Nguyễn Trực, nguyên quán xã Bối Khê, nay là thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội. Cụ nội là Nguyễn Từ làm quan thị giảng kiêm Quốc Tử Giám-Tế tửu. Ông nội thì làm quan Đông các đại học sĩ.

Năm 25 tuổi, Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Tuất (1442) đời Lê Thái Tông, làm quan đến chức Trung-thư-lệnh, Tri tam quán sự, Đại liên ban, Đặc thụ Hàn lâm thừa chỉ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Ông là người đầu tiên được vua ban áo, mũ vinh quy và cũng là người có tên đứng thứ nhất trong hàng bia Tiến sĩ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Vua Lê Nhân Tông đã sai người vẽ chân dung ông rồi treo bên chỗ ngồi của mình để tỏ ý vua không lúc nào quên.

Đến đời Lê Thánh Tông, Nguyễn Trực càng được yêu quý. Những sáng tác thơ văn của vua đều đưa đến cho Nguyễn Trực đọc để góp ý nhận xét, bình luận. Bộ sách nổi tiếng: “Thiên Nam dư hạ tập”, vua cũng cho người mang đến tận nhà để ông đọc, bình phẩm, điều đó đủ thấy vua quý trọng ông đặc biệt như thế nào.

Còn tác phẩm của Nguyễn Trực có “Bối Khê thi tập” nhưng nay chỉ còn 6 bài viết bằng chữ Hán, chép trong “Toàn Việt thi tập”.

Tương truyền: Bố đẻ của Nguyễn Trực là Nguyễn Thì Trung, là người có học vấn cao, làm Giám thụ Quốc Tử Giám dưới triều vua Lê Thái Tông. Tuy làm quan, nhưng vì thanh bạch nên nhà nghèo, thành ra Nguyễn Trực cũng phải chăn trâu giúp mẹ. Ông thông minh, chăm học, kể cả lúc ngồi trên lưng trâu ông cũng đọc sách nên từ bé đã giỏi văn, thơ. Năm Thiệu Bính thứ nhất (1434) ở tuổi 17, Nguyễn Trực dự kì thi Hương và đỗ đầu (Giải Nguyên). Năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) Nguyễn Trực dự thi Đình, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng Nguyên). Lúc 25 tuổi, ông được nhà vua ban sắc “Quốc Tử Giám thi Thư” và ban trưởng “Á Liệt Khanh”, đứng đầu trong số 33 vị Tiến sĩ cùng khoa. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, vua Lê ban mũ áo cho Trạng nguyên Nguyễn Trực vinh quy về làng.

Năm 1442 cha ông qua đời, năm 1444, dưới Triều Lê Nhân Tông, ông lại được ban chức “Triều nghi đại phu Hàn lâm viện học sĩ”. Năm Ất Sửu niên hiệu Thái Hòa (1445) lại được ban chức “Thiếu trung khanh đại phu, Ngự sử đài Ngự sử thi đô úy”.

Sau đó được vua cử làm Chánh sứ sang nhà Minh, tại đây gặp kì thi Đình, Nguyễn Trực cùng với Phó sứ là Trịnh Thiết Trường, muốn cho nhà minh biết tài học của dân ta, nên xin dự thi.

Kết quả: Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên, Trịnh Thiết Trường đỗ Bảng nhãn, được vua  Nhà Minh khen ngợi: “Đất nào cũng có nhân tài” và phong cho Nguyễn Trực là: “Lưỡng quốc Trạng nguyên” (Trạng nguyên của hai nước).

Về nước, cả hai ông đều được vua phong chức Thượng thư và ban thưởng 8 chữ vàng: “Thành công danh Nam Bắc triều biên ngã” (Công danh cả hai nước đều hoàn thành).

Năm Giáp Tuất (1454) mẹ ông qua đời, ông xin cáo quan về quê chịu tang. Tại quê nhà, ông mở trường dạy học.

Các học sĩ bốn phương đến theo học rất đông. Số lượng tới hàng trăm người. Trong số học sĩ đó, sau này, nhiều người đã trở thành các bậc cự nho, danh sĩ khoa bảng. Dù là chức gì nhưng họ vẫn gọi Nguyễn Trực là Thầy.

Sau tang mẹ (1454-1457) ông lại được vua vời về kinh làm việc với sứ giả nhà Minh. Ông đã từng họa thơ khiến Sứ nhà Minh rất mực thán phục văn chương uyên bác, tài trí hơn người của ông.

NGỌC MINH (Sưu tầm và biên soạn)