QĐND - Nguyên soái Rô-cô-sốp-xki từng coi giọng nói của Y-u-ri Lê-vi-tan có sức mạnh bằng cả một sư đoàn. Hít-le coi ông là kẻ thù số 1 và đã treo giải 250.000 mác cho ai lấy được đầu của phát thanh viên này.

“Chú ý! Đây là Đài Phát thanh Mát-xcơ-va! Hỡi các công dân Liên Xô! Chúng tôi xin truyền tới các bạn thông báo của Chính phủ Xô-viết. Hôm nay, vào lúc 4 giờ sáng, quân đội Đức đã tấn công đất nước chúng ta mà không hề báo trước. Chúng đánh qua biên giới vào nhiều địa phương và dùng máy bay ném bom nhiều thành phố của chúng ta...”.

Tin về khởi đầu của cuộc chiến đã được phát thanh viên Y-u-ri Lê-vi-tan truyền đi như vậy trên làn sóng radio toàn Liên bang Xô-viết. Những người đã từng nghe thông báo ấy chẳng thể nào quên giọng nói âu lo và nghiêm nghị của ông. Đó là điều chưa từng có trước đây cũng như sau này trong lịch sử văn hóa thế giới, một phát thanh viên nổi tiếng ngang tầm với những nghệ sĩ vĩ đại nhất của Liên Xô như: Lê-men-xây, Các-lốp-xki, Ka-ru-dốp…

Y-u-ri Lê-vi-tan sinh ngày 2-10-1914 tại Vla-đi-mia. Trong những năm còn đi học, Y-u-ri thường tổ chức các buổi biểu diễn nghiệp dư với giọng hát khỏe khoắn. Vì thế, Y-u-ri được bạn bè đặt cho biệt danh là “Kèn đồng”.

Y-u-ri Lê-vi-tan. Ảnh: Ria Novosti

Năm 17 tuổi, Y-u-ri đến Mát-xcơ-va để thi vào Trường Đại học Điện ảnh, nhưng không đỗ. Quá thất vọng, chàng trai ra ga tàu hỏa để trở về nhà, bỗng anh nhìn thấy trên một cột điện tờ giấy thông báo về việc tuyển chọn phát thanh viên. Ngay ngày hôm sau, Y-u-ri xuất hiện trước ban giám khảo cuộc tuyển chọn. Dù còn quá trẻ, dù mang thổ âm Vla-đi-mia nhưng giọng nói của anh đã quyết định tất cả - rõ ràng, dứt khoát, mê hoặc.

Thời gian đầu, công việc của Y-u-ri Lê-vi-tan là chuyển công văn tới các phòng, pha trà cho các đồng nghiệp. Đêm đêm, anh vẫn miệt mài luyện giọng để khắc phục thổ âm Vla-đi-mia của mình. Cuối cùng, Y-u-ri được giao đọc qua radio các bài báo trên tờ Sự thật.

Đêm đầu tiên Y-u-ri được đọc trước mi-crô, Xta-lin cũng ngồi cạnh đài thu thanh. Lãnh tụ có thói quen làm việc ban đêm và chiếc radio trong phòng làm việc của ông cũng không tắt. Sau khi nghe Y-u-ri đọc xong, ông gọi điện thoại ngay cho Chủ tịch Ủy ban Thông tin Liên Xô lúc bấy giờ và nói rằng, người đọc bài phát biểu khai mạc của ông vào sáng ngày mai tại Đại hội Đảng lần thứ XVII phải là phát thanh viên vừa đọc bài báo trên tờ Sự thật.

Vào lúc 12 giờ trưa, người ta mang vào phòng phát thanh chiếc phong bì đựng bản báo cáo của Xta-lin. Mặt tái đi vì xúc động, trong 5 giờ liền, Y-u-ri đã đọc bài phát biểu quan trọng mà không phạm một lỗi nào. Ngày hôm sau, chàng trai 19 tuổi trở thành phát thanh viên chính của Liên Xô.

Ủy ban Thông tin Liên Xô thời đó có nhiệm vụ phản ánh qua báo chí và đài phát thanh về tình hình chiến sự ngoài mặt trận, về các sự kiện thế giới và đời sống trong nước. Ban đầu, ủy ban chỉ có khoảng 30 nhân viên. Sau đó, biên chế ban biên tập lên đến 80 người. Nếu nói đến quy mô hoạt động của Ủy ban Thông tin Liên Xô thì biên chế như vậy là không nhiều, nhưng tiềm năng sáng tạo của cơ quan này là không hề nhỏ. Tác giả các bài báo đều là những nhà văn nổi tiếng của Liên Xô như Mi-khai-in Sô-lô-khốp (người về sau được tặng Giải thưởng Nobel văn học), A.Tôn-xtôi, I. Ê-ren-bua, L. Xi-mô-nốp…

Mùa hè năm 1941, một quả bom nửa tấn đã rơi vào sân Ủy ban Thông tin và radio của Đức vội vàng thông báo: “Trung tâm Thông tin của quân Bôn-sê-vích đã bị phá hủy! Lê-vi-tan đã bị tiêu diệt!”. Nhưng quân phát xít đã quá vội vàng. Quả bom rơi vào miệng ống cống và không nổ. Chưa đầy 4 tiếng đồng hồ sau, trên sóng đã lại vang lên giọng nói của Y-u-ri.

Khi chiến tranh mới bắt đầu, Giô-dép Ghép-ben, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền dưới thời Hít-le đã nảy ra ý tưởng là sẽ bắt Y-u-ri Lê-vi-tan đọc tin chiến thắng trong cuộc chiến với Liên Xô. Ban lãnh đạo SS được giao nhiệm vụ bắt cóc người phát thanh viên Liên Xô nổi tiếng. Quân Đức treo giải 250.000 mác cho ai bắt được Lê-vi-tan. Hồi đó, đây là một khoản tiền không nhỏ. Thế nhưng, đúng là về sau Y-u-ri Lê-vi-tan đã đọc tin về chiến thắng. Nhưng đó là chiến thắng vĩ đại của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh chống phát xít Hít-le.

Sau này, Y-u-ri Lê-vi-tan nhớ lại: “Chúng tôi thường mơ ước một ngày nào đó được đọc thông báo về thắng lợi hoàn toàn của Hồng quân Liên Xô đối với phát xít Đức. Và mơ ước đó đã thành hiện thực... Ngày 9-5-1945, tôi may mắn được đọc biên bản về việc đầu hàng không điều kiện của phát xít Đức... Buổi chiều hôm đó, tôi cùng với Chủ tịch Ủy ban Thông tin Liên Xô A-lếch-xây Pu-din được triệu tập vào điện Crem-li và nhận văn bản Lệnh của Tổng tư lệnh tối cao về chiến thắng đối với phát xít Đức. 35 phút sau phải phát sóng tài liệu đó. Phòng phát thanh, nơi chúng tôi cần có mặt nằm cách điện Crem-li không xa, sau tòa nhà bách hóa tổng hợp. Tuy nhiên, để đi tới đó cần phải vượt qua Quảng trường Đỏ tràn ngập biển người... Biết không có cách nào khác, chúng tôi bèn quay trở lại điện Crem-li, ở đó cũng có một đài phát thanh, và đọc luôn tại đấy. Lúc bấy giờ, đồng hồ chỉ 21 giờ 55 phút”.

Trong những năm chiến tranh, Y-u-ri Lê-vi-tan đã đọc hơn 60.000 bản tin với khởi đầu: “Chú ý! Đây là Đài Phát thanh Mát-xcơ-va!”.

Dương Mỹ