QĐND - Hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên) là 1 trong 6 hồ thuộc danh sách công trình thủy lợi quốc gia cần được bảo vệ. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn 5 năm, UBND tỉnh Thái Nguyên cho triển khai xây dựng ở đây hai dự án xây dựng Nhà khách Văn phòng UBND tỉnh và Khu bến tàu du lịch kèm nhà hàng, khách sạn… song đến nay một dự án phá sản, một dự án bế tắc, gây nhiều hệ lụy, phức tạp trong bồi thường thu hồi đất và đe dọa môi trường sinh thái…

“Mập mờ” trong triển khai các dự án

Theo hồ sơ sự việc, năm 1975, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 111/TTg cấp cho Ủy ban Nông nghiệp Trung ương 68ha đất tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Sau đó, khu đất này được giao lại cho Trạm Thủy sản Núi Cốc quản lý, sử dụng. Năm 2007, Trạm ký Hợp đồng giao khoán đất trồng rừng số 01/HĐ-TS cho ông Hoàng Văn Toàn, cán bộ của Trạm khu vực đồi FAO, là đồi đất trọc, có diện tích 3ha để cải tạo, trồng mới rừng sản xuất, thời hạn hợp đồng là 50 năm.

Tháng 1-2010, ông Toàn chuyển giao hợp đồng trên cho ông Triệu Đình Hồng, có biên bản được xác nhận của Trạm và Chủ tịch UBND xã Tân Thái. Ông Hồng đã đầu tư tu bổ đất, các công trình trên đất và trồng cây cối trị giá ước tính vài tỷ đồng.

Khu đất triển khai hai dự án gây nhiều hệ lụy kéo dài từ năm 2010 đến nay.

Bờ kè, cây cối, nhà cửa được ông Triệu Đình Hồng đầu tư nhiều tỷ đồng bị phá dỡ mà chưa được bồi thường.

Tuy nhiên, bất ngờ vào tháng 10-2010, Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên và UBND huyện Đại Từ về kiểm tra hiện trạng khu đất và giao lại cho Trạm Thủy sản Núi Cốc Quyết định số 462/QĐ-UB ngày 28-3-2005 về việc thu đất, giao cho Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên sử dụng vào mục đích xây dựng nhà khách. Tại chính buổi làm việc này, Báo cáo số 2583/BC-STNMT ngày 11-10-2010 do ông Bùi Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên thừa nhận: “Tại buổi làm việc, đại diện Sở TN&MT đã giao Quyết định số 462/QĐ-UB cho ông Hoàng Đức Toàn, Trạm trưởng Trạm thủy sản hồ Núi Cốc”. Như vậy, văn bản này đã được ban hành trước đó 5 năm, nhưng không một ai từ lãnh đạo Trạm Thủy sản Núi Cốc đến gia đình ông Hồng biết.

Chưa hết ngỡ ngàng thì ngày 14-8-2011, ông Hồng nhận được thông báo do Phó chủ tịch UBND huyện Đại Từ Trương Mạnh Kiểm ký với nội dung yêu cầu ông có mặt tại thực địa vào ngày 15-9-2011 để được hướng dẫn kiểm kê, kê khai tài sản theo chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) giao đất cho Dự án xây dựng Khu bến tàu du lịch. Sau kê khai, kiểm đếm tài sản, Ban Bồi thường GPMB huyện Đại Từ đã lập phương án hỗ trợ di chuyển, tạm tính gia đình ông Hồng được bồi thường số tiền 709.016.350 đồng.

Tuy nhiên, mọi quy trình giải phóng mặt bằng chưa kịp thực hiện thì ngày 27-9-2011, theo yêu cầu của UBND huyện, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Anh Thắng đưa máy xúc, máy ủi đến tháo dỡ cây cối và tài sản, nhà cửa trên đất của gia đình ông. Ngày 24-10-2011, DNTN Anh Thắng tiếp tục cho người, máy xúc đập phá toàn bộ nhà cửa và các công trình mà gia đình ông Hồng đang sử dụng.

Từ năm 2011 đến nay, ông Hồng đã làm đơn gửi tới nhiều cơ quan chức năng đề nghị giải quyết vụ việc nhưng không được xử lý. Chẳng những thế, theo phương án bồi thường mà UBND huyện Đại Từ cho biết gần đây, ông Hồng chỉ được nhận hơn 30 triệu đồng tiền cây cối.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Hà Nội), khu đất do ông Hồng quản lý thuộc trường hợp được bồi thường chi phí đầu tư vào đất và tài sản trên đất theo khoản 5, điều 10, Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 và khoản 4, điều 16, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13-8-2009 của Chính phủ. Mặt khác, quyết định số 462/QĐ-UB của UBND tỉnh Thái Nguyên chưa được thi hành trên thực tế, không được công khai và thông báo đến người bị thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật. Quyết định này còn ban hành không đúng pháp luật bởi căn cứ giao đất cho Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên trên cơ sở “xét đơn xin giao đất ngày 7-12-2004 của Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên”. Theo Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ, căn cứ giao đất phải dựa trên Dự án xây dựng nhà khách tỉnh Thái Nguyên chứ không thể chỉ trên đơn xin giao đất. Quyết định này còn trái pháp luật ở chỗ thu hồi đất mà chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB và thông báo thu hồi đất. Do đó, khu đất bị thu hồi vẫn do ông Hồng quản lý hợp pháp trên thực tế và phải được bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, quy trình triển khai các dự án có dấu hiệu không rõ ràng. Dự án xây dựng Nhà khách Văn phòng UBND tỉnh được triển khai từ năm 2005 nhưng không công bố, công khai dự án và quyết định thu hồi đất mà phải đến năm 2010 mới công bố. Vậy sự thật có hay không dự án này? Tại sao khi thu hồi đất triển khai dự án Khu bến tàu du lịch sau đó, đối tượng thu hồi đất không phải là Văn phòng UBND tỉnh mà lại là Trạm thủy sản hồ Núi Cốc, nếu như khu đất đã bị thu hồi giao cho Văn phòng UBND tỉnh quản lý?

Ba sai phạm trong cưỡng chế thu hồi đất

Lần giở hồ sơ sự việc, chúng tôi phát hiện thêm sai phạm nghiêm trọng khi khu đất bị thu hồi từ tháng 10-2011 trong khi đến ngày 17-2-2014, UBND huyện Đại Từ mới có Quyết định số 402/QĐ-UBND phê duyệt phương án dự toán bồi thường, hỗ trợ GPMB. Như vậy, việc chính quyền cho phép tháo dỡ tài sản của ông Hồng từ tháng 9-2011 là trái pháp luật.

Làm việc với chúng tôi, ông Trương Mạnh Kiểm, Phó chủ tịch UBND huyện Đại Từ giải thích việc vì sao Quyết định 462 sau 5 năm mới được công bố “là cả một câu chuyện dài”. Tuy nhiên, ông Kiểm cho biết ông cũng có mặt tại buổi cưỡng chế khu đất song không biết ai ra lệnh hay có công văn nào quyết định cho phép cưỡng chế. Trong một phóng sự trên Đài Truyền hình Thái Nguyên đưa tin về vụ cưỡng chế, còn có hình ảnh ông Kiểm chỉ đạo tháo dỡ tài sản.

Ông Chu Tất Lợi, Phó giám đốc Trung tâm quỹ đất huyện Đại Từ cũng cho biết: Huyện không có văn bản nào chỉ đạo việc tháo dỡ.

Trái ngược với khẳng định trên, trao đổi với báo chí, chính ông Nguyễn Văn Tùng, Phó giám đốc DNTN Anh Thắng thừa nhận: “Trong buổi tháo dỡ, di chuyển hôm đó, DNTN Anh Thắng cũng có mặt theo thông báo và theo yêu cầu của chính quyền cấp xã và cấp huyện với mục đích sẽ cùng phối hợp, hỗ trợ các lực lượng chức năng để thực hiện tháo dỡ, di chuyển tài sản. Tại đây, lãnh đạo huyện Đại Từ và xã Tân Thái có ý kiến đề nghị với đại diện DN về việc nhờ DN hỗ trợ phương tiện máy móc, nhân lực phục vụ cho công việc tháo dỡ”.

Về việc này, theo LS Nguyễn Hồng Bách, nếu việc cưỡng chế là do UBND huyện Đại Từ và ông Trương Mạnh Kiểm chỉ đạo thì việc cưỡng chế này hoàn toàn trái pháp luật vì có 3 sai phạm: Ông Hồng chưa nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ; không có quyết định cưỡng chế thu hồi đất; không có thông báo cưỡng chế. Ông Triệu Đình Hồng cho biết sẽ làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng để làm rõ hành vi tháo dỡ, hủy hoại tài sản này.

Ngoài gia đình ông Hồng, 18 hộ dân ở khu này thuộc diện thu hồi khi trao đổi với phóng viên đều bức xúc về việc cho phép DNTN thu hồi đất tùy tiện, đầu tư cả hạng mục trạm sửa chữa bảo dưỡng tàu và quá nhiều hạng mục nhà hàng, khách sạn có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới nguồn nước hồ thủy lợi Núi Cốc và xâm hại cảnh quan, môi trường lòng hồ du lịch sinh thái nổi tiếng này.

Những vấn đề trên cần được UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét, làm rõ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Bài và ảnh: NGUYÊN MINH - TRƯỜNG SƠN