QĐND - Không phải ngẫu nhiên mà các vị vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức đều nhất quán việc đào tạo đội ngũ quan lại cũng như xây dựng chỗ dựa tinh thần của chính quyền thông qua các hoạt động tổ chức học hành, thi cử ở Nam Bộ, đến mức vấn đề mở rộng và phát triển khoa cử phía Nam trở thành một trong những đặc điểm nổi bật, khác biệt của triều Nguyễn so với các triều đại trước đó. Để lý giải điều này, trước hết cần phải hiểu được ảnh hưởng của chính sách vùng Nam Bộ cũng như tầm quan trọng của chính sách giáo dục vùng đất này đối với đời sống chính trị của quốc gia lúc bấy giờ. Câu trả lời nằm ở một số văn bản tài liệu quan trọng trong Châu bản triều Nguyễn.

Thời phong kiến, khác với người miền Bắc và miền Trung luôn nuôi hoài bão thông qua khoa cử để thoát nghèo và để làm quan, thì cư dân Nam Bộ với nhiều thuận lợi do điều kiện thiên nhiên ưu đãi, rất ít quan tâm đến việc học hành. Cho nên, số người tham gia khoa cử và đỗ đạt không nhiều, vấn đề nhân sự, nhân tài thực sự “thiếu” và “yếu”. Trong khi đó, sau khi mở rộng bờ cõi về phía Nam, triều Nguyễn muốn mở rộng bộ máy quan lại, tuyển lựa nhân tài thông qua thi cử và phát triển Nho giáo ở Nam Bộ. Điều này đã tạo nên một nghịch lý giữa nhu cầu và thực tế.

Với mục tiêu: “Đưa Nam Bộ-vùng đất mới hòa nhập, thống nhất với nền chính trị xã hội chung của đất nước”, nhà Nguyễn đã có nhiều hình thức và biện pháp khác nhau nhằm đề cao, ưu tiên cho việc phát triển giáo dục vùng đất này, hướng tới một mục tiêu xa hơn là đáp ứng nhu cầu về nhân sự cho việc thiết lập bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương trong cả nước.

Cấp lương thực cho cử nhân, học sinh xếp loại ưu, bình

Năm Tự Đức 8 (1854), sĩ tử và cử nhân của Nam Bộ (Gia Định, Định Tường, Long Tường...) sau khi khảo hạch, có kết quả tốt được bổ làm học sinh của tỉnh và được triều đình cấp cho lương thực theo thứ bậc trong thời gian học tập: “Xin theo lệ cấp cho lương thực có mức độ khác nhau. Cung nghĩ phụng chỉ: Loại ưu khai trong sách là Vũ Duy Hương và Cù Khắc Kiệm, loại bình từ Trần Văn Hội đến Trần Duy Tự... gồm 9 tên, truyền đều chuẩn cho y như nguyên xét, và theo lệ cấp cho lương thực có mức độ khác nhau”(1).

Bản tấu của Bộ Lễ ngày 29 tháng 5 năm Tự Đức 11 về việc xin cho con cháu các quan đi làm quan xa được thi tại địa phương đó.

Năm Tự Đức 10 (1856), Bộ Lễ trình vua Tự Đức bản tấu về việc Khảo hạch học trò, trong đó có nội dung cho thấy tinh thần khuyến khích giáo dục vùng Nam Bộ như sau: “... Bọn thần đã đem các quyển ấy duyệt lại, thấy văn lý là loại bình thường. Nhưng bọn họ đều là sĩ tử vùng biên, xin y theo nguyên nghị bàn của Tỉnh thần tỉnh ấy. Cung nghĩ phụng chỉ: “Truyền gia ơn bổ vào làm học sinh trường tỉnh, nhưng chiếu theo lệ học sinh từ Quảng Bình trở vào mà cấp lương ăn để tỏ ý khuyến khích việc giáo dục ở vùng biên”(2).

Chính sách "phụ thí" linh động

Để tạo điều kiện thuận lợi cho sĩ tử Nam Bộ trong việc tham gia thi cử, nhà Nguyễn đã mở trường thi tại chỗ-trường thi Hương Gia Định và tạo chính sách "phụ thí" linh động.

Thông thường trước đây, sĩ tử trước khi dự thi phải trở về nguyên quán để sát hạch. Nhưng từ năm 1821, vua Minh Mạng cho phép sĩ tử Phú Yên trở vào Nam được “tùy tiện phụ thí”, từ Bình Định trở về Bắc đều phải theo nguyên quán. Theo đó, sĩ tử Nam Bộ nếu đang sống ở đâu thì có thể đăng ký dự thi ở đó, không nhất thiết phải quay về quê gốc ứng thí. Từ thời Tự Đức bắt đầu có quy định: “Từ nay về sau, phàm thuộc lục tỉnh Nam Kỳ mà con cháu các quan viên văn võ đi làm quan xa, đã theo cha ông cư trú ở tỉnh nào hoặc sinh trưởng ở tỉnh đó thì mỗi khi đến kỳ thi nếu đã đỗ tú tài, cho được nộp quyển phụ thí ở tỉnh đó. Nếu chưa đỗ Tú tài, lý trưởng sở tại xét thấy là người có học hành cho được loại bạ phụ thí”(3).

Chính sách ưu đãi trên được đưa ra sau trường hợp của thí sinh Nguyễn Chính: “Nay căn cứ vào lời bẩm trình của tên học trò Nguyễn Chính quê ở thôn Phú Mỹ Tây, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, thì cha y nguyên giữ chức cai đội ở tỉnh Hưng Hóa, đã được đội ơn cho về quê hưu trí, nhưng lại làm đơn xin ở lại tỉnh đó sinh sống. Y theo cha lưu trú tại đó theo đòi nghiệp học. Nay đến kỳ thi hương không tiện về quê ứng thí đã bẩm xin tỉnh đó tư cho bộ để được phụ thí theo trường Hà Nội. Sau đó bộ thần đã phúc trình sức cho phải về nguyên quán ứng thí. Ngày tháng tư tên đó lên đường về quê. Nay gần 1 tháng mới đến nơi cư ngụ ở Kinh, mà học trò trường Gia Định phải nộp quyển vào trung tuần tháng 6. Tên đó vì đường sá xa xôi, nếu về nguyên quán sợ sẽ không kịp, xin được đội ơn chuẩn cho phụ thí ở trường Thừa Thiên. Kính xét nếu tên đó về nguyên quán thì phải lặn lội vất vả không kịp việc, nay tên đó làm đơn xin phụ thí ở trường Thừa Thiên thì xét tình cũng có thể châm chước được. Nếu được ơn trên cho phép xin do bộ thần tư cho quan Quốc Tử Giám cho tên đó được nộp quyển phụ thí”(4).

Chính sách “phụ thí” linh động như trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho học trò Nam Bộ trong việc dự thi và cũng chứng tỏ nhà Nguyễn rất khuyến khích các sĩ tử Nam Bộ trong học tập và thi cử.

Tăng giải ngạch lấy đỗ

Bên cạnh việc điều chỉnh cách thi cho phù hợp năng lực của sĩ tử Nam Bộ và cách chấm bài để có thể tìm chọn người Nam Bộ, triều Nguyễn còn tăng giải ngạch lấy đỗ cử nhân của vùng Nam Bộ.

Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), triều Nguyễn bắt đầu định số cử nhân lấy đỗ ở các trường, gọi là giải ngạch. Thời Thiệu Trị, giải ngạch của các trường thi Hương được quy định dựa trên số lượng sĩ tử tham gia thi của các địa phương và theo tỷ lệ cứ 10 người dự thi thì lấy trúng 1 người(5).

Thời Tự Đức, số giải ngạch dành cho các trường tăng hơn so với thời Thiệu Trị nhưng trường Gia Định vẫn là trường có số cử nhân đỗ ít nhất so với các trường thi khác, khoảng 9-20 người. Tuy nhiên, nếu làm phép so sánh với các trường thi khác trong cả nước về tỷ lệ giữa số người tham dự kỳ thi Hương với số giải ngạch lấy đỗ của trường thi Hương Gia Định thì chúng ta sẽ thấy tỷ lệ cạnh tranh của trường thi Hương Gia Định là thấp nhất so với các trường thi khác trong cả nước. Chẳng hạn: Số sĩ tử tham dự thi Hương và số cử nhân của các trường thi năm 1858, theo tài liệu Châu bản triều Nguyễn(6) có thể tổng kết lại như bảng sau:

Trường thi Số sĩ tử tham dự Số lấy đỗ Cử nhân
Nghệ An 3.442 18
Hà Nội   3.381 22
Nam Định 3.303 22
Thừa Thiên 3.018 21
Thanh Hóa 1.929 12
Bình Định 1.531 13
Gia Định 683 9

 

Từ bảng trên ta thấy, trong khi tỷ lệ lấy đỗ Cử nhân của trường Nghệ An là 191/1; trường Hà Nội là 153/1, trường Nam Định 150/1, trường Thừa Thiên 143/1, trường Thanh Hóa 160/1, trường Bình Định 117/1 thì trường Gia Định 75/1, tức tỷ lệ cạnh tranh giữa các sĩ tử của trường thi Hương Gia Định là thấp nhất so với các trường thi khác trong cả nước. Nếu xét ở khía cạnh này thì số lượng 13 Cử nhân theo giải ngạch dành cho trường thi Gia Định như đã nói ở phần trên không phải là nhỏ nếu đặt trong tương quan với số lượng người dự thi và đặt trong so sánh chung với các vùng Bắc, Trung Bộ có truyền thống khoa cử mạnh mẽ.

Năm Tự Đức thứ 6 (1853), Tự Đức bắt đầu cho đặt ngạch học sinh từ Quảng Bình trở vào Nam. Năm 1866, trong một bản châu phê, vua Tự Đức đã viết: “Nhận thấy từ Nghệ An trở ra Bắc có truyền thống văn học lâu đời nên số người đỗ trong kỳ thi Hội hơn phía Nam hai ba lần”(7), vì vậy triều đình đã cho phép các kỳ thi Hương nếu lấy đỗ thêm mỗi trường không quá 5 người. Từ Quảng Bình trở vào Nam do văn học chưa nhiều nên tăng mỗi trường 10 người mới cân xứng.

Mặc dù so với Bắc và Trung Bộ, số lượng đỗ đạt ở vùng Nam Bộ vẫn còn rất khiêm tốn nhưng nếu nhìn nhận những biến chuyển trong bối cảnh một vùng đất mới thì chúng ta thấy rõ những nỗ lực của triều Nguyễn về vấn đề giáo dục ở Nam Bộ là không hề nhỏ và trong chừng mực nhất định, chính sách của nhà Nguyễn đã đem lại hiệu quả tích cực.

HỒNG NHUNG

(1) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2004, Mục lục Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức VIII (1854)-Tự Đức IX (1855), tập 50-53, tr 499-500.

(2) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2004, Mục lục Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức X (1856), tập 55-58, tr 333-334.

(3) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2004, Mục lục Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức X (1856)-Tự Đức XI (1857), tập 90-95, tr 52.

(4) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2004, Mục lục Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức X (1856)-Tự Đức XI (1857), tập 90-95, tr 51.

(5) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2004, Mục lục Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị VI (1846)-Thiệu Trị VII (1847), tập 37-40, tr 208-209.

(6) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2004, Mục lục Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức X (1857)-Tự Đức XI (1858), tập 96-100, tr 195-264.

(7) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2004, Mục lục Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức XIII (1869), tập 221-226, tr 91-92.