QĐND - Mùa thi đại học năm 1999, một cô gái ở Thanh Hóa đã khiến dư luận xôn xao bởi bức thư cô gửi cho ông Nguyễn Minh Hiển-Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc đó-xin được dự thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du, bởi khi ấy trường có quy định không tuyển thí sinh tàn tật. Được sự đồng ý của Bộ trưởng, cô đã dự thi và đỗ vào đại học năm ấy. Sau khi tốt nghiệp-Trần Thị Ngọc Lan, cô gái trẻ tàn tật ấy-được tuyển làm biên tập viên tại Nhà xuất bản Văn học. Từ đó đến nay, ngoài công việc của một biên tập viên mẫn cán và có uy tín chuyên môn, Trần Thị Ngọc Lan đã xuất bản gần chục tập thơ và tiểu thuyết khá ấn tượng và đã đoạt nhiều giải thưởng văn chương ở trung ương và địa phương...
Số phận nghiệt ngã
Sinh năm 1979, tại thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân-Thanh Hóa, vùng quê được mệnh danh là “đất dữ” bởi quanh nhà chị, có đến mười mấy nóc nhà đều có người chết trẻ. Gia đình Trần Thị Ngọc Lan dù là ngoại lệ nhưng bi kịch cuộc đời vẫn ập đến khi người anh trai mắc bệnh tâm thần phân liệt chỉ biết lấy việc chửi mắng người thân, đập phá đồ đạc làm niềm vui; người chị gái sắp trở thành cô giáo thì căn bệnh ung thư quái ác cướp đi cuộc sống… Còn Ngọc Lan, khi mới lên 5 tuổi đã bị liệt nửa người sau một trận sốt thập tử nhất sinh.
 |
Những tác phẩm của chị vẫn ngày một nhiều thêm... |
Mỗi lần nhắc đến ký ức, dòng nước mắt lại trào ra khóe mắt Ngọc Lan. Với chị, mái ấm gia đình mình tưởng chừng đã chạm đáy sự cùng cực. Chị ngậm ngùi: “Sau trận sốt định mệnh ấy cho đến giờ tay phải và chân phải của tôi đã không thể cử động nữa. Lúc ấy, dù là trẻ con nhưng lúc nào tôi cũng thèm sống, khát sống”.
Khi đã quá tuổi vào lớp Một, nhìn những bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường, Ngọc Lan càng thêm nghẹn ngào và niềm khao khát được tung tăng như bao đứa trẻ khác càng lớn dần. Rồi chị quyết định tập đi, vịn vào vách nứa, phên tường lần từng bước một, mặc cho đôi tay bị cật nứa cắt đến bật máu. Vượt qua thử thách ấy, suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường chị đều học rất giỏi, đặc biệt thầy cô ai cũng để ý đến sức cảm thụ văn học của Ngọc Lan. Chẳng thế mà những năm học lớp 6, lớp 7... chị đã có rất nhiều bài thơ và tạp văn in ở các báo, tạp chí trung ương và địa phương. Có lẽ, dấu mốc quan trọng minh chứng cho sự nỗ lực của Ngọc Lan là khi chị vào tuổi trăng tròn đã cho ra mắt tiểu thuyết đầu tay mang tên “Ánh sao rơi” - đứa con tinh thần của những ngày tháng miệt mài ngồi trên bàn viết bằng bàn tay trái yếu mềm.
Căn phòng trọ 2 mét vuông
Cách đây gần ba năm, đúng dịp người người nhà nhà đang nhộn nhịp chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền thì chị gọi điện nhờ chúng tôi đến chuyển đồ đạc về phòng trọ mới. Chúng tôi khấp khởi tưởng tượng về một nơi nào đó rộng rãi hơn, thoáng đãng hơn, bởi từ lúc tốt nghiệp đại học, chị thuê một căn phòng chừng 5 mét vuông tại ngõ chợ Châu Long vừa chật hẹp vừa ẩm thấp và dường như chẳng có lối chen chân mỗi lần khách đến. Niềm hy vọng ấy trong phút chốc đã vụt biến khi chị dẫn chúng tôi đối diện với căn phòng mới - đúng hơn đó là một góc thừa của căn nhà 5 tầng - chỉ rộng gần 2 mét vuông đủ kê chiếc giường chưa đầy một mét bề ngang và chiếc ghế cỏn con cho khách ngồi...
 |
Trong căn phòng trọ 2 mét vuông, đêm đêm Trần Thị Ngọc Lan vẫn miệt mài bên bàn phím... Ảnh: Trực Ninh. |
Nhiều người cứ băn khoăn, bây giờ công việc đã phần nào ổn định, tại sao Ngọc Lan cứ làm khổ mình? Chị chớp chớp đôi mắt trong veo vẫn giọng đều đều từ tốn: “Sướng khổ hay không là do cách quan niệm của mỗi người, với một người tàn tật như tôi, lại đi làm cả ngày, tối đến chỉ cần một chỗ ngủ thì như thế vẫn chưa phải chật chội gì”. Phải mất đến hơn một ngày, chị mới có thể sắp xếp đồ đạc tạm ổn trong phòng trọ ấy bằng cách gói gọn và… treo tất cả lên tường! Vật bất ly thân với chị là sách và chiếc máy tính cũ kỹ.
Bao năm qua, Trần Thị Ngọc Lan vừa phải quẫy đạp để chiến thắng bệnh tật, vừa ấp ủ bao hoài bão của người cầm bút. Chị đã cho ra đời hơn chục đầu sách đủ các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ... được độc giả mến mộ và trân trọng, như: “Ánh sao rơi” (tiểu thuyết, 1996), “Trăng rằm” (thơ, 1996), “Sao nỡ chia đôi” (tiểu thuyết, 1997, “Nỗi buồn cho em” (thơ, 1999); “Bến đợi” (tập truyện ngắn, 2000), “Có vơi niềm đau” (tiểu thuyết, 2001), “Mắt đá” (thơ, 2001), “Phu bòn” (tiểu thuyết, 2003), “Liên quan gì đến tôi” (thơ, 2005), “Mẹ trần gian” (tập truyện ngắn, 2008), “Gương mặt con người” (truyện ngắn, 2010)…
Thỉnh thoảng, người ta vẫn bắt gặp Trần Thị Ngọc Lan thập thững giữa đám đông tham gia các sự kiện văn chương ở Hà Nội. Trên gương mặt hằn vẻ khắc khổ và giọng nói đã bắt đầu khó khăn do biến chứng của bệnh tật, chúng tôi vẫn luôn thấy ngời lên sức sống bền bỉ như sẵn sàng thách thức mọi khó khăn của cuộc đời.
LỮ THỊ MAI