QĐND - Họ-những người vợ có chồng là phi công quân sự hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đang sống quãng đời đầy hoài niệm về người chồng yêu dấu. Ba người phụ nữ trong bài viết này, mỗi chị một hoàn cảnh khác nhau. Các anh ra đi, bao gánh nặng đè lên đôi vai của những người vợ. Những kỷ niệm có thể lùi xa cùng năm tháng, nhưng điều còn mãi là nỗi nhớ thương và nghị lực vươn lên...

Điểm tựa của những người cùng cảnh ngộ

Câu chuyện của tôi với chị Nguyễn Hương Trà -vợ của liệt sĩ Thượng tá Trương Hoài Châu, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 918 (Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không -Không quân) có lúc lặng đi; bởi tôi vô tình gợi lại những ký ức trong sâu thẳm của chị. Hình như làm vợ phi công ai cũng nhận sự hy sinh về mình, chẳng bao giờ để chồng phải buồn phiền lo lắng. Các chị nguyện làm bến đỗ bình yên cho cánh bay của các anh vút cao trên bầu trời.

Chị Trà kể: Anh và chị là bạn học từ thuở ấu thơ. Tốt nghiệp phổ thông trung học, anh được tuyển vào phi công rồi được ra nước ngoài tu nghiệp 6 năm. Trong thời gian tu nghiệp, mỗi lần được về phép, anh chị lại cùng nhau gặp gỡ đám bạn thời phổ thông. Chính từ những lần gặp gỡ bạn bè đó, được ăn những món ngon Hà Nội do chính tay chị nấu, anh dần nhận ra nét dịu dàng, đằm thắm, chân thành ở chị. Và tình cảm trong sáng cứ thế lớn dần lên, đơm hoa, kết trái thành cuộc hôn nhân chung thủy suốt bao năm tháng sau này.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Trung tướng Phương Minh Hòa -Tư lệnh Quân chủng Phòng không -Không quân  thăm gia đình liệt sĩ phi công Trương Hoài Châu.

Từ ngày làm vợ phi công, chị lại càng chăm sóc anh chu đáo hơn nữa vì chị thực sự hiểu được những vất vả, khó khăn mà anh cùng đồng đội phải vượt qua trong công việc. Cuộc sống dẫu còn nhiều thiếu thốn, song chị luôn cố gắng thu xếp mọi việc để anh an tâm trước mỗi chuyến bay làm nhiệm vụ. Khi anh ở cương vị Trung đoàn trưởng 918, chị lại càng quan tâm và cố gắng dành thời gian giúp đỡ anh nhiều hơn nữa trong việc làm cầu nối tinh thần giữa các gia đình chiến sĩ. Mỗi độ Tết đến xuân về, anh chị luôn tìm đến những gia đình đồng đội có hoàn cảnh khó khăn nhất để động viên, sẻ chia với họ. Rồi đến ngày kỷ niệm 30 năm thành lập Trung đoàn, chị lặng lẽ gọi điện thoại cho các chị em là vợ của phi công để mọi người cùng nhau đóng góp mua một món quà nhỏ nhưng thật ý nghĩa gửi tặng Trung đoàn làm kỷ niệm.

Khi nhận được tin anh hy sinh, lòng chị chết lặng trong đau đớn tột cùng; nhưng chị cố gắng kìm nén đau thương để làm điểm tựa cho người thân. Nếu lúc đó chị gục ngã thì các con và hai người mẹ già sẽ hoang mang lo lắng. Sự bình tĩnh đến kỳ lạ của chị trước sự ra đi đột ngột của anh đã khiến cho nhiều người cảm phục. Năm năm trôi qua, nỗi đau mất anh vẫn chẳng thể nguôi ngoai nhưng chị đã nhận được niềm vui từ sự trưởng thành của các con. Cháu đầu hiện đang làm quản lý về marketing cho một công ty thời trang lớn, còn cháu thứ hai hiện đang đi du học .

Giờ đây, chị không những là trụ cột thay anh trong gia đình mà còn là điểm tựa tinh thần cho những chị em cùng cảnh ngộ. Từ ngày các anh ra đi, ngôi nhà của chị trở thành điểm gặp gỡ của những người vợ liệt sĩ phi công. Có  dịp  thu xếp đông đủ, chị lại mời mọi người đến nhà, cùng nhau nấu những món ăn ngon, kể cho nhau nghe chuyện buồn vui của mỗi nhà; để từ đó chia sẻ, động viên, giải tỏa những khó khăn vướng mắc khi các chị mất đi người bạn đời của mình.

“Anh dặn mẹ con tôi phải học”

Chị Nguyễn Thị Châm nhà ở số 12, phố Nguyễn Viết Xuân, Hà Nội, vợ của liệt sĩ Hoàng Văn Luận, phi công lái chính AN -26, Trung đoàn 918 nhớ lại: Có những hôm trời Hà Nội trở lạnh bất thường, biết chị đi làm không kịp mang áo ấm, anh đi xe hàng chục cây số từ đơn vị để mang áo cho chị. Rồi những hôm chị đi tập thể dục gặp trời mưa, anh đã đội mưa đến đón chị về trong sự ngỡ ngàng của các bạn tập.

Đến bây giờ chị vẫn nghĩ yêu anh và đến với anh là một diễm phúc lớn của đời mình. Dẫu cuộc sống có lúc khó khăn, song chưa bao giờ anh để cho vợ con phải khổ, anh luôn yêu thương chị hết mực. Công to, việc nhỏ trong gia đình anh đều cáng đáng. Anh còn tạo điều kiện và động viên chị theo chương trình cao học và muốn chị có thật nhiều thời gian để phấn đấu vươn lên trên con đường sự nghiệp. Thế nhưng anh đã ra đi trong một chuyến bay nhiệm vụ, máy bay đột ngột trục trặc kỹ thuật và tổ bay đã có hành động dũng cảm kịp điều khiển máy bay ra khỏi khu dân cư trước lúc hy sinh. Dẫu đau đớn tột cùng, song chị quyết đứng lên, tiếp tục thực hiện ước nguyện của anh. Chị tiếp tục việc học, càng khổ đau chị lại càng thêm nghị lực, đồng thời gánh thêm trên vai sứ mệnh của anh là nuôi dưỡng và lo cho con cái ăn học nên người. Vừa đi làm, vừa đi học, vừa chăm lo gia đình đến năm 2010 chị cũng lấy được bằng thạc sĩ với kết quả xuất sắc.

Noi gương bố mẹ, cả hai con của chị đều chăm ngoan học giỏi. Cháu lớn Hoàng Mỹ Linh năm nay vào đại học, đang phấn đấu để dành học bổng đi du học nước ngoài. Còn cháu Hoàng Nghĩa Dũng năm nay vào lớp 7, năm học vừa rồi tổng kết hai môn Văn và Toán đều đạt 10 điểm.

Ngôi nhà và bóng hình anh

Chị Nguyễn Thị Hải, vợ của liệt sĩ, Thượng tá Nguyễn Văn Vinh, phi công Mig -21 khi nhắc lại những ngày đầu gian khó cùng anh ở Yên Bái chị lại rưng rưng nước mắt. Quê chị ở tận miền núi Văn Bàn của tỉnh Lào Cai. Chị yêu anh khi còn là sinh viên của Trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái, còn anh quê ở miền Trung và khi đó anh là cán bộ phi đội thuộc Trung đoàn 931 (Sư đoàn 371). Anh chị lấy nhau và mượn ngôi nhà trước cổng sân bay Yên Bái để ở tạm. “Thuyền theo lái, gái theo chồng”, chị quyết dứt bỏ ước mơ làm cô giáo để theo chồng. Chị được nhận vào đơn vị anh làm công tác nuôi quân, hằng ngày trực tiếp phục vụ ăn cho các cán bộ, phi công, thợ kỹ thuật làm nhiệm vụ huấn luyện ngoài sân bay. Được tận mắt chứng kiến chồng và đồng đội trong mỗi chuyến bay chị mới cảm nhận được nỗi gian truân, vất vả của người lính phi công. Sân bay lúc nào cũng nóng hơn 40 độ, đường băng bốc hơi nóng hầm hập, vậy mà anh và đồng đội vẫn ngày đêm âm thầm bám trụ sân bay thực hiện các chuyến bay bảo vệ bình yên bầu trời Tổ quốc.

Sau này, anh được về Hà Nội học, chị lại thu xếp hành trang từ Yên Bái cùng con theo anh về Hà Nội. Hai vợ chồng được chỉ huy quan tâm cho mượn căn nhà cấp bốn chưa đầy 15m2 của Học viện Phòng không -Không quân để tá túc. Nhưng thời gian vợ chồng bên nhau cũng rất ngắn ngủi. Học xong anh đi nhận nhiệm vụ ở Bắc Giang rồi trở lại sân bay Yên Bái. Còn chị ở lại hẳn Hà Nội vì việc học của con. Thương nhớ chồng nhưng cũng chỉ biết cam chịu, không bao giờ chị kêu ca đòi hỏi anh một lời. Có lúc vì nhiệm vụ anh đi biền biệt hàng tháng trời, về nhà một thoáng lại đi ngay. Phần chị, hết việc cơ quan lại nhận đan len gia công để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình. Nhiều khi con cái ốm đau một mình chị tự đưa đi viện, tự chăm nom, thuốc thang, không dám cho anh biết vì sợ anh bị phân tâm lo lắng mà ảnh hưởng đến nhiệm vụ. Rồi vợ chồng chị được Quân chủng Phòng không -Không quân phân một ngôi nhà cấp bốn trong khu tập thể. Anh cứ triền miên đi công tác xa nhà, thương vợ con cứ phải ở trong căn nhà cũ kỹ, xập xệ mỗi lúc nắng xuống mưa về. Lần lựa mãi đến năm 2009 anh cũng quyết định xây cất một ngôi nhà mới. Tiếc thay, nhà xây chưa xong anh đã vội ra đi, chưa một ngày được ở trong ngôi nhà khang trang của chính mình.

Nhiều người bàn với chị đem cho thuê ngôi nhà rồi tìm một nơi ở khác để lấy tiền nuôi con. Đúng là căn nhà nếu cho thuê mỗi tháng không dưới đôi ba chục triệu nhưng chị không muốn. Nhớ những ngày cuối tuần về chưa kịp nghỉ ngơi anh lại hì hục lau dọn, sửa soạn, sắp đặt mọi thứ trong nhà chị lại rưng rưng nước mắt, đâu đâu cũng chất chứa những kỷ niệm của anh. Những công việc anh làm đang dang dở chị sẽ tiếp tục hoàn thành. Chị nói: “Đây là kỷ niệm của anh, ngôi nhà là hiện thân của anh. Khi đang sống anh đã ao ước để có nó. Bây giờ tôi phải giữ, như vậy lúc nào tôi cũng cảm giác như anh hiện hữu bên gia đình”.

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến những câu thơ của Xuân Quỳnh: “Tay em dừng trên vầng trán lo âu / Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau / Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả / Khi anh vắng, bàn tay em biết nhớ / Bàn tay em gia tài bé nhỏ / Em trao anh cùng với cuộc đời em”. Sự hy sinh của các anh là cao cả, song sự hy sinh thầm lặng của các chị cũng vô cùng sâu sắc và ý nghĩa biết bao!

Bài và ảnh: Nguyễn Thành Trung