộ, phát cây rừng mà vào, xe không đi được đâu.
Khi ấy, Binh đoàn 16 vừa được thành lập. Đang là Phó giám đốc Công ty 74 của Binh đoàn 15, anh được điều động, bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Đơn vị 720. Tiếng là một đơn vị trực thuộc Binh đoàn, nhưng mới chỉ có một cái quyết định còn chưa ráo mực, nhà cửa, doanh trại, đường sá, nhân sự… tất tần tật đều chưa có, lại ở địa bàn xa xôi, khó khăn nhất. Có người bạn đã khuyên anh không nên nhận nhiệm vụ mới đầy thử thách này…
 |
Đại tá Vũ Văn Mài, người “mở đất” giữa núi rừng Đắk Ngo.
|
Quê anh ở xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, bố mẹ đều làm ruộng, nhà thì đông anh em, anh đã quen với cái khó cái nghèo. Học xong phổ thông, anh xung phong vào bộ đội, về Đoàn B31 (Quân khu 5), đứng chân trên địa bàn tỉnh Kon Tum, tham gia sản xuất kinh tế. Năm 1976, anh được đi học tại Trường Trung cấp Quản lý Quân khu 5, sau đó về lăn lộn với hoạt động xóa đói giảm nghèo trên vùng biên giới Đức Cơ (Gia Lai)…
Trở về Đơn vị 720, những ngày đầu, anh và đơn vị phải dựng lều, mắc tăng võng ngủ tạm trên những nương sắn bỏ hoang giữa rừng sâu để đo đạc, quy hoạch, tìm “đất cắm dùi” dựng trụ sở. Từ vị trí đóng quân ra đến đường 14 phải hơn 10km, chưa có đường vào, muốn xây dựng, phải làm đường. Dấu chân anh in mòn khắp núi rừng. Đường làm xong, quy hoạch các khu dân cư, khu sản xuất cũng đã xong, anh lại cùng đơn vị tuyển lao động ở các tỉnh phía Bắc, đưa vào các đội sản xuất, ở xen kẽ với đồng bào, hình thành các làng bản. Các anh lại phải cầm tay chỉ việc, hướng dẫn đồng bào cách canh tác, xây trường học, giúp hàng nghìn học sinh được tới trường...
Năm 2002, anh Mài được Tư lệnh Binh đoàn gọi lên, giao nhiệm vụ giúp đỡ 312 hộ đồng bào dân tộc Mông di cư từ phía Bắc vào ổn định cuộc sống. Đơn vị còn gian khó trăm bề, chỉ sợ “ốc không mang nổi mình ốc”. Tư lệnh dặn đi dặn lại:
- Đồng bào Mông bị kẻ xấu dụ dỗ vào Tây Nguyên, gặp nhiều khó khăn, đã từng có ý kiến kiến nghị đưa đồng bào về miền Bắc nhưng đồng bào muốn ở lại. Thủ tướng Chính phủ và cấp trên giao cho Binh đoàn 16 giúp đỡ đồng bào. Đơn vị còn khó khăn nhưng chúng ta phải lo cho dân trước.
Anh Mài tới tiếp xúc với đồng bào. Thật bất ngờ, đồng bào chưa tin, không mặn mà lắm với việc định cư:
- Định cư để lấy gì mà ăn giữa vùng rừng thiêng nước độc này. Chắc các ông chỉ “dụ” chúng tôi về rồi bắt mang trả lại miền Bắc!
Anh cùng đồng đội phải mất nhiều lần vận động, thuyết phục bà con, mời bà con về tham quan một số mô hình sản xuất của đơn vị. Ông Giàng A Lừ, già làng nhớ lại: “Tôi với ông Sùng A Cháng đến xem những làng mới bên các rẫy cà phê xanh tốt mà chẳng hiểu của dân hay của bộ đội. Nhưng đến khi ông Mài ra “thề” và bảo quê ông ấy ở Thái Bình, ông ấy cũng từng là nông dân, có sức người thì sỏi đá cũng thành cơm. Thế là chúng tôi tin theo”.
Chỉ trong nửa tháng, 312 hộ đồng bào Mông với gần 2.000 nhân khẩu nhanh chóng trở về Đơn vị 720. Nhìn những gia đình đồng bào sau bao ngày chui lủi rừng sâu, nước da vàng vọt, nheo nhóc, anh không cầm được nước mắt. Đơn vị cho khám bệnh: 90% số người mắc bệnh sốt rét. Cái ăn chưa có, anh Mài bàn bạc trong chỉ huy cho mở kho, vận động bộ đội quyên góp gạo, thức ăn, quần áo giúp bà con. Nồi cơm của bộ đội ít đi nhưng khói bếp làng mới bay lên làm ấm lòng những người lính 720. Anh chỉ huy bộ đội vào rừng lấy gỗ, dựng nhà cho đồng bào ở, chia đất, hướng dẫn bà con sản xuất, trồng cây công nghiệp.
Là Chỉ huy trưởng đơn vị, nhưng ban đầu, anh Mài còn phải kiêm luôn cả vai trò... chủ tịch xã: Tổ chức hình thành 4 cụm dân cư gắn với 3 đội sản xuất; tổ chức bầu già làng, trưởng bản. Đến nay, 6 bản Mông đã in bóng xuống dòng suối Đắk Ngo. Mỗi hộ được cấp từ 0,5 đến một héc-ta đất để canh tác. Nhà nào cũng nhiều thóc, nhiều cà phê. Trong tổng số 312 hộ người Mông trong dự án chỉ còn gần 6% hộ nghèo. Hơn 90% số gia đình đã mua được xe gắn máy, ti-vi. Gần 20 hộ đã mua được tủ lạnh, máy bơm nước, máy kéo, máy xay xát lúa.
Năm 2009, Đơn vị 720 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì. Riêng anh Mài 8 năm liền là Chiến sĩ thi đua và hai lần là Chiến sĩ thi đua toàn quân. Tuy vậy, anh vẫn chưa hết những lo toan, trăn trở. Người dân di cư tự do vào khu dự án quá nhiều, có tới 450 hộ với khoảng 2.200 nhân khẩu ngoài dự án. Đan xen bên những ngôi nhà gỗ khang trang là những túp lều dột nát… Một lớp học phải chứa hơn 60 học sinh. Bệnh xá nhiều khi không có đủ giường cho bệnh nhân. Bộ đội phải bớt chế độ, tiêu chuẩn để giúp đỡ đồng bào. Hiện nay, dự án mới cho số người Mông di cư tự do đang được trình cấp trên xem xét.
Hằng ngày, nhìn những mái nhà xơ xác ấy, anh lại thấy lòng mình như se lại…
Bài và ảnh: Đức Long