QĐND - Chiều cuối tuần mùa hạ, Hà Nội nóng bức vì chịu ảnh hưởng của đợt gió Tây. Ngột ngạt càng ngột ngạt hơn khi khoảng không khí vốn đã đặc lại càng đặc quánh vì khói rơm rạ của người dân các vùng ngoại thành. Mấy cha con tôi đang tính chuyện về quê thì anh Phương -con trai bác tôi -một doanh nhân trong ngành thép điện thoại: “Mai chú đi Lương Sơn, Hòa Bình với tôi nhé. Trên ấy thoáng đãng lắm!”.

Nghĩ ông anh mình rủ lên trang trại (mấy năm nay, cánh “nhà giàu” tiến lên phía Xuân Mai, Ba Vì… nhiều vô kể) tôi vâng dạ.

7 giờ sáng, thoát khỏi cầu Mai Lĩnh, qua Chúc Sơn, xe hạ kính, tận hưởng làn gió quê đậm mùi rơm nếp. Anh Phương không đưa tôi về trang trại mà chạy thẳng vào Khu công nghiệp (KCN) Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Lúc này, anh mới tiết lộ:

Trạm xử lý nước thải công suất 3000m3/ngày/đêm phục vụ KCN

 

- Tôi đang tìm hiểu để đầu tư xây dựng nhà máy ở đây. Một là, KCN này hạ tầng tương đối đồng bộ, đủ điện, đường, nước sạch, nhà máy xử lý nước thải. Các thông số về tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng được tiêu chuẩn của Việt Nam bởi công nghệ họ lựa chọn đều của các nước tiên tiến. Thứ hai, KCN này có lợi thế về giá thuê đất và nhân công dồi dào. Thứ ba, nó không cách quá xa Hà Nội, gần cảng hàng không Nội Bài. Đặc biệt, nó nằm ở vị trí cửa ngõ quan trọng Tây Bắc, từ đây có Quốc lộ 6 nối với đường Hồ Chí Minh, tiện cho vận tải… Những điều ấy làm kinh doanh đều phải tính, chú ạ.
Nghe anh nói, tôi thấy có phân tích, có chứng minh “một, hai, ba” như thế nên tôi thăm dò: “Anh ạ, KCN vùng bán sơn địa này chắc đất rẻ; vả lại, bác phải xem xét, em thấy mặt bằng thì rộng, không khí thoáng đãng nhưng mới có hơn chục nhà máy, chẳng thấy sôi động, tấp nập như Bình Dương hay Sóng Thần. Anh tính chuyện đầu tư cho sản xuất chứ đâu xây dựng trang trại nghỉ dưỡng”.

Anh Phương ghé tai tôi nói nhỏ: “Cái điểm thứ tư tôi định nói với chú chính là cái không gian đấy. Chú có thích một bầu trời thoáng đãng không? Nói cách khác, có một nhà máy trong dải không gian rộng, nghĩa là chú không quá đau đầu về nhiều thứ, chẳng hạn: Bụi công nghiệp, tiếng ồn và nhất là vấn đề môi trường, nước sạch và nước thải. Tôi nắm kỹ rồi, riêng hệ thống điện, cung cấp nước sạch và thu hồi nước thải ở KCN này rất tốt. Lát nữa ta sẽ thăm thực địa. “Trâu chậm chỉ uống nước đục”. Làm kinh doanh phải nắm bắt thời cơ. Chú biết không, Hòa Bình là tỉnh có môi trường đầu tư minh bạch, có nhiều chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu. KCN này được tỉnh và cả Trung ương đặc biệt quan tâm, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Những điều đó phần nào khắc phục được cái khó của tỉnh miền núi Hòa Bình là kinh tế còn chậm phát triển, hạ tầng cơ sở chưa thật tốt. Song, phía trước, hứa hẹn những điều tốt đẹp”.

Những gì anh tôi quan tâm, khi gặp Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần bất động sản An Thịnh Hòa Bình, ông Vũ Duy Bổng đã thuyết phục đối tác. KCN Lương Sơn do Công ty An Thịnh Hòa Bình đầu tư từ năm 2005 có tổng diện tích 230ha, tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án (71,2ha) đã hoàn thành đầu tư, xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Phía sau cánh cổng KCN mở ra một tầm nhìn đáng tin cậy. Hệ thống đường giao thông đạt tiêu chuẩn tải trọng H30 và hệ thống chiếu sáng, cây xanh theo quy chuẩn Việt Nam với những hàng cau vua, dải hoa xanh khiến người ra vào cảm thấy sự thoáng đãng, sạch đẹp. Trạm biến thế 110 KV đủ để các nhà máy, xí nghiệp vận hành; lưới điện đã sẵn sàng ở chân hàng rào của mỗi nhà máy. Điều đáng quan tâm nhất là nước - yếu tố quan trọng của môi trường sự sống, được lãnh đạo KCN đặt lên hàng đầu. Hệ thống cung cấp nước sạch cho toàn bộ KCN lấy từ nguồn nước mặt sông Đà và nguồn nước ngầm qua Nhà máy Xử lý nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế với công suất 6000m3 ngày/đêm. Đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải -vấn đề “nan giải” ở nhiều KCN cũng như các vùng dân sinh. Chủ tịch HĐQT Vũ Duy Bổng và Giám đốc điều hành Nguyễn Tuệ Vinh trực tiếp dẫn chúng tôi đi một vòng nhà máy. Không phải mang khẩu trang mà trái lại, sau bể lắng lọc thứ tư qua xử lý, đàn cá vàng tung tăng bơi lội. Kỹ sư Hoàng Đức Thành -Phó tổng giám đốc công ty phụ trách môi trường cho biết: Nhà máy xử lý nước thải này được đầu tư 30 tỷ đồng, theo công nghệ của châu âu, đạt tiêu chuẩn quốc tế WHO, công suất xử lý 3000 m3/ngày đêm. Công nghệ xử lý bằng sinh học kết hợp với cơ, lý, hóa bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường, giải quyết được nỗi lo chung. Đã hai lần, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra, lấy mẫu đo cho thấy, nước thải xử lý bảo đảm tiêu chuẩn quy định.

Lễ trao giấy chứng nhận cho Nhà đầu tư nước ngoài vào Khu công nghiệp Lương Sơn



Để kiểm chứng thêm nguồn thông tin những lúc thời tiết "trái nắng, trở trời", chúng tôi vào xóm Hòa Vinh, trò chuyện với một số người dân nơi đây. Ông Đỗ Quốc Khanh và anh Trần Ngọc Anh là các chủ hộ ở đây đều này tỏ về cuộc sống thanh bình, an tâm gắn bó với mảnh đất này, nơi mà môi trường sống không bị ảnh hưởng (không khói, không bụi, không mùi, không có nước thải gây ô nhiễm...)

Tin tưởng, lựa chọn KCN Lương Sơn để “an cư -lạc nghiệp”, đã có 21 dự án, trong đó có 6 dự án của nhà đầu tư nước ngoài “kết duyên” tại đây với tổng số vốn hàng trăm triệu đô -la Mỹ và hàng nghìn tỷ đồng đăng ký vào KCN, 12 dự án đã đi vào sản xuất, kinh doanh, tạo sản phẩm, nguồn thu, góp phần chuyển dịch cơ cấu, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, chủ yếu là người địa phương.

Chủ tịch HĐQT Công ty Vũ Duy Bổng lạc quan nói: “Năm 2011, mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, công ty vẫn thu hút được 3 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần trăm triệu đô -la Mỹ, lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn Hòa Bình. Dự kiến đến cuối 2013 sẽ thu hút đầu tư để lấp đầy KCN Lương Sơn giai đoạn 1, đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc…Các doanh nghiệp đến đầu tư tại KCN Lương Sơn đều được Phòng hỗ trợ khách hàng của Công ty sắn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư về các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, tuyển dụng lao động...hỗ trợ nhà đầu tư tối đa về cơ sở hạ tầng và tiện ích khu công nghiệp.

Với thành công của bước đầu, giai đoạn 2 của dự án có diện tích 159ha hiện đang được Công ty An Thịnh Hòa Bình triển khai.

Tuy vậy, trong quá trình hoạt động, công ty cũng vấp phải không ít khó khăn, đó là tác động chung của nền kinh tế còn trong giai đoạn khó khăn, là sự thiếu đồng bộ trong chính sách. Đặc biệt, việc giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch luôn là vấn đề nóng bởi có những người dân, vì lợi ích riêng, còn do dự, không chấp hành pháp luật.

Vượt qua những khó khăn, thách thức, với những thành công bước đầu, Công ty An Thịnh tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để phấn đấu lấp đầy  diện tích còn lại vào cuối năm 2013, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động địa phương.

Mười năm trước, khi đất nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới, so với bây giờ, Lương Sơn đang nhanh chóng thay da đổi thịt. Cuộc sống của người dân miền sơn cước có những biến động, đổi thay nhưng đó là những biến động trong chiều hướng phát triển.
Lương Sơn, Hòa Bình thực sự đang mời gọi …

Bài và ảnh: An Ngọc