Nhiều người đã biết ông Lang Chọi ở Bắc Ninh nổi tiếng là một nhà nghiên cứu Truyện Kiều, người đã “dám” sửa 918 chữ ở 701 câu Truyện Kiều, nhà sưu tầm tiền xu, chuyên gia đồ cổ. Nhưng lần gặp gỡ mới đây, ông còn tiết lộ cho tôi hay một gia tài độc đáo khác. Đó là kho tượng cổ cùng ý tưởng độc đáo: Nhân dịp 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ông sẽ chọn 100 pho tượng “đẹp” nhất, để tái hiện lại cuộc “chia li” 50 con lên rừng, 50 xuống biển trong Truyền thuyết Âu - Lạc xưa...
Tiếng lành đồn xa, chúng tôi tìm đến nhà ông “Lang Chọi”, nơi có những cổ vật, những pho tượng là món quà mà ông chuẩn bị mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long. Nhẹ nhàng đưa tay nâng những chiếc bình, rồi xếp lại những pho tượng, ông kể về cái “duyên” sở hữu những đồ cổ này: “Tôi làm thầy thuốc nên có nhiều người đến chữa bệnh, tôi lại biết chữ Hán, chữ Nôm, nên khi họ có đồ cổ như: Bát, đĩa, lư hương, tượng người, tiền xu... đều mang đến nhờ dịch để biết về lai lịch. Cả những anh chơi đồ và buôn đồ cổ cũng hay đem đến nhất. Nhờ nhiều, họ nể nên đưa trả tiền công, tôi không lấy tiền, họ tặng lại những vật cổ. Cũng có thứ, tôi mua lại của họ. Thế mà dồn lại, cũng kha khá đấy!”.
Sinh năm 1946 trong một gia đình nhà nho, có 5 đời bốc thuốc Đông y, nổi tiếng với “thương hiệu” Lang Chọi, năm 1989, ông xin nghỉ hưu thôi dạy học về nối nghiệp gia truyền, bốc thuốc Đông y. Thuở nhỏ cậu bé Nguyễn Khắc Bảo đã được cha và các thầy đồ trong làng dạy học chữ Hán. “Cơ duyên” làm thầy thuốc đã “xui” ông thành một tay chơi đồ cổ có lúc nào không hay. Hiện ông có hai thanh kiếm của nhà Lý và một thanh kiếm Nhật cổ, chuôi mạ vàng, một bộ sưu tập tiền cổ của gần 200 quốc gia trên thế giới và hơn 2.000 pho tượng bằng đất, đá, gốm sứ... của người Việt Cổ…
 |
Một trong những cổ vật có niên đại nhiều tuổi mà ông Bảo sưu tầm được.
|
Lọt thỏm trong góc phố xá ồn ào, tấp nập là căn nhà chật hẹp chỉ vẻn vẹn 30m2 đã xuống cấp. Nhìn lên các tủ kính, chỗ nào cũng thấy tượng đất cổ, sách cổ, tiền cổ... Ngay cái cầu thang, vốn đã chật hẹp cũng được ông tận dụng làm nơi trưng bày tượng cổ. Tất cả các giá tượng đều đã võng xuống, chật cứng, bởi số lượng tượng ngày một tăng lên khiến ai đó cũng có cái cảm giác mọi thứ như đã yên vị, chỉ cần lấy đi một pho tượng, rút đi một cuốn sách là mọi thứ đều đổ sụp xuống, ngổn ngang, lộn xộn ngay lập tức. Ông Bảo cho biết, trong hơn 2.000 pho tượng các loại, có hơn nửa là các pho tượng người Việt cổ và nó chỉ cao chừng 20 đến 25cm. Pho cao nhất cũng chỉ 30 - 40cm, với đủ các trạng thái, tâm trạng biểu cảm hỉ, nộ, ái, ố khác nhau trên khuôn mặt. Đa số các pho tượng này được người dân ở Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh… khi đào móng nhà hay lấy đất làm gạch tìm thấy. Có lần PGS.TS Trịnh Cao Tưởng, Viện Khảo cổ học đến xem đã cho rằng, kho báu cổ vật của ông Bảo rất quý, có thể có niên đại hàng nghìn năm, cần được nghiên cứu và bảo tồn. Tuy chưa có nhà khoa học nào “kết luận” về kho tượng của ông nhưng ông Bảo khẳng định với chúng tôi: Những pho tượng này có trước đời nhà Tiền Lê, khi Phật giáo chưa phát triển nên mới có loại tượng mang sắc thái “phồn thực” này. Với kho tượng đó, ông ấp ủ ý tưởng, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, với tư cách là Trưởng chi hội Di sản thành phố Bắc Ninh, ông sẽ chọn ra 100 pho tượng đẹp nhất, tượng trưng cho 100 người con được mẹ Âu Cơ sinh ra trong bọc trứng. “Tôi dự định sẽ tham dự Festival Bắc Ninh 2010, bằng cách kể lại truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ thông qua việc sắp đặt 100 tượng cổ này. 100 pho tượng sẽ được chia ra 50 “người con” lên non và 50 “người con” xuống biển, tạo nên một cuộc “chia li” cảm động và đầy tự hào.
Bài và ảnh: Hà Văn Long