QĐND - Chưa đầy hai năm tại xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) liên tiếp xảy ra hai vụ nổ lò than làm 5 người thiệt mạng và nhiều người bị thương nặng. Đó là sự báo động về an toàn lao động và nạn khai thác than tự do trên địa bàn.

Tang thương xóm nghèo

Chúng tôi về xóm Vọ, xã Cuối Hạ, nơi cách đây chưa đầy hai tháng xảy ra vụ nổ lò than vỉa số 8 làm 4 công nhân thiệt mạng và hai người bị thương nặng. Không khí tang thương vẫn bao trùm lên xóm nghèo.

Anh Bùi Văn Hưng, 36 tuổi, một trong hai người may mắn sống sót vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại sự việc: “Lúc đó khoảng 9 giờ, nhóm tôi có 6 người cùng xuống lò bằng tời sâu 20m, rồi đi xuyên ngang khoảng 50m nữa. Lúc đó tôi đang cuốc than thì bất ngờ nghe một tiếng nổ, nhìn lên trần hầm thấy một tia lửa xanh xẹt qua. Anh em lúc đó kêu la thảm thiết, toàn thân bỏng rát nhưng vẫn cố bò lên hầm. Sau đó chúng tôi được đưa đến Viện Bỏng Quốc gia”. Anh Hưng nằm viện chữa trị hết gần 90 triệu đồng, phía công ty hỗ trợ được 24 triệu đồng, còn lại gia đình vay mượn, đến nay không biết làm gì để trả. Khó khăn hơn khi anh bị bỏng toàn thân, hai tay không thể làm việc được. Tất cả giờ anh phải trông cậy vào người vợ đi làm thuê.

Hiện trường nơi xảy ra vụ nổ lò than làm 4 người tử vong.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4, đang xây dở, bà Bùi Thị Bưa, mẹ của nạn nhân Bùi Văn Nguyên, sinh năm 1978, vừa nhìn lên di ảnh của con vừa tâm sự: “Khổ tâm lắm chú ơi, khi ở Viện Bỏng, mỗi ngày điều trị mất 19 triệu đồng. Bao nhiêu tiền của trong nhà bán sạch cả rồi, mà vẫn không cứu được con. Trước lúc mất nó thều thào khóc, nó bảo tại vì nghèo mà con ra nông nỗi này, con xin lỗi cả nhà”.

Đau đớn hơn cả là trường hợp của nạn nhân Bùi Văn Hoài, sinh năm 1993. Từ nhỏ Hoài ở với mẹ, cuộc sống nghèo khổ. Trước lúc đi làm than Hoài mới cưới vợ. Lúc Hoài mất, vợ của anh đang mang thai đứa con đầu lòng. Một người hàng xóm tâm sự: “Từ hôm Hoài mất, nhà lúc nào cũng đóng cửa không tiếp ai nữa”.

Được biết vào tháng 3-2012 cũng tại xã Cuối Hạ đã xảy ra một vụ nổ lò than làm một công nhân thiệt mạng, 3 người khác bị bỏng từ 75 đến 95% diện tích cơ thể.

Khai thác phải bảo đảm an toàn

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dưn, Phó chủ tịch UBND xã Cuối Hạ cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã Cuối Hạ có hai đơn vị khai thác than là Công ty Khải Thành và Công ty Than khoáng sản Kim Bôi, chưa kể những lò than thổ phỉ khai thác chui. Trong những năm qua, việc khai thác than chưa biết mang lại lợi ích gì nhưng cái hại thì đã thấy trước mắt.

Tất cả các lao động bị tai nạn do nổ khí mê-tan đều là lao động chính của gia đình. Họ đều là lao động tự do không có bảo hiểm lao động, tranh thủ lúc nông nhàn đi làm thêm. Công việc vô cùng vất vả, nguy hiểm nhưng mỗi tháng chỉ được vài ba triệu đồng/người. Việc quản lý các lao động tự do này là rất khó vì phần lớn họ là người nơi khác đến. Trước đây họ ngang nhiên khai thác than, đào nhiều mỏ thổ phỉ, xã phải cử lực lượng ra canh tuần nhưng không xuể.

Ông Dưn cũng cho biết: Việc khai thác mỏ than, sắt, cao lanh trong thời gian qua đã làm sạt lở nhiều mỏm núi, làm ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của bà con. Tháng 5-2013, sau một trận mưa to, lúa bà con mới cấy bị vùi lấp, bà con đưa đơn khiếu nại, buộc phía đơn vị khai thác than phải bồi thường. Trong các cuộc họp Hội đồng nhân dân, xã đều có ý kiến lên huyện về việc ngừng khai thác khoáng sản trên địa bàn xã, nhưng đến nay họ vẫn khai thác vì có giấy phép.

Công nhân làm việc không có bảo hộ lao động.

Theo sự dẫn đường của một công an viên xã Cuối Hạ, chúng tôi đã được vào thực tế công trường khai thác than. Đường vào bãi đá tai mèo lởm chởm, nhìn ra xa những sườn núi bị khoét tạo nên những hàm ếch sâu hoắm. Bên dưới các lò than nơi công nhân đang khai thác, những dòng nước đen ngòm đang chảy ngấm xuống suối.

Ông Lê Văn Nghĩa, đại diện Công ty Than khoáng sản Kim Bôi cho biết: Công ty chúng tôi vừa mới về đây tiếp quản được hơn 4 tháng, lò than vỉa số 8 do anh Nguyễn Đức Phụng quản lý, trước khi Công ty về tiếp quản. Với những lao động tự do, sắp tới chúng tôi sẽ chấm dứt hợp đồng lao động. Trước mắt, chỉ tập trung khai thác các lò than bảo đảm an toàn. Sự việc vừa qua là một sự cố đáng tiếc.

Lý giải về việc chậm khắc phục hậu quả đền bù cho các bị nạn, ông Nghĩa cho biết: Sau khi sự việc xảy ra, anh Phụng đã bỏ trốn khỏi địa bàn, gia đình anh Phụng không hợp tác với công ty, hiện công an huyện Kim Bôi đã khởi tố vụ án. Chúng tôi đã tổ chức gom góp tiền của anh em trong công ty để hỗ trợ cho các gia đình nhưng đến nay vẫn còn một trường hợp chưa thống nhất được.

Việc khai thác than nhất thiết phải bảo đảm an toàn. Đó là trách nhiệm của các Công ty Khải Thành và Công ty Than khoáng sản Kim Bôi.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN