Sau một thời gian khiêu khích và chuẩn bị lực lượng, ngày 20-11-1873, với quân số khoảng 300 tên, bọn Pháp nổ súng đánh thành Hà Nội. Từ 4 giờ sáng, tàu chiến Pháp tập trung tất cả đại bác bắn vào thành, đặc biệt là nhằm vào khu vực có cột cờ mà chúng biết đó là nơi làm việc của Nguyễn Tri Phương.
Lục quân Pháp được đại bác yểm hộ, chúng xông đến 2 cửa Đông và Nam, trong khi đó tên sĩ quan Duy-puy cho quân tấn công các phố buôn bán.
 |
Đường Hoàng Diệu. Ảnh: Quang Thái
|
Nhân dân Hà Nội đã phối hợp cùng quân của triều đình chống trả quyết liệt. Bộ binh Pháp tiến tới cửa ô Thanh Hà thì bị chặn lại. Một viên Trưởng cơ, chỉ huy bảo vệ cửa ô, đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Phá được cửa ô Thanh Hà, một cánh quân khác của Pháp đẩy đại bác đến tấn công cửa Nam. Cổng này do Nguyễn Tri Phương (chức Kinh lược sứ) cùng con thứ là Phò mã Đô úy Nguyễn Lâm chống giữ. Trong trận này Đô úy Nguyễn Lâm bị trúng đạn hy sinh, Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương bị thương. Khâm phái Phan Đình Bình, Bố chánh Võ đường và Đề đốc Đặng Siêu cầm cự được hơn một giờ đồng hồ thì đều bị bắt. Pháp làm chủ thành Hà Nội. Quân ta hy sinh 80 người và bị thương 300 người trên tổng số 500 quân.
Cùng ngày, quân Pháp đã đánh chiếm phủ Hoài Đức (thuộc Hà Nội).
Những ngày sau đó (20-11-1873), thực dân Pháp ra sức cứu chữa Nguyễn Tri Phương nhằm mua chuộc, nhưng ông đã cự tuyệt. Đến ngày 20-12-1873, tức một tháng sau, Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương đã mất tại dinh Tổng đốc Hà Nội.
Trong khi chờ hội đàm với Khâm sai đại thần Trần Đình Túc, Pháp xua quân liên tục đánh phá ra các tỉnh ở Bắc Kỳ. Ngày 21-12-1873, dưới sự chỉ huy của Tổng đốc tam tuyên là Hoàng Tả Viêm và Tham tán Tôn Thất Thuyết ra lệnh gấp rút đối phó. Tướng chỉ huy quân Cờ đen là Lưu Vĩnh Phúc được lệnh đem quân về đóng ở xã Yên Quyết-cửa ô phía Tây Hà Nội. Ngày 21-12-1873, Lưu Vĩnh Phúc kéo quân vào sát thành Hà Nội khiêu chiến với quân Pháp. Đúng 10 giờ sáng, tướng Gác-ni-ê bỏ dở cuộc hội đàm với phái viên của triều đình Huế, vội vàng kéo quân ra nghênh chiến.
Quân cờ đen rút lui theo kế hoạch đã định trước, Gác-ni-ê đuổi đến Cầu Giấy thì sa vào trận địa mai phục của quân ta. Tên Gác-ni-ê, tên Ban-ni và một số quân Pháp bị tiêu diệt tại trận khiến quân Pháp hết sức lo sợ hoang mang. Nhưng triều đình Huế đã không tận dụng thời cơ để tiến lên chiếm ưu thế hơn nữa trong cuộc hội đàm.
Về phía Pháp, khi đã được tận mắt chứng kiến sức mạnh và lòng yêu nước của nhân dân Hà Nội trong lần xâm lăng trước (1873) nên chúng hiểu rằng, chưa thể chiếm được Hà Nội, buộc phải trao trả Hà Nội cho triều đình Huế, sau khi thỏa thuận được những điều có lợi. Nhưng chưa từ bỏ âm mưu, chúng ra sức chuẩn bị lực lượng, chờ thời cơ xúc tiến kế hoạch xâm lược Bắc Kỳ, mà trọng tâm là Hà Nội.
Ngày 25-3-1882, quân Pháp do Hăng-ri Ri-vi-e-rờ chỉ huy, theo lệnh Thống đốc Nam Kỳ là Vin-le rời Sài Gòn, đem theo 2 chiến hạm cùng 300 quân ra tăng cường cho lực lượng viễn chinh Pháp. Ngày 3-4-1882, chúng bất ngờ đổ bộ lên Hà Nội.
 |
Đường Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Quang Thái
|
Nhận thấy ưu thế của quân đội Pháp cũng như rút kinh nghiệm của lần thất bại trước (1873), Tổng đốc Hà Nội-Hoàng Diệu-đã tích cực chuẩn bị, tăng cường khả năng phòng thủ như xây dựng và củng cố lực lượng bố phòng. Tường bao quanh thành được đắp cao thêm 1,5 thước, cổng thành làm bằng toàn gỗ lim vững chắc, sau mỗi cổng đều chất nhiều bao đất để khó phá. Số đại bác cũng được tăng cường. Tất cả đều đã sẵn sàng…
Phía quân Pháp, sau hơn 2 tuần đổ bộ lên Hà Nội, sáng 20-4-1882, Hăng-ri Ri-vi-e-rờ gửi tối hậu thư buộc Tổng đốc Hoàng Diệu phải giao thành cho chúng. Tổng đốc Hoàng Diệu bác bỏ tối hậu thư thì từ 8 giờ đến 10 giờ, ba tàu chiến của Pháp từ sông Hồng là các pháo hạm Fan Fare, Massue và Carabine (Phăng-pha-rơ, Mác-suy-ơ và Ca-ra-bin-nờ) thi nhau nhả đạn vào thành. Các khẩu sơn pháo của Pháp đặt chính diện với cửa Đông và cửa Bắc bắn xối xả vào cổng thành (cổng thành cửa Bắc nay vẫn còn vết đạn). Đại úy Rơ-tru-vây tấn công nghi binh cửa Đông.
Tổng đốc Hoàng Diệu, Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng chia nhau trực tiếp đốc thúc quân lính chống trả. Gần 10 giờ 45 phút, Ri-vi-e-rờ chiếm được lũy bán nguyệt (tức đường mã thành bảo vệ cửa Bắc).
Trận chiến diễn ra rất ác liệt, đến 11 giờ thì kho thuốc súng trong thành bỗng nhiên bốc cháy làm cho tinh thần quân sĩ dao động. Thừa lúc quân trong thành hoang mang, Pháp dồn lực lượng đánh phá cửa phía Tây. Chúng cho quân bắc thang tre leo lên pháo đài Tây Bắc của ta và mở cửa thành từ phía trong. Còn phía cửa Bắc, chúng dùng nhiều thuốc nổ để phá. Do có ưu thế về hỏa lực nên đến 11 giờ, quân đội thực dân Pháp chiếm được thành Hà Nội.
Khi thấy cửa thành đã bị phá, quân sĩ rối loạn, biết không thể giữ được thành Hà Nội, Tổng đốc Hoàng Diệu ăn mặc chỉnh tề đi vào hành cung bái lạy, viết Di biểu gửi vua Tự Đức rồi tự vẫn. Ông sinh năm 1828, ở làng Xuân Đài, huyện Điện Phước, tỉnh Quảng Nam (nay là huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ông đỗ cử nhân năm 1848 và Phó bảng năm 1853…
Trong quan trường, ông nổi tiếng là người thanh liêm, mẫn cán. Do vị trí trọng yếu của Hà Nội nên ông được vua Tự Đức cử làm Tổng đốc. Sau khi chết, di hài ông được sĩ phu và nhân dân Hà Nội đưa về Võ Miếu. Vua Tự Đức hết sức thương tiếc, than rằng: “Hoàng Diệu hết lòng trung, chết vì tử tiết, nghĩa hơn hẳn”. Vua Tự Đức sai quan tỉnh trưởng Quảng Nam ban tế một tuần(1), cấp cho 1.000 quan tiền để nuôi mẹ Hoàng Diệu và lo việc tang.
Noi gương Tổng đốc Hoàng Diệu, ông Hoàng Hữu Xứng bị bắt ở trận này, quân Pháp dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc, dụ hàng nhưng đều bị ông Xứng mắng nhiếc thậm tệ và tuyệt thực.
*
* *
Mặc dầu không có sắc phong, không có nghị định của chính quyền thời nào, song nhân dân Việt Nam vẫn cứ gọi thành Thăng Long bằng tên dân phong là thành Hoàng Diệu. Rồi một số đơn vị, đoàn thể vẫn cứ lấy tên ông đặt cho đoàn thể của mình như: Hội Phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu, Đội Tự vệ Hoàng Diệu, Đoàn quân Nam tiến Hoàng Diệu, Đội Nhi đồng cứu quốc Hoàng Diệu.
Con đường Hoàng Diệu dài 1.340 mét, đi từ phố Phan Đình Phùng đến phố Nguyễn Thái Học, so với bản đồ Hà Nội năm 1831 thì đây cũng là con đường chạy theo phía Tây của khu vực hành cung trong thành Thăng Long đời Nguyễn. Con đường chạy dọc theo cạnh phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương.
Khí phách của Tổng đốc Hoàng Diệu được nhân dân Việt Nam nói chung và bà con Thủ đô Hà Nội nói riêng mãi mãi tôn thờ.
NGỌC MINH (Sưu tầm và biên soạn)
(1) Như là để tang bây giờ.