Nhà Lớn của Công tử Bạc Liêu (nay là khách sạn Công tử Bạc Liêu)

Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (1900-1973), còn có tên khác là Ba Huy, là một tay chơi nổi tiếng ở Sài Gòn và miền Nam những năm 1930, 1940. Ngày nay, Công tử Bạc Liêu đã trở thành một thành ngữ để chỉ những kẻ ăn chơi. Xung quanh cuộc đời nhân vật đặc biệt này, bên cạnh giai thoại về những điều “chưa được” như sự xa hoa, lãng phí cũng có nhiều “cái được” như câu chuyện công tử Bạc Liêu gặp Việt Minh, được “cảm hóa” và tham gia giúp đỡ cách mạng. Chuyện được một số nhân chứng và nhà nghiên cứu ở Bạc Liêu kể lại...

Từ điển Wikipedia trên mạng internet có một đoạn nói về những “cái được” của công tử Bạc Liêu: “Trần Trinh Huy là người cao lớn, khoảng 1,70m, lực lưỡng nhưng không cục mịch, trái lại dáng người rất thanh thoát, sang trọng, da đen, mày rậm... người đầy sinh lực. Trong các mối quan hệ, Ba Huy là người khoáng đạt, không dè dặt và mưu toan gì. Thời đó, các cậu công tử lẫn điền chủ đều chơi với người Pháp thì rất khúm núm, nịnh nọt, gọi là “chơi thế”. Riêng Ba Huy thì cứ “toa toa” “moa moa” sòng phẳng, ngang hàng. Nếu như trong mắt giới giang hồ tứ chiếng, Ba Huy là một người ngon nhất Nam bộ, thì trong mắt người Pháp, Huy được nể trọng vì có vợ đầm và mướn người Pháp làm công cho mình. Tánh của Ba Huy vị tha và coi tiền như rơm rác. Bút tích của Huy cho thấy tuy nét chữ bay bướm nhưng lại rất xấu, chứng tỏ đó là một con người thông minh, từng trải nhưng đường học vấn không đến nơi đến chốn. Ba Huy cũng là người rất cởi mở, không cổ hủ, cực đoan như nhiều điền chủ khác. Ông từng ủng hộ Việt Minh một lúc 13.000 giạ lúa. Ông đã hứa với người lãnh đạo cao nhất của Tỉnh ủy Bạc Liêu là giảm tô, không hợp tác với Pháp, gửi vải vóc thuốc men cho kháng chiến và thực hiện đúng như vậy. Thích hội hè, Ba Huy có lẽ là người tổ chức hội chợ và hội thi “Hoa hậu miệt đồng” đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long”.

Quả thực, tôi hơi bị bất ngờ trước thông tin “ông ủng hộ Việt Minh 13.000 giạ lúa”, “hứa với người lãnh đạo cao nhất của Tỉnh ủy Bạc Liêu”, chẳng rõ Wikipedia lấy nguồn từ đâu? Lấy gì để kiểm chứng?

May mắn sao, mới đây, có một chuyến công tác vào Bạc Liêu, ghé thăm ngôi nhà của công tử Bạc Liêu năm xưa, tôi tình cờ có trong tay cuốn sách “Công tử Bạc Liêu, sự thật và giai thoại” do nhà văn, nhà báo Phan Trung Nghĩa, hiện đang công tác tại báo Bạc Liêu viết, cũng nhắc đến sự kiện này. Đã có nhiều sách, báo viết về công tử Bạc Liêu, nhưng Phan Trung Nghĩa là người xứ Bạc Liêu với vốn kiến thức khá tổng hợp về nhân vật này, anh giống như một “nhà Công tử Bạc Liêu học”. Chính ông Trần Trinh Nhơn, con trai công tử Bạc Liêu, hiện là vũ sư, sống ở Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương khi trở về Bạc Liêu thăm lại mái nhà xưa và tìm gặp nhà văn Phan Trung Nghĩa cách đây gần 5 năm cũng phải thừa nhận: “Nhà văn Phan Trung Nghĩa viết rất khéo, thể hiện một cách nhìn về cha tôi tương đối công bằng hơn những tác giả khác”.

Mừng quá, tôi bấm điện thoại hỏi Phan Trung Nghĩa, có hay không chuyện Công tử Bạc Liêu ủng hộ Việt Minh? Anh cười xác nhận ngay tắp lự:

- Có! Chuyện đó là có thật! Ông Trần Văn Sớm, nguyên là bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu hiện đã mất, lúc sinh thời từng nhiều lần kể cho tụi mình và mọi người về cuộc gặp gỡ giữa ông và Công tử Bạc Liêu. Chuyện đó cũng đã được đưa lên sách báo.

Theo nhiều tài liệu thì tài sản của gia đình công tử Bạc Liêu ở thời kỳ “hoàng kim” nhất lên tới 74 sở điền, với 110.000ha đất trồng lúa, gần 100.000ha ruộng muối. Theo lời cháu chắt ông kể lại, toàn tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ (gồm 4 quận Vĩnh Lợi, Cà Mau, Vĩnh Châu, Giá Rai) có 13 lô ruộng muối thì 11 lô là của gia đình công tử Bạc Liêu. Tuy nhiên, luồng gió mới của cách mạng với chủ trương “người cày có ruộng” đã không cho phép “Trần gia” mãi “làm mưa làm gió”. Phần lớn điền đất của Ba Huy, cho tới năm 1945, chính quyền Việt Minh đã tạm cấp cho tá điền, đến năm 1946, toàn tỉnh Bạc Liêu đã có tới 95% nông dân được cấp đất. Tình thế vô cùng bất lợi cho giai cấp địa chủ, sợ tài sản sẽ bị mất sạch về tay Việt Minh và tá điền, Trần Trinh Huy đã thức thời, có nhiều hành động tốt đẹp. Ông Cao Tấn Định, sinh năm 1906, ngụ tại xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu lúc còn sống đã kể với nhà báo Phan Trung Nghĩa: “Sau khi ông chủ tịch Ủy ban hành chánh kháng chiến xã Vĩnh Hưng ra bàn với cậu Ba rằng, Việt Minh đang cần một số tiền để cứu đói dân nghèo, lập tức cậu Ba sốt sắng viết thư cho tôi, lúc đó đang làm tằng khạo (người coi ruộng cho chủ-PV), ra lệnh bán 13 ngàn giạ lúa tại lẫm xã Trang, một phần mang về Nhà Lớn (nhà của Công tử Bạc Liêu tại Bạc Liêu-PV), một phần để lại giao cho ủy ban hành chánh kháng chiến xã để ủng hộ Việt Minh.

Từ năm 1946, giặc Pháp quay trở lại Bạc Liêu, giai cấp địa chủ nhiều người lại “ngóc đầu” hi vọng, cho người đi thu nợ tá điền nhiều nơi mà Việt Minh đã giải phóng. Trần Trinh Huy đã mướn hai trung đội lính mã tà vào một số sở điền để thu tô. Lo ngại một số địa chủ hợp tác với Tây, chính quyền địa phương đã bắt giam Ba Huy và một số địa chủ 2 tháng để giáo dục họ không hợp tác với Pháp. Sợ liên lụy, khi được thả, Ba Huy lên thẳng Sài Gòn ở, để lại sở điền cho người làm thuê trông coi.

Mặt trận Việt Minh lúc này chủ trương đại đoàn kết dân tộc để đánh đuổi giặc Pháp. Cuối năm 1947, ông Trần Văn Sớm, khi đó là Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu quyết định gặp gỡ Công tử Bạc Liêu để nói rõ chính sách của Việt Minh, động viên ông hợp tác với cách mạng. Nhưng để gặp được ông ta không dễ dàng. Có lẽ vì sợ liên lụy, ông ở hẳn Sài Gòn, rất ít về Bạc Liêu.

Suy nghĩ mãi, ông Sớm mới nhớ ra một “đầu mối” có thể giúp ông gặp Công tử Bạc Liêu, đó chính là ông Phan Kim Cân, Ủy viên tài chánh ngân khố tỉnh Bạc Liêu, là chồng cô Sáu Đông, em ruột Ba Huy. Ông Sớm đã khéo léo nhờ ông Cân viết thư cho Ba Huy, nói rõ ý đồ của cách mạng để mời Ba Huy gặp Bí thư tỉnh ủy.

Một tuần sau, ông Cân báo tin mừng: Công tử Bạc Liêu đã đồng ý gặp gỡ Việt Minh với một lộ trình gặp gỡ khá thận trọng. Cuộc gặp diễn ra không phải ở trụ sở chính quyền mà trong nhà một tá điền của công tử Bạc Liêu, tại đồn điền Kinh Xáng (Vĩnh Hưng). Hôm ấy, Ba Huy không mặc đồ vest Tây “hàng hiệu” như thường ngày mà mặc một bộ bà ba giản dị. Ông Cân đứng lên giới thiệu:

- Đây là đồng chí Trần Văn Phong (bí danh của ông Sớm - PV), Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu. Còn đây là cậu Ba Huy… công tử Bạc Liêu!

Công tử Bạc Liêu cúi chào Bí thư tỉnh ủy một cách lịch lãm rồi nói: “Rất hân hạnh được biết “ngài” Bí thư!”.

Rồi ông đi vào vấn đề một cách “thẳng tưng”:

- Thưa ngài bí thư tỉnh ủy, xin vui lòng giải thích cho tôi rõ: Dượng Sáu (tức ông Phan Kim Cân) mời tôi vô đây làm việc hay các ngài cho công an ra lệnh bắt tôi?

Ông Phan Kim Cân giải thích:

- Không có chuyện bắt bớ đâu! Trong thư mời nói rõ: “Mặt trận Việt Minh mời anh. Đây! Bằng chứng là đồng chí Bí thư tỉnh ủy, đại diện Mặt trận Việt Minh đã cho người bảo vệ anh, rất thiện ý tiếp chuyện với anh!”.

Từ đó, cuộc trò chuyện trở nên rất cởi mở, thẳng thắn. Bí thư tỉnh ủy cũng tỏ ra rất khiêm nhường, khéo léo, ông vẫn gọi Công tử Bạc Liêu là “cậu Ba” và nói:

- Chúng tôi mời cậu Ba vô đây vì vấn đề giảm tô của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc cậu mướn hai trung đội lính đi thu tô là không nên làm chút nào. Cách mạng Tháng Tám đã thành công, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã có chính sách giảm tô rõ ràng. Cậu Ba là một người nổi tiếng phóng khoáng, phong lưu, học cao hiểu rộng. Vậy thì tại sao lại đi làm cái việc mướn lính ngụy thu tô? Bí thư tỉnh ủy khéo léo “khích tướng” vào chất “công tử” của Ba Huy:

- Cậu Ba biết bà con gọi cậu Ba là gì không?

Công tử Bạc Liêu thẳng thắn:

- Họ gọi tôi là Việt gian chứ gì?

Ngay lập tức, Bí thư tỉnh ủy tìm cách động viên, bày tỏ quan điểm:

- Việt gian cũng có nghĩa là phản quốc. Nhưng tôi biết cậu Ba chẳng bao giờ muốn là người phản quốc. Cậu nên chấp hành chánh sách, trong 12 điều của Mặt trận Việt Minh có nói rõ rằng: Điền chủ giảm tô 25% cho tá điền. Gia đình cậu Ba từng đi phát chẩn cho người nghèo. Nay đất nước nguy nan, phải chống giặc ngoại xâm, giảm tô 25% vừa là giúp nước, vừa hợp lòng dân.

Được lời như cởi tấm lòng, Công tử Bạc Liêu giãi bày và đề xuất ngay hướng giải quyết rất ổn mà cũng rất… công tử Bạc Liêu:

- Hầu hết tá điền dựa vào chánh sách mới, chẳng những không trả nợ mà còn phá phách, buộc tôi phải dùng “hạ sách” thuê lính thu tô. Chứ được như ngài Bí thư tỉnh ủy nói, nếu tá điền cam kết trả nợ cho tôi thì chẳng những tôi chịu giảm tô 25% mà 50% cũng được. Gia đình tá điền nào quá khó khăn, tôi sẽ giảm 80%, thậm chí 100%.

Không ngờ cuộc gặp gỡ thành công tốt đẹp ngoài dự kiến. Bí thư tỉnh uỷ có cách giải quyết rất hay. Nói là làm, ông cho tập hợp bà con nông dân đến, để công tử Bạc Liêu trần tình với bà con. Rồi đại diện nông dân cam kết trả nợ cho Ba Huy. Mức giảm tô theo cam kết rất “ngon lành”: Ba Huy giảm 50%, chỉ thu 50% của bà con. Chưa hết, Công tử Bạc Liêu còn mời Bí thư tỉnh ủy và bà con ở lại dùng một bữa cơm thân mật. Tại bữa cơm ấy, Bí thư tỉnh ủy đã phát biểu mang tính chất kết luận:

- Rõ ràng hôm nay, cậu Ba đã đi theo Chính phủ kháng chiến. Tôi mong rằng, không chỉ hôm nay mà mãi mãi cậu Ba đi với chúng tôi.

Sau cuộc gặp, Công tử Bạc Liêu còn chủ động đề xuất xem cách mạng có cần gì không. Nghe ông Trần Văn Sớm nói bộ đội rất thiếu thốn, rất cần thuốc và vải vóc, Công tử Bạc Liêu đã gửi những thứ này cho Việt Minh. Sau đó, giữ đúng lời hứa, ông không cho lính thu tô nữa, về ở hẳn Sài Gòn và sau này người ta thấy, ông không hề có một hành vi hợp tác nào với giặc cho đến tận cuối đời, ông chết năm 1973 vì bệnh hen suyễn.

Bài và ảnh: MINH HÀ