QĐND - Lễ kết nạp Đảng diễn ra tại Nhà tù Phú Quốc, có một người lính bị tù đày đã dũng cảm dùng máu mình để tạo nên lá cờ Đảng và chân dung Bác Hồ. Anh là Nguyễn Thế Nghĩa, cựu tù binh trong trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc...

Cắn tay chảy máu và... viết đơn đi bộ đội

Cựu chiến binh Nguyễn Thế Nghĩa với kỷ vật lá cờ và hình Bác năm xưa  (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tôi gặp lại anh trong căn nhà nhỏ ở số 138, phố Thánh Thiên, phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Sinh năm 1945 tại làng Đình Bảng (Tiên Sơn - Bắc Ninh), tuổi thơ của Nghĩa phải chứng kiến những cảnh tượng đau lòng, người cha tham gia cách mạng bị địch bắt và chém  đầu ngoài cổng làng. Lòng căm phẫn nuôi chí quyết trả thù giặc ăn sâu vào tiềm thức cậu bé Nghĩa.

Năm lên 22 tuổi, anh viết đơn xung phong đi bộ đội nhưng vì chỉ nặng 38kg nên nhiều lần khám tuyển Nghĩa đều bị loại. Không từ bỏ ý chí, đầu năm 1967, trong một lần xã có đợt tuyển quân, Nghĩa đã giấu hai quả cân vào trong người để vượt qua vòng khám tuyển. Anh nhớ lại: Đang vui mừng thì có một đồng chí thông báo tôi không thuộc diện lấy quân vì là con trai độc nhất trong gia đình có bố là liệt sĩ”. Khi nghe xong câu nói đó, tai tôi ù lên, rồi đưa tay lên miệng cắn ngón tay máu chảy lúc nào không biết. Sẵn có tờ giấy, tôi viết luôn lá đơn bằng máu: “Tôi tình nguyện tham gia bộ đội đi đánh Mỹ, chiến đấu đến khi giải phóng dân tộc thì thôi”. Lá đơn ấy đã giúp tôi thành công!

Trong những năm kháng chiến, anh đã hai lần bị bắt và bị giam cầm, tra tấn ở Nhà tù Phú Quốc và bị kết án tử hình. Đó là việc xảy ra vào đầu năm 1969, khi anh và các đồng đội thực hiện vụ ám sát Phó tổng thống ngụy quyền Trần Văn Hương ở Vĩnh Long. Cuộc ám sát bất thành, anh bị bắt và bị kết án tử hình rồi đày ra Nhà tù Phú Quốc. Từ đó, mọi thông tin về anh đều bặt vô âm tín, đồng đội cứ nghĩ rằng anh đã bị địch giết hại. Suốt hơn 7 năm trời từ 1969 – 1973, anh bị giam cầm tại nhà tù Phú Quốc, giấy báo tử ghi tên anh được thông báo về quê hương. Khi đất nước giải phóng thì anh Nghĩa bất ngờ trở về sau hơn 7 năm là “liệt sĩ” trong niềm vui vô hạn của người thân và gia đình.

Lá cờ đặc biệt

Vào một buổi chiều tháng 9 năm 1969, viên cai ngục khét tiếng nhà lao đưa lời hăm dọa thông báo về việc Bác Hồ qua đời. Nghe vậy nhưng không một ai tin, thế là bọn chúng liền bật Đài Tiếng nói Việt Nam lên. Lúc đó đang là lễ truy điệu Bác, nghe đến đây ai nấy đều òa khóc nức nở.

Trong buổi họp chi bộ tối hôm ấy, có thêm nội dung kết nạp đảng viên mới, cần có cờ Đảng để vừa bảo đảm trang trọng, vừa động viên anh em trong nỗi đau Bác mất. Nhưng muốn có cờ Đảng là điều rất khó trong nhà lao, vì mọi thứ luôn bị kiểm soát gắt gao. Cấp trên giao cho anh Nghĩa phải chuẩn bị cờ cho buổi kết nạp. Trong lúc đang cần kíp, Nghĩa chợt lóe lên ý nghĩ: Tại sao không lấy máu nhuộm làm cờ? Nghĩ vậy, anh đập cổ tay vào cạnh miếng tôn sắc nhọn. Người ta bị thương thì chỉ mong sao cho máu đừng ra, nhưng anh cứ bóp mạnh vào vết thương để cho máu nhuộm đỏ tờ giấy. Một lúc sau, anh đã đem về lá cờ Đảng được nhuộm bằng máu, có vẽ thêm hình búa liềm từ bột thuốc chống phù.

Có cờ, nhưng thấy ở vết thương vẫn ri rỉ máu nên anh Nghĩa lấy thêm một mẩu giấy trắng, dùng cọng tăm cắn dập ra rồi chấm vào vết máu để vẽ luôn chân dung Bác với khả năng hội họa vốn có. Những nét khắc họa dần dần hiện ra khiến ai cũng trầm trồ. Những ai chưa được gặp Bác thì ôm mặt khóc rưng rưng. Ảnh Bác được vẽ xong. Buổi lễ kết nạp đảng viên mới được diễn ra trang nghiêm dưới lá cờ Đảng và chân dung Bác. Không ai bảo ai nhưng họ một lòng nén lời thề: “Nguyện theo Đảng, theo Bác Hồ, chiến đấu đến ngày toàn thắng!”.

Lật từng trang nhật ký trong cuốn sổ nhỏ đã úa màu thời gian, anh Nghĩa nói: “Đó là buổi lễ kết nạp Đảng mà tôi không thể nào quên”. Sau buổi lễ kết nạp Đảng, lá cờ và tấm chân dung Bác được các chiến sĩ ở Nhà tù Phú Quốc cất giữ như một “báu vật” và còn được mang ra trong mỗi dịp sinh hoạt văn hóa, hay các buổi họp bí mật, lễ kết nạp đảng viên mới...

Trong suốt hơn 40 năm kể từ ngày vẽ lá cờ Đảng và bức chân dung Bác bằng máu, anh Nghĩa luôn giữ hai kỷ vật đó bên mình. Ngày ngày, người chiến sĩ ấy vẫn thường mang lá cờ nhuốm đầy máu cùng hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu ra ngẫm nghĩ rồi gói gọn, cất cẩn thận trong chiếc hộp bằng sắt. Năm 2008, một người đồng đội cũ của anh Nghĩa là Lâm Văn Bảng, ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, Phú Xuyên - Hà Nội, đồng thời cũng là cựu tù binh Phú Quốc mở Bảo tàng “Chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày”. Anh Nghĩa đã đem hai kỷ vật đó của mình tặng lại cho bảo tàng để giúp mọi người hiểu hơn về một thời Phú Quốc…

Hà Long - Văn Nguyên