QĐND - Vì sao máy bay tiêm kích đa năng SU-30MK2 được mệnh danh là “hổ mang chúa”? Đại tá Lã Đại Phong, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 371 (Quân chủng Phòng không-Không quân) giải thích: Bình thường phần đầu máy bay đã nhô cao giống đầu loài rắn này, nhưng khi thực hiện động tác bay phức tạp Cobra (nghĩa tiếng Anh cũng là hổ mang chúa), SU-30MK2 cực giống hổ mang chúa đang phình mang, vươn cao đầu dũng mãnh tấn công…
Kể từ năm 2014, Đoàn Không quân Lam Sơn, tức Trung đoàn Không quân 927 (Sư đoàn Không quân 371) đã cơ động lực lượng vào Trung đoàn Không quân 923 (cũng thuộc Sư đoàn Không quân 371), huấn luyện làm chủ máy bay SU-30MK2...
Đường băng sôi động ngày, đêm
Tháng 10, sau những trận mưa rào xối xả, sắc xanh như đậm hơn quanh đường băng của Trung đoàn 923. Màu xanh của những cánh đồng mía, những ruộng cỏ voi, những vườn ngô, sắn chạy dài. Những tưởng cái ồn ào của các loại xe đặc chủng, và tiếng rít đanh đến nhức óc của động cơ SU-30MK2 sẽ phá vỡ vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây, nhưng ngược lại, mỗi lần những chiếc máy bay hiện đại vun vút trên đường băng, vươn lên cao thẳm, mở ra con đường vô hình nối liền mặt đất-bầu trời, lòng người thấy xốn xang, tự hào đến lạ.
Có người dí dỏm bảo rằng, quá trình chuyển loại trên máy bay SU-30MK2 của Trung đoàn 927 là hành trình “Lam Sơn thuần phục “hổ mang chúa”.
Đại tá, phi công Nguyễn Văn Thiện, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 927, người có hơn 1.000 giờ bay tích lũy, trong đó có khoảng 400 giờ bay trên SU-30MK2, tâm sự: Tổ chức chuyển loại cho lực lượng của đơn vị tại Trung đoàn 923 là chủ trương hết sức sáng suốt, bảo đảm cho đơn vị có thể “đi tắt, đón đầu”, sẵn sàng tiếp thu và làm chủ SU-30MK2 khi được trên trang bị. Nhận thức được điều đó, các thành phần chuyển loại đều nỗ lực cố gắng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.
Điều khiển máy bay chiến đấu là một trong những hoạt động chịu tác động trực tiếp, rõ rệt và mạnh mẽ nhất từ thời tiết. Sáng sớm, trời xanh không một gợn mây, đường băng nắng tinh khôi trải dọc, đơn vị quyết định triển khai bay. Thợ máy ra đường băng, chuẩn bị máy bay có tình trạng kỹ thuật tốt nhất. Phi công triển khai bay với sức khỏe, tâm lý, tinh thần tốt nhất, sẵn sàng cùng “hổ mang chúa” vút lên bầu trời. Vậy nhưng, chỉ thoáng chốc, mây ùn ùn kéo kín trời; tiếp đến là mưa. Các lực lượng lại được lệnh rút về đơn vị, chờ điều kiện khí tượng tốt hơn.
Thế nên, những ngày thời tiết tốt, sân bay Trung đoàn 923 sôi động cả ngày đêm, trong đó có các chuyến bay huấn luyện chuyển loại của Lam Sơn.
 |
Các thành phần bảo đảm của Đoàn Không quân Lam Sơn làm công tác chuẩn bị máy bay SU-30MK2 trước ban bay. |
Ngoài sân bay, khi mặt trời vừa lặn, những chuyến bay đề cao ban đêm lại bắt đầu với một số phi công được lựa chọn thực hiện nhiệm vụ này. Trên đường băng tối thẫm, vệt lửa căng dài từ động cơ máy bay vun vút hướng lên bầu trời, nổi bật giữa ngàn vạn ánh sao. Có lúc, hàng trăm ánh mắt ở sân bay và trong đơn vị đều dõi lên đỉnh sân bay, nơi các phi công đang điều khiển “hổ mang chúa” thực hiện động tác cơ động phức tạp, với vũ điệu được tạo nên từ âm thanh giòn giã và vầng lửa đỏ rực phụt ra từng miệng động cơ. Có ban bay đêm thực hiện chuyến đầu sau giờ mặt trời lặn, và chuyến cuối hạ cánh khi đồng hồ đã điểm 23 giờ.
Tinh thần ham bay, say tập, tận dụng triệt để thời gian huấn luyện đã giúp “lính bay” của Lam Sơn nhanh chóng trưởng thành. Vậy nhưng, Lam Sơn thuần phục “hổ mang chúa” còn là một câu chuyện dài, chứa đựng trong đó không ít khó khăn…
Đủ điều kiện “tác chiến” độc lập
Không như các loại máy bay thế hệ cũ đã có trong biên chế của Không quân nhân dân Việt Nam, SU-30MK2 có lượng trang bị “khổng lồ”, được thiết kế vô cùng hiện đại. Vì là máy bay do Nga sản xuất nên ký hiệu trên trang thiết bị cũng như tài liệu khai thác hoàn toàn bằng tiếng Nga.
“SU-22 hay MIG-21 đã được ta sử dụng một thời gian dài nên các tài liệu liên quan đến các loại máy bay này đã được Việt hóa, thuận lợi cho quá trình khai thác. Với SU-30MK2, chúng tôi không có điều kiện thuận lợi đó. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra là phi công phải có trình độ tiếng Nga tốt mới có thể khai thác hiệu quả các tính năng hiện đại của loại máy bay này”, Đại tá Nguyễn Văn Thiện cho biết.
Được lãnh đạo Quân chủng PK-KQ cũng như Sư đoàn Không quân 371 quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ trong quá trình chuyển loại, nên những khó khăn của Lam Sơn dần được tháo gỡ. Các lớp đào tạo tiếng Nga cho phi công, thợ máy được tổ chức thường xuyên. Ngoài được huấn luyện bay bởi các giáo viên SU-30MK2 trong quân chủng, phi công của Đoàn Không quân Lam Sơn còn được các giáo viên bay nước bạn huấn luyện, đặc biệt là ở các khoa mục bay đào tạo nâng cao.
Theo lãnh đạo, chỉ huy Đoàn Không quân Lam Sơn, cũng giống như các loại máy bay khác, huấn luyện trên SU-30MK2 luôn phải bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”; đồng thời thực hiện nghiêm các quy định trong 3 giai đoạn bay (chuẩn bị bay, thực hành bay, giảng bình bay).
Tham quan một buổi chuẩn bị trước ngày bay mới phần nào thấy được sự nghiêm túc, chặt chẽ, tỉ mỉ vô cùng của nghề bay. Sau phần biểu diễn, hiệp đồng mặt đất, các phi công bước vào giai đoạn kiểm tra vấn đáp và kiểm tra chất lượng chuẩn bị bay. Nhiều câu hỏi, trong đó có những câu hỏi xử lý bất trắc trong quá trình bay được đặt ra. Chỉ khi nào phi công “vượt qua” vòng kiểm tra trong giai đoạn chuẩn bị bay mới được tham gia ban bay hôm sau.
Ưu tiên đào tạo phi công mũi nhọn, chuyên sâu cũng là chủ trương được Lam Sơn thực hiện để có những phi công có trình độ lý thuyết, kỹ thuật lái tốt, rồi tiếp tục đào tạo làm giáo viên. Sau đó, số giáo viên này sẽ là lực lượng nòng cốt chuyển loại cho các phi công còn lại. Trong quá trình thực hành bay, các anh đặc biệt coi trọng công tác bảo đảm an toàn; chấp hành nghiêm Điều lệ bay và mệnh lệnh từ chỉ huy bay cũng như kíp dẫn đường...
Tính đến nay, phần lớn phi công của Lam Sơn đã được phê chuẩn trực ban sẵn sàng chiến đấu ban ngày, trong đó có nhiều đồng chí đủ điều kiện trực ban sẵn sàng chiến đấu ban đêm.
Trong số phi công của Lam Sơn tham gia bay chuyển loại SU-30MK2 có Đại úy Lê Hoài Nam, Biên đội trưởng thuộc Phi đội 2. Nam đã bay thuần thục trên các loại máy bay như IAK-52, L-39, MIG-21. Trông còn khá trẻ nhưng giờ bay tích lũy của Nam không hề “khiêm tốn”, với 450 giờ bay, trong đó có 120 giờ bay trên SU-30MK2 và anh đã được phê chuẩn vào trực ban sẵn sàng chiến đấu.
Lê Hoài Nam chia sẻ, những khó khăn lớn mình phải vượt qua khi chuyển loại SU-30MK2 là phần khối lượng kiến thức lý thuyết rất lớn; máy bay có rất nhiều thiết bị, trong đó phần lớn là thiết bị điện tử; ngoài ra, do được trang bị nhiều loại vũ khí nên bay bắn, ném cũng là một trong những khoa mục khó.
Để vượt qua những thách thức đó, Nam cho rằng phải thực hiện thật tốt các nội dung trong giai đoạn chuẩn bị bay, trong đó chú trọng đến công tác hiệp đồng với giáo viên bay; đồng thời coi trọng giai đoạn giảng bình bay, bởi qua đó phát hiện những điểm còn hạn chế, tránh lặp lại ở những chuyến bay sau.
Năm 2014, trong một ban bay ngày khí tượng giản đơn, Nam cùng đồng đội cất cánh trong điều kiện khí tượng tốt song khi về hạ cánh, khí tượng đột biến xấu, xuất hiện mây nhiều ở độ cao khoảng 150m trên đường hạ cánh. Theo phương án đã được chuẩn bị sẵn trong giai đoạn chuẩn bị bay, Nam giữ đúng số liệu, xuyên mây hạ cánh an toàn. Phải tin tưởng vào thiết bị và chỉ huy, dẫn dắt-đó là kinh nghiệm được phi công Lê Hoài Nam đúc rút qua chuyến bay đáng nhớ ấy.
Để một chiếc máy bay có thể cất cánh, đòi hỏi phải có sự hợp lực của rất nhiều thành phần, trong đó có vai trò quan trọng của ngành kỹ thuật hàng không. Đây chính là lực lượng bảo đảm cho máy bay có tình trạng kỹ thuật tốt nhất, đủ điều kiện hoạt động trên không. Quá trình chuyển loại tại đơn vị bạn đã khẳng định sự trưởng thành của các kỹ sư, nhân viên kỹ thuật hàng không của Lam Sơn. Thiếu tá Vũ Hữu Luận, Đội trưởng Đội 1, Tiểu đoàn kỹ thuật hàng không (Trung đoàn 927) khẳng định, sau một thời gian chuyển loại, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật các chuyên ngành đều đã làm chủ, độc lập hoạt động và khai thác hiệu quả SU-30MK2.
Đêm hạ tuần, ánh sáng từ vòm để máy bay và hàng đèn xanh lét dọc đường băng, đường lăn không “chế ngự” được màn đêm tối sẫm. Dáng người cao lớn, Đại úy, phi công cấp 3 Vũ Đức Hùng, Phó phi đội trưởng Phi đội 2 (Trung đoàn 927) thoăn thoắt khoác lên người bộ quần áo kháng áp, tiếp thu máy bay và cùng phi công chuyên gia nước bạn điều khiển “hổ mang chúa” lăn ra đường băng. Sau tiếng tăng lực vang rền, SU-30MK2 kéo theo đuôi lửa vụt lên trời cao rồi lẫn dần vào ngàn vạn ánh sao trên bầu trời đêm. Thoáng chốc, trong tiếng rầm rầm quen thuộc, lại thấy “ngọn đuốc” từ động cơ vọt lên, bổ xuống theo hình vành thúng. Như cách gọi của “lính bay”, đó là động tác “thắt vòng đứng” trong bài bay nhào lộn động tác phức tạp. Nhìn lên cái “vành thúng” đứng, chúng tôi lại nhớ lời khẳng định “chắc như đinh đóng cột” của Đại tá Lã Đại Phong: “Với kết quả chuyển loại tính đến thời điểm hiện nay, các lực lượng của Trung đoàn 927 có thể hoạt động hoàn toàn độc lập với SU-30MK2”.
Và khi bài viết này vừa khép lại, có thêm một tin vui lan về. Sư đoàn 371 vừa tổ chức thành công ban bay bắn tên lửa, rốc két, ném bom cho các loại máy bay tại trường bắn Như Xuân, Thanh Hóa. Trung tá Nguyễn Thế Huỳnh, Tham mưu trưởng Trung đoàn 927 vui mừng cho biết: 100% phi công của Lam Sơn tham gia bay bắn, ném bom, đạn thật đều đạt giỏi và xuất sắc; bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, máy bay và trang bị kỹ thuật.
Phóng sự của PHẠM HOÀNG HÀ