Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Đắc Lắc có 770 công trình thủy lợi, nhưng có tới 55% số công trình đã hư hỏng, xuống cấp. Năm 2014, HĐND tỉnh Đắc Lắc đã ban hành Nghị quyết số 141/2014/NQ-HĐND, ngày 13-12-2014 về “An toàn hồ chứa trên địa bàn”, với tổng kinh phí 2.343 tỷ đồng. Nhưng đến nay, nghị quyết trên chưa được triển khai do thiếu kinh phí.
Tìm hiểu tại Công ty TNHH MTV Quản lý công trình (QLCT) thủy lợi Đắc Lắc-đơn vị quản lý, khai thác phần lớn công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc, ông Hà Văn Hoan, Phó giám đốc công ty, bày tỏ lo ngại: Hiện công ty quản lý 306 công trình, hằng năm bảo đảm nước tưới cho hơn 80 nghìn ha cây trồng các loại, trong đó chủ yếu là cà phê và lúa nước. Đến nay, 100% công trình cần phải sửa chữa, tu bổ, nâng cấp. Điều đáng lo ngại là hầu hết công trình thủy lợi nhỏ, trước đây xây dựng bằng phương pháp thủ công nên không có hồ sơ thiết kế, hồ sơ xây dựng và không được thẩm định kỹ thuật, dẫn tới việc tu bổ, nâng cấp rất khó khăn và tốn kinh phí. Theo đánh giá hiện trạng, số công trình thủy lợi do công ty quản lý trong mùa mưa lũ 2016 có 66/306 công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn ở mức “đặc biệt nguy hiểm”, có thể vỡ đập bất cứ lúc nào, nhưng doanh nghiệp chưa có nguồn kinh phí để sửa chữa.
Cũng theo ông Hà Văn Hoan, bên cạnh tình trạng xuống cấp, mất an toàn, thì hầu hết công trình thủy lợi lớn, nhỏ ở Đắc Lắc đã và đang bị xâm lấn, vi phạm hành lang vận hành và bảo vệ công trình. Trong đó có những công trình bị lấn chiếm tràn lan, trở thành điểm nóng, chính quyền địa phương chưa có phương án giải quyết dứt điểm.
Đường vận hành và hành lang bảo vệ tuyến kênh T25 thủy lợi Krông Búc Hạ bị lấn chiếm.
Một trong những điểm nóng kéo dài, ảnh hưởng đến an toàn hồ, đập là công trình hồ chứa nước Phù Mỹ, xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo. Theo đánh giá hiện trạng: Hạng mục chính của công trình xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, kênh dẫn thượng lưu gần như bị bồi lấp hoàn toàn, ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ. Toàn bộ tường bên trái của tràn xả lũ đã đổ sập. Các hư hỏng trên nếu không được khắc phục sẽ dẫn tới xói lở, ăn sâu vào thân đập; từ năm 2007 đến nay, đã hai lần nước tràn qua mặt đập khiến đập có thể vỡ bất cứ lúc nào, đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân phía hạ lưu. Được biết, từ tháng 1-2015 (khi công trình bàn giao từ địa phương về cho Công ty TNHH MTV QLCT thủy lợi Đắc Lắc quản lý), công ty đã thường xuyên báo cáo, đề xuất phương án sửa chữa, nhưng khi triển khai bị người dân cản trở. Cụ thể lần gần đây nhất là ngày 30-9-2016, UBND huyện Ea H’leo và công ty đã chuẩn bị máy móc và 230 nhân công, tiến hành phương án nạo vét kênh dẫn thượng lưu nhưng không thực hiện được do 24 hộ dân ngăn cản.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phan Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Ea H’leo, cho biết: Hồ chứa nước Phù Mỹ là công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm, được xây dựng từ năm 1997, với kinh phí 500 triệu đồng, bảo đảm nước tưới cho khoảng 100ha. Năm 2008, công trình đã được nâng cấp lần 1; đến năm 2010, lập hồ sơ nâng cấp lần 2 với kinh phí 1,8 tỷ đồng, nhưng không thực hiện được do một số hộ dân cản trở, đòi bồi thường đất lòng hồ. Tuy nhiên, các hộ dân không đưa ra được giấy tờ chứng minh có đất lòng hồ; trong khi đó, công trình không có hồ sơ nên chính quyền từ huyện đến tỉnh không có căn cứ pháp lý để giải quyết đền bù(!). Qua tìm hiểu được biết, toàn huyện Ea H’leo có 37 công trình thủy lợi thì phần lớn công trình đều xảy ra vi phạm hành lang bảo vệ và mất an toàn.
Không chỉ công trình thủy lợi nhỏ như Phù Mỹ bị cản trở việc sửa chữa, nâng cấp, mà những công trình thủy lợi lớn cấp quốc gia như Krông Búc Hạ, có tổng kinh phí đầu tư 2.500 tỷ đồng, công trình đầu mối khánh thành, đưa vào khai thác từ tháng 6-2013, bảo đảm nước tưới cho 11.400ha cây trồng và nước sinh hoạt cho 72 nghìn dân, cũng đã và đang bị hàng trăm hộ dân lấn chiếm hành lang bảo vệ kênh mương, dẫn tới công trình giảm hiệu năng, gây cản trở quá trình vận hành. Cụ thể tại đầu tuyến kênh T25, thuộc địa bàn xã Tân Tiến, các hộ Y Win và Ma Gông lấn chiếm toàn bộ đường vận hành và hành lang bảo vệ công trình để xây dựng công trình phụ và sản xuất nông nghiệp. Từ hai hộ lấn chiếm đầu kênh, kéo theo hàng trăm hộ có đất và nhà ở dọc 2km tuyến kênh đua nhau lấn chiếm. Nhiều vị trí bờ kênh bị lấn chiếm xây tường rào bao quanh, trồng cỏ, làm sân phơi,... gây cản trở việc quản lý, vận hành công trình. Đồng chí Phạm Hữu Thành, Phó giám đốc Chi nhánh thủy lợi huyện Krông Pách (Công ty TNHH MTV QLCT thủy lợi Đắc Lắc)-đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành thủy lợi Krông Búc Hạ-bức xúc: “Tình trạng người dân lấn chiếm hành lang bảo vệ và đường vận hành công trình xảy ra từ năm 2014 đến nay, nếu không có sự vào cuộc của chính quyền từ xã đến tỉnh thì khó có thể giải quyết”.
Qua điều tra cho thấy, nhiều công trình thủy lợi ở Đắc Lắc không những xảy ra lấn chiếm đất hành lang bảo vệ, lấn chiếm mặt nước, xâm hại thân đập, cửa xả, mà có nơi chính quyền còn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân chồng lấn lên đất hành lang bảo vệ công trình, dẫn tới tranh chấp kéo dài. Mặc dù những hành vi trên đã vi phạm Khoản 1, Điều 28 Pháp lệnh về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, nhưng xem ra, việc xử lý của chính quyền các cấp ở tỉnh Đắc Lắc chưa nghiêm, dẫn tới người dân "nhờn" luật, vi phạm tràn lan và kéo dài. Chúng tôi cho rằng, cùng với việc huy động nguồn lực sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn hồ, đập, tỉnh Đắc Lắc cần mạnh tay với tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi.
Bài và ảnh: THỦY BÌNH