QĐND - Ông là người chuyên sưu tầm và phục chế quạt cổ đã hơn 20 năm nay. Người ta gọi ông là “vua quạt cổ”, là người có "bàn tay vàng”, là “triệu phú đồng nát”, là người "thổi hồn cho quạt cổ"... Nhưng với tôi, trước hết ông Trần Công Phúc là người bà con đồng hương Tân Yên-Bắc Giang. Trong những lần họp mặt đồng hương huyện hoặc tỉnh tổ chức ở thủ đô Hà Nội, bao giờ ông cũng là một trong những thành viên nhiệt tình và sốt sắng nhất. Nghe mọi người nói, ông là cháu ngoại của cụ Đội Bốn, tức Đinh Văn Bốn, một vị tướng tâm phúc của Cụ Đề Hoàng Hoa Thám, Thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế.
 |
Hằng ngày ông vẫn say sưa với những cây quạt cổ. |
Chúng tôi có một kỷ niệm rất đặc biệt với ông Trần Công Phúc. Ấy vào tháng 5-2012, khi cùng được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam mời tham dự cuộc hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 22. Một sự trùng lặp thú vị, ý nghĩa và đáng tự hào là cả 3 tân Kỷ lục gia ở miền Bắc có mặt trong cuộc hội ngộ đó, đều là đồng hương Tân Yên, tức Yên Thế Hạ xưa của tỉnh Bắc Giang. Ông Trần Công Phúc được xác lập kỷ lục là Người có bộ sưu tập quạt cổ nhiều nhất. Nhà văn Dương Thu Ái được xác lập kỷ lục là Nhà văn dịch và soạn sách nhiều nhất Việt Nam. Còn tôi được xác lập kỷ lục là Nhà văn Việt Nam đầu tiên tổ chức cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách "Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam”...
Vào một ngày đẹp trời, tôi đến thăm nhà ông Phúc tại số 2 phố Tạ Hiện trong khu phố cổ Hà Nội. Quả thật, căn nhà của ông là một "kho quạt cổ", một "bảo tàng quạt" từ thủa loài người phát minh ra loại thiết bị chạy bằng hơi nước rồi bằng điện năng, thay cho các thứ quạt nan, quạt lông, quạt mo... vận hành nhờ cơ bắp của con người. Như bao lần tiếp khách đến chơi, ông hào hứng mang ra cả chồng báo và tạp chí có đăng tải những bài viết giới thiệu chân dung của mình với nghề sưu tầm và phục chế quạt cổ. Rồi những tấm danh thiếp của các khách hàng nổi tiếng gần xa…
 |
Chúc mừng ông Trần Công Phúc ngày ra sách và được công nhận "kỷ lục gia". |
Vốn là người nhiều năm làm nghề xuất bản, tôi đề nghị ông Trần Công Phúc nên tuyển chọn những bài đã đăng trên báo chí nói trên, để làm thành một cuốn sách nhỏ. Ngoài những bài viết, có thể in kèm theo một số bức ảnh kỷ niệm của ông và những người thân trong gia đình. Đó không chỉ là một ấn phẩm kỷ niệm "sự nghiệp" sưu tầm và phục chế quạt cổ của ông, mà còn là tài liệu cho những ai muốn nối gót ông sưu tầm và tìm hiểu về lịch sử các loại quạt xưa nay. Ý tưởng trên đây đã được Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ và Nhà giáo ưu tú, Đại tá Lưu Ba-hai thành viên chính trong Ban lãnh đạo Hội đồng hương Tân Yên tại Hà Nội-nhiệt tình ủng hộ.
Và một ngày cuối tháng 3-2013 vừa qua, tại Lục Bát Hội Quán (6/40 Võ Thị Sáu-Hà Nội) cuốn sách nhỏ “Trần Công Phúc-Vua quạt cổ Hà thành” do NXB Công an nhân dân ấn hành đã được trân trọng giới thiệu với bạn hữu gần xa và đông đảo công chúng. Trong buổi ra mắt tưng bừng và thân mật ấy, ông Trần Công Phúc đã chân thành kể lại quá trình trở thành "vua quạt cổ" của mình và chia sẻ cùng mọi người những buồn vui nghề nghiệp, đặc biệt là những chiêm nghiệm của một người thợ cơ khí về những giá trị văn hóa-tinh thần ẩn chứa đằng sau những đồ vật sắt thép "cổ lỗ sĩ", đầy gỉ sét và bụi bặm... Điều đặc biệt nữa là không chỉ sưu tầm và lưu giữ, ông Trần Công Phúc còn ra sức phục hồi, sửa chữa để trả lại chức năng "làm mát" cho hầu hết những chiếc quạt mà chỉ riêng giá trị lịch sử-văn hóa được gọi chung là "đồ cổ" cũng đã là... vô giá!
 |
Bìa cuốn sách về "Vua quạt cổ" Hà thành. Ảnh: Hồng Thắm. |
Chuyện "duyên nợ" của ông Trần Công Phúc với các chủng loại quạt ra đời từ hàng thế kỷ trước, tại các nước văn minh tiên tiến; đến các loại quạt "tai voi", "con cóc" điển hình của thời bao cấp chật vật khó khăn; rồi các loại quạt đa năng, có romote điều khiển từ xa của thời đại kỹ thuật số... thì kể suốt ngày không hết. Sách báo và các trang mạng cũng đăng tải khá nhiều. Một phần trong số đó đã được tập hợp trong cuốn “Trần Công Phúc-Vua quạt cổ Hà thành”. Bấy nhiều cũng đủ để bạn bè và công chúng hình dung về một Kỷ lục gia đương thời và vẫn đang tiếp tục công việc "kỷ lục" của mình. Nếu có điều kiện, người hâm mộ hãy ghé thăm ngôi nhà "Bảo tàng quạt cổ" của ông ở số 2, Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, để thêm một lần được "mục sở thị"...
Nhà văn ĐẶNG VƯƠNG HƯNG