QĐND - Xuân này, nhà nông huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) có thêm tin vui khi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa nhân giống thành công loài "lúa sỏi” có thể sống được ở cả những đồng đất có độ mặn lên tới 10%… Giống lúa này đang mở ra con đường mới cho người trồng lúa ở bán đảo Cà Mau khi vấn nạn xâm thực mặn, biến đổi khí hậu ngày càng làm họ đau đầu...
Sạ lúa kiểu... ngược đời
Loại giống mà chúng tôi đang đề cập có tên gọi dân gian là “lúa sỏi” hay còn gọi là “lúa cứu đói”. Cha đẻ của “lúa sỏi” là Tiến sĩ Võ Công Thành -Khoa Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ. Sau gần 10 năm nghiên cứu, lai tạo cả chục giống lúa khác nhau, tiến sĩ Thành cho ra loại giống vừa nêu, sau đó chuyển giao kỹ thuật cho ngành nông nghiệp huyện Hồng Dân nhân giống đại trà.
 |
Đồng “lúa sỏi” lúc làm đòng.
|
Sau khi nhận 4kg giống “siêu nguyên chủng” được lai tạo ban đầu trong phòng thí nghiệm của Trường Đại học Cần Thơ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Dân cử anh Nguyễn Hoàng Trọng chọn phần đất của ông Trần Hoàng Văn (ấp Lộ Xe A, xã Vĩnh Lộc A) để thực hiện gieo sạ trên diện tích 200m2. ông Phạm Văn Bé, 52 tuổi, hàng xóm ông Văn, cho biết: “Vùng này trước giờ độ mặn cao, có trồng hay sạ lúa cũng chờ mưa xuống mới làm, đằng này tụi nó làm ngược đời. Buổi trưa nắng chang chang, độ mặn trong vuông tôm hơn 7%o, vậy mà thằng Văn, thằng Trọng mang lúa đi sạ. Thấy tụi nó làm mà dân ở xóm kéo lại coi, chọc quê… Tới khi lúa lên xanh như cỏ, bà con mới chưng hửng, kéo lại coi đông hơn nhưng hỏi thăm ráo riết, không dám cười tụi nó nữa. Có người còn đem cả thiết bị để đo độ mặn trong đám lúa, trước ngày nhổ ra cấy, độ mặn gần 8,7%”.
Sau 37 ngày sạ, 200m2 mạ được nhổ ra cấy đợt 1 trên phần đất 8.200m2 của nhà ông Văn. Đến vụ hè thu năm ngoái, toàn bộ diện tích cấy đợt đầu được nhổ để cấy dăm trên diện tích 6ha của 8 hộ dân ở xã Vĩnh Lộc A và xã Ninh Thạnh Lợi A. Trong số đó, hộ ông Văn có diện tích cấy nhiều nhất với 5ha. ông Văn cho biết: “Được chọn để làm mô hình thử nghiệm, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì có làm thất cũng có tiền hỗ trợ; lo là bởi mấy ổng làm mạo hiểm, gieo sạ lúc nắng gắt, độ mặn cao. Trong thời gian mạ, cả giai đoạn lúa, có lúc độ mặn đồng lúa trồng thử nghiệm vượt 8,5%o. Vậy mà không sao hết, trong khi lúa vùng này trước giờ chừng 3% là cháy lá chết rụi”.
Thức ngủ cùng “lúa sỏi”
Có dịp xuống tận nơi mới biết trách nhiệm và tâm huyết của những người thực hiện mô hình nhân giống “lúa sỏi”. Bản thân vợ chồng ông Văn từ ngày đảm nhận trông coi, chăm sóc “lúa sỏi” hầu như ngày nào cũng ở ngoài đồng. Còn cán bộ Trọng phụ trách kỹ thuật, hướng dẫn thì cách dăm ba hôm chạy xe hơn chục cây số xuống thăm lúa, kiểm tra các yếu tố môi trường, dịch bệnh… Ngay cả cha đẻ của giống lúa này, cách một hai tháng từ Cần Thơ cũng bắt xe ô tô xuống cùng lãnh đạo địa phương kiểm tra tiến độ phát triển, thích nghi của “lúa sỏi”.
Nông dân Đặng Văn Nguyện (32 tuổi) – hàng xóm ông Văn, cho biết: “Lúa mà mấy ông ấy coi như “con nít” trong nhà, canh chừng lom lom suốt ngày. Mà nói thật, cái giống lúa này “trâu bò” lắm, cao dàn ngập đầu người, xanh um như bụi sả vậy. Ruộng tôi trồng hơn 2ha lúa “một bụi đỏ”, đầu mùa đến giờ đã bị cháy bìa lá, đốm vằn, đạo ôn, đục bẹ, rầy nâu tới đợt thứ 2, tốn tiền mua thuốc mà ruộng “lúa sỏi” cặp bên “chẳng xi nhê” gì”.
Không riêng gì người thực hiện mô hình, ngay cả những nhà nông địa phương, từ ngày “lúa sỏi” được trồng thử nghiệm, các ông thường tới thăm nom, coi ngóng, chờ đợi lúa chín. Đã có nhiều nông dân ở Cà Mau, Kiên Giang và một số vùng lân cận ở huyện Phước Long tìm tới đồng ruộng của ông Dân hỏi mua giống, tìm hiểu kỹ thuật canh tác “lúa sỏi”. ông Phạm Văn Bé nói: “Dân xứ khác đến coi đông lắm, cách vài ba ngày là có một tốp. Nếm độ mặn chè chè 7-8 phần nghìn mà nhìn đồng lúa xanh um, cao dàn ai cũng thấy sướng con mắt. Tôi cặp bên cũng trồng lúa lai nhưng nhìn lúa nhà mình không “ép phê” bằng “lúa sỏi”. Vừa rồi lúa nhà làm đòng, chuột cắn hư hại cả công đất, bên ruộng “lúa sỏi” cứng cây, cao dàn nên không bị cắn. To con hơn người ta đúng là có lợi thế. Ngoài kháng tuyệt đối nhiều thứ bệnh, vài bữa tôi phong cho “lúa sỏi” thêm một ưu điểm nữa là “kháng chuột”.
Ông Võ Văn út, Bí thư Huyện ủy Hồng Dân tâm sự: “Là huyện nghèo, thuần nông nên chúng tôi rất quan tâm vấn đề chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nông dân canh tác hiệu quả. Sau giống “một bụi đỏ” đã có thương hiệu, lãnh đạo huyện hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ lai tạo ra “lúa sỏi” được xem là “cứu cánh” cho khảng 6000ha đất nhiễm mặn trước giờ chưa trồng được lúa của huyện. Mừng thay, đến giờ nó đã không phụ lòng người”.
Cơ hội mới
Giữa tháng Chạp, 6ha “lúa sỏi” thu hoạch, tổng sản lượng đạt trên 24 tấn. Toàn bộ số giống sau thu hoạch của nông dân trồng thử nghiệm được ngành chức năng huyện Hồng Dân thu mua lại cao gấp 1, 5 lần giá lúa thương phẩm trên thị trường cùng thời giá. ông Dân hồ hởi, khoe: “Năm nay ăn Tết thoải mái rồi vì đồng lúa nhà tôi trước giờ làm trúng lắm cũng không lời nhiều như vậy. Tính riêng tiền thuê đất để sạ, cấy dặm, tôi được hỗ trợ trên 20 triệu đồng. Vừa rồi thu 5ha hơn 20 tấn, không tốn tiền thuốc men gì hết, giá gấp rưỡi lúa hàng hóa, chú tính coi lời bạc trăm triệu đồng không. Mùa tới “ông trời” có sập xuống tôi cũng trồng “lúa sỏi”.
Huyện Hồng Dân có khoảng 22.500ha đất chuyển dịch được quy hoạch thực hiện mô hình lúa - tôm nhưng hiện nay mới thực hiện khoảng 16.500ha – 17.300ha tùy năm, còn hơn 5000ha trước giờ không thể trồng lúa do độ mặn cao (5 - 7%). Thạc sĩ Nguyễn Trung Hiếu, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hồng Dân cho biết: “Chỉ có 4kg giống mà chúng tôi gây ra được 6ha, thu về hơn 24 tấn giống thì với lượng giống thu được, mùa tới đồng đất trước giờ không trồng được lúa của huyện Hồng Dân sẽ trồng được lúa. Không chỉ nông dân huyện nhà, nguồn giống trên còn có thể cung cấp cho nông dân một số vùng tôm -lúa lân cận”.
Theo Tiến sĩ Thành, ưu điểm nổi bật của “lúa sỏi” là sinh trưởng và phát triển tốt ở đồng đất độ mặn cao tới 10%. Ngoài ra, lúa sỏi còn có khả năng đẻ nhánh nhiều (gấp 3 lần giống “Một bụi đỏ” địa phương), cứng cây, cao dàn, kháng được bệnh đạo ôn, đốm vằn, cháy bìa lá, khô đầu lá, kháng rầy nâu… nhưng hạt gạo vẫn bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Lúa sỏi hoàn toàn có khả năng thích nghi tốt ở đồng đất khắc nghiệt, có độ mặn cao như một số vùng chuyên canh lúa -tôm ở Bán đảo Cà Mau.
Phó chủ tịch UBND huyện Hồng Dân -ông Trần Tấn Đạt cho biết: “Công ty lương thực Tiền Giang cam kết sẽ mua tất cả lượng “lúa sỏi” ở huyện Hồng Dân để chế biến xuất khẩu. Vậy là từ nay, có "lúa sỏi", vùng Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu có thể hình thành hàng trăm ngàn héc -ta tôm -lúa!”.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Trí - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ: “Từ thành công “lúa sỏi”, Trường Đại học Cần Thơ đang tiếp tục lai tạo một giống lúa tối ưu hơn, sẽ “phá quang kỳ” -tức không chịu ảnh hưởng của thời tiết ngày và đêm, thời gian sinh trưởng, phát triển rút ngắn còn khoảng 120 ngày, hạt gạo dài, mềm, thơm hơn nhưng chống chịu được với môi trường độ mặn cao hơn, khắc nghiệt hơn!”. |
Bài và ảnh: Lê Khoa