QĐND - Sáng sớm… Giao diện facebook đã có vài ba chấm đỏ. Một người bạn nhắn tin rủ tôi về dự kỷ niệm 50 năm thành lập Trường THPT Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ - Thái Bình). Cái tin ấy như bỗng chạm vào một mạch nguồn ký ức sâu lắng. Với thói quen nghề báo, tôi bắt đầu hành trình tìm về trường xưa bằng việc lang thang dò tìm trên internet. Và tôi bất ngờ tìm thấy ở đó câu chuyện về mái trường mang tên một loài ngọc quý…

Hội trường trên mạng

Trường THPT Quỳnh Côi trong ký ức chúng tôi, nó là một mái trường nghèo với những dãy nhà cấp bốn cũ kỹ nép mình dưới gốc bàng, gốc xà cừ cổ thụ, bên con đường vào thị trấn rợp bóng dâu da.

Trường THPT Quỳnh Côi hiện có hạ tầng khang trang và lọt vào tốp 200 trường THPT có số học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng đạt điểm cao nhất toàn quốc.

Nhưng đó là ký ức. Bây giờ vào internet, qua“google", gõ tên trường đã thấy có hàng chục trang web, blog, facebook “rực lên” chủ đề hội trường. Vào thử một trang, đã thấy có cả nghìn người “like” vì nhớ trường, yêu trường. ở một trang khác, thấy đã đưa lên hình ảnh những lớp học cũ kỹ kèm lời bình “xưa rồi Diễm” vì kề ngay đó, các bạn trẻ đã “post” lên hình ảnh các tòa nhà mới xây, sân bóng đá, bóng rổ, phòng học vi tính. Một trang nữa, các bạn trẻ Hà Nội đang kêu gọi làm lô -gô, mẫu áo thun đồng phục để về trường. Chưa hết, lớp học trò thuộc hàng “các cụ” cũng chẳng chịu kém cạnh trên internet, một bác cựu học sinh khóa 1972-1975 cũng lập riêng trang web của khóa mình với lời đề dẫn khá hóm: “Chẳng phải ngẫu nhiên mà mình đưa lên đầu trang hình ảnh “Tom và Jerry”, tụi mình gác bút nghiên lên đường nhập ngũ năm Chuột và trở về toàn thắng năm Mèo; Mèo thắng Chuột âu cũng là lẽ tất nhiên”. Cuộc lang thang lại đưa tôi đến blog của một chàng trai trẻ, Phạm Bắc Cường, quê ở xã Quỳnh Hải, nay làm việc tại TP Hồ Chí Minh với dự án “Không gian đọc” khá thiết thực, kiếm tìm và đưa sách báo về quê lúa cho nông dân đọc tại nhà, tại dòng họ, tiện hơn bưu điện văn hóa, vẫn là một thứ khá khó tiếp cận với nhà nông. Chuyện Cường kể khiến tôi giật mình: Ngày trước đi học, cũng như Cường, chúng tôi chẳng biết hai chữ Quỳnh Côi hàm nghĩa gì, thậm chí không thích lắm tên trường mình vì nó gợi cái gì đó đơn lẻ, côi cút. Sau này mang sách báo về quê, tìm hiểu qua các cụ già, Cường mới biết Quỳnh Côi có nghĩa rất đẹp, là tên một loại ngọc đỏ quý giá, sang trọng…

Rèn chữ, rèn người trong khói bom

Không khí sôi nổi trên mạng thôi thúc chúng tôi tìm về Quỳnh Côi. Gặp lại những con người trong cuộc, càng hiểu thêm những nét đẹp sâu lắng như ngọc trong đá từ mái trường quê lúa. Trong số thế hệ thầy giáo giảng dạy tại trường từ thời chống Mỹ có thầy Vũ Quốc Huệ, hiện ở xã Quỳnh Hồng, cách trường không xa và lưu giữ nhiều kỷ niệm sâu sắc về mái trường. Ký ức nóng bỏng và ngời sáng nhất là thời chiến tranh chống Mỹ, trường thành lập năm 1962 thì năm 1964 máy bay Mỹ đã ném bom phá hoại miền Bắc, phải đi sơ tán ở mấy nơi. Thầy trò vẫn đào hào, đắp hầm, vẫn học đủ 11 môn, vẫn thi học sinh giỏi; thi văn nghệ, thể thao… Năm 1969, thầy Huệ phụ trách đội tuyển học sinh giỏi Văn đi thi đoạt giải nhất toàn tỉnh. Có hai chuyện mà thầy Huệ nhớ mãi, đều là những điều “có một không hai trên thế giới”. Chuyện thứ nhất, một ngày nọ, nhà trường bất ngờ đón đoàn khách gồm các thanh niên Mỹ đến thăm Việt Nam. Khi ấy vào khoảng năm 1970, nhà trường nổi lên là một trường tiên tiến về thể dục, vệ sinh nên được chọn làm nơi cho đoàn khách tới tham quan. Các thầy đã đưa họ ra sông Cô chứng kiến cuộc thi bơi của học sinh dưới trời xanh lồng lộng. Lúc trở về trường, nhìn thấy các giao thông hào cũ, họ vô cùng kinh ngạc bởi sự bình tĩnh, lạc quan của thầy và trò… Chuyện thứ hai là việc rèn học sinh từ những điều nhỏ nhất. Sau thời kỳ Mỹ ném bom, học trò không còn phải học sơ tán, nhà trường phát động học sinh đi dép, guốc tới trường, chấm dứt thói quen đi chân đất của học sinh nhà nông. Sáu giờ sáng, đã có đội thanh niên kiểm tra từng người. Khổ nỗi, học trò nghèo, đi học từ xa, lại phải đi bộ cả chục cây số nên hầu hết các em cắp guốc, cắp dép vào nách chạy tới trường. Nhiều khi tới nơi thì dép guốc rơi một chiếc, hai em dồn vào cho một em đi đôi “cọc cạch” để đỡ mất điểm thi đua. Đường xa lầy lội, tới ao trường, học trò mới rửa chân, xỏ guốc đi vào lớp. Thầy Huệ còn nhớ mãi hình ảnh nhiều đôi chân dầm mưa tím tái, đi guốc còn run cầm cập. Tỉ mỉ, nghiêm như thế để tạo nên một thói quen thanh lịch, tuy có hơi… quân sự nhưng thầy Huệ vẫn tự hào vì nó là một nét văn hóa độc đáo hiếm có ở nhà trường nào trên thế giới!

Trước ngày khai giảng năm học mới 1971-1972, thầy trò nhà trường đã cùng bộ đội và nhân dân toàn huyện hối hả đắp đê chống chọi với trận lụt lịch sử của thế kỷ XX. Và những năm tháng của thời bao cấp, thầy và trò bấm bụng vượt qua cơn đói mà dạy và học. Thời ấy, đêm đêm học sinh nam phải thay nhau đến gác trường. Một đêm mùa đông năm 1972, đói quá, chờ các thầy cô đi ngủ, đám “nhất quỷ, nhì ma” còn đi hái trộm dừa, bẻ trộm mía ở vườn trường. Sau đó tất cả lăn ra ngủ, quên cả việc gác trường. Thầy Lĩnh -giáo viên dạy văn đi kiểm tra, thấy học sinh nằm co quắp vì lạnh ở trong lớp, bèn quay về mang chăn của mình ra đắp cho các em. Đến sáng, có cậu không biết chăn của ai còn ném ra bờ rào. Thầy lặng lẽ mang về giặt và hôm sau mới nói cho đám học trò biết. Lại có mùa mưa, thầy và trò quần quật cả ngày kéo xe cải tiến chở gạch qua quãng đường 10 cây số về xây dựng trường. Khi ấy, học sinh càng khâm phục hơn tấm lòng vì học sinh của thầy Lĩnh và biết rằng, trước khi dạy học, thầy từng tham gia dân quân phục vụ đánh máy bay Mỹ ở Thanh Hóa. 

Ngày ấy, theo tiếng gọi của chiến trường, thầy và trò đều chung bước quân hành. Trong số hơn 10 thầy giáo lên đường, có một cái tên thật ý nghĩa: Thầy Trần Độc Lập vào tuyến lửa Quảng Bình. Khóa 1968-1971, có lớp 10C khi tốt nghiệp chỉ còn 22 học sinh, quá nửa lớp đã tham gia quân ngũ. Khóa 1972-1975,  có 250 học trò ra trận, 11 người hy sinh; riêng lớp 10G có tới 26/46 học sinh ra trận, phải giải tán lớp. Và có một số nữ sinh học xong lớp 10 cũng viết đơn tình nguyện lên đường đánh Mỹ.  

Dòng sông nhỏ chảy về phía mặt trời

Hiệu trưởng nhà trường bây giờ là thầy giáo Nguyễn Ngọc Hà, thạc sĩ Toán học, sinh năm 1974, cũng là thầy hiệu trưởng trẻ nhất từ trước đến nay trong lịch sử nhà trường. Hà cũng từng là học sinh của mái trường này và anh đã nối nghiệp bố đi theo nghề dạy học. Anh từng nghe bố kể lại, có lúc cả nước thiếu đói, có em học sinh đói lả trên lớp, thầy giáo dừng bài giảng mà rớt nước mắt vì thương trò. Thời lạm phát 774%, Nhà nước nợ lương, tình trạng giáo viên bỏ nghề ở nhiều nơi. Bí thư huyện ủy tới từng trường động viên thầy trò vượt khó. 

Giờ đây, cái nghèo, cái khó đã dần lùi xa. Đi lên từ gian khó, không chỉ những người thầy mà người dân vùng quê lúa Quỳnh Phụ cũng biết yêu cái chữ hơn nhiều. Thầy Hà bấm ngón tay kể cho chúng tôi những con số của sự phát triển: Ngày trường mới ra đời, chỉ có 4 lớp, 200 học sinh thì nay đã có tới 40 lớp, hơn 2000 học sinh theo học mỗi năm. Giáo viên thì cũng 100% đạt chuẩn, có tới gần 1/3 đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Trường trung học phổ thông cũng là ngưỡng cửa để các em học sinh bước vào đời, nên con số 70% học sinh học khá, giỏi  hay nhiều năm liền nằm trong tốp 3 trường dẫn đầu tỉnh Thái Bình về học sinh giỏi, theo thầy Hà cũng không quan trọng bằng việc bao nhiêu phần trăm học trò vào đại học, cao đẳng. Mừng là đến nay, con số ấy luôn ở mức 70-80%. Chợt nhớ ngày trước, nghe nói đến trường Quỳnh Côi, gần như “vô danh” trên “bản đồ giáo dục” song vài năm gần đây, trường đã lọt vào tốp 200 trường THPT có số học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi đại học, cao đẳng nhất cả nước, riêng năm học 2011-2012 xếp thứ 143 toàn quốc trong danh sách 200 trường đó. Dạy chữ giỏi, dạy người tốt, vẫn như thời chiến tranh, ngôi trường không có học trò hư, ngày nay cũng không có học trò vi phạm pháp luật, nghiện hút. Tròn nửa thế kỷ trưởng thành, mùa thu này nhà trường đón nhận niềm vui “kép”: Huân chương Lao động hạng nhất và Cờ thưởng thi đua của Chính phủ. 

Trở lại câu chuyện thầy giáo Vũ Quốc Huệ, vốn là giáo viên dạy văn. Thầy cho hay, phía trước mặt nhà trường là dòng sông nhỏ mang tên An Lộng, về phong thủy là một điều rất tốt. Nhưng dòng sông nhỏ này có “ra biển lớn” được không lại phụ thuộc vào con người. Nói một cách công bằng thì dù có rất nhiều người thành danh, song thầy vẫn mong đợi có nhiều “nhân kiệt” hơn nữa. Mấy năm gần đây, điều làm thầy Huệ mừng nhất là đã xuất hiện nhiều thế hệ học trò biết “tìm về tổ ấm”, khích lệ lớp sau tiến bước như  TS Nguyễn Văn Thân -Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Anh Vũ Công Tô, doanh nhân từ Ba Lan cùng nhiều cựu học sinh khác, hơn 10 năm nay đều đặn gửi tiền thưởng về trao tặng các em học sinh giỏi hằng năm, xây dựng nên quỹ giải thưởng học sinh giỏi của trường. Từ TP Hồ Chí Minh, ông Bùi Ngọc Loan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ doanh nhân Thái Bình tại TP Hồ Chí Minh đã thành lập được ban liên lạc, quy tụ 300 cựu học sinh, luôn hướng về hỗ trợ nhà trường… Mong rằng, với sự xuất hiện nhiều hơn của những con người như thế, dòng sông nhỏ biết chảy mải miết về phía mặt trời sẽ tìm được ra biển lớn.

Bài và ảnh: NGUYÊN MINH  - ĐỨC TOÀN